Đổi xe, sang tên ở Mỹ rất… dễ

Đối với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực, thủ tục mua bán và chuyển nhượng xe cũ đều được thực hiện khá dễ dàng và gọn nhẹ.

09:30 15/06/2019

Tại Mỹ, xe cũ hay mới đều có thể được giao dịch tại các cửa hàng truyền thống, hay các trang web mua bán xe trực tuyến. Thủ tục của nó cũng không rườm rà.

Cũ – mới như nhau

Trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ, chị Vy Hoàng – hiện đang sống tại bang California – cho biết kể từ khâu làm giấy tờ và nhận xe chỉ gói gọn từ 2-8 tiếng.

Hiện đang làm việc bán thời gian tại CarMax, một hãng xe có khoảng 190 cửa hàng trên toàn nước Mỹ, chị Vy cho biết các khách hàng của mình thường chỉ gặp khó khăn duy nhất trong việc… chọn xe.

Một bãi bán xe cũ tại (Mỹ) – Ảnh: Reuters

Chị Vy giải thích: “Đối với những người có tín dụng tốt, họ chỉ gặp khó trong phần chọn xe ưng ý, vì có quá nhiều loại xe mà thôi. Ngược lại, những người không có tín dụng tốt thì phải cân bằng giữa ý thích của mình và khả năng chi trả”.

Theo chị Vy, thông thường các hãng xe đều chỉ bán xe cũ có tuổi sử dụng từ 3 năm đổ lại và luôn có chứng nhận chất lượng đầy đủ. Hồ sơ để mua xe chỉ yêu cầu người mua cung cấp mã số công dân, nơi làm việc, địa chỉ nhà, thời gian thường trú tại đó và thu nhập.

Sinh sống tại Florida, chị Thanh Tú cũng trải qua việc mua xe dễ dàng như trên. Chị Tú cho biết tại Mỹ mua xe thường là trả một lần hoặc trả góp 10-30%/tháng trên tổng giá trị chiếc xe.

“Sau khi mình chọn được xe, bên bán xe sẽ kiểm tra với ngân hàng để đưa ra báo cáo tín dụng, tính mức lãi suất cho mình. Bên bán và ngân hàng chia số dư còn lại ra tầm 24-36 tháng rồi nhân với lãi để tính ra khoản phải trả hằng tháng” – chị Tú nói.

Mỗi người Mỹ đều có một mã số công dân riêng, vì thế mọi hoạt động của họ từ kê khai thuế, mua bán nhà đất, xe cộ, đóng tiền điện nước… đều được chính quyền theo dõi qua mã số này.

Trong trường hợp tự mua bán xe dưới tư cách cá nhân, hai bên phải đăng ký hồ sơ với sở quản lý cơ giới hoặc chính quyền địa phương.

Theo trang Just Landed, khi thực hiện chuyển nhượng tại Mỹ, người bán sẽ chuyển giấy chứng nhận quyền sở hữu đã được xác nhận cho người mua. Người mua sau đó phải giao lại cho cơ quan phát hành và sẽ được cấp giấy chứng nhận mới. Người bán cũng được yêu cầu thông báo việc mua bán cho văn phòng phát hành bán hàng, trong vòng khoảng 10 ngày.

Linh động trong chuyển nhượng

Không chỉ tại Mỹ, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng có thủ tục chuyển nhượng khá dễ dàng đối với xe cũ.

Điển hình, tuy thực hiện kế hoạch xây dựng quốc gia ít phương tiện cá nhân (car-lite), Chính phủ Singapore không chủ trương tạo rào cản cho việc người dân sở hữu xe bằng những thủ tục nhiêu khê, không cần thiết.

Thay vào đó, tất cả mọi bước cần thiết để mua xe, dù mới hay cũ, và những thủ tục liên quan đều được Chính phủ Singapore công khai minh bạch trên trang thông tin One Motoring.

Theo trang này, nếu một người muốn mua hay bán xe cũ, việc chuyển nhượng phải được thực hiện trong vòng đúng 7 ngày. Phương tiện chuyển nhượng phải đảm bảo không có vấn đề tồn đọng, như chưa hoàn thành trả góp hay nợ thuế đường bộ. Tất cả mọi thủ tục đều có thể được thực hiện trực tuyến hoặc tại cơ quan quản lý.

Trong khi đó tại Thái Lan, hai bên mua bán sẽ chỉ mất vài giờ để chốt hợp đồng nếu ở cùng địa bàn, hoặc thậm chí là vài ngày nếu họ ở khác địa bàn, theo trang Expatden.

Sau khi nộp hồ sơ, việc kiểm tra sẽ tốn vài ngày nếu xe được đưa từ nơi khác tới. Tiếp theo, người mua được yêu cầu đến cơ quan chức năng để xác nhận tình trạng xe khớp với mô tả trong hồ sơ. Cuối cùng, người mua được yêu cầu quay lại để lấy biển số và sách xanh – hồ sơ lưu trữ toàn bộ thông tin liên quan tới chiếc xe.

Phí chuyển nhượng chuẩn tại Thái Lan khoảng 105 baht, tức chưa tới 80.000 đồng, cộng thêm phí tem dao động theo giá trị của chiếc xe. Ví dụ, nếu một chiếc xe trị giá 300.000 baht (khoảng 230 triệu đồng) sẽ có tổng phí chuyển nhượng khoảng 1.605 baht (khoảng 1,2 triệu đồng).

Không thích mua thì thuê

Theo chị Vy Hoàng, hiện ở Mỹ ngoài hình thức mua bán xe truyền thống, nhiều cửa hàng còn có dịch vụ cho thuê xe trong vòng 2 năm rưỡi tới 3 năm. Những đối tượng khách hàng của loại hình dịch vụ này thường là những người không thích mua xe hoặc muốn xây dựng lịch sử tín dụng để mua xe.

Ở Mỹ, tín dụng thể hiện mức độ tin cậy của một doanh nghiệp hay một cá nhân trong việc quản lý tài chính.

Theo chị Vy, khách hàng sẽ phải trả tiền cọc cho hãng và trả phí thuê hằng tháng. Đối với loại hình này, khách hàng sẽ không bị tính lãi. Sau khi kết thúc thời hạn thuê xe, tiền cọc sẽ vẫn do cửa hàng giữ lại. Tuy nhiên, chị Vy cho biết nếu tính ra chi phí thuê mỗi tháng vẫn thấp hơn so với việc mua và bảo dưỡng một chiếc xe.

Những người có ý định mua xe nhưng chưa có lịch sử tín dụng hay tín dụng xấu thường sử dụng cách này để có tín dụng tốt hơn, hòng có được mức hỗ trợ vay tốt hơn từ ngân hàng. Ngoài ra, những người không thích sở hữu xe có thể liên tục đổi xe mới để dùng.

Theo tuoitre

Tags:
Sai lầm nối tiếp sai lầm: Muốn đại thắng trước TQ, ông Trump cần nhiều hơn một lời đe dọa

Sai lầm nối tiếp sai lầm: Muốn đại thắng trước TQ, ông Trump cần nhiều hơn một lời đe dọa

Trung Quốc không chỉ là đối thủ thương mại lớn của Mỹ, mà còn là thách thức đối với một số các nước khác trên thế giới.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất