Đơn độc giữa nước Mỹ

Những ngày bạn bè quanh mình đều về Việt Nam tránh dịch bởi tình hình dịch ở Mỹ ngày càng khó kiểm soát, số người nhiễm bệnh và tử vong cứ "leo thang", Bình tự dặn lòng phải tìm cách sống sót, hơn hết là không để mình liên lụy đến người khác.

08:00 16/08/2021

"Mới chân ướt chân ráo học bay ở Mỹ được 3 tháng, những tưởng ước mơ chinh phục bầu trời đúng lộ trình, nhưng tôi không ngờ dịch COVID-19 làm đảo lộn" - Nguyễn Hữu Thanh Bình, du học sinh ngành hàng không Trường Aviator College ở bang Florida, trĩu giọng tâm sự.

Không về nước như bạn bè, chàng trai 25 tuổi, quê TP.HCM quyết định ở lại Mỹ - quốc gia đang có số người nhiễm bệnh cao nhất thế giới - để tự thân xoay xở dù rất khó khăn.

"Săn" hàng chống dịch

Nơi Bình ở là chung cư nhỏ thuộc thành phố Fort Pierce, bang Florida, có đông du học sinh Việt. Trong căn hộ nhỏ, Bình và 3 người bạn nam cùng trường sinh sống.

Bình tâm sự những ngày này nhiều bạn quanh mình đều về Việt Nam tránh dịch bởi tình hình dịch ở Mỹ ngày càng khó kiểm soát, số người nhiễm bệnh và tử vong cứ "leo thang". Bình tự dặn lòng phải tìm cách sống sót, hơn hết là không để mình liên lụy đến người khác.

Bình ở ngoại ô, đến trung tâm thành phố mất 45 phút lái xe và siêu thị cách 30 phút. Dịch lan rộng ở Mỹ, cứ vài ngày Bình lại canh lúc siêu thị mở cửa sáng sớm để đi mua nhu yếu phẩm và đồ ăn.

Anh phải nhanh chân vì nếu đợi đến chiều sẽ chẳng còn gì để mua, nhất là thứ cần dùng đều bị người ta "hốt sạch".

"Ở siêu thị Mỹ mùa này, nhu yếu phẩm và đồ ăn hết nhanh, nhưng cũng nhanh chóng có lại rồi tiếp tục hết. Đi mua đồ ăn những ngày này ở Mỹ cứ như "săn hàng" sale giảm giá ở Việt Nam", Bình cười kể.

Ở siêu thị anh hay mua, hàng bán chạy nhất là thịt, trứng, mì, đồ hộp, nước khoáng và giấy vệ sinh, trong khi rau củ luôn đầy ắp. Ngoài đồ ăn buộc phải đến siêu thị "săn" sớm, Bình còn đặt online những thứ ít "cháy hàng" như trà, cà phê, đồ gia dụng phục vụ nấu nướng vì bận học.

Bình cũng đặt một số thực phẩm để dành ăn lâu dài nhưng rất khó mua online vì luôn trong tình trạng hết hàng.

Đơn độc giữa  - Ảnh 2.

Bình (thứ tư từ trái qua) vẫn đi tập bay - Ảnh: NVCC

Lo lắng mỗi lần vào siêu thị

Là người lạc quan nhưng Bình không tránh khỏi cảm giác bất an, nhất là lúc đi mua hàng. Siêu thị đông đúc, người dân chen nhau thì nguy cơ lây nhiễm rất cao, mặc dù có trang bị sẵn bao tay và nước rửa tay cho khách.

Điều Bình lo ngại nhất là nhiều người không đeo khẩu trang và xài nước rửa tay dù Mỹ đang là tâm dịch, chỉ đa số người châu Á và số ít người Mỹ tuân thủ.

"Nhiều người vẫn "giỡn mặt" với dịch bệnh, thái độ phòng tránh của họ không có nên tôi rất sợ mỗi lần đi siêu thị. Có lần họ thấy tôi đeo khẩu trang liền né tránh, tỏ ra ghê sợ như mình là... người bị bệnh" - Bình bất an tâm sự.

Không chỉ siêu thị, ngay cả trường Bình từ lúc nghe thông báo ở New York thành ổ dịch mọi người vẫn còn "bình chân như vại". Anh được nghỉ học từ 17-3, khi đó New York đã thành ổ dịch và ở Florida có ca nhiễm. Theo lịch sẽ học lại vào 1-4, nhưng nay tiếp tục nghỉ mà chưa có thông báo khi nào học lại.

Trường của Bình ban đầu khi nghe bang Florida có người nhiễm vẫn không có động thái phòng tránh. Anh vào trường mang khẩu trang, nước rửa tay và gặp nhiều ánh mắt không thiện cảm.

Ở trường bay, bạn bè phương Tây cũng cho rằng Bình mắc bệnh nên mới làm vậy. Đến nay, khi thấy tình hình dịch khó kiểm soát, một số người mới chịu tuân thủ các biện pháp phòng tránh, nhưng vẫn không hoàn toàn.

Không muốn làm gánh nặng

Bình kể bố mẹ nhiều lần gọi điện khuyên con về nước như các bạn. Lúc đầu anh cũng định về, nhưng rồi quyết định ở lại Mỹ. Anh nghĩ lỡ mình mang mầm bệnh trong người hoặc ra sân bay, lên máy bay bị lây nhiễm chẳng phải mọi thứ càng tệ hơn sao.

Hơn nữa, về Việt Nam lúc này sẽ cách ly 14 ngày, Bình không muốn tăng gánh nặng cho nước nhà và vé bay đi bay lại cũng tốn kém. Ngành học của anh cũng không thể học online hoàn toàn, nghỉ dịch vẫn phải ở nhà ôn bài và đến trường bay luyện tập, tích lũy kinh nghiệm.

Tuy nhiên, bạn bè đồng hương của Bình ở bang khác của Mỹ và vài người ở Đài Loan, Nhật Bản, Úc đã về Việt Nam trước khi dịch bùng phát. Họ biết nước nhà ngay từ đầu đã thực hiện rất tốt công tác phòng chống và chữa trị dịch bệnh.

Người Việt được tính cẩn thận. Mới nghe tin Mỹ xuất hiện virus corona, Bình đã trang bị sẵn khẩu trang, nước rửa tay khô để "phòng bệnh hơn chữa bệnh".

Đơn độc giữa  - Ảnh 3.

Hồng Nhung mơ ước hết dịch để trở lại những ngày tràn ngập niềm vui thế này - Ảnh: NVCC

Giống Bình, cô sinh viên Nguyễn Hồng Nhung đang học ở Southern New Hampshire University cũng chọn ở lại Mỹ để đỡ tốn kém và rắc rối cho gia đình. Cô gái 20 tuổi từ quận 4, TP.HCM đã sang Mỹ 2 năm và mọi sự đang êm đềm thì gặp khó vì dịch bệnh.

"Tôi mới về thăm nhà hôm trước Tết Nguyên đán, trở lại Mỹ chưa được bao lâu thì dịch bệnh lan rộng. Tôi không muốn mình lại bay về nước gây tốn kém, khó khăn cho bố mẹ" - cô sinh viên nói và tâm sự mình tự tin có thể lo được cho bản thân, dù thật sự tình hình rất căng thẳng và chưa thể biết sắp tới sẽ thế nào.

Nhung kể cô rất tiếc vừa xin được suất trợ giảng thì dịch bùng phát. Mọi kế hoạch bị đảo lộn. Trường Nhung đóng cửa, chỉ dạy online. Bang New Hampshire, nơi cô gái Việt này đang du học, rất rộng nhưng chỉ có hơn 1 triệu cư dân sinh sống mà cũng bị dịch bệnh hoành hành.

Trong lúc nhiều người Mỹ mới bắt đầu thấy "sợ" con virus corona chủng mới mà ban đầu họ chỉ cho là cúm, thì những người Việt như Nhung đã ý thức cảnh giác từ sớm.

Cô gái chia sẻ: "Rất thương mẹ, lúc tôi bay trở lại Mỹ, mẹ dúi cho tôi mấy chục cái khẩu trang. Tôi còn định bỏ lại vì không nghĩ sẽ có lúc cần ở quốc gia một bước là lên ôtô này. Ai dè chỉ vài tuần sau, nó đã thành vật bất ly thân phòng bệnh cho tôi".

Bố Nhung cũng là bác sĩ ở TP.HCM, mấy lần ông đã kêu con gái về, nhưng cô xin được ở lại. Vừa rồi, cô đã "thương thuyết" xin chủ nhà trọ giảm giá được 100 đôla mỗi tháng cho suất trọ 350 đôla của mình (cô ở phòng đôi nên chia nửa tiền phòng với bạn).

Giá cả hàng hóa thiết yếu nơi cô sống vẫn bình thường, nhưng Nhung đang hết sức tiết kiệm vì chưa biết dịch bệnh sẽ diễn tiến thế nào.

"Mỗi tháng tôi chỉ tiêu 300 - 400 đôla cho các thứ thiết yếu nhất như thức ăn" - Nhung nói và tâm sự cũng may các thức ăn cơ bản như thịt, sữa ở Mỹ khá rẻ, giá xăng lại rất rẻ nên cô vẫn tạm ổn.

Và cô sinh viên Việt đang ngóng Chính phủ Mỹ hay nhà trường có động thái hỗ trợ du học sinh vốn mỗi năm đóng góp rất nhiều tiền bạc cho nước này nhưng chưa thấy gì…

Link nguồn: https://tuoitre.vn/don-doc-giua-nuoc-my-20200406112918588.htm

Tags:
Cảnh báo: Nghiên cứu mới xác định virus corona có thể bám trên khẩu trang tới hơn 1 tuần

Cảnh báo: Nghiên cứu mới xác định virus corona có thể bám trên khẩu trang tới hơn 1 tuần

Nghiên cứu mới cho thấy thời gian virus bám trụ trên bề mặt khẩu trang dài hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Bởi vậy, tất cả cần tạo thói quen không chạm tay vào mặt trước của khẩu trang sau khi sử dụng, và rửa tay thường xuyên.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất