“Du học và định cư“ hay “du học rồi trở về“? Một câu hỏi thật sự khó trả lời.
Nếu bạn là một du học sinh, liệu bạn đã bao giờ phải đắn đo suy nghĩ giữa việc du học và định cư với việc quay về không? Để đưa ra được lựa chọn, chắc hẳn bạn cũng đã phải trăn trở rất nhiều.
09:00 14/12/2020
Không thể phủ nhận rằng, nhiều du học sinh đã đặt ra mục tiêu định cư sau khi kết thúc chương trình du học. Bên cạnh đó, cũng có không ít người lựa chọn sẽ quay về nước. Câu chuyện về hay ở sau khi du học xong không hề mới, song lại luôn là trăn trở của các du học sinh Canada. Du học và định cư Canada hay trở về Việt Nam, liệu đâu là lựa chọn tốt nhất?
Lựa chọn ở lại là không có trách nhiệm với gia đình?
Mặc dù chúng ta đều biết rằng Canada là một đất nước có nền kinh tế phát triển, hệ thống giáo dục chất lượng và đời sống an ninh còn hơn cả người láng giềng Mỹ, song nếu một bạn du học sinh nào đó lựa chọn ở lại quốc gia mà họ du học thì phản ứng của số đông đa phần sẽ đều là lên án và chỉ trích.
Mặc dù xứ sở lá Phong có mức chi phí cho học tập và sinh hoạt rất phải chăng, nhưng để có thể chi trả hết những chi phí này trong toàn bộ thời gian học tập thì bạn cũng sẽ phải bỏ ra số tiền không hề nhỏ. Mặc dù bạn có thể tìm được học bổng và giảm phần nào chi phí ấy, nhưng không thể phủ nhận rằng bạn sẽ tốn kém khá nhiều một khi đã quyết định đi du học.
Thêm vào đó, nhiều người nghĩ rằng chỉ những gia đình có điều kiện mới cho con cái mình đi du học. Có lẽ sự ganh tị phần nào đã khiến cộng đồng trở nên xét nét hơn khi nói về những du học sinh không quay về nước. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận lí lẽ họ đưa ra, đó là: "Tại sao bạn được sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, nhưng lại không dùng những kiến thức mà bạn được tiếp nhận để đóng góp cho sự phát triển của nước nhà?"
Chương trình Đường lên đỉnh Olympia của Đài truyền hình Việt Nam là một cái tên đã quá quen thuộc với bao nhiêu thế hệ học sinh, sinh viên. Vậy nhưng, sau mỗi mùa, khi đã tìm ra được quán quân, người ta lại nói vui với nhau là chúc mừng nước Úc đã có thêm một nhân tài. Điều này xuất phát từ thực tế là rất ít nhà vô địch lựa chọn quay về sau khi có được cơ hội du học Úc.
Vậy nhưng, có bao giờ bạn thử đặt mình vào vị trí của những du học sinh xa nhà này chưa? Nhiều bạn đi du học từ cấp 3, độ tuổi người ta vẫn hay nói là “ăn chưa no, lo chưa tới”, tự mình vật lộn với cuộc sống xa nhà mà không có sự bảo bọc của cha mẹ. Họ phải đối diện với quá nhiều áp lực từ chi phí đến nỗi nhớ nhà, cộng thêm áp lực phải tìm kiếm được chỗ đứng, công việc ổn định nơi xứ người.
Những áp lực khủng khiếp đó chỉ khi trải qua chúng ta mới thấm thía được. Bạn có thể kêu ca vì bố mẹ mãi không mua xe máy cho bạn nên bạn phải đi bộ và dùng xe buýt. Tuy nhiên, với các du học sinh, không có gì lạ khi họ phải chấp nhận dậy sớm trước giờ học 2 tiếng để bắt xe buýt giữa mùa đông lạnh giá để tiết kiệm hoặc có thêm một khoản tiền để thuê một ngôi nhà ở ngoại ô.
Sự phát triển của công nghệ thông tin và internet đã cho con người cơ hội tiếp cận với nguồn thông tin khổng lồ. Báo chí thổi phồng lên về sự thành công của các du học sinh và khiến mọi người phải trầm trồ, mà mới đây nhất là chàng du học sinh cao 1 mét 80 và đạt IELTS 9.0. Liệu bao nhiêu người biết được những câu chuyện du học sinh bị trầm cảm, không vượt qua được áp lực học tập ở nước ngoài?
Lựa chọn ở lại sau khi đã học xong, chính người trong cuộc cũng phải trải qua rất nhiều những đắn đo, suy nghĩ. Mặt khác, để được ở lại và thậm chí là định cư Canada hoàn toàn không hề dễ dàng, thậm chí còn khó hơn việc tìm kiếm cơ hội ra nước ngoài học tập. Do vậy, cơ hội được ở lại là điều rất đáng để cân nhắc.
Lựa chọn ở lại, du học sinh có thể mang đến cuộc sống đầy đủ hơn cho người thân của họ. Lựa chọn ở lại, họ có nhiều cơ hội để theo đuổi công việc hợp với chuyên ngành mà họ đã dành ra quá nhiều thời gian để nghiên cứu. Lựa chọn ở lại, họ có thể mang đến tương lai tốt hơn cho con cái của mình, như cơ hội được phát triển và học tập tại các trường hàng đầu thế giới.
Quan niệm du học sinh không quay về là không có trách nhiệm, là không yêu quê hương đã trở nên cũ kĩ và lỗi thời. Ngày nay, chúng ta có nhiều cách để cống hiến cho quê hương, không nhất thiết cứ phải quay về. Và làm sao bạn có thể nói rằng họ không đóng góp gì cho đất nước khi mà hằng năm, lực lượng du học sinh và Việt kiều vẫn góp phần mang về mức GNP khổng lồ?
Giáo sư Ngô Bảo Châu cho đến trước khi nhận huy chương tại Giải thưởng Toán học Fields vẫn là một cái tên xa lạ với đại đa số người Việt Nam. Thời điểm nhận giải, ông đã đăng kí quốc tịch thứ hai là Pháp, nơi ông đã theo học đại học và dành phần lớn thời gian công tác.
Mặc dù thời gian Ngô Bảo Châu công tác ở Việt Nam không nhiều, song ông vẫn có những đóng góp to lớn cho giáo dục nước nhà. Khi nhắc đến ông, nhiều người vẫn bày tỏ lòng ngưỡng mộ vì những thành tích đáng nể của vị Giáo sư này. Ông cũng là một du học sinh đã khiến cho người Việt phải tự hào.
Vậy nên, cống hiến không cứ nhất thiết là phải quay về. Chỉ cần bạn đủ giỏi thì cho dù ở bất cứ đâu, bạn cũng có thể đóng góp cho quê hương, có thể hướng về Việt Nam. Vì đơn giản, cống hiến là không có biên giới và quyết định ở lại sau khi đi du học cũng chẳng có gì để gọi là vô trách nhiệm.
Trở về có chắc là thất bại?
Khi bạn quyết định trở về Việt Nam thì bất ngờ thay, nhiều người cũng sẽ cho rằng vì bạn chẳng thể tìm được việc ở nước ngoài nên mới phải quay về! Cái mác du học sinh không biết tự bao giờ đã trở nên quá lấp lánh và du học sinh dù làm thế nào cũng không thể vừa lòng số đông.
Chắc hẳn khi lựa chọn quay về, bạn sẽ phải đối mặt với những câu hỏi như sao về sớm vậy, không tìm được việc đúng không, đi du học rồi còn cần gì kiếm việc làm trong nước nữa. Thực chất, nhiều người chỉ phán xét dựa trên cái mác du học sinh mà không quan tâm đến những câu chuyện phía sau hành trình du học ấy.
Đúng là các nước đều sẽ dành cho du hoc sinh một khoảng thời gian để tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh một số ngành thiếu nhân lực có thể dễ dàng tìm việc làm thì quá trình tìm việc làm không đơn giản. Nếu bạn có thành tích xuất sắc, được các tổ chức, doanh nghiệp giữ lại thì đó lại là một câu chuyện khác.
Ngoài ra, kể cả khi bạn đã tìm được việc làm thì việc chi trả toàn bộ chi phí sinh hoạt cũng là một gánh nặng không hề nhỏ. Người Việt có thể làm giàu ở nước ngoài không? Câu trả lời là có, nhưng họ cũng phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và vượt qua rất nhiều những khó khăn khác.
Ngoài ra, có một thứ mà rất ít người nhắc tới, đó chính là việc bị sốc văn hóa ngược. Sau khi đã quen với lối sống, sinh hoạt và học tập tại Canada, sẽ rất khó để bạn có thể ngay lập tức làm quen lại với cuộc sống ở chính quê hương của mình. Sự khác biệt giữa 2 nền văn hóa vô hình trung đã tạo nên những khó khăn cho các du học sinh.
Du học sinh sau khi về nước mang trong mình nhiệt huyết muốn thay đổi và xây dựng một cộng đồng tốt hơn. Thế nhưng giữa những du học sinh được đào tạo ở trời Tây và những sinh viên Việt Nam tiếp nhận nền giáo dục bình thường lại không có tiếng nói chung.
Nhiều bạn đã phải chấp nhận quay lại đất nước mình du học để tìm kiếm những cơ hội khác chỉ vì không thể làm việc tốt trong môi trường khác hoàn toàn những gì họ mong đợi sau khi du học về. Hiện tượng chảy máu chất xám xảy ra một phần cũng do chúng ta chưa tìm ra được điểm giao thoa giữa 2 nền văn hóa. Du học sinh chỉ có 2 lựa chọn: hoặc là trở về, hoặc là ở lại Việt Nam và ép mình làm quen lại từ đầu.
Đặc biệt hơn, khi bạn quyết định quay về Việt Nam, con đường sự nghiệp của bạn sẽ không hề dễ dàng. Các công ty lớn sẽ sẵn sàng chiêu mộ du học sinh với mức lương hấp dẫn, nếu họ đủ năng lực để cống hiến. Nhưng phần lớn những công ty sẽ ưu tiên tuyển dụng sinh viên trong nước vì họ không yêu cầu mức lương cao.
Du học sinh có thể có lợi thế vì được đào tạo ở nước ngoài, song sinh viên trong nước lại hiểu hơn về nhu cầu tuyển dụng và dễ bắt kịp với tiến độ công việc. Hơn nữa, du học sinh cũng có nhiều áp lực hơn khi tìm việc vì họ đã bỏ ra số tiền không hề nhỏ khi đi du học.
Vì vậy, khi trở về, du học sinh cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn chứ chẳng hề trải hoa hồng như nhiều người vẫn nghĩ. Vậy thì lí do gì khiến họ vẫn quyết định trở về? Câu trả lời chính là tình cảm dành cho quê hương và gia đình.
Có xa nhà chúng ta mới biết trân trọng những bữa cơm gia đình ấm cúng. Trải qua những ngày nghỉ lễ một mình, chỉ được nghe giọng của người thân qua điện thoại, tự chăm sóc bản thân khi ốm đau và chỉ có thể bồn chồn lo lắng khi nghe tin gia đình mình có việc không hay xảy ra sẽ khiến bạn càng mong muốn được quay về hơn.
Cô nàng Vlogger nổi tiếng trong cộng đồng du học với cái tên rất hóm hỉnh Giang Ơi, khi được hỏi lí do quay về Việt Nam sau khi hoàn thành xong chương trình đại học ở Anh, đã trả lời như sau: “Mình có chân tay, có trí óc, có tình yêu với ngành mình làm, mình đâu sợ gì.”
Bạn vẫn còn trẻ, bạn vẫn còn một quãng đường rất dài để đi, bạn có nhiệt huyết và kiến thức, vậy thì bạn cứ can đảm làm những gì mình muốn. So với những người cứ khăng khăng giữ định kiến là môi trường làm việc ở Việt Nam chán và không năng động, thì những bạn du học sinh với mong muốn mang đến làn gió mới cho Việt Nam lại càng đáng để trân trọng.
Bạn có thể đi du học và định cư Canada, nhưng bạn đã không làm như vậy mà quyết định trở về thì bạn đã quá dũng cảm rồi. Du học là một hành trình dài để trải nghiệm và trưởng thành, sau chuyến đi thật xa của tuổi trẻ, bạn quyết định trở về nơi đã cho bạn cơ hội được “bay” ra ngoài thế giới với mong muốn thay đổi và làm cho nơi đó trở nên tốt đẹp hơn, điều đó thật đáng trân trọng.
Hãy nhìn câu chuyện của Vưu Lệ Quyên, con gái của ông chủ Biti’s Vưu Khải Thành. Nhắc đến Biti’s, người ta sẽ nghĩ ngay đến câu slogan “Nâng niu bàn chân Việt” đã quá nổi tiếng. Thế nhưng về sau này, khi các loại giày thể thao nước ngoài ồ ạt tràn vào Việt Nam thì Biti’s dần mất đi chỗ đứng và bị xem là thương hiệu lỗi thời, kiểu dáng không bắt mắt.
Sau khi kết thúc chương trình học 7 năm ở Canada, cô quyết định quay về nước và áp dụng những kiến thức mình đã được học ở trời Tây nhằm vực dậy thương hiệu của gia đình. Từ một thương hiệu được miêu tả là đang “ngoắc ngoải”, Lệ Quyên đã mạnh dạn đưa ra những chiến lược marketing đầy sáng tạo và mang đến hiệu quả không ngờ.
Hình ảnh đôi Biti’s Hunter xuất hiện trong music video Lạc trôi của Sơn Tùng M-TP, chiến dịch “Đi để trở về” với bài hát cùng tên do Soobin Hoàng Sơn thể hiện đã đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của thương hiệu tưởng chừng đã bị người Việt quên lãng. Cô cũng đưa ra mô hình cửa hàng phân phối trực tiếp hiện đại cho nhãn hàng và hiện nay Biti’s đã có 45 cửa hàng như vậy trên cả nước.
Nhận thức được sự khác nhau về cách thức kinh doanh của 2 thế hệ, Lệ Quyên đã mạnh dạn thay đổi Biti’s để theo kịp xu hướng kinh doanh hiện đại hóa. Có thể thấy rằng thành công của Lệ Quyên là do cô có xuất phát điểm tốt, nhưng tài năng của cô gái này là không thể phủ nhận. Với thương hiệu thời trang riêng mang tên Gosto, cô đang ấp ủ giấc mơ mang thương hiệu Việt đến với kinh đô thời trang thế giới.
Chúng ta cần nhiều hơn những du học sinh như Vưu Lệ Quyên để mang đến những thay đổi tích cực hơn.
Kết thúc bài viết này, hy vọng rằng các bạn du học sinh sẽ hiểu rằng, dù bạn có lựa chọn như thế nào thì vẫn có những đắn đo, đánh đổi. Chỉ có chính bản thân bạn mới hiểu rõ mình muốn gì. Du học và định cư Canada hay du học và trở về là một bài toán chỉ bạn mới có thể giải. Tất cả mọi đánh giá từ những người ngoài cuộc chỉ đều là những quan điểm phiến diện mà thôi.
Cuối cùng, xin được mượn câu nói từ chiến dịch “Đi để trở về” của Biti’s như lời kết cho bài viết này: “Về là ở trái tim, bước chân không có lỗi”.
Khả Vy
Chiến dịch pháp lý TT Trump sẽ chuyển ngay sang phương án B
Đội ngũ luật sư của Tổng thống Donald Trump đang lên kế hoạch tiếp tục cuộc chiến vạch trần gian lận bầu cử.