Du học sinh Việt kể chuyện đi làm: Nếu người khác đánh mất cơ hội vì bạn giỏi, họ không có quyền trách bạn!
Bài chia sẻ về quá trình làm việc của Nguyễn Siêu – cậu bạn du học sinh từng gây sốt với bài viết về thói cuồng hoa hậu của người Việt đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng mạng.
13:00 15/01/2019
Nguyễn Siêu (1995) là một cái tên không quá xa lạ đối với cộng đồng du học sinh Việt. Cậu bạn này từng gây sốt với phát biểu về việc cuồng hoa hậu của người Việt vào năm 2015. Siêu vừa tốt nghiệp bằng Cử nhân Điện ảnh và Truyền thông tại đại học Vassar, New York (top 12 nước Mỹ) loại xuất sắc (GPA: 3.9/4.0)
Siêu hiện đang làm việc tại Paramount Network dưới vị trí Junior Associate Producer-Editor sau khi trải qua một thời gian thực tập tại các công ty: Walt Disney, MTV, Blumhouse
Năm 2015, cậu bạn này là 1 trong 200 đại biểu quốc tế tại Hội nghị New York về Á Đông. Siêu vừa cho ra mắt cuốn sách “Cô đơn để trưởng thành – Nhật ký từ nước Mỹ”. Đây là những ghi chép của Siêu về đất nước, con người, văn hoá Mỹ trong suốt 4 năm xa nhà du học dưới một góc nhìn riêng, đầy tỉ mỉ; về những điều bình dị nhất như cách người Mỹ cư xử, ăn uống, đi lại, làm việc, yêu đương, đấu tranh cho bình đẳng giới… Một nước Mỹ mới với góc nhìn đầy khác lạ.
Dưới đây là những chia sẻ của Siêu về quá trình làm việc tại Mỹ sau khi tốt nghiệp đại học đang nhận được sự quan tâm từ phía cộng đồng mạng.
“Hãy làm việc chăm chỉ như một chú ong nghệ, không ngừng nghỉ, không than vãn”
Mình bắt đầu đi làm tại Paramount từ tháng 7 năm ngoái. Công việc của một sinh viên vừa ra trường, mới chân ướt chân ráo bước vào ngành điện ảnh – truyền hình không có gì to tát: nhận làm mọi việc từ bé nhất khi bất cứ ai trong công ty cần giúp đỡ. Đấy là tổng hợp số liệu trong những cuộn băng ghi hình từ hồi 2008, 2009 để nhập vào kho lưu trữ. Đấy là mang ổ cứng chứa dữ liệu quay phim từ công ty của mình tới các agency đối tác trong New York. Đấy là tải video lên website nội bộ để mọi người duyệt trước khi chiếu lên tivi. Đấy là đi mua dụng cụ văn phòng, đĩa DVD, nước rửa tay, khăn giấy…
Trong tháng đầu tiên, đa phần công việc mang tính chất hành chính như vậy. Là một người mới chập chững vào nghề, phương châm của mình luôn là: “Hãy làm việc chăm chỉ như một chú ong nghệ, không ngừng nghỉ, không than vãn”. Kể cả những việc nhỏ nhất thì vẫn phải dồn 100% tâm huyết vào đó. Trong nhóm những người bắt đầu đi làm cùng ngày, cùng vị trí với mình, mình vẫn thường là người duy nhất tình nguyện đội cái nắng hè New York để mang ổ cứng, đạo cụ từ nơi này qua nơi khác. Nói thật, một vài lúc mình đã cố ý không trả lời email một khoảng dài để nhường cho các bạn khác nhận làm, mà ai cũng cố gắng đây đẩy trách nhiệm. Phương châm “Hãy làm việc chăm chỉ như một chú ong nghệ” cho ra quả ngọt sau 3 tháng đầu tiên. Mình là người duy nhất được giữ lại đi làm tiếp, còn các bạn khác thì mình vẫn chưa gặp lại từ tháng 9 cho tới bây giờ.
Không an phận, hãy can đảm đề nghị để được làm những thứ thể hiện hết khả năng của bản thân
Mình vốn nghĩ, nếu cứ an phận với công việc hiện tại, mặc dù toàn là những việc hành chính không mang tính chất sáng tạo, chỉ cần cần cù và chịu khó, làm đúng mọi việc trong trách nhiệm của mình, thì rồi mọi thứ trong cuộc đời sẽ ra đâu vào đấy. Trách nhiệm của mình khi đó chưa đụng vào mảng sáng tạo chút nào. Tuy nhiên, có một lần tất cả các editors trong công ty đều bận, mà lại có một video từ chương trình Lip Sync Battle cần chỉnh sửa để nộp cho giải Emmy. Mình rút hết can đảm gửi email cho manager của chương trình đó, bảo là mình biết dựng phim, mình giúp được. Ngày hôm ấy, mình bắt tay vào cắt video đầu tiên kể từ khi bắt đầu đi làm.
Sau một cái gật đầu của manager, ngày hôm sau, mình được giao chuẩn bị 10 video nữa để gửi cho báo chí. Những thứ mình phải edit, cắt gọt thì không có gì to tát, song mình vẫn vui vì được làm một việc có chút gì đó sáng tạo. Ngày đầu tuần kế tiếp, mình chính thức có một ghế trong phòng họp của nhóm Dựng phim. Bàn làm việc cũng được chuyển từ cái cubicle có một màn hình nhỏ, cho tới một edit station có ba màn hình, hai loa và ổ cứng thả ga lưu trữ dữ liệu. Adobe Premiere và Photoshop hoạt động hết công suất. Những công việc hành chính dần bỏ lại phía sau.
Tháng 10, một chị trợ lý dựng phim đi chơi 2 tuần. Mình ngay lập tức xung phong tiếp quản công việc mà chị ấy để lại, bao gồm tất tần tật mọi thứ liên quan tới một TV show mới khởi động. Mình học thuộc kịch bản, lập danh sách nhân vật và diễn viên, ghi lại những khoảnh khắc đắt giá để dựng phim, tiếp nhận video từ nhà sản xuất, xem và nhớ nội dung của từng video trong tất cả hơn 1000 video được gửi về, hoàn thành video để làm tư liệu trong thông cáo báo chí và gửi cho một số rạp phim. Hai tuần sau, khi chị kia trở về, mình tròn mắt ngạc nhiên tới “ngã ngửa” khi sếp bảo hay cho Siêu làm chính thức dự án này luôn. Chị ấy vẫn muốn phụ trách show đó, nên cuối cùng mình được giao công việc “trợ lý thứ nhì,” nhìn chung hai đứa chia việc cho nhau làm. Tụi mình trở nên rất thân trong công ty. Những ngày vô cùng bận bịu, nhưng cũng là những ngày vui nhất, bắt đầu.
Được tham gia làm một TV show, có công việc mang tính chất sáng tạo, luôn có thứ để làm từ 10 giờ sáng cho tới 6 giờ chiều, nhiều khi còn phải ở lại công ty muộn, mình yêu công việc này hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, thi thoảng mình tự hỏi, mình có phải đang là một con “kền kền” hay không. Những lần mình “nhích” lên một chút trong công việc hiện tại đều là kết quả của một chuỗi sự việc y hệt nhau: khi một ai đó bận hoặc nghỉ làm, mình sẽ cover và làm giúp công việc của họ, cho tới khi họ quay lại thì sếp… giao luôn công việc cho mình. Khoảnh khắc sếp bảo muốn đưa dự án của chị kia cho mình, mình mừng nhưng thấy chị ấy có phần bối rối ra mặt.
Sau dự án ấy, mình tiếp tục được kéo vào làm Lip Sync Battle sau một lần nhảy vào giúp đỡ. Vài tuần sau đó, cũng là kết quả của việc làm việc hộ một chị editor đi nghỉ mát, mình lần đầu tiên có video tự dựng từ A tới Z xuất hiện trên trang Instagram hơn một trăm ngàn followers của Paramount. Một con “kền kền” là một kẻ cơ hội, sáng mắt nhảy tới khi kẻ khác đang không ở trong hoàn cảnh có lợi nhất để trục lợi cho bản thân. Có được công việc mình yêu thích, làm được những thứ mình đam mê, nhưng nhiều khi tĩnh lại mình vẫn tự hỏi: “Quãng thời gian qua, mình đã làm việc như một chú ong nghệ, hay thực chất chỉ là một con kền kền?”
Và có lẽ câu trả lời là cả hai.
Nếu không cần cù và chịu khó, mình có thể đã bị thôi việc từ tháng 9 năm ngoái. Nếu không cần cù và chịu khó, mình sẽ không xem kỹ từng khung hình và có thể đã mắc lỗi nào đó trong video gửi cho lễ trao giải Emmy, có lẽ tới bây giờ vẫn chưa được gia nhập nhóm Dựng phim. Nếu không tỉ mẩn đọc 500 trang kịch bản, soạn danh sách nhân vật hơn 50 người, danh sách hơn trăm cảnh quay cùng hàng chục địa điểm quay, rồi xem hơn 10 tiếng video cả trong lẫn ngoài giờ làm trong 2 tuần làm hộ công việc cho chị trợ lý dựng phim, chắc chẳng ai sẽ chào đón mình vào dự án. Mình vẫn tin thái độ là quan trọng nhất. Bất kể việc nhỏ hay việc lớn, bất kể làm trong trách nhiệm của mình hay chỉ làm giúp cho người khác, mình vẫn phải dồn 100% sự tập trung cho việc mình đang làm. Là “kền kền” hay không phải “kền kền,” muốn cơ hội đến với mình thì trước hết phải là một con “ong nghệ” chăm chỉ đã. Nếu cơ hội còn không có thì muốn làm kẻ cơ hội cũng đâu có xong?
Có cơ hội thì phải chớp lấy nó ngay, phải chớp lấy nó trước những người khác
Nhưng là “ong nghệ” mãi thì không đủ. Nếu chỉ cần cù không, nếu chỉ an phận với những gì mình đang có, thì không biết đến bao giờ ta mới tới gần được những mục tiêu của bản thân. Có cơ hội thì phải chớp lấy nó ngay, phải chớp lấy nó trước những người khác. Thời gian là cuộc chơi công bằng nhất: bạn nhanh thì bạn thắng, bạn chạy tiếp sức khi người khác nghỉ ngơi thì bạn vượt lên trước trên con đường dài.
Tháng 9, nếu không xin edit video Lip Sync Battle cho giải Emmy thì có lẽ mình vẫn mãi là một chú “ong nghệ” đi lọc băng đĩa với mua dụng cụ văn phòng. Tháng 10, nếu không ngay lập tức nhận lời cover công việc khi người khác đi nghỉ mát, thì không biết tới bao giờ mình mới được giao cho một dự án, bắt tay vào những công việc mình thật sự yêu thích. Tháng 11, nếu không ngỏ lời giúp đỡ dự án Lip Sync Battle khi những người khác đều bận hoặc đi vắng, mình sẽ không bao giờ được tham gia làm show này. Tháng 12, nếu không nhảy vào dự án I Am Sam Kinison ngay khi chị editor nghỉ việc 2 tuần, portfolio của mình sẽ không có một video ngàn view trên trang Instagram của một công ty lớn.
Mình rút ra một điều: Miễn không làm gì trái đạo đức, trái pháp luật, thì việc chộp lấy cơ hội khi nó xuất hiện trước mặt bạn không có gì sai. Cơ hội là dành cho tất cả mọi người, nếu biết nắm lấy trước thì nó là của mình. Kể cả khi người khác để dự án tuột khỏi tầm tay vì bạn làm tốt, thì đó là vì bạn giỏi, và vì họ tạo cơ hội cho bạn thể hiện bản thân từ đầu, đâu thể trách cứ ai. Đường tắt sinh ra là để đi, nếu nhìn thấy lối vào thì hãy rẽ.
Hôm nay, đã hơn 10 tháng mình đi làm tại Paramount. Công việc bận bịu hơn bao giờ hết, nhưng mình vẫn chỉ là một con người bé xíu trong ngành công nghiệp giải trí đồ sộ và rộng lớn này. Trong tiêu đề của bài viết này, mình đặt “thăng tiến” trong ngoặc kép vì biết mình vẫn chưa là gì để “bày” cho người khác cách thăng quan tiến chức, chưa là gì để “dạy” ai đó điều gì về một thứ to lớn như “sự nghiệp.” Không, mình không viết bài này để làm một thằng “oắt con 22 tuổi” dạy đời kẻ khác cách… thành công. Cái đó đã có Elon Musk. Việc “thăng tiến trong sự nghiệp” ở đây đơn giản là làm thế nào để bạn tới gần hơn với con đường mà mình muốn đi, vì không phải ai cũng có thể khởi đầu ở chính con đường ấy, tại đúng công việc là lựa chọn số 1 của mình.
Xét về đường dài thì mình muốn làm sáng tạo chứ không phải việc hành chính, nhưng mình biết ơn vì xuất phát điểm của mình là một công việc thuần hành chính. Nó mở ra cánh cửa đầu tiên để bước vào một môi trường cực tốt như Paramount, để từ đó mở ra nhiều cánh cửa khác. Mình có thể an phận, có thể cần cù làm những việc hành chính để rồi mãi mãi đi theo hướng ấy, dù gì thì vẫn có cái tên “Paramount” cho sáng resume. Nhưng mình đã chớp lấy cơ hội để nhảy một đường chéo, và tới gần hơn mục tiêu sự nghiệp của mình, tới gần hơn những công việc mà mình muốn làm trong 5 năm, 10 năm tới, tới gần hơn những người mà mình muốn lấy làm gương và trở nên giống họ trong tương lai.
Ngày hôm nay, mình có video thứ 4 tự lên ý tưởng, tự sản xuất và dựng được đăng lên Instagram của công ty, 9 videos đăng lên hệ thống iTunes, DirecTV, Mediacom, Frontier và Dish, và một video 10 giây sẽ được sử dụng để kết lại tất cả các video từ giờ tới cuối năm của một trang YouTube có 65,700 người subscribe. Tuần sau, lần đầu tiên mình sẽ được giao sản xuất một video sẽ chiếu trên TV cho 1.3 triệu người. Mình được dựng video cho các talents như Sia, Melissa McCarthy, Hilary Duff, Alicia Silverstone, hay bộ phim mới ra rạp gần đây là A Quiet Place. Với mình thì những thứ này rất lớn, với người khác có thể rất nhỏ chẳng đáng là bao, nhưng mình biết những cơ hội này có thể sẽ không bao giờ tới nếu trong suốt 10 tháng vừa qua, mình không trau dồi cả cái chăm của “ong nghệ” lẫn cái nhạy của “kền kền,” vừa phải cần cù trong những việc mình được giao, vừa biết nắm bắt cơ hội khi nó đến. Và như trong bài hôm nọ mình viết “Thích nghi là phải tự làm chủ hoàn cảnh,” đôi khi ta phải “kền kền” lên một tí, tự biết tạo cơ hội cho chính mình.
‘Mấy người Việt Nam mới qua, hỏi cái gì cũng biết’
Em nhớ cái ngày em mới chân ướt chân ráo định cư ở Mỹ. Em theo người quen vào một tiệm bánh xin làm. Họ hỏi em biết làm bánh này, bánh kia không? Em trả lời biết. Mà em biết thật, vì lúc còn ở Việt Nam em đã từng nhận làm bánh cho những người đến đặt bánh cưới, sinh nhật…