Du học sinh Việt vinh dự là người duy nhất phát biểu tốt nghiệp ĐH Mỹ
Cuối tháng 5 vừa qua, chàng trai Việt - La Đức Thịnh, 22 tuổi, vinh dự là người duy nhất đại diện toàn trường Đại học Suffolk, Mỹ tại buổi lễ tốt nghiệp.
23:14 12/06/2017
Câu chuyện vượt khó và ý chí phấn đấu của đã truyền cảm hứng đến nhiều bạn trẻ.
Sinh ra tại Đồng Tháp, La Đức Thịnh (tên tiếng Anh là Tyler La) là người con út trong gia đình. Với điều kiện khó khăn, không ai có cơ hội tốt nghiệp đại học nên khi hai chị em Thịnh ra đời, gia đình ấp ủ mơ ước cho hai con được học hành đến nơi đến chốn.
Lúc Thịnh 2 tuổi, gia đình cậu dời lên Sài Gòn lập nghiệp buôn bán để hai chị em có điều kiện học tập tốt hơn. Thịnh nhớ lại: “Ba mẹ mặc dù không có tiền nhưng lúc nào cũng để chuyện học hành của chị em lên hàng đầu, lúc nào cũng bảo rằng chỉ có học đến nơi đến chốn thì mới có cơ hội tiến thân. Tuy cuộc sống cơ cực nhưng từ nhỏ, 2 chị em đã ý thức tự học, ba mẹ lấy đó làm niềm vui.”
“Ba mẹ xin lỗi con, vì không có điều kiện cho học thêm tiếng Anh”
16 năm về trước, Thịnh là cậu bé nhỏ người nhất trong lớp tiểu học, thường hay bị trêu chọc vì thân hình như lọt thỏm trong bộ đồng phục thùng thình. Đã có lúc cậu trách bố mẹ vì sao không cho cậu ăn uống nhiều hơn để được cao to như chúng bạn. Nhưng lúc ấy, cậu nhóc 7 tuổi đâu biết rằng: bố mẹ cậu chỉ kiếm được khoảng 40.000 đồng/ngày để lo chi phí ăn uống sinh hoạt cho cả thảy 4 miệng ăn.
Lúc Thịnh còn nhỏ, ba mẹ thấy con người ta được đi học Anh Văn nên cũng muốn cho Thịnh đi học. Lúc đó Thịnh học lớp 3, ba mẹ dành dụm chắt chiu cho cậu đi học một khoá Anh Văn ở trung tâm ngoại ngữ: “Mình còn nhớ kĩ lắm, lúc đó ngồi trên xe, ba mẹ hỏi là con đi học có vui không, có thích không. Mình nói thích nhưng cũng hiểu là gia đình không có điều kiện. Ba mẹ ngồi trên xe xin lỗi mình, bảo là không có khả năng để cho đi học thêm nữa, con ráng học ở trường đi, ba mẹ sẽ cố gắng làm, khi lớn chút rồi ba mẹ sẽ cho con đi học lại để không thua thiệt với người ta.”
Dù gia đình khó khăn, Thịnh và chị vẫn rất chăm chỉ và kiên trì với việc học. Những chiều khi ba cậu bận giao hàng cho khách, dẫu 16g đã tan học nhưng cả hai vẫn ngồi ở trường chơi với chú bảo vệ đồng thời tranh thủ học bài đến 19g-20g để đợi ba.
Đến khi Thịnh 12 tuổi, bắt đầu vào học THCS, kinh tế gia đình ổn định hơn. Từ đó, con đường học hành của cậu có thêm hi vọng mới. Năm 17 tuổi, Thịnh được gia đình tạo điều kiện cho đi du học tại trường The Newman School sau đó lên Đại học Suffolk (Mỹ). “Mặc dù gia đình lúc đó điều kiện cũng chỉ vừa đủ thôi nhưng bố mẹ cố gắng đầu tư để mình có tương lai tốt hơn. Cứ nghĩ như vậy rồi ráng dành dụm có khi lại vay nợ, trả lãi suất để lo cho mình đến nơi đến chốn”
Gia đình của Thịnh tại quê nhà.
Vì năng khiếu cộng thêm vốn tiếng Anh khá tốt nên Thịnh hòa nhập khá nhanh với môi trường tại Mỹ. Đối với cậu, khó nhất chính là học môn lịch sử và khoa học vì thuật ngữ nhiều, ít khi xuất hiện trong giao tiếp. Người ta chỉ mất 10 phút để học thì cậu phải mất đến 40 phút, vừa đọc, tra từ ngữ, vừa phải học từ mới. Có đôi khi, Thịnh thức đến 2 – 3g sáng chỉ để học từ vựng, nhưng rồi từ từ rồi cũng quen, cứ mỗi ngày trôi qua thì tốc độ tiếp thu nhanh hơn một chút.
Với cuộc sống năng động tại Mỹ, Thịnh chủ trương tạo mối quan hệ rộng rãi, tham gia các hoạt động để trải nghiệm bản thân. Cậu tham gia hoạt động ở trường, hỗ trợ thành lập tổ chức AIESEC Boston tại trường Suffolk, tập nói trước công chúng, làm trợ giảng, viết thư đề xuất xin đi dự hội thảo… Khi có thời gian rảnh, Thịnh đi làm tình nguyện hoặc tìm xem ĐH Harvard hoặc ĐH MIT có lớp học nào miễn phí thì tranh thủ đến dự thính.
Ngoài bảng thành tích học tập nổi bật, Thịnh còn năng động trong nhiều phong trào.
Lúc là sinh viên năm nhất, Thịnh làm cho Văn Phòng Thị Trưởng ở Boston, giúp đỡ người dân nhập cư, đặc biệt là người Việt Nam qua đây nhưng nói tiếng Anh chưa rành hoặc cần sự trợ giúp. Ở đấy, Thịnh chủ yếu làm thông dịch, giúp người dân khai thuế, thông hiểu về tài chính để có thể hoà nhập với đất nước mới.
Cũng có thời gian hè về VN chơi, Thịnh tranh thủ đi tình nguyện dạy học tiếng Anh tại mái ấm Hoa Mẫu Đơn và lên Đà Lạt giúp đỡ phát quà cho gia đình và trẻ em nghèo. Cậu bạn tin rằng: “Cho dù mình làm công việc gì, có thành công đến mức nào đi nữa thì đừng quên mình đến từ nơi nào và không bao giờ được đánh mất đi lòng tử tế và nhân cách của mình.”
Vừa qua, cậu đã tốt nghiệp một lúc cả hai bằng cử nhân, ngành Marketing và Hệ thống thông tin với điểm GPA là 3.93. Song song đó, Thịnh vinh dự trở thành người duy nhất đại diện toàn thể sinh viên của trường phát biểu trong ngày lễ tốt nghiệp trọng đại
Thịnh trong buổi lễ tốt nghiệp của đại học Suffolk.
Ở đại học Suffolk, để được chọn làm đại diện phát biểu cho toàn trường buộc phải trải qua 2 vòng xét tuyển. Bên cạnh việc là một trong những học sinh tốt về cả mặt điểm số lẫn hoạt động, các ứng viên phải soạn bài phát biểu trước để qua vòng sơ loại. Thịnh nhớ lại: “Cũng may mắn là Thịnh được chọn vào vòng cuối để tranh cử với 5 sinh viên khác. Lúc đó cũng hơi lo, vì mình giỏi thì cũng có người giỏi hơn mình, 5 bạn kia thì bạn nào cũng rất giỏi mà lại là người bản địa nên sẽ không lo sợ về tiếng Anh như mình. Nhưng rồi đến ngày audition, khi bước vào phòng thì lúc đó Thịnh nghĩ tới gia đình, nghĩ tới khi còn nhỏ rồi lấy cảm xúc đó để audition thôi.”
Sau buổi lễ ra trường, hiện tại, Thịnh đang thực tập toàn thời gian ở vị trí Quản lí sản phẩm tại công ty Iron Mountain ở Boston. Theo Thịnh, Việt Nam đang phát triển nhanh và là một trong những thị trường rất có tiềm năng nên khi đã sẵn sàng thì cậu cũng muốn trở về đầu tư để làm việc tại nước nhà.
Ly hôn để rút ngắn thời gian bảo lãnh diện F3
Ly hôn để chuyển diện bảo lãnh là cách thường được đương đơn diện F3 áp dụng và thường bị Viên chức Lãnh sự nghi ngờ dẫn đến từ chối cấp visa.