“Đòn hồi mã” với chính sách Mexico của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Gây hấn với láng giềng phương Nam, ông Trump có thể đang mắc sai lầm khá kinh điển của kẻ bề trên: Đánh giá thấp nạn nhân của mình.

00:19 22/04/2017

Một Mexico nhũn nhặn

Thực tế, kể từ khi Tổng thống Mỹ lên giọng chỉ trích nước láng giềng Mexico về chuyện người nhập cư tràn vào lãnh thổ Mỹ, hay chuyện nước láng giềng cần phải trả phí cho Mỹ thông qua các loại thuế để xây dựng bức tường ngăn chặn người nhập cư, lãnh đạo Mexico đã phản ứng khá ôn hòa.

don hoi ma voi chinh sach mexico cua tong thong my donald trump hinh 1
Tổng thống Mexico Nieto bắt tay ông Trump trong cuộc gặp tại Mexico City ngày 31/8/2016, khi ông Trump còn chưa đắc cử Tổng thống Mỹ. Ảnh: AP.

 

Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto chỉ coi sự sỉ nhục này là “nhiễu động thời tiết”. Vì thế, mối quan hệ với Mỹ sẽ nhanh chóng trở lại bình thường, nếu hai bên cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tháng 8/2016, Peña Nieto đã mời ông Trump, khi đó là ứng viên Cộng hòa tới Mexico City sau khi nhiều quan điểm dự báo tỷ phú bất động sản sẽ giành chiến thắng. Thay vì gắn tên tuổi Trump với danh hiệu “mối đe dọa” của người Mexico, Peña Nieto tiếp đãi ông Trump như một nguyên thủ. Tổng thống Mexico đã đánh cược cả sinh mạng chính trị trong động thái hào hiệp này.

Trước cuộc gặp, người tiền nhiệm của ông, cựu Tổng thống Vicente Fox đã cảnh báo Peña Nieto rằng nếu cứ nhũn nhặn với Trump, lịch sử sẽ ghi tên ông như một “kẻ phản bội”. Và vài tháng sau cuộc gặp, tỉ lệ tín nhiệm của Peña Nieto sụt giảm lớn-12%, ghi nhận hậu quả của thái độ đó. Tỉ lệ ủng hộ mà người Mexico dành cho ông cũng thấp ngang với Trump.

Bài học ở đây đã quá rõ ràng: Không nhà lãnh đạo Mexico nào chấp nhận “lùi bước” với người láng giềng mà còn hy vọng trở lại vinh quang cả. Và cũng từ đó, giới tinh hoa Mexico bắt đầu cân nhắc về các biện pháp đáp trả để khẳng định danh dự quốc gia, buộc chính quyền Trump phải thu hồi những chính sách thiếu thân thiện.

… và một Mexico cứng rắn

Biên giới Mexico – Mỹ thì dài, nhưng lịch sử hợp tác hòa thuận giữa hai nước lại rất ngắn.

Tới tận thập niên 1980, cả hai vẫn rất ít khi che giấu cảm xúc khinh miệt lẫn nhau.

Mexico không quan tâm tới chính sách của Mỹ chống lại phong trào cách mạng Mỹ Latin. Đặc biệt, nước này còn hỗ trợ du kích Nicaragua. Năm 1983, Tổng thống Miguel de la Madrid đã gián tiếp cảnh báo chính quyền Reagan rằng “phô diễn sức mạnh chẳng khác nào việc phác thảo một cuộc xung đột”.

Mối quan hệ này càng bị hạ cấp sau khi đặc vụ Enrique “Kiki” Camarena của Cơ quan Phòng chống Ma túy Mỹ (DEA) bị những nhân viên cảnh sát biến chất của Mexico sát hại năm 1985. Chính quyền Reagan phản ứng tức tối vì cho rằng chính quyền Mexico đã lờ đi vụ mất tích của Camarena. Biên giới hai bên bị đóng cửa trong vòng 1 tuần.

Giờ đây, không khí đó đang trở lại. Cuộc bầu cử Tổng thống Mexico sẽ đến hơn 1 năm nữa. Tổng thống Peña Nieto sẽ không thể tiếp tục ra tranh cử vì bị giới hạn số nhiệm kỳ. Vì thế, những biện pháp đáp trả sẽ chiếm lĩnh lựa chọn của cử tri. Những bản phác thảo chính sách có thể làm tổn thương nước Mỹ đang được săn đón ở Mexico City. Trong số này, thứ mà các nhà phân tích Mexico gọi là “Lá bài Trung Quốc” là một lựa chọn nghiêm túc.

Hàng xóm gần, đối tác xa

Những hứa hẹn hoành tráng về thương mại giúp ràng buộc các quốc gia với nhau, giúp hòa bình và hợp tác nảy nở. Đôi lúc, nó bị nói quá lên khi áp dụng vào thực tế.

Nhưng với trường hợp của hai quốc gia có chung dòng sông Rio Grande, nó hoàn toàn đúng.

Hơn 2 thập kỷ sau khi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) ra đời, Mỹ và Mexico không thể phụ thuộc vào nhau hơn được nữa. Từ dòng người nhập cư, các mối quan hệ kinh tế, cho tới hợp tác an ninh và tình báo, tất cả đều phục vụ lợi ích của đôi bên. Và cho dù lợi ích về kinh tế của NAFTA không nhiều như kỳ vọng, cái được lớn nhất thỏa thuận này là lợi ích địa chính trị của việc hội nhập – thứ quan trọng hơn bất cứ dòng chảy tiền tệ hay hàng hóa nào.

Đáng tiếc, chính quyền Trump đang muốn vứt bỏ sự liên hệ đặc biệt này.

Nước Mỹ đã và đang bỏ quên sự có mặt của Trung Quốc ở bán cầu Tây. Các khoản tiền lớn từ Bắc Kinh đã rót mạnh vào những nước Mỹ Latin như Peru, Brazil, và Venezuela phục vụ các dự án đường sá, lọc hóa dầu hay đường sắt. Từ năm 2000 đến năm 2013, thương mại song phương Trung Quốc – Mỹ Latin tăng 2.300%. Các thỏa thuận song phương và đa phương giúp Trung Quốc có thể tăng gấp đôi thương mại với khu vực, lên 500 tỷ USD vào giữa thập kỷ tới.

Tuy nhiên, Mexico lại là một ngoại lệ lớn trong đại chiến lược này. Trung Quốc từng hờ hững bởi Mexico đơn giản không có những mặt hàng xuất khẩu phù hợp với “khẩu vị” của Trung Quốc như các đối tác Mỹ Latin khác. Trong tương lai gần, tiếng chuông cảnh báo với Mỹ đang điểm, khi người Trung Quốc tiếp cận gần hơn với Mexico.

“Lá bài Trung Quốc” hay thúc đẩy quan hệ với đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ là điều mà người Mexico đang muốn kích động. Cựu Ngoại trưởng Mexico Jorge Castañeda gọi chính sách của Trump với Mexico là “machismo – hay sự vũ phu”.

Đáng tiếc, học thuyết đối ngoại đó chỉ có thể đẩy nước láng giềng tìm đến hành động đáp trả theo cách tương tự. “Đó chính là vì Mỹ đã đặt Mexico vào tình huống đó” Castañeda nói.

Nhưng chính sách của Trump thực ra cũng nhắc chính quyền Mexico về điểm yếu cốt tử về kinh tế của họ: phụ thuộc quá lớn vào thị trường Mỹ. 80% hàng xuất khẩu của Mexico là sang láng giềng phía Bắc.

“Mexico nhận ra rằng mình đã rơi vào tình thế nguy hiểm với Mỹ. Mexico đang cố khoanh các khoản cá cược của mình lại.” Kevin Galagher, nhà kinh tế chuyên nghiên cứu về Mỹ Latin tại đại học Boston nhận xét. “Trung Quốc là lựa chọn không tồi vào lúc này.”

Nghịch lý chính sách của Trump

Mọi sự không phải dễ dàng. Nhưng Trung Quốc có lý do để kiên nhẫn với thị trường Mexico.

Tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng ở Trung Quốc khiến chi phí lương đội lên gấp 3 trong thập kỷ qua. Chi phí lương trong ngành chế tạo ở Trung Quốc đã là 3,6 USD, trong khi con số này ở Mexico rơi xuống 2,1 USD.

So sánh giữa năng suất “khủng” của các nhà máy Trung Quốc với chi phí tại Mexico do tuân thủ nghiêm ngặt các quy định thương mại quốc tế, sản xuất tại Mexico vẫn có lãi. Ngoài ra, các công ty Trung Quốc thiết lập nhà xưởng ở Mexico còn vì quá gần với thị trường lớn nhất của họ.

Mexico đã kín tiếng chào đón sự hiện diện của Trung Quốc ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Tháng 10, truyền thông Trung Quốc hứa hẹn hai nước sẽ “nâng quan hệ quân sự lên một tầm cao mới” và miêu tả khả năng triển khai các chiến dịch chung, huấn luyện và hỗ trợ hậu cần.

Một tháng rưỡi sau đó, Mexico bán cho 1 công ty Trung Quốc quyền tiếp cận hai khu vực có các mỏ dầu tại vịnh Mexico. Đến tháng 2 năm nay, tỷ phú Carlos Slim, người tượng trưng cho tinh thần của giới doanh nhân Mexico, đã hợp tác với Anhui Jianghuai Automobile để sản xuất dòng xe SUVs ở Hidalgo.

Điều nghịch lý đang xảy ra sát biên giới Mỹ. Tổng thống Trump tuyên bố Trung Quốc là mối đe dọa, cả về quân sự và kinh tế. Đây là cách để Trump thu hút sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng cho chính sách kiềm chế và ngăn chặn Trung Quốc vụ lợi. Còn chính sách “Xoay trục” của chính quyền tiền nhiệm Obama cố gắng giúp các nước láng giềng châu Á thoát ra khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Thế nhưng, trong lúc đó, cũng nhờ chính sách của Trump, Trung Quốc đã có thể giải quyết mặt trận gai góc nhất của họ, Trục Bắc Mỹ, nơi được coi là vùng ảnh hưởng của Washington. Và đẩy hai nước láng giềng Mỹ - Mexico ngày càng xa nhau./.

Tags:
Chi phí xây dựng bức tường biên giới Mỹ - Mexico có thể lên tới 70 tỷ USD

Chi phí xây dựng bức tường biên giới Mỹ - Mexico có thể lên tới 70 tỷ USD

Đảng dân chủ thuộc Uỷ ban Nội An Thượng viện ước tính tổng chi phí xây dựng bức tường biên giới có thể “vọt” lên gần 70 tỷ USD, dựa trên báo cáo do một cơ quan trong ủy ban thực hiện, được dẫn dắt bởi Sen. Claire McCaskill, D-Missouri.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất