Dừng DACA – Khoét thêm mâu thuẫn nước Mỹ
Một tuần sau khi chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố chấm dứt chương trình DACA, hoãn hành động đối với những người nhập cư không có giấy tờ hợp lệ đã đến Mỹ từ lúc còn nhỏ, các nhà lập pháp ở Quốc hội Mỹ sát cánh đứng bên những người nhập cư Mỹ gốc Á không có giấy tờ hợp lệ trong một động thái nhằm thể hiện lập trường bênh vực tính đa dạng của thành phần sinh viên và công nhân trẻ, những người mà tương lai và quy chế di trú tại Hoa Kỳ đang trở nên bấp bênh.
01:16 16/09/2017
Dư luận phản đối
Nghị sĩ Judy Chu, Chủ tịch khối các nhà lập pháp châu Á - Thái Bình Dương tại Quốc hội Mỹ, đã mở một cuộc họp báo hôm 12/9, bà nói: “Chúng tôi đến đây để đấu tranh bảo vệ 800.000 dreamer (người hoài mộng) - những người trẻ tuổi mà thời còn nhỏ, đã được đưa vào nước Mỹ không có giấy tờ hợp lệ. Trong thành phần này có 130.000 dreamer là người Mỹ gốc Á châu - Thái Bình Dương. Họ đã được đưa đến đất nước này lúc còn nhỏ và do đó không phải do lỗi của họ”.
Trích dẫn một số liệu từ chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama về số người châu Á ở Hoa Kỳ hội đủ điều kiện đăng ký tham gia chương trình DACA, bà Chu cho biết khoảng 16.000 người đương đơn DACA là người Mỹ gốc Á châu - Thái Bình Dương, dựa theo các số liệu của Hội đồng Người Mỹ gốc Á châu - Thái Bình Dương .
Ông Chirayu Patel, người sáng lập mạng lưới DACA, chuyên cung cấp thông tin và các nguồn pháp lý để giúp những đương đơn DACA, nói: “Tôi là một dreamer và Hoa Kỳ là nước duy nhất mà tôi biết đến”.
Hôm 4/9, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions tuyên bố không còn tiếp nhận đơn DACA nữa. Nhiều bang của Hoa Kỳ đã khởi kiện chính quyền trung ương vì điều này, nhưng tòa án tối cao mới đây đã tạm thời chấp nhận quyết định từ Nhà Trắng. Như vậy, tương lai của hàng trăm nghìn sinh viên, công nhân trẻ sinh sống ở Hoa Kỳ, ra đời ở nước ngoài, được liệt vào thành phần “dreamer” vẫn không rõ rệt. Quốc hội có 6 tháng để hành động nếu muốn tiếp tục cho phép họ ở lại Hoa Kỳ.
Cùng góp tiếng với các đồng nghiệp, kể cả cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và ông Patel, nghị sĩ Chu bày tỏ sự ủng hộ dành cho đông đảo các dreamer gốc Á, và hối thúc việc thông qua đạo luật Dream ở Quốc hội, là đạo luật có thể tạo ra một lộ trình để các đương đơn DACA có thể theo đuổi hướng tới mục đích được xét quy chế thường trú hợp pháp tại Hoa Kỳ.
Chính quyền cứng rắn
Trước làn sóng phản đối về chính sách di trú mới của Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 13/9 đã ngừng cấp một số loại visa nhất định cho một số công dân của Campuchia, Eritrea, Guinea và Sierra Leone, vì các nước này không nhận lại công dân bị Mỹ trục xuất.
Các chính sách mới được vạch ra trong điện báo của Bộ Ngoại giao gửi vào ngày thứ Ba và được Reuters xem qua, là ví dụ mới nhất cho thấy nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump trấn áp người nhập cư đang sống ở Mỹ bất hợp pháp.
Những điện báo, do Ngoại trưởng Rex Tillerson gửi tới các quan chức lãnh sự khắp thế giới, cho biết bốn nước đang “từ chối hoặc trì hoãn một cách bất hợp ly”" việc hồi hương công dân của họ từ Mỹ và các hạn chế visa sẽ được dỡ bỏ nếu một nước nhận lại những người bị trục xuất.
Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về các điện báo này, nói rằng họ không thảo luận về những liên lạc trao đổi nội bộ, Reuters cho biết.
Các biện pháp trừng phạt visa khác nhau về mức độ nghiêm trọng, với Eritrea chịu những chế tài khắc nghiệt nhất. Bất kỳ người Eritrea nào nộp đơn tại quốc gia của họ xin hầu hết visa kinh doanh tại Mỹ hoặc visa du lịch tới Mỹ đều sẽ bị từ chối, theo một trong những điện báo này.
Ở Guinea, Mỹ sẽ không còn cấp một loạt visa du lịch, kinh doanh và du học cho các quan chức chính phủ và những người thân nhất trong gia đình họ ngay tại nước này, một điện báo khác cho hay.
Ở Campuchia, chế tài được áp dụng cho những đối tượng nhất định. Chỉ có nhân viên Bộ Ngoại giao ở cấp tổng giám đốc trở lên và gia đình của họ, nộp đơn xin visa trong nước sẽ bị cấm không được cấp visa cho việc du hành cá nhân, một điện báo thứ ba nói.
Đối với Sierra Leone, chỉ có các quan chức Bộ Ngoại giao và di trú sẽ bị từ chối visa du lịch và kinh doanh tại Đại sứ quán Mỹ tại Freetown, theo một điện báo thứ tư.
Trong mỗi trường hợp, có những ngoại lệ cho công dân của bốn quốc gia nộp đơn xin visa ở ngoài nước, cũng như những ngoại lệ dựa trên cơ sở nhân đạo hoặc cho việc du hành “được xem là vì lợi ích của Hoa Kỳ”. Các quy định mới, có hiệu lực vào ngày 13/9, không ảnh hưởng đến những visa đã được cấp.
Tỉ lệ người nghèo ở ‘Tiểu Bang Vàng’ California cao nhất nước Mỹ
Cứ năm người dân California thì có một người đang sống ở mức nghèo, tỉ lệ cao nhất trên nước Mỹ, theo dữ kiện mới công bố từ cơ quan kiểm tra dân số.