Dù được Hạ viện Mỹ 'dọn đường', việc luận tội Tổng thống vẫn khó xảy ra

Ngay cả khi được Hạ viện Mỹ đồng ý đưa Tổng thống ra luận tội thì vẫn cần được ít nhất 2/3 thành viên Thượng viện phê chuẩn. Trong bối cảnh hiện nay khi Thượng viện Mỹ vẫn do Đảng Cộng hòa kiểm soát thì việc luận tội ông Trump khó xảy ra. Nhiều nghị sĩ đã lên tiếng phản đối nhằm tránh lặp lại tiền lệ trong các cuộc luận tội tổng thống trước đây.

05:30 14/09/2019

Ngày 12/9, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ (HJC) do đảng Dân chủ kiểm soát đã bỏ phiếu thông qua một nghị quyết nhằm chính thức hóa một cuộc điều tra có thể dẫn tới việc đưa Tổng thống Mỹ Donald Trump ra luận tội. Với 24 phiếu thuận và 17 phiếu chống, ủy ban gồm 41 thành viên đã thông qua nghị quyết cho phép chỉ định các ủy ban và tiểu ban tiến hành các phiên điều trần như một phần trong quá trình điều tra, chất vấn các nhân chứng và đẩy nhanh tiến độ điều tra trong các lĩnh vực có thể gây căng thẳng chính trị đối với Tổng thống và Quốc hội.

Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ Jerrold Nadler cho biết sẽ tiến hành các phiên điều trần vào tuần tới nhằm điều tra các cáo buộc về tội cản trở công lý và lạm quyền liên quan đến Tổng thống Trump. Ông Jerrold Nadler đã tập trung vào kết quả báo cáo của công tố viên đặc biệt Robert Mueller liên quan tới nghi vấn Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và cáo buộc Trump cản trở điều tra. Phe Dân chủ tại Quốc hội cho rằng Trump đã lạm dụng một cách có hệ thống quyền lực của mình bằng cách từ chối các yêu cầu cung cấp thông tin hợp lệ liên quan tới lập pháp. 

trumpdonald_nadlerjerrold.jpg
Ông Jerrold Nadler (phải) quyết đưa ra luận tội

Sau vụ Mueller, phe Dân chủ ở Hạ viện sẽ mở rộng điều tra tổng thống bằng việc yêu cầu thông tin chi tiết về chi tiêu công tại các khách sạn và bất động sản do ông Trump sở hữu. Ông Jerrold Nadler cho rằng tiền thuế của người dân được chi trả cho đế chế kinh doanh của ông Trump là "mối quan ngại nghiêm trọng" với ủy ban của ông.

Bên cạnh việc đánh giá những chi tiêu dành cho bất động sản thuộc sở hữu Trump, ủy ban tư pháp được cho là cũng sẽ điều tra những khoản tiền im lặng mà ông Trump chi ra để dập tắt những thông tin gây bất lợi. HJC cũng yêu cầu Bộ An ninh Nội địa xem xét liệu tổng thống có đề nghị ân xá trước cho việc vi phạm pháp luật hay không. Nhiều trát đòi và giấy triệu tập khác cũng nhiều khả năng sẽ được đưa ra.

Các ủy ban khác cũng sẽ điều tra những hành vi tài chính của ông Trump. Ủy ban tình báo và ủy ban dịch vụ tài chính Hạ viện đang tìm kiếm hồ sơ từ hai ngân hàng mà ông Trump có quan hệ làm ăn, để xem liệu có dấu vết của rửa tiền hay không. 

Trong lịch sử nước Mỹ, hai tổng thống đương nhiệm từng bị Hạ viện luận tội là Andrew Johnson năm 1868 với tội danh vi phạm giới hạn quyền lực tổng thống và Bill Clinton năm 1998 vì khai man và cản trở công lý. Tuy nhiên, hai tổng thống này sau đó đều được tuyên vô tội tại Thượng viện. Trong khi đó, cựu Tổng thống Richard Nixon đã từ chức năm 1974 sau khi Ủy ban Tư pháp Hạ viện thông qua điều khoản luận tội chống lại ông, song việc từ chức diễn ra trước khi toàn thể Hạ viện bỏ phiếu về vấn đề này.

Ngoài chức năng lập pháp, quốc hội Mỹ còn có trách nhiệm giám sát nhánh hành pháp, có đặc quyền miễn nhiệm tổng thống thông qua quy trình luận tội. Theo quy định, cần phải có 218 phiếu thuận để Hạ viện phê chuẩn một nghị quyết liên quan tới việc luận tội tổng thống. Tuy nhiên, khi vượt qua ải Hạ viện, đề xuất cần được ít nhất 2/3 thành viên Thượng viện phê chuẩn - điều gần như không thể bởi Thượng viện vẫn đang trong tầm kiểm soát của đảng Cộng hòa. Nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa phản đối nhằm tránh lặp lại tiền lệ trong các cuộc luận tội cựu tổng thống Richard Nixon và Bill Clinton. 

donald-trump.jpg
Ông Donald Trump vẫn "bình chân như vại"

Cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Muller kết thúc tháng 5 vừa qua với kết quả rằng đội ngũ ông Trump không thông đồng với Nga trong chiến dịch tranh cử năm 2016 và bỏ ngỏ kết luận Tổng thống Mỹ ngăn cản thực thi công lý. Chính vì vậy, lý do để đưa ông ra luận tội đến nay chưa đủ mạnh và nếu việc luận tội diễn ra, nó chỉ đơn thuần mang tính hình thức.

Mặt khác, công chúng Mỹ dường như không thực sự mong muốn đưa ông Trump ra luận tội. Một khảo sát của CNN-SSRS cho thấy, chỉ 37% người Mỹ được hỏi ủng hộ luận tội, trong khi 59% phản đối động thái này.

Vì thế, nếu ông Trump bị luận tội, dư luận Mỹ có thể sẽ coi Tổng thống Mỹ là nạn nhân trong cuộc chiến đảng phái. Trong hơn 2 năm qua, ông Trump nhiều lần đã tự gọi mình là “nạn nhân” bị truyền thông đối xử bất công, là “nạn nhân” của cuộc “săn phù thủy” kéo dài. Nếu việc luận tội thất bại, ông Trump sẽ chỉ trích đảng Dân chủ có thù ghét với ông và lơ là đi trách nhiệm với nước Mỹ.

Tags:
Ủy ban hạ viện Mỹ muốn luận tội TT Trump

Ủy ban hạ viện Mỹ muốn luận tội TT Trump

Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ dự kiến bỏ phiếu ngày 11/9 nhằm chính thức hóa cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất