Dự luật hạ tầng nghìn tỷ USD đốt nóng nghị trường Mỹ
Sau khi hợp tác ngăn chính phủ đóng cửa, quốc hội Mỹ lại tranh cãi kịch liệt về dự luật hạ tầng 1.000 tỷ USD đầy tham vọng của Biden.
08:00 02/10/2021
Mỹ hôm 30/9 thông qua dự luật chi tiêu tạm thời đến ngày 3/12, giúp chính phủ thoát khỏi nguy cơ bị đóng cửa, giữa lúc khó khăn bủa vây đất nước vì đại dịch Covid-19. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký phê chuẩn dự luật ngay trước khi ngân sách hết hạn vào nửa đêm.
"Còn rất nhiều việc phải làm, nhưng dự luật được thông qua này cho thấy hợp tác lưỡng đảng là việc khả thi, đồng thời trao cho chúng tôi thêm thời gian để thông qua ngân sách dài hạn hơn, giúp chính phủ duy trì hoạt động và phục vụ người dân Mỹ", ông chủ Nhà Trắng cho hay.
Tuy nhiên, sau cú bắt tay lưỡng đảng hiếm hoi này, các lãnh đạo đảng Dân chủ lại đối mặt thách thức to lớn liên quan đến gói chi tiêu xã hội trị giá 3,5 nghìn tỷ USD và dự luật cơ sở hạ tầng trị giá tới 1.000 tỷ USD.
Hồi tháng 8, dự luật cơ sở hạ tầng đầy tham vọng do Tổng thống Biden đề xuất được 50 thượng nghị sĩ Dân chủ và 19 thượng nghị sĩ Cộng hòa nhất trí thông qua tại Thượng viện và chuyển nó qua bỏ phiếu tại Hạ viện.
Tuy nhiên, tham vọng kinh tế của Biden lại vấp phải rắc rối từ chính đảng Dân chủ của ông, khi các nghị sĩ cấp tiến trong đảng tuyên bố sẽ không bỏ phiếu cho dự luật cơ sở hạ tầng nếu nó không đi kèm gói chi tiêu xã hội. Trong khi đó, không có đảng viên Cộng hòa nào ủng hộ kế hoạch chi tiêu xã hội lên tới 3,5 nghìn tỷ USD này, khiến số phận của dự luật cơ sở hạ tầng bị đe dọa.
Dự luật cơ sở hạ tầng của Biden bao gồm 110 tỷ USD tài trợ cho cầu đường và những dự án lớn, cùng 39 tỷ USD để hiện đại hóa và giúp phương tiện công cộng trở nên dễ tiếp cận hơn với người tàn tật và người già. Một phần ngân sách đáng kể sẽ dành cho hệ thống giao thông tại các thành phố lớn, như New York, dựa trên cách phân chia tài trợ liên bang.
cũng đầu tư 66 tỷ USD để bảo trì, hiện đại hóa và mở rộng hệ thống đường sắt, hầu hết dành cho Tập đoàn Vận tải Hành khách Đường sắt Quốc gia Mỹ (Amtrak). Nhiệm vụ của Amtrak sẽ được điều chỉnh, tập trung vào "nhu cầu chở khách liên đô thị" thay vì thu lợi nhuận hoặc ít nhất là hòa vốn. Hệ thống đang nỗ lực đại tu để mang đến phương án di chuyển thay thế đáng tin cậy cho vận tải hàng không và đường bộ.
11 tỷ USD trong dự luật sẽ được phân bổ cho các chương trình an toàn cho người đi bộ và đường cao tốc. Bên cạnh đó, 7,5 tỷ USD sẽ dùng để triển khai mạng lưới sạc xe điện. Khoản ngân sách tương đương dành cho xe buýt và phà không phát thải hoặc phát thải ít. Các cảng và sân bay dự kiến được cung cấp thêm 42 tỷ USD ngân sách.
Mục tiêu tăng cường cơ sở hạ tầng nói chung để chống biến đổi khí hậu và tấn công mạng sẽ được đầu tư 50 tỷ USD. 55 tỷ USD tiếp theo dành cho mục tiêu nguồn nước sạch và 65 tỷ USD dùng để phát triển hạ tầng băng thông rộng.
Dự luật còn đầu tư 21 tỷ USD để loại bỏ ô nhiễm đất và nước ngầm, tạo việc làm trong lĩnh vực năng lượng, tập trung vào công bằng kinh tế và môi trường. Nhiệm vụ nâng cấp và mở rộng lưới điện được đầu tư 73 tỷ USD.
Theo kế hoạch, ngân sách cho dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng này sẽ đến từ nhiều nguồn, bao gồm hơn 200 tỷ USD được chuyển đổi mục đích sử dụng từ khoản quỹ ban đầu dự định để hỗ trợ Covid-19, nhưng không dùng tới. Khoảng 50 tỷ USD lấy từ việc trì hoãn một quy định giảm giá chương trình bảo hiểm Medicare dưới thời cựu tổng thống Donald Trump, và 50 tỷ USD từ một số bang hoàn trả quỹ bảo hiểm thất nghiệp bổ sung không sử dụng.
Tuy nhiên, một số nghị sĩ cảnh báo dự luật cơ sở hạ tầng quá lớn như vậy sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách liên bang thêm 256 tỷ USD trong vòng 10 năm, khác với tuyên bố của những người đề xuất kế hoạch rằng các khoản tiền sẽ được lấy từ những biện pháp tiết kiệm và nguồn thu mới.
Trong khi dự luật cơ sở hạ tầng lưỡng đảng tập trung vào các công trình hạ tầng vật chất như cầu đường, phe cấp tiến trong tại Hạ viện lại theo đuổi tham vọng về "cơ sở hạ tầng con người". Họ muốn đưa ra một dự luật riêng về gói chi tiêu xã hội 3,5 nghìn tỷ USD, dùng để trợ cấp chi phí nuôi con, tạo điều kiện cho người lao động nghỉ phép vì lý do sức khỏe hoặc gia đình được hưởng nguyên lương, hay giảm giá nhà ở.
Đảng Dân chủ không trông đợi sự ủng hộ từ bất cứ thành viên Cộng hòa nào đối với gói chi tiêu này. Kế hoạch của họ là sử dụng quy trình chỉ cần số phiếu quá bán để thông qua dự luật tại Thượng viện, với 50 phiếu của toàn bộ thượng nghị sĩ Dân chủ và lá phiếu quyết định từ Phó tổng thống Kamala Harris, người giữ chức Chủ tịch Thượng viện.
Tuy nhiên, không phải tất cả đảng viên Dân chủ đều đồng ý với mức chi 3,5 nghìn tỷ USD, như thượng nghị sĩ Arizona Kyrsten Sinema và thượng nghị sĩ Tây Virginia Joe Manchin, những người mang quan điểm ôn hòa. Manchin đề xuất giảm khoản ngân sách này xuống còn 1,5 nghìn tỷ USD.
Tình trạng chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Dân chủ về gói chi tiêu xã hội khiến Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi quyết định hoãn cuộc bỏ phiếu về dự luật cơ sở hạ tầng, đáng lẽ diễn ra vào ngày 30/9. Mặc dù vậy, một số quan chức Nhà Trắng vẫn tỏ ra lạc quan.
"Nếu cuộc bỏ phiếu không diễn ra hôm nay, đấy chẳng phải biến động gì lớn. dự luật sẽ được thông qua. Hãy nhớ lời tôi. dự luật cơ sở hạ tầng sẽ được thông qua, dự luật chi tiêu xã hội cũng vậy", Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm phát biểu.
Trung Quốc tức giận vì Mỹ trục xuất sinh viên
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington phản đối việc Mỹ thẩm vấn "bừa bãi" và trục xuất một sinh viên nước này.