Du học Mỹ: Hãy yêu nước Mỹ trước đã nhé
Cảm nhận cuộc sống của Phan Vũ Tố Yên, du học sinh Việt lần đầu đến Mỹ.
20:54 13/05/2017
Tâm sự trên Facebook của cô bạn Tố Yên đã “lọt vào mắt xanh” của Hotcourses. Cùng lắng nghe chia sẻ về trải nghiệm cuộc sống của một du học sinh Việt lần đầu tiên đến Mỹ nhé. Hiện nay Yên là học sinh ngành Advanced English tại Union County College tại New Jersey.
Ở Mỹ càng lâu, tôi càng nhận ra rằng đất nước này quả không hổ danh với hai chữ “cường quốc”. Không phải tôi mang một ý nghĩ phiến diện hay phủ nhận sự văn minh cũng như sự phát triển đang ngày một lớn mạnh của quê hương tôi, nhưng phải công nhận một sự thật hiển nhiên rằng - Việt Nam mình còn cách rất xa Mỹ trên con đường chinh phục sự văn minh của loài người (xét về cả hai phương diện vật chất và nhận thức).
Thứ nhất, người Mỹ có ý thức rất cao trong việc tuân thủ quy tắc giao thông. Sống ở đây cũng đã 10 tháng hơn, chưa bao giờ tôi thấy một chiếc xe nào vượt đèn đỏ. Ở Mỹ, hầu như chưa bao giờ thấy bóng cảnh sát giao thông ở các cột đèn, vậy mà đôi lúc trời mưa tầm tã, trên đường chỉ có một chiếc xe, họ vẫn dừng khi có tín hiệu. Người Mỹ rất hay nhường nhau khi lưu thông và người đi bộ bao giờ cũng được ưu tiên nhất. Cứ như ở Việt Nam là mạnh ai nấy chạy, tai nạn cứ nườm nượp là do thế.
Thứ hai, ở xứ này không hề có những việc như hối lộ, đút lót. Tất cả mọi thủ tục giấy tờ đều được giải quyết như nhau cho tất cả mọi người, cứ theo thứ tự mà làm, xứ tự do là vậy. Kể cả tổng thống chạy xe vượt quá tốc độ cũng bị phạt như thường, không phân biệt. Tôi có dùng dịch vụ Triple: Wifi, Cable và Home Phone tại nhà, cứ có vấn đề, lại điện thoại nhân viên đến tận nhà sửa chữa. Họ luôn vui và nhiệt tình, đến đúng giờ và cũng chẵng hề có chuyện “bồi dưỡng” ở xứ này, đó là cái hay.
Thứ ba, ở Mỹ, cái qui tắc xếp hànglà một bài học thuộc lòng lòng ở bất kì nơi nào bạn đến. Từ tiệm thuốc tây, siêu thị, cho đến các tiệm ăn nhanh như KFC, Burgerking - đâu đâu cũng phải xếp hàng. Nhớ lúc mới qua, tôi chưa quen với việc đó nên cứ đi đứng loạn xạ cả lên. Có lần bị nhắc nhở, quê quá trời. Từ đó trở đi tôi đã chú ý hơn.
Thứ tư, tôi rất thích đi mua sắm khi có thời gian. Nhân viên ở Mỹ không khi nào không thấy nụ cười trên môi, mua hàng rồi nếu không vừa ý có thể hoàn trả sau 30 ngày (tuỳ cửa hàng). Có lần, tôi để lạc mất chiếc máy ảnh đúng dịp rất cần có nó. Vậy là, a-lê-hấp, "mượn xài tạm" chiếc camera của cửa hàng gần nhà, xong việc đem trả lại không quên kèm thêm 4 chữ “Thank you so much”, người bán vẫn vui vẻ cười tươi như hoa. Tôi cũng rất thích mua hàng online ở Mỹ, chỉ cần lập 1 tài khoản online, bạn có thể shopping một cách thoải mái. Ở Mỹ hay có chương trình trả góp nên chuyện mua sắm thường không thành vấn đề đối với những cô nàng không có sẵn nhiều tiền. Thanh toán thường bằng credit/debit cards và hàng sẽ được gửi đến tận nhà. Cái hay là gói hàng đươc đặt ngay trước cửa nhà nhưng chẳng bao giờ bị mất. Ý thức cao của người Mỹ là ở đó.
Thứ năm, xứ này là xứ tôn trọng phụ nữ(cái này văn minh trong mắt tôi). Mỗi lần vào siêu thị, đàn ông đôi lúc nhiều hơn phụ nữ bởi ở đây chuyện nội trợ chưa bao giờ là của riêng ai. Nhớ có lần tôi vào tiệm bánh, thấy có ông cụ đi sau, tôi mở cửa và nhường cụ vào trước, đằng này, cụ lại giữ cửa và cười tỏ vẻ “cháu vào trước đi”. Nghĩ cũng hài, ở nước này, quan niệm “Kính lão đắc thọ” lại nhẹ ký hơn 2 chữ “Lady first”.
Cuối cùng, bạn chắc chắn sẽ thích nếu có cơ hội học tâp tại Hoa Kỳ. Giáo dục ở Mỹ luôn đưa ra một tiêu chí hàng đầu, đó là khuyến khích học tập cho tất cả mọi người. Tôi có một người quen ở Mỹ khoảng 50 tuổi, bác ấy đăng ký học ESL (English as Second Language – Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai). Mang tiếng là đi học nhưng lại nhận được 2000USD mỗi khoá (3 tháng) là tiền trợ cấp của chính phủ để mua sách vở, đóng học phí. Nếu bạn là thường trú nhân hay công dân Hoa Kỳ, bạn sẽ được hưởng giáo dục miễn phí cho đến hết trung học phổ thông (tiền học phí trích từ thuế của dân). Học lên đại học, học phí hơi cao, tuy nhiên, bạn lại có thể làm đơn xin trợ cấp tài chính từ chính phủ. Có 3 hình thức:
1- Chính phủ sẽ tài trợ toàn phần học phí của bạn
2- Chính phủ sẽ cho bạn vay tiền nộp học phí với lãi suất 0%
3- Vay Chính phủ với lãi suất thấp.
Tất cả còn phụ thuộc vào hoàn cảnh của bạn. Điều này để nói lên sự quan tâm của Chính phủ Mỹ trong việc tạo điều kiện tối đa và cơ hội học tập ở đây.
Cuối cùng, nói một cách chân thật, Mỹ không phải là thiên đường như mọi người vẫn thường mường tượng (trong mắt tôi, Việt Nam mãi là thiên đường - ít nhất là trong việc ăn uống), nhưng tôi vẫn yêu thích đó đơn giản vì đất nước này đầy mới lạ và tôi thích khám phá. Sẽ có một ngày, tôi kể cho các bạn nghe vì sao Mỹ không hắn là thiên đường, nhưng bây giờ chưa phải lúc, vậy hãy yêu trước đã nhé!
Lạc quan với kinh tế, nhiều người Mỹ đi tìm việc khác
Nhờ mức thất nghiệp thấp kỷ lục, người lao động Mỹ đang có lợi thế họ không có từ nhiều năm nay: Hiện đang có nhiều người đang đổi việc khác hoặc để ý nhìn quanh tìm cơ hội tốt đẹp hơn.