Du học sinh... vòng quay đi làm, đóng học phí
Bài viết này được viết hoàn toàn dựa trên góc nhìn chủ quan cá nhân, mình viết dựa trên hành trình phát triển của bản thân mình, cộng với những gì mình thấy và quan sát được (từ những người bạn của mình) một vấn đề mà hầu như ai cũng gặp, ai cũng bị, nhưng chẳng mấy ai viết về nó.
09:24 09/02/2024
Bài viết sẽ nêu ra những thứ có vẻ đương nhiên với nhiều bạn, nhưng mình vẫn viết và đóng gói các mảnh ghép đó lại cho các bạn dễ hình dung hơn như thế nào là ‘Phát triển’ và tìm ra phương hướng.
Disclaim: Bài viết này không phải là lời khuyên hướng nghiệp, mình viết đơn giản chỉ là muốn chia sẻ cho các bạn có thêm một cái nhìn khác, một con đường khác. Trong bài này mình sẽ đưa ra những góc nhìn và phân tích tận gốc vấn đề (vì là bài phân tích nên khá dài, có thể khá gay gắt và đi ngược số đông). Bạn có thể xem đây là một bài tham khảo, còn mỗi người có hướng đi để phát triển riêng, mình sẽ không tranh luận nhiều.
Đối với các bạn du học sinh, nhiều bạn có mơ ước được sang du học ở Hàn Quốc, kiếm Visa, ở lại và phát triển bên này. Cũng nhiều bạn sang chỉ vì muốn kiếm tiền để làm một cái gì đó, vì không thể chọn con đường nào dễ đi và nhanh hơn nên chọn Visa du học, và mặc nhiên không quan tâm lắm đến việc học, nhưng vì để duy trì được Visa thì bạn vẫn phải đến trường, vẫn đóng học phí.
Tuy mục đích có là gì thì đa số các bạn đều phải vay nợ ở nhà để được đặt chân sang bên này, một khoản nợ lớn khi vừa chập chững bước vào đời, khác với con nhà có điều kiện, bạn cố gắng sang được vài tháng là nhanh chóng kiếm việc làm thêm để trả nợ, cộng với việc tự mình chi trả chi phí sinh hoạt, ăn uống, học phí, tiền nhà…vv. Nỗi ám ảnh của bạn bắt đầu từ đây, khi bạn không thể cân bằng được việc học và đi làm. Trong đầu bạn nảy ra câu hỏi “Làm ít thì tiền đâu đóng học? nợ ở nhà ngân hàng đến siết nhà, ai trả?”
Ngày bạn đi làm ~8-10 tiếng + đi học + thời gian di chuyển, ngủ nhiều lắm thì được vài tiếng. Từ những vòng quay bộn bề đó, não bạn lúc nào cũng phải căng và tập trung, chỉ cần một khoảng thời gian chểnh mảng việc học là bạn bắt đầu không theo kịp chương trình khi lên chuyên ngành. Giảng viên nói những câu mà bạn không thể hiểu, lắm từ vựng bạn chẳng biết làm cách nào để nhét vào đầu, bạn quá mệt, nhưng vấn đề nối tiếp vấn đề, tồn đọng và tích ứ dần, một thời gian sau bạn ngồi trong lớp mà chẳng biết mình đang học cái gì, gây nên tình trạng Zombie học đường. Lên lớp là để ngủ, giảng viên cứ làm việc của giảng viên, học sinh làm việc của học sinh.
Vòng lặp này vẫn tiếp tục quay, khi bạn không theo kịp -> thi trượt tín chỉ -> đi làm đóng học phí -> bận làm, chểnh mảng học tập -> lại thi trượt…
Nhiều trường đại học tiếp nhận sinh viên nước ngoài hiểu được vấn đề này, chính họ cũng bất lực và biết rằng sinh viên sang đây chỉ để kiếm tiền, đến kỳ thi có vài trường, vài khoa (mình không ám chỉ toàn bộ) còn cho phép sinh viên mở tài liệu ra chép, miễn là trong năm học, sinh viên đóng học phí đầy đủ. “Bạn đóng tiền học, tôi cho bạn thời hạn Visa”, đến kỳ thì vay tiền ai đó để chứng minh tài chính cho trường là được. Một deal công bằng.
Nếu trong khoảng thời gian đó bạn không trụ được, bạn rất dễ sẽ quyết định bỏ ra ngoài đi làm (cảm giác này mình đoán rất nhiều người hiểu)
Trong trường hợp này bạn nghĩ bạn sẽ thoát khỏi vòng xoáy đó kiểu gì? Khó lắm. Khi trong mắt bạn chỉ đang có mục tiêu ngắn hạn là làm gì để có tiền đóng tiền học kỳ sau bây giờ? Khó ai có được tầm nhìn xa khi bị đặt trong hoàn cảnh đấy, đa số toàn bí bách cuộc sống rồi từ đó chỉ ưu tiên đi làm, đi chơi, nhậu nhẹt, bạn bè, yêu đương… tuyệt nhiên không có chỗ cho việc học hành và cái quan trọng hơn là chẳng quan tâm phát triển bản thân nữa (hoặc chưa bao giờ nghĩ đến việc này).
RƠI VÀO KHỦNG HOẢNG
Mình có một key dành cho bạn, mình để ý quan sát từ những người mình gặp và tự soi xét lại bản thân để tìm ra được key này, nó rất đương nhiên, nhưng vì bình thường ít người để ý được sự chuyển biến của nó bên trong đầu nên không nhận ra.
Đó là khi đột nhiên một ngày trong đầu bạn đặt ra câu hỏi “Ủa, thế mình đi làm, đi học như này rồi để làm gì nhỉ? Ra trường rồi làm gì tiếp theo? ở Hàn thì người Hàn có bằng cấp cũng thất nghiệp đầy ra. Học lực mình thì lẹt đẹt, kỹ năng thì không có, rồi ai nhận mình? Hay là vẫn cứ đi làm part time?”.
Đó là lúc não bạn bắt đầu tư duy, nhưng mình muốn bạn hãy đặt câu hỏi xa hơn như thế một chút, kiểu như thế này “Vậy suốt bao năm mình bỏ công bỏ sức ra đi cày, đi tưới hoa cho nhà người khác, rồi vườn hoa của mình èo uột, thiếu sức sống, ai chăm?”.
Quá trình này sẽ khiến bạn phải đau đầu để nghĩ, nhưng tin mình đi, đó là khoảnh khắc giác ngộ của bạn. Lần đầu tiên trong đời bạn suy nghĩ về sự nghiệp, về vị trí trong xã hội, về mục đích của cuộc sống… bla bla.
Mình sẽ giải thích sâu hơn xíu, đó là biểu hiện của “Khủng hoảng căn tính” (identity crisis), bất cứ ai lúc phát triển cũng sẽ phải trải qua giai đoạn khủng hoảng này. Vì điều này RẤT QUAN TRỌNG, và là trọng tâm của bài viết nên mình xin trích một đoạn phân loại 4 kiểu khủng hoảng căn tính theo học thuyết của Erikson và được mở rộng bởi nhà tâm lý học James Marcia. Bạn có thể tham khảo xem mình đang ở giai đoạn nào (chịu khó đọc, đừng lười).
1. Identity diffusion – Căn tính mờ nhạt
Sự cam kết và khám phá của trạng thái này đều ở mức thấp. Những người trong trạng thái này không có khái niệm rõ ràng về cái tôi cá nhân, vai trò của mình trong xã hội, và cũng không chủ động khám phá các lựa chọn cho mình.
Theo Marcia, họ ít có cảm giác lo âu bởi họ không mấy đầu tư vào điều gì. Họ phản ứng thụ động với các sự kiện xảy ra trong cuộc sống theo kiểu “tới đâu hay tới đó”. Tính cách, mục tiêu và các khía cạnh khác của con người họ rất dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài.
2. Identity foreclosure – Căn tính nhận sẵn
Có những người hoàn toàn không trải qua khủng hoảng căn tính cá nhân, đó là trạng thái này. Những người này có thể cam kết với một vai trò, giá trị hay mục tiêu nào đó – đôi khi được xây dựng từ các hình mẫu có sẵn – mà không cần tự khám phá.
Chẳng hạn, một cô gái được dạy rằng phụ nữ không cần quan trọng sự nghiệp, chỉ cần ổn định gia đình, chăm sóc con cái là được. Sau khi lấy chồng, cô quyết định nghỉ việc và ở nhà làm nội trợ giống mẹ mình, cô coi đây là lựa chọn hiển nhiên mà không suy xét đến các khả năng khác.
James Marcia cũng nhấn mạnh rằng một khi những người ở trạng thái “foreclosure” đã bắt đầu trải nghiệm khủng hoảng bản sắc cá nhân thì việc quay trở lại trạng thái này là điều không thể. Tựa như bạn đã mở tấm vải bịt mắt ra, thì dù có thích thứ mình nhìn thấy hay không, bạn cũng không thể quên nó được.
3. Identity moratorium – Căn tính đình hoãn
Người ở trong trạng thái này có mức độ khám phá cao nhưng cam kết thấp. Đây là trạng thái của rất nhiều người trẻ tuổi khi liên tục thử nghiệm với các giá trị, niềm tin và mục tiêu khác nhau, nhưng chưa gắn bó với điều gì cụ thể. Nhiều người bị đánh giá là “lông bông” vì chưa đạt được sự ổn định mà xã hội trông đợi khi đến độ tuổi nhất định.
Tuy nhiên, sự đình hoãn này đôi khi cần thiết để một người khám phá đủ sâu sắc về bản thân, trước khi quyết định đâu mới là kim chỉ nam dẫn lối cho cuộc đời mình.
4. Identity achievement – Căn tính đạt thành
Đây là trạng thái lý tưởng nhất với mức độ cam kết và khám phá đều cao. Người đạt được trạng thái này đã biết giá trị, niềm tin nào quan trọng nhất với mình, và xác định được mục tiêu phù hợp với những giá trị ấy. Thành quả này có được nhờ một quá trình chủ động khám phá bản thân và trải nghiệm nhiều lựa chọn khác nhau.
Nguồn: Vietcetera
Bạn thuộc nhóm nào trong 4 nhóm trên? Và bạn đã đầu tư gì cho bản thân?
Mình thường hỏi vui mấy bạn xung quanh mình là sở thích của bạn là gì? Mọi người đa số đều trả lời chung chung kiểu nghe nhạc, xem phim, du lịch, chăm sóc bản thân… Nhưng đến khoản chăm sóc bản thân, mình hỏi ngược lại, vậy Thân, Tâm, Trí, bạn đã đầu tư vào khoản nào nhiều nhất? thì bạn ý tịt. - Well, mình chẳng bất ngờ.
Mình thấy hình như bạn ý nhầm lẫn việc yêu thương bản thân là việc thỏa mãn, nuông chiều cảm xúc. Bạn cũng đừng bị hiểu nhầm điều này, hãy chăm sóc bản thân bạn bằng lý trí, đừng bằng cảm xúc. Từ những thứ nhỏ nhỏ thôi, không cần phải quá lớn lao. Là khi bạn biết rằng uống bia sẽ hại sức khỏe, bạn không uống nữa, mặc kệ ai nói gì. Là khi bạn hạn chế ăn fastfood, đi ngủ sớm, bạn dành ra chút ít thời gian tập vài bài cho người đỡ oải, bạn rèn thói quen đọc sách, tập trung thật sự vào bản thân chứ không chỉ nói mồm.
Ở phần dưới, mình sẽ chỉ rõ ra điều gì khiến bạn không làm được những việc này. Quá trình này chỉ xảy ra và mang tính bền vững khi nhận thức của bạn thay đổi, còn không thì bạn theo đuổi nó vài tháng là bỏ.
TÍNH TÒ MÒ VÀ ÓC QUAN SÁT, ĐI “TÌM” ĐAM MÊ
Nếu bạn là người có đọc sách, nhất là thể loại self help, bạn cảm thấy rất hưng phấn khi kết thúc được một cuốn, nhưng rồi nó chẳng mấy ngấm vào người bạn, đọc xong bạn vẫn thế, vì tính chất của thể loại sách đó là nó mang năng lượng tích cực, chứ không đào thật sâu vấn đề, nó giống như một loại thuốc phi.ện tạo cho bạn cảm giác bạn đang phát triển nhưng thực ra không hề, lượng kiến thức trong sách đó nó không quá dồi dào như bạn tưởng, trong mấy sách đó hay nói mấy câu truyền động lực kiểu “Hãy sống và theo đuổi đam mê, sống đúng với con người bạn và hiểu bản thân” nghe rất hay đúng không?
Nhưng bạn thử ngẫm xem bạn rút ra được gì từ câu đó? Gấp cuốn sách lại bạn vẫn mắc kẹt với vòng quay cuộc sống, bạn vẫn đi cày ngày 10 tiếng, đi học và ti tỉ thứ khác, vậy ý cuốn sách đó là hãy đi cày và đi học trong vui vẻ ư? Khi đi làm khách đòi hỏi, sai vặt quá đáng, chủ chửi, quỵt lương?
Và bản thân bạn bạn còn chẳng biết mình thích cái gì, mình đam mê cái gì, nhưng trong sách nó vẫn cứ bảo “Hãy cứ đi, trải nghiệm, trải nghiệm thật nhiều, rồi bạn sẽ tìm được điều bạn muốn”. Nghe hay đấy, nhưng trong thực tế mấy câu này nó khiến bạn mơ hồ, bối rối.
Vấn đề ở đây là cách trình bày của mấy cuốn sách đó nó sai, sai ngay từ cách dùng từ. Bạn hiểu như thế nào là “Tìm đam mê”? Không bạn ạ, bạn thử tưởng tượng, bạn lên Google và nhấp vào ô tìm kiếm, nếu muốn tìm một thứ gì đó, tức trong đầu bạn mặc định đã phải biết sẵn từ khóa bạn muốn tìm, thì bạn mới đi tìm, nhưng đây sách nó bảo bạn “cứ đi, cứ tìm”. Quay ngược lại, nếu bạn không biết trong đầu bạn đang muốn tìm gì, bạn sẽ viết gì lên ô tìm kiếm của Google? Đó là sự vô lý và thiếu chiều sâu của sách self help (ném thùng rác giúp mình mấy cuốn tư duy tích cực kiểu này, kể cả mấy cuốn bắt bạn buổi sáng thức dậy hô hào sẽ kiếm được triệu đô)
Hãy thay từ “Tìm” thành “Óc quan sát”. Tại sao lại như vậy, để mình cho các bạn một ví dụ, ở trường hợp này chúng ta không bàn đến chuyện đúng sai hay là có thành công hay không, vì đi sâu quá sẽ lạc đề.
Bạn hãy thử nhìn mọi đồ vật xung quanh bạn, từ cái kẹp tóc, cái lược, thỏi son, lọ mỹ phẩm, áo quần, cây bút…vv.
Nếu bạn đã đặt câu hỏi cho bản thân liệu không biết tương lai mình sẽ làm gì, tức bạn đang tạo sự tò mò, giờ hãy áp dụng sự tò mò đấy nhé.
Mình bắt đầu đi phân tích. Bạn nhìn cái kẹp tóc. Đó là ước mơ của một người. Cái lược. Là ước mơ của một ai đó, họ đã sản xuất ra. Thỏi son, lọ mỹ phẩm cũng là sản phẩm từ ước mơ của ai đó. Tức những thứ bạn đang dùng là sản phẩm hiện hữu từ ước mơ của một người (hoặc một nhóm người).
Giờ giả sử bạn thấy hứng thú với cây son, bạn bắt đầu tìm hiểu về nó, bạn thấy ở Việt Nam cũng chưa có thương hiệu son môi nào thực sự nổi bật cho tệp khách hàng là dân văn phòng, bạn muốn kinh doanh thử, nhưng bạn không muốn phải đi nhập hàng của người khác về để bán nữa, thay vào đó bạn lên Google gõ từ khóa “Gia công son môi”. Nó ra một loạt nhà sản xuất sẵn sàng gia công son môi cho bạn, với số lượng nhỏ để bạn bắt đầu kinh doanh với thương hiệu riêng => Bùm, bạn có khả năng sở hữu nhãn hàng riêng (úi xời, nghe oách xà lách nhỉ?).
Bạn bắt đầu thấy hứng thú khi biết rằng sở hữu thương hiệu riêng dễ đến thế, sự hứng thú đó sẽ thúc đẩy bạn phải đi tìm hiểu. Đứng trên cương vị là chủ thương hiệu, bạn cần biết hoạt động kinh doanh sẽ diễn ra như thế nào, marketing ra làm sao, chuỗi cung ứng, kho bãi, nhân sự, rồi quản lý dòng tiền…vv sẽ giải quyết bằng cách nào. Và những thứ chuyên ngành hơn bạn cũng sẽ phải biết chút ít như design, kế toán, viết content, tài chính…vv. Bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm xem điểm mạnh về công việc văn phòng của bạn thuộc ngành nào trong cái đống này. Kinh doanh sẽ mở ra tất cả các ngành có liên quan, bạn tha hồ trải nghiệm. Thứ bạn cần không phải là tự nhiên bạn đi mò hết tất cả để tìm ra thứ bạn thích. Thứ quan trọng hơn là cái gì đằng sau nó thúc đẩy bạn phải đi mò (hiểu ý mình chứ?)
Bạn để ý những chuyển biến tâm lý ở ví dụ trên, từ một câu hỏi mà nó dần dần mở ra được mục tiêu cho bạn, một bầu trời thứ mà bạn cần học, nhưng không sao, những thứ này là do bạn “muốn học”, nó xuất phát từ bên trong ra, chứ không bị ép buộc phải học như ở trường. Đây mới thực sự tính tự học của bạn được khơi mào, bạn biết rõ bạn cần học gì, cái gì sẽ tốt cho bạn và cái gì không. Chính mục tiêu muốn có được thương hiệu riêng đã thúc đẩy bạn bước về phía trước, từ một người chẳng biết gì về kinh doanh, về son môi.
Nếu bạn có hứng thú về ngành F&B chẳng hạn, bạn đến quán, thay vì chỉ selfie với bạn bè như bình thường, bạn thấy thức ăn ngon, lạ. Bạn sẽ để ý hết tất cả chi tiết của quán, về cách setup, bài trí bàn ghế, rồi concept thiết kế… Trong đầu bạn nảy lên câu “mô hình này hay quá ta, cái này mà đem về VN oke đấy nhỉ”. Rồi bạn trào ra một tràng tưởng tượng việc mô hình quán này xuất hiện ở Việt Nam. Cho đến lúc bạn chuẩn bị khai trương, trong đầu bạn định sẵn cách setup, lượng khách vào ra. Đến những thứ tiểu tiết như chậu cây này để ở đâu, rồi cái này cái kia. Thậm chí nó ám ảnh bạn đến nỗi đêm bạn ngủ bạn cũng mơ về nó (bạn nào đã mở quán vào xác nhận cảm giác này giúp mình. Phải công nhận đi làm mà mang đôi mắt của người làm chủ thì sẽ học được rất nhiều đúng không?)
Hoặc nếu bạn có hứng thú hơn với công nghệ chẳng hạn, ở Hàn mình thấy có rất nhiều app hữu dụng mà hoàn toàn chưa có ở thị trường Việt Nam, bạn có thể tự tìm hiểu một ít về coding và tìm đồng đội lập nên team Dev để xây dựng dự án (mảng công nghệ này mình không nắm rõ, các bạn tò mò có thể tự tìm hiểu thêm, nhưng mảng này cần vốn khá lớn để nuôi dự án từ khi trứng nước).
Thêm ví dụ nữa, cái này là người thật, việc thật, mình sẽ thuật lại câu chuyện của một chị mà mình quen. Bạn để ý sẽ thấy sức mạnh của sự tò mò và óc quan sát nó mới chính xác là công cụ cho việc tìm ra phương hướng, chứ không phải là mấy câu chung chung “tìm đam mê”.
Chị này lúc sang Hàn cũng khó khăn, trong đầu chị đặt ra câu hỏi “không biết làm gì ra tiền bây giờ nhỉ”. Khoảng thời gian đó chị không có nhiều tiền, chỉ đủ để uống cà phê, nên buổi sáng ăn ở nhà thật no rồi bắt tàu lên Gangnam, gọi một cốc cà phê rồi ngồi quan sát mấy người giàu ở Gangnam họ làm cái gì ra tiền. Chị ngẫm và thấy Hàn Quốc mạnh về mỹ phẩm, chị quyết định tìm hiểu về mỹ phẩm. Tình cờ từ đó chị biết phía đối diện quán cà phê có công ty mỹ phẩm điều nhân viên sang quán cà phê này chào hàng, chị tò mò hỏi thử, thế là bén duyên với công việc kinh doanh này, công việc của chị từ đó phát triển lên…
Những người này thuộc hệ số ít, họ có tính mạo hiểm, phá cách trong tính cách, đối đầu hẳn với cả người Việt lẫn người Hàn. Bạn không cần thiết phải như họ, tùy khả năng để ứng biến. Bạn may mắn khi vẫn còn cơ hội phát triển ở Việt Nam nếu ở Hàn cho bạn cảm giác lạc lõng. Số tiền bạn kiếm được bên này về Việt Nam bạn vẫn có thể bắt đầu với một cái gì đó nho nhỏ đi lên.
Mình lược bớt tiểu tiết ở ví dụ trên vì nó không cần thiết, nhưng mục đích chính của ví dụ nhằm cho bạn thấy rằng sự tò mò, đặt câu hỏi và óc quan sát nó sẽ mở ra toàn bộ. Các ví dụ trên mình kể hoàn toàn thiết thực bạn có thể áp dụng, tuy việc kinh doanh có thành công hay không thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố: sản phẩm ngách, tài lãnh đạo và tầm nhìn của bạn, việc tạo ra sản phẩm thời nay rất tinh gọn cho các nhà kinh doanh nhỏ, bạn muốn gia công kem đánh răng cũng có luôn.
THÓI QUEN ĐỌC SÁCH, NGHE PODCAST, AUDIO BOOK…
Số lượng người Việt có thói quen đọc sách đến nay vẫn khá ít. Với người đọc đúng loại sách thì còn ít hơn.
Trước mình hay ném cho bạn mình cuốn sách rồi kèm câu “Đọc đi, update tư duy đi”, “Ừ, để đó lúc nàoo rảnh tao đọc”. Nhưng đến tháng sau mình thấy cuốn sách vẫn nằm ở vị trí cũ, không hề có dấu hiệu được mở ra. Sau vài lần như thế mình nghiệm ra một điều, không chỉ mỗi sách, mà cả việc tập thể dục, học … chăm sóc bản thân nói chung, cũng đều bị trì hoãn. Mấu chốt ở đây là bạn thường bảo không có thời gian, bạn lười. Nếu bạn lười thì bạn đã không làm gì (đúng nghĩa đen). Nhưng bạn có lười lướt tiktok, lười lướt mạng xã hội không?
Mình nhận ra rằng. Nếu bạn đang sống cuộc sống ổn (với cảm nhận của bạn). Sáng đi làm, tối về cơm nước, nằm lướt điện thoại rồi đi ngủ, cuối tuần đi nhậu, đi chơi, cuộc sống vô lo vô nghĩ, không bận tâm đến tương lai, thì việc ai đó ném cuốn sách ra trước mặt, cho dù nội dung trong đó có thể thay đổi cả một đời người thì bạn cũng chẳng có động lực mở ra.
Tại sao bạn cần phải đọc trong khi bạn đã thấy ổn với hiện tại? Điều đó cũng đúng với việc tập thể dục và học tiếng Anh. Bạn thấy ăn ngày ba bữa, thấy ổn với sức khỏe, bạn chẳng có lý do gì phải tập cả. Bạn thấy tiếng Anh quan trọng đấy, bạn muốn học để giao tiếp, bạn sẽ chẳng bao giờ đạt được nếu có trong đầu lý do mơ hồ kiểu này, hoặc nếu bạn học được thì cũng rất chậm. Còn việc bạn học là vì công ty bạn đang ứng tuyển yêu cầu trình độ tiếng Anh, khách hàng của doanh nghiệp là người nước ngoài. Lý do này thì nó lại khác hoàn toàn, rõ ràng và mang tính mục tiêu hơn. Bạn làm mà không có lý do rõ ràng thì như lính ra trận mà không có mục đích.
Nếu bạn được rèn tư duy đúng đắn ngay từ nhỏ thì sẽ dễ hơn, nhưng chẳng mấy ai may mắn như vậy. Bạn cần vạch ra lý do chính đáng thì bạn mới có động lực thực hiện. Đây là hệ quả của môi trường giáo dục phổ thông, 12 năm ăn học, trên ghi dưới chép, học thuộc, đối phó, thi đua, bằng cấp. Bạn không hiểu vì sao bạn lại học những thứ đấy, bố mẹ thì cứ bảo “học để sau còn kiếm việc làm”. Chính lý do không thuyết phục đó khiến bạn ghét học (trong đó có mình).- Học đâu chỉ để kiếm việc làm?
Việc rèn thói quen tốt nó luôn khó hơn là có thói quen xấu, thói quen tốt ép bạn phải mệt, phải mất sức, phải kiên trì. Thói quen xấu thì bạn chỉ cần buông thả ra là sẽ xấu, chẳng phải tốn sức gì.
Quay lại với khủng hoảng căn tính. Nếu sự tò mò bên trong bạn được khơi dậy từ cuộc khủng hoảng, mình muốn bạn hãy tìm đến sách. Vì nhiều người vẫn đi lên theo bản năng chứ không chịu khó đọc sách. Sách là thầy, và thầy chỉ xuất hiện khi học sinh đã sẵn sàng (không biết mình đã nghe câu này ở đâu, nhưng mà đúng phết). Bạn cứ dựa vào ví dụ tìm sản phẩm mình đã kể ra ở trên là sẽ hình dung được chuỗi động lực từng bước được thúc đẩy , nó giống như quân cờ Domino vậy, khi bạn đã quan sát và chọn được quân cờ của bạn, bạn đẩy được 1 quân thì các quân cờ kế tiếp cứ thế đổ. Sự tò mò sẽ khiến bạn phải học tiếp, học tiếp nữa.
Ngoài ra bạn nên có thói quen tiêu thụ nội dung số. Nên nghe podcast, audio book lúc bạn đang làm việc gì đó không cần dùng đến não nhiều, ví dụ như đi xe bus, nấu ăn chẳng hạn. Còn bạn nào đi làm ở xưởng, cửa hàng tiện lợi thì đó là khoảng thời gian tuyệt vời để nạp kiến thức, bạn đang vừa kiếm tiền vừa học, 2in1. Vì công việc lặp đi lặp lại nên rất dễ tiếp thu nếu đeo tai nghe và tiêu thụ các nội dung trên. Hãy bắt đầu nghe với các kênh mà bạn thích, dần dần mở rộng ra những thứ chuyên sâu hơn.
Bạn luyện tập một thời gian bạn sẽ thấy khác, mỗi một ngày trôi qua ít nhất bạn vẫn học được một cái gì đó, từng tí một tích lũy dần. Còn mọi người xung quanh bạn sẽ toàn nghe nhạc hoặc gì đó cho đỡ chán, họ bỏ lỡ khoảng thời gian quý báu này.
Bạn cũng không cần quá ám ảnh lúc nào cũng phải phát triển, hôm nào cảm thấy muốn đổi gió thì việc nghe nhạc cũng tốt, đừng đặt nặng vấn đề quá là được, hãy thoải mái, thói quen được hình thành khi bạn có tâm thế thoải mái nhất.
LOẠI BỎ SÁCH RÁC
Mình khuyên các bạn bớt bớt đọc mấy cuốn self help chút xíu. Mình không phủ nhận hoàn toàn nó, có vài cuốn khá hay nhưng phần lớn trong đó là sách rác, lượng kiến thức trong đó không nhiều. Thay vào đó mình recommend các bạn nên tìm hiểu về triết học, tâm lý học, khoa học… Tiếc rằng người Việt mình ít ai tìm hiểu về Triết học, thật sự triết sẽ gây dựng cho bạn tư tưởng sống, nó tẩy não bạn khỏi những định kiến cũ và cấy vào đầu bạn những tư tưởng đúng đắn, bạn sẽ tìm được đường hướng và mục tiêu cuộc đời thông qua Triết học.
Bạn thử tưởng tượng chiếc iphone của bạn, nó có hệ điều hành IOS và các ứng dụng, phần mềm được cài lên đó. Sách cũng thế, có các loại sách hệ điều hành, và triết học là loại đó, còn các sách chuyên về kỹ năng như sách kinh doanh, marketing, sales, self help…vv là các loại sách phần mềm, nó là thứ phụ được cài đặt trên nền tảng hệ điều hành. Bấy lâu nay bạn đọc mấy sách phần mềm nhiều nhưng không được cài hệ điều hành, bạn không thể phản biện lại sách được vì bạn không biết nó đúng hay sai. Bạn thấy cuốn nào cũng hay, nói cách khác là hệ thống của bạn không có chức năng diệt virus, bạn tiếp nhận một cách thụ động.
Ngay cả bài viết này, mĩnh cũng không tự nhiên mà viết được nó. Kỹ năng viết của mình rất kém, thậm chí hồi còn đi học điểm Văn của mình toàn 5 6, và chưa bao giờ đạt được điểm 8. Mình rèn được óc quan sát, trí tò mò về thế giới nhờ tìm hiểu về triết. Và bài viết này được viết thông qua góc nhìn của triết học, tâm lý học chứ không phải “seo hép”
Khi bạn đã có mục tiêu bạn muốn theo đuổi, bạn sẽ tự có động lực chăm sóc bản thân, rèn trí não, tập thể dục để có sức khỏe đối mặt với mục tiêu của bạn, bạn nhận thức được sự quan trọng của nó, chẳng cần ai bắt ép, thậm chí bạn còn không muốn ra phòng gym để tập, bạn tự tập ở nhà, động lực của bạn là động lực nội tại, xuất phát từ bên trong (bền vững), còn đa số người đi tập ở phòng gym một là vì muốn có dụng cụ tập đầy đủ, hai là họ muốn tìm động lực từ bên ngoài để thúc đẩy bản thân họ (thiếu bền vững).
TIẾT KIỆM TIỀN
Phần đa các bạn đều dính nợ ở Việt Nam, mình khuyến khích các bạn vài năm đầu cứ cố gắng trả hết nợ, trả xong nợ bạn nghĩ đến việc khác cũng chưa muộn, đỡ áp lực thì đầu óc mình mới sáng suốt được. Còn những bạn đã lỡ bỏ ra ngoài đi làm rồi thì tập trung mục tiêu phía trước, chịu khó đắn đo, suy nghĩ.
Chủ đề này vẫn dính dáng đến khủng hoảng căn tính. Có bao nhiêu người liệt kê bảng chi tiêu hằng tháng? Chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thực ra mình thấy cái này cũng không cần thiết lắm nếu bạn vốn là người biết chi tiêu, biết kiềm chế cảm xúc. Nhưng đa số các bạn từ nhỏ đến lớn không có ai chỉ cho cách tiêu tiền, quản lý tài chính cá nhân, nên việc mua sắm các bạn dễ bị cảm xúc chi phối.
Việc tiết kiệm tiền thì chẳng ai dạy ai được, vì mức sống mỗi người là khác nhau. Nếu bạn đã từng không một xu dính túi, bạn tiêu 1.000 won bạn cũng phải suy nghĩ. Hoặc nếu bạn có mục tiêu phải làm sắp tới, bạn sẽ tự biết tiết kiệm. Các mô hình, công thức tiết kiệm cũng chỉ là bổ trợ cho công cuộc tiết kiệm được hiệu quả hơn. Chứ chẳng ai chỉ ai được, động lực tiết kiệm phải được xuất phát từ bên trong, từ sự biến đổi nhận thức về tiền, chứ không phải cứ áp dụng một cách máy móc từ bên ngoài vào là được.
Nhưng bạn hãy nhớ một điều. Số dư trong tài khoản của bạn ảnh hưởng đến tư duy của bạn nhiều hơn bạn tưởng, bạn có trong tay một khoản đủ để bạn cảm thấy tự tin bạn mới nhìn thấy cơ hội, còn không thì bạn chỉ nghĩ được làm sao để đóng tiền học kỳ sau thôi.
Giống như việc bạn đi ăn ở quán nào đấy thấy lạ, ngon, đẹp. Bạn muốn đưa mô hình đấy về Việt Nam. Vừa hay trong tay bạn cũng có được ½ số tiền để xây được cái quán y chang vậy, lúc đấy bạn mới để ý quan sát tiểu tiết và mở rộng thêm vốn hiểu biết. Còn không thì bạn chỉ vào đấy ăn, chụp vài tấm ảnh up Facebook rồi về. Tầm nhìn của bạn bị hạn hẹp bởi chiếc ví của bạn eo hẹp.
Nên bạn hãy gắng tích ra mỗi tháng một ít, 100kw cũng được, không thì ít lắm 7 80k, gắng được càng nhiều càng tốt. Bạn cũng biết, bạn ở bên này một mình, nhiều chuyện không ai lường trước được, bạn tiết kiệm giống như bạn đang tự trả lương cho chính mình trong tương lai, lúc ốm đau bạn sẽ thầm cảm ơn bản thân vì đã tiết kiệm và không cần phải vay tiền ai.
NGOÀI LỀ
Nhiều người băn khoăn đến tương lai nhưng vì họ suy nghĩ mà không tìm ra đường, cảm thấy đau đầu rồi vùi đầu vào cuộc chơi cho khỏi phải suy nghĩ, thành ra sang Hàn 7 8 năm rồi vẫn cứ bảo kiếm ít tiền về VN làm ăn. Nhưng làm ăn là làm ăn cái gì? Họ cũng chưa biết, chính vì mục tiêu mù mờ đó nên tiền trong túi họ cũng cống nạp cho những cuộc vui, tiêu xài hết. Bạn dùng trí tò mò, óc quan sát như mình nói bạn sẽ thấy ở Hàn rất nhiều thứ mà Việt Nam chưa có, chứ không phải như nhiều người bảo về VN không biết làm gì.
Với những bạn đang cố gắng học hoặc đã ra trường và tìm đúng ngành việc của mình, mình ủng hộ các bạn hãy tiếp tục cố gắng, dù gì thì các bạn tìm được việc đúng chuyên ngành đỡ vất vả hơn là thất nghiệp và đi làm part time. Làm công vẫn thấy hứng thú và phát triển thì cứ tiếp tục làm, lúc nào thấy chán, muốn có bước đột phá hơn thì… Tìm và đọc lại mấy ví dụ trên của mình để từ đó suy ra con đường của riêng bạn.
Còn những bạn tốt nghiệp rồi mà không tìm được việc, đắn đo không biết nên về Việt Nam hay tiếp tục ở lại, qua bài viết này bạn hãy ngẫm và xem xét xem bạn đã có mục tiêu làm gì ở Việt Nam chưa rồi hẵng về, đi đây đi đó và đem óc quan sát nhìn xem Hàn có gì thú vị đủ để cuốn hút bạn, từ đó lập mục tiêu.
Những bạn trong lòng cảm thấy không yên với công việc, muốn phát triển hơn ngoài thăng chức, thì như trên bài mình viết, bạn vẫn có con đường để tự lập, tự đi trên chính đôi chân của mình (mình không có ý khuyên tất cả hãy bỏ làm thuê và nhảy ra làm chủ, việc thăng chức trong công việc vẫn là con đường tốt, thậm chí nhảy ra ngoài tự làm bạn phải đánh đổi rủi ro nhiều hơn).
Với những bạn thích ăn chắc mặc bền, công việc ổn định thì mình không có gì để bàn nhiều, mình tôn trọng quyết định của bạn. Nhưng bạn cũng nên cẩn thận. Thứ bên ngoài tác động đến mong muốn phát triển bản thân bạn đó là lương hàng tháng, một mức lương “ổn ổn”. Còn nếu lương thấp thì bạn đã nhảy việc để tìm môi trường tốt hơn rồi đúng không? Chính mức lương “ổn ổn” nó làm bạn cảm thấy thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng và thui chột đi mong muốn phát triển, khó bước ra khỏi vùng an toàn.
Túm cái váy lại: Điểm mấu chốt là bạn cần trải qua IDENTITY CRISIS để thúc đấy trí tò mò, óc quan sát. Đặt được dấu chân đầu tiên là tự bạn có động lực thay đổi cách sống. Người sống có mục tiêu sẽ khác với người sống không mục tiêu, bạn cứ thử đi bạn sẽ biết. Lúc tìm được mục tiêu bạn sẽ thấy bản thân bạn phơi phới, như ánh sáng của Đảng chói qua tim vậy =)), yêu đời và tự tin hơn hẳn =)). Trong tay có tiền (tuy chưa nhiều), nhưng trong đầu có chí học hỏi. Và khi bạn giữ một cái đầu mở thì sẽ học rất nhanh.
Mình đánh giá cao tính kiên trì, sự tò mò của bạn khi dành tâm trí để đọc đến đây. Chung quy lại kiếm tiền là phụ, trong công cuộc mò đường này điều quan trọng là bản thân bạn thay đổi để trở nên tốt hơn.
Mình xin nhắc lại một câu để bạn ngẫm: “Thứ bạn cần không phải là tự nhiên bạn đi mò hết tất cả để tìm ra thứ bạn thích. Thứ quan trọng hơn là cái gì đằng sau nó thúc đẩy bạn phải đi mò”.
Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe và sớm tìm được con đường cho riêng mình!
Bi kịch của thiên tài vật lý Trung Quốc
Đỗ đại học năm 15 tuổi, sang Mỹ với mức thu nhập 140.000 USD một năm, nhưng Sun Weidong hiện đi ăn xin, không sự nghiệp, nhà cửa hay người thân.