Đòn phản công quyết liệt của Trump với phe Dân chủ
Trump đã đưa đảng Dân chủ tới điểm mấu chốt đầu tiên trong cuộc chiến luận tội khi tuyên bố không hợp tác với phía điều tra.
20:00 10/10/2019
Trong cuộc phản công quyết liệt sau nhiều ngày thất bại với mục tiêu ngăn những thông tin gây hại bị tiết lộ, Nhà Trắng hôm 8/10 gọi cuộc điều tra luận tội là nỗ lực bất hợp pháp nhằm lật ngược cuộc bầu cử năm 2016, đồng thời chặn một nhà ngoại giao hàng đầu cung cấp lời khai trước hạ viện.
"Cách hạ viện sắp đặt và tiến hành cuộc điều tra vi phạm sự công bằng cơ bản và quy trình theo yêu cầu của hiến pháp", luật sư Nhà Trắng Pat Cipollone viết trong lá thư gửi các lãnh đạo Dân chủ tại hạ viện.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một hội nghị ở Nhà Trắng ngày 4/10. Ảnh: Reuters.
Bức thư được nhìn nhận là lời tuyên bố chiến tranh chính trị toàn diện, như một phần trong chiến lược của chính quyền nhằm khước từ cung cấp mọi lời khai và bằng chứng, qua đó gây khó khăn cho cuộc điều tra giúp trả lời câu hỏi liệu Trump có lạm dụng quyền lực khi thúc ép Ukraine điều tra cựu tổng thống Mỹ Joe Biden, đối thủ tiềm năng của ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020, hay không.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi khẳng định không có điều kiện hiến pháp nào hỗ trợ cho yêu cầu của Trump rằng hạ viện phải tổ chức một cuộc bỏ phiếu toàn diện để khởi động quá trình luận tội. Nhưng hành động của Trump đã đẩy Pelosi vào thế phải đưa ra những quyết định chiến lược mang tính sống còn về việc cần làm gì tiếp theo trong cuộc chiến luận tội.
Thách thức vị thế của Trump tại tòa án có thể làm hỏng động lực luận tội bởi các quy trình pháp lý sẽ kéo dài nhiều tháng. Nhanh chóng đưa hành động Trump cản trở công lý thành điểm luận tội có thể củng cố cho tuyên bố của Tổng thống Mỹ rằng Pelosi đang vận động một "phiên tòa trá hình", bỏ qua các tiêu chuẩn được luật pháp thừa nhận, nhằm vào ông.
Phe Dân chủ trong khi đó lập luận rằng bản thân việc Tổng thống Trump từ chối hợp tác với cuộc điều tra chính là sự thừa nhận rằng ông đã làm sai. "Tôi đoán họ chưa đọc hiến pháp", hạ nghị sĩ Dân chủ bang New Jersey Tom Malinowski, thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, nói trong cuộc phỏng vấn với CNN. "Nếu họ không tự biện hộ chống lại những bằng chứng phong phú mà chúng tôi đang có thì tôi nghĩ điều đó chỉ gây bất lợi cho họ. Đây không phải cuộc điều tra chúng tôi bắt đầu mà không có gì trong tay. Chúng tôi bắt đầu với mọi thứ trong tay".
Cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất nước Mỹ trong hàng thập kỷ nổ ra khi nhiều chi tiết gây bất ngờ xuất hiện liên quan đến nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm gây áp lực lên Ukraine.
Theo người tố giác, một quan chức Nhà Trắng đã mô tả cuộc điện đàm ngày 25/7 giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là "điên rồ" và "đáng sợ".
Kịch tính tiếp tục dâng cao sau khi CNN đưa tin đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU) Gordon Sondland bị Bộ Ngoại giao ngăn cung cấp lời khai trước hạ viện nhằm phục vụ điều tra luận tội Trump.
Luật sư của Sondland, Robert Luskin, cho biết thân chủ của ông tự nguyện ra làm chứng nhằm cung cấp thông tin về quá trình liên lạc giữa Trump và Zelensky, đặc biệt là cuộc điện đàm mà ông Trump đề nghị ông Zelensky điều tra ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden.
Sondland được cho là đã làm việc với cựu đặc phái viên Mỹ về Ukraine Kurt Volker trong vấn đề hợp tác giữa Mỹ và Ukraine. Volker từ chức hôm 27/9 sau khi bị nêu tên trong đơn tố giác về cuộc điện đàm giữa Trump và Zelensky.
Những tiết lộ mới giải thích vì sao Nhà Trắng từ chối hợp tác với cuộc điều tra luận tội. Nó có thể cho thấy những hành vi sai trái của Trump trong các tương tác với Ukraine, từ đó khiến người dân Mỹ chống lại ông, chuyên gia nhận định.
Trong lúc phe Dân chủ tìm cách chứng minh Tổng thống Trump đã phớt lờ các quy tắc hiến pháp và lạm dụng quyền lực thông qua việc dùng chính sách đối ngoại để phục vụ các mục đích chính trị cá nhân, những cố vấn bên cạnh ông chủ Nhà Trắng hiện phải cố gắng làm chậm đà tiến của đối thủ và đưa ra câu chuyện rằng phe Dân chủ đang phản ứng thái quá.
Tình thế ngày càng căng thẳng sau khi các cuộc thăm dò cho thấy người Mỹ đang dần nghiêng về phía ủng hộ điều tra luận tội Trump.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tuyên bố mở cuộc điều tra luận tội Trump ngày 24/9. Ảnh: Reuters.
Bức thư của luật sư Nhà Trắng Cipollone thách thức Pelosi tổ chức một cuộc bỏ phiếu toàn diện ở hạ viện để thúc đẩy cuộc điều tra luận tội. Trong hai lần luận tội trước với tổng thống Richard Nixon và Bill Clinton, các cuộc bỏ phiếu như vậy đã được thực hiện nhưng nó không phải yêu cầu bắt buộc theo hiến pháp.
Tuy nhiên, đội ngũ của Trump vẫn khẳng định nếu không có cuộc bỏ phiếu này, Tổng thống Mỹ không có cách nào khác là từ chối hợp tác.
"Ở cấp độ hiến pháp, đây là điều mà chúng tôi gọi là hoàn toàn vô lý", nhà phân tích về pháp lý và an ninh quốc gia của CNN Susan Hennessey nói.
Bức thư cũng cáo buộc Pelosi tước quyền của nhằm kiểm tra chéo các nhân chứng hay tiếp cận những bằng chứng trong cuộc điều tra. "Nói đơn giản, bạn đang tìm cách lật ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2016 và lật đổ một tổng thống mà người dân Mỹ đã tự do lựa chọn", luật sư Cipollone viết.
Ông cam đoan Tổng thống Trump không làm gì sai trong cuộc gọi với Tổng thống Zelensky, đồng thời tuyên bố rằng phe Dân chủ đã kêu gọi phát động cuộc điều tra dựa trên định kiến.
Theo giới chuyên gia, giọng điệu trong bức thư mang nặng tính đảng phái, phản ánh thực tế là cuộc chiến về số phận của Trump giờ đây sẽ trở thành một cuộc chiến chính trị tàn khốc. Hầu hết, bức thư bảo vệ Trump dựa trên nhận thức về sự không công bằng trong quy trình luận tội hơn là bản chất vụ Ukraine.
Pelosi đã tuyên bố trong bức thư của riêng mình gửi tới các thành viên Dân chủ ở hạ viện: "Tổng thống sẽ phải chịu trách nhiệm. Khi bàn đến vấn đề luận tội, nó chỉ liên quan tới các thực tế và hiến pháp", bà viết.
Chủ tịch hạ viện Mỹ cũng có thể đánh bại lập luận của Trump bằng cách tổ chức một cuộc bỏ phiếu toàn diện, nhưng không có gì đảm bảo Trump sẽ hợp tác nếu cuộc bỏ phiếu diễn ra.
Song không ít người lập luận rằng ở thời điểm mà nước Mỹ đang đòi hỏi cao hơn bao giờ hết về những tiêu chuẩn công bằng, việc đáp ứng yêu cầu của Trump không chỉ là bước đi khôn ngoan mà còn là việc làm đúng đắn.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff ngụ ý rằng hành động ngăn Sondland hay các quan chức chủ chốt khác làm chứng cuối cùng sẽ quay lại gây bất lợi cho Trump.
"Chúng tôi coi thất bại trong việc triệu tập nhân chứng hay các tài liệu liên quan là một bằng chứng mạnh mẽ khác về hành vi cản trở các chức năng hiến pháp của quốc hội", Schiff nhấn mạnh.
Nguồn: VnExpress.net
Lá thư 8 trang từ Nhà Trắng: TT Trump từ chối "phục tùng", thách thức quyền lực Quốc hội?
Trong bức thư, cố vấn Nhà Trắng không đưa ra được nhiều lời bào chữa, lý do chính yếu cho quyết định từ chối hợp tác điều tra của ông Trump.