Du học Mỹ ký sự (Kỳ 3): Đi làm chui

Luật Mỹ qui định du học sinh không được phép làm thêm ngoài trường học. Làm thêm trong trường thì việc ít, nhiều người đăng ký, nên cơ hội gần như không có. Vì phải gánh chuyện cơm áo gạo tiền nơi xứ lạ, nhiều du học sinh đành phải đi làm chui!

02:00 28/06/2018

Đừng tưởng ở Mỹ giỏi tiếng Mỹ là đủ để đi làm thêm và nói chuyện với mọi người. Ngoài những người bưng bê ở các tiệm phở tại Mỹ, hiếm ai có thể hiểu được nghĩa của chữ “diệt cò ke”, “là zí” và “lạt” là gì. Tiếng Mỹ cả đấy. Vì thế, bài học đầu tiên của nghề bưng phở mà nhiều người phải học khi đi làm chui ở các tiệm phở là phải thuộc lòng thực đơn, mang một lúc được sáu ly cối trà đá trong tay và phải có một đôi tai quen cách phát âm tiếng Mỹ kiểu “trời ơi”.

Tiếng Mỹ “trời ơi”

Sau vài ngày thử việc, ông chủ kêu N. lại: “Ngày mai, tao cho mày tiếp khách, nhận order (yêu cầu đặt món ăn). Làm cho cẩn thận, làm sai là tự bỏ tiền túi ra đền đấy”. Ngày hôm sau, tiếp những người khách Mỹ đầu tiên, tuy có hơi run nhưng N. cũng nhận đặt món của khách khá trót lọt. Tuy nhiên, không ngờ lại gặp khó khăn với chính đồng hương của mình. Gặp hai vợ chồng người Việt trung niên vào tiệm, N. niềm nở tiếp từ ngoài cửa (dù sao cũng là đồng hương, phải phục vụ tận tình hơn chứ!). Bà vợ dõng dạc kêu: “Cho cô một diệt cò ke”, ông chồng thì: “Cho chú một tô lạt”.

Tưởng nghe nhầm, N. hỏi lại nhưng vẫn nghe y chang. Trong thực đơn làm gì có món diệt cò ke? Bụng đã “đánh lô tô”, chết rồi, hôm nay là ngày đầu tiên làm chính thức, N. đánh bạo hỏi lần cuối: “Dạ thưa, diệt cò ke là gì?”, bà khách nhìn từ đầu xuống chân N. như ngạc nhiên lắm và chỉ vào dòng chữ trong thực đơn: “Diet Coke nè!”. Thì ra đó là nước uống Coca Cola dùng cho người ăn kiêng.

Bà khách còn “tốt bụng” khuyên: “Con mới từ VN qua phải không, hèn gì tiếng Anh tệ quá. Ráng học thêm tiếng Anh cho kha khá mới dễ xin việc làm con ơi!”. Chưa hết, ông chồng vừa đụng vô tô phở mấy miếng đã kêu N. lại rầy rà: “Sao lạt nhách vậy nè?”, “Dạ, thì chú yêu cầu rõ ràng cho một tô lạt mà, con đã dặn đầu bếp bỏ thật ít muối thôi”.

Ông khách kêu trời và lấy ngón tay chỉ vào chữ large (lớn) trên thực đơn: “Tao yêu cầu tô lớn chứ có kêu lạt mặn gì đâu, học ở đâu mà yếu xìu vậy?”. Tiếng Mỹ của người Việt thì ra là như vậy! Người Việt nói tiếng Mỹ như thế, gặp người Hàn Quốc còn khủng khiếp hơn, khi họ nói: “Là zí, please” (Xin vui lòng, là zí) thì phải biết đó là họ muốn một tô lớn (large).

Muốn làm “lính” bưng phở phải thuộc tính nết của từng loại khách. Khách Hàn thích ăn hành tây, gặp khách Mễ phải luôn để sẵn thật nhiều chanh, gặp khách da đen phải luôn có sẵn chai xì dầu trên bàn để họ pha và uống chung với… nước trà! Chưa kể, phải luôn để ý vì họ có lắm “trò ma”. Nhiều người ăn gần hết rồi, lựa lúc người phục vụ không để ý, họ bỏ vào đó vài sợi tóc và kêu ầm lên. Lúc đó dù biết rõ ràng khách muốn chuồn nhưng người phục vụ vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” đến xin lỗi rối rít và xin phép… không lấy tiền. Và dĩ nhiên, sau đó “bão tố” sẽ được trút hết lên đầu những người phục vụ.

Công nghệ “ép”

 ký sự (Kỳ 3): Đi làm chui

Các tiệm Mỹ không dám nhận du học sinh vì như vậy là bất hợp pháp. Biết “phận làm chui”, hầu hết du học sinh người Việt chỉ làm tại các nhà hàng, tiệm ăn của người Việt hoặc người Hoa. Biết được điều đó nên các ông chủ ép tối đa.

Luân, du học sinh tại Seattle, kể: “Hồi mới qua, đi lang thang tìm việc cả tháng cũng chưa có. Sau có một chợ nhỏ của người Việt cần người bốc vác, dọn dẹp em nhận lời ngay. Phải huỳnh huỵch vác gạo, khuân hàng liên tục.

Trời ở Seattle lạnh ngắt vậy mà mồ hôi vẫn đổ đầm đìa. Cực nhưng em nghĩ cũng được an ủi vì bà chủ tốt, nói chuyện rất ngọt ngào. Giữa buổi làm có mang bánh, nước ngọt cho uống. Đến bữa đưa cơm canh cho ăn. Cuối tháng lãnh lương, em tưởng mình nhầm khi đếm chỉ được 500 USD (khoảng 4 USD/giờ). Em thắc mắc thì bà chủ mặt lạnh băng: Chị trừ tiền ăn của em. Chưa kể thời gian ăn trưa, nghỉ giải lao, chị cộng ra hết rồi nè, sao tính vào lương được?”.

Ở VN nghe nói làm thêm ở Mỹ được trung bình 8 USD/giờ. Chuyện đó có thật, nhưng con số may mắn đó chỉ chiếm chưa đến 10%. Ở những nơi tập trung đông người Việt như California hoặc Texas, kiếm được việc làm 5-5,5 USD/giờ đã mừng lắm rồi. V. chỉ mới 17 tuổi, nhà ở Đồng Nai, qua Washington học trung học.

Mỗi ngày đi làm mất hơn hai giờ đi xe buýt, tháng đầu tiên lương chỉ được chưa đến 3 USD/giờ (mức lương tối thiểu tại bang Washington là 7-7,5 USD/giờ) mà không được hưởng tiền tip (số tiền này khá lớn vì hầu như ở Mỹ ai cũng phải chi tiền tip cho người phục vụ). Tính giờ còn đỡ, chủ khác lại tính lương khoán theo ngày nhưng ngày của chủ thì dài vô chừng. Ngọc, du học sinh ở California, kể: “Ngày đầu tiên xin việc, chủ ngọt ngào đưa ra mức lương 50 USD/ngày làm từ 12g trưa đến khoảng 9g tối (khoảng 5 USD/giờ).

Nhưng vào làm rồi mới biết, 9g đóng cửa nhưng phải ở lại dọn dẹp đến gần 11g mới xong. Chưa kể làm cho tiệm ăn Tàu và Việt gần như phải chấp nhận một luật bất thành văn là “kiêm nhiệm”. Công việc của Ngọc là chạy bàn nhưng gánh cả dọn dẹp, rửa chén và thậm chí chùi toalet. Hay như Hà (Houston, Texas) lại bị một kiểu “ép lương” khác: vào xin việc, chủ cho biết mức lương là 20 USD/ngày/11 giờ nhưng được hưởng tiền tip. Thấy quán cũng đông, Hà chấp nhận. Nhưng khi nhận lương tuần đầu, Hà ngớ người ra vì tiền tip ngoài phải chia cho nhân viên khác, còn phải chia 50% cho bà chủ!

Nếu không nói ra, chẳng ai biết Hà là con của một “đại gia” ở Sài Gòn, nhà có mấy biệt thự cho thuê, mẹ là đầu mối lớn ở chợ An Đông. Buổi sáng học đến 11g xong là chạy đi làm đến 9g tối. Liên tục 10 giờ/ngày, 6 ngày/tuần. Hà tâm sự: “Nhà em ở VN có người giúp việc nên chẳng bao giờ em đụng móng tay vào làm gì cả. Hồi mới đi làm, ba mẹ em không tin và hỏi liệu làm được mấy ngày. Em tức lắm, quyết tâm phải chứng minh cho gia đình biết em đã trưởng thành, có thể tự lo cho bản thân. Vì thế, em không được quyền bỏ cuộc. Nhiều khi tối về, tức và tủi thân quá, em đóng cửa nằm khóc một mình, nhưng sáng mai lại tiếp tục kiếp làm chui”.

Ở Lynnwood (Washington) có quán phở T khá nổi tiếng, chủ trả lương cho phục vụ cũng cao (8 USD/giờ) nhưng ít ai làm ở đó thời gian dài. K., một “lính” cũ ở quán, cho biết: “Cực mấy tui cũng chịu được, nhưng bị bạo hành về tinh thần thì tui thua”. K. kể ngày đầu đến xin việc, ông chủ nhìn săm soi từ đầu đến chân K. rồi hất hàm: “Mày học ngành nào?”. “Dạ, quản trị kinh doanh”. “Bưng phở cũng bày đặt học quản trị kinh doanh. Tao chẳng cần học cũng làm chủ mày. Nhục không? Nhục thì nghỉ làm đi”. Hay: “Ê, mệt không mày? Mệt thì kệ mẹ mày chứ”… Dù cần việc làm lắm nhưng K. nghỉ. Nghỉ không phải nhục vì đi bưng phở mà cảm thấy lòng tự trọng bị xúc phạm.

------------

Ở xứ Mỹ một mình, với một số du học sinh “sành điệu”, giải trí là những đêm chìm vào khói thuốc, quay cuồng với những cuộc nhậu “làm thịt” để “giải sầu” nơi xa xứ.

Tags:
Du học Mỹ ký sự - Kỳ 1: Ngày đầu tiên đi học

Du học Mỹ ký sự - Kỳ 1: Ngày đầu tiên đi học

Tôi lên đường sang Mỹ làm học trò vào cuối thu, nhưng không có chuyện “mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp” như nhà văn Thanh Tịnh mô tả, mà luôn chóng mặt trên xa lộ 10 làn xe, với tốc độ hơn 100km/g.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất