Du học sinh: Đánh đổi cả thanh xuân và tuổi trẻ để nhận được gì?
Đã bao giờ bạn tự hỏi những khổ cực mình chịu đựng trong suốt quãng thời gian du học là đáng giá, đã bao giờ bạn cảm thấy hối hận về những điều từ trước đến giờ mình chọn lấy? Đánh đổi thanh xuân và tuổi trẻ để nhận được gì?
21:00 10/11/2018
Không biết đã bao nhiêu lần câu hỏi ấy cứ lởn vởn xung quanh đầu óc của tôi ở cái xứ lạnh lẽo như cái tủ lạnh khổng lồ này. Hằng ngày, đối diện với một núi bài tập, những chủ đề được giao để nghiên cứu, những bài kiểm tra thì liên tùng tục, nhiệm vụ thì mất cả tiếng để hoàn thành. Có mỗi cuối tuần rảnh rỗi đi “Starbucks với bạn bè” thì thực ra là cũng tụm đầu lại học nhóm. Tôi không hiểu là có đúng một ngày có 24h ở bên đây không nữa. Thời gian ở đây trôi qua nhanh đáng sợ, mở mắt một cái là sáng bắt bus đi học, với cả đống người chen chúc lên như xe chở heo, mệt ngủ ngủ thiếp đi mà xém có lúc quên đi lố trạm. Chớp mắt một cái kết thúc buổi học, lại hành trình chen lấn xe bus để đi về nhà, chân tay đầu óc rã rời, ăn vội miếng cơm rồi lại cắm đầu vào học, bùm, thoắt cái đã 12h đêm. Thế là lại hết một ngày. Cứ thế ngày này qua ngày khác, cảm tưởng như còn không biết đến tháng, ngày, năm.
Rồi trong cái mớ hỗn độn đó, bằng cách này hay cách khác câu hỏi tại sao tôi đi du học lại lởn vởn trong đầu óc tôi. Tại sao chọn qua đây?
Đó chẳng phải là chiều theo ý nguyện của gia đình hay sao. Cái mác du học sinh đối với hàng xóm, láng giềng nó cũng hãnh diện lắm chớ. Cũng chẳng phải là tự bản thân mày muốn qua đây sao, để “trốn tránh” cái cách giáo dục ở Việt Nam mà.
Cái ngông cuồng, cái tôi “to lớn” cũng thôi thúc mày ra đi. Đúng, cảm giác qua một đât nước mới nó tuyệt lắm, cái gì cũng đợi mình khám phá, con người mới, cuộc sống mới, được tự do vùng vẫy, không còn những lề thói, quy củ,… không còn bị ràng buộc.
Trước khi qua đây, tôi cũng đã vẽ một bức tranh màu hồng rất đẹp về du học. Nhưng tôi không mù quáng, tôi cũng đã dự đoán được phần nào những khó khăn mà mình sẽ phải đương đầu, đặc biệt đối với một thằng con trai được cưng chiều như tôi thì để bắt đầu một cuộc sống tự lập hoàn toàn thì còn khó khăn và vất vả hơn nữa.
Thế nhưng, cách nhìn về sự khó khăn, vất vả ấy của tôi lại khác. Tôi còn phải thầm cảm ơn vì sự vất vả đó. Thầm cảm ơn vì tôi được sống là chính mình. Tôi rất yêu thích quyền tự do ngôn luận trên trường lớp. Giáo viên nói sai gì, có quyền đưa ra cái mình cho là đúng để phản bác lại ý kiến giáo viên, mà không sợ bị trù dập, hay bị đì như ai kia. Được toàn quyền sử dụng điện thoại trong giờ học (miễn không phải lúc họ giảng) để tìm tài liệu, có gì đối chất với thầy cô nếu họ hỏi mình cần thông tin để trả lời. Điều này khuyến khích thói quen, tư duy phản biện đối với tôi.
Bạn thích màu tóc xám khói? Tóc cạo sát, bông tai? Bạn muốn xăm hình, bạn ăn mặc dị thường không giống ai? Thoải mái đi, người ta nhìn thành tích học tập của bạn chứ chứ chả ai có thời gian để đánh giá vẻ bề ngoài của bạn.
Thích bởi vì mình làm gì, yêu ai, ăn mặc ra sao không bị soi mói, bàn tán ra vào. Thích bởi vì mình sử dụng thời gian một cách tận dụng có thể, làm cho thời gian trong ngày lắp đầy toàn việc học, chứ như hồi trước học xong ra café, trà chanh chém gió tôi thấy phí thời gian vô cùng Thích bởi vì đi học bằng những phương tiện giao thông công cộng, an toàn tuyệt đối. Thích vì sự an toàn, hằng ngày đọc báo Việt Nam sáng ăn cướp tối giết người. Nói chứ ở đâu chả có người này người kia, bên đây không thiếu, tụi nó còn cướp bằng súng, nhưng chả hiểu sao, vẫn thấy an toàn vô bờ bến.
Thích văn hóa ứng xử nơi công cộng của người ta, cách họ xếp hàng chờ tới lượt của mình, lỡ đụng nhẹ, hay va chạm xe chạm thì cả hai đều tự nhận lỗi dù lỗi không phải của đối phương, chứ không có kiểu gây hấn như muốn xông vào đánh tới nơi mà không có một lời xin lỗi. Những lúc như thế này tôi thấy sao cuộc sống thật yên bình và êm ả đến thế.
Qua đây, tôi cũng nhận ra bản thân mình đã tự lập và trưởng thành đến cỡ nào. Tôi bắt đầu học cách nấu ăn, giặt giũ đồ đạc của mình, sắp xếp, bày trí cho mình một chỗ ở, học hành thật ngăn nắp, quy củ. Tôi sống một cách kỉ luật hơn, dành thời gian cho những việc bổ ích hơn.
Và quan trọng nhất, tôi học được nhiều kinh nghiệm, cái hay từ con người bản xứ.
Họ ăn trưa nhanh lắm, 5-10 phút là xong rồi quay lại làm việc, họ còn chả có khái niệm ngủ trưa nữa . Shock văn hóa (1)
Bên này thường họ ở khá xa chỗ làm , nên phải dậy sớm bắt bus, rồi lên bus ngủ tiếp, nhiều người còn mang theo cái gối lên bus. Shock văn hóa (2)
Sáng thì lúc nào đập mặt cũng cơm tấm, phở , hủ tíu , bún bò huế, bên này thì lại vô cùng đơn giản : bánh mì , ngũ cốc, thỉnh thoảng thêm 1,2 quả trứng rồi vụt ra khỏi nhà, hòa mình với cuộc sống liền. Shock văn hóa (3)
Nhưng rồi, tất cả mọi thứ theo thời gian sẽ quen thôi mà.
Quyết định đi du học, có người khuyên can: “Mày đi du học chi, tốn tiền. Học ở ĐH Hoa Sen hay RMIT người ta cũng dạy Tiếng Anh đó, đúng ý mày còn gì?”. Nhưng đó chỉ là cái hồ Hoàn Kiếm thôi, tao muốn bơi ngoài đại dương kia.
Trong lúc bọn bây, chăn ấm đệm êm, rà rà sáng dậy nổ xe máy đi học, tao phải đi bộ 1-2 km để bắt bus, đặc biệt hôm tuyết dài, thời tiết xấu là muốn khóc luôn. Trong lúc bọn bây được ăn những bữa cơm nóng hổi, đầy đủ thịt, cá thì tao ăn fast food cho nhanh rồi còn đi học, hại sức khỏe lắm. Bọn bây dù sao cũng có bạn bè, người thân xung quanh, những lúc mệt mỏi, khó khăn có chỗ để tâm sự, giải tỏa. Còn tao, tất cả đều phải gói gém lại, dồn nó vào đáy sâu nhất của tâm hồn, tự vượt qua.
Nói chung tương lai ra sao, chưa biết được, cái gì tới thì nó sẽ tới, có thể may mắn tôi sẽ ở lại đây định cư, hoặc biết đâu ở Việt Nam có người mời làm lương cao, nhưng dù sao đi chăng nữa, tui đang và sẽ tích tụ được rất nhiều kinh nghiệm mà ở Việt Nam sẽ không bao giờ có được.
Tui rất thích một câu nói của ca sĩ Sơn Tùng:“Muốn ngồi ở vị trí không ai ngồi được, phải chịu cảm giác không ai chịu được.”
Trung Quốc bất ngờ được ..." Trời giúp " trong cuộc chiến dai dẳng Mỹ- Trung
Theo Bloomberg, một yếu tố có lợi cho Trung Quốc đã bất ngờ xuất hiện trong cuộc chiến thương mại đầy gay cấn và dai dẳng giữa hai nước Mỹ-Trung, đó chính là... thời tiết.