Được, mất của Mỹ sau đòn không kích giáng vào Syria

Mỹ và đồng minh thể hiện được thông điệp răn đe, nhưng khoét sâu thêm căng thẳng với Nga và gia tăng xung đột ở Syria.

20:30 16/04/2018

Sau một tuần cân nhắc, Mỹ và đồng minh Anh, Pháp ngày 14/4 tiến hành cuộc tấn công tên lửa nhắm vào các mục tiêu ở Syria để đáp trả việc nước này bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường. Giới phân tích cho rằng đây là một cuộc tấn công hạn chế nhưng sẽ có tác động lâu dài đến những "được – mất" của Mỹ trong cuộc xung đột ở Syria, theo CNN.

Thể hiện khả năng răn đe và đoàn kết

Bình luận viên Tim Lister chuyên đưa tin về Trung Đông của CNN và BBC cho rằng cái được lớn nhất của Mỹ, Anh, Pháp trong cuộc tấn công Syria này là đã phát đi thông điệp răn đe mạnh mẽ về việc sử dụng vũ khí hóa học, hành vi bị cấm theo luật pháp quốc tế.

Mặc dù chưa có những bằng chứng vững chắc, Mỹ cho rằng Syria đã sử dụng vũ khí hóa học khoảng 50 lần trong cuộc nội chiến kéo dài 7 năm. "Việc sử dụng vũ khí hóa học không thể trở thành điều bình thường, chúng ta cũng không thể tiếp tục làm ngơ trước nạn nhân của các loại vũ khí đó", Thomas Markram, quan chức giải trừ quân bị cấp cao của Liên Hợp Quốc, tuyên bố tuần trước.

Chính quyền Obama năm 2013 từng đe dọa sẽ tấn công sau khi Syria bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học, nhưng sau đó không có chiến dịch quân sự nào được thực hiện. Tổng thống Mỹ Donald Trump năm ngoái ra lệnh phóng 59 tên lửa Tomahawk vào căn cứ quân sự của Syria để đáp trả việc quân đội nước này bị cho là đã sử dụng chất độc thần kinh sarin ở Idlib. Tuy nhiên, Ủy ban Cứu trợ Quốc tế tuần trước đánh giá vụ không kích tháng 4/2017 "không làm thay đổi tính toán của các bên tham chiến, cũng không giúp dân thường Syria an toàn hơn".

Lần này, Mỹ, Anh, Pháp quyết định tung ra đòn tấn công lớn hơn, với số lượng tên lửa tăng gấp đôi, số mục tiêu tăng gấp ba. Mỹ kỳ vọng mức độ quyết liệt của chiến dịch sẽ là đòn răn đe hiệu quả, ngăn chặn chính quyền Tổng thống Syria Basha al-Assad thực hiện các cuộc tấn công hóa học trong tương lai.

Trong bài viết đăng trên tờ Shargh Daily của Iran, giáo sư Kayhan Barzgar cho rằng cuộc tấn công Syria còn là một nỗ lực cho thấy sự đoàn kết của phương Tây trong việc khẳng định khả năng chi phối các sự kiện diễn ra ở Trung Đông.

Ba mục tiêu ở Syria bị Mỹ và đồng minh tấn công bằng tên lửa. Đồ họa: BQP Mỹ.

Ba mục tiêu ở Syria bị Mỹ và đồng minh tấn công bằng tên lửa. Đồ họa: BQP Mỹ.

"Mỹ, Anh và Pháp hiểu rõ rằng họ không thể kiểm soát được hậu quả của một chiến dịch quân sự quy mô lớn ở Syria, thế nên họ đã chọn một hành động tấn công hạn chế để giúp các quốc gia phương Tây đang chia rẽ xích lại gần nhau", Barzgar nói.

Giáo sư này còn cho rằng bằng chiến dịch không kích nhắm vào một đồng minh của Nga và Iran, phương Tây đang "làm hài lòng" các đồng minh trong khu vực như Arab Saudi. Barzgar cho biết ông sẽ không ngạc nhiên khi Mỹ, Anh, Pháp sẽ có thêm các cơ hội kinh tế tại Trung Đông sau chiến dịch này.

Mất cơ hội cải thiện quan hệ với Nga

Tuy nhiên, khi thực hiện được đòn răn đe với Syria, Mỹ đã khiến quan hệ với Nga xuống đến mức thấp nhất trong hàng chục năm qua, thậm chí tạo ra nguy cơ đối đầu trực diện giữa hai cường quốc hạt nhân.

Theo Lister, cái mất lớn nhất của phương Tây khi tung ra đòn không kích là làm sâu sắc thêm thái độ thù địch vốn đang lớn dần trong quan hệ Nga – Mỹ. Tuần trước, lần đầu tiên nêu đích danh người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong tuyên bố mang tính chỉ trích trên Twitter, sau đó còn đe dọa Nga về "tên lửa đang tới, đẹp, mới và thông minh".

Năm ngoái, Mỹ và Nga nhất trí thành lập khu vực giảm xung đột ở miền nam Syria, vốn được coi là "dấu hiệu đầu tiên cho thấy hai nước có thể phối hợp cùng nhau ở Syria". Khi gặp Putin tại hội nghị G20 ở Hamburg, Đức năm 2017, ngoại trưởng Mỹ khi đó là Rex Tillerson đã nói rằng "quan hệ hai nước quan trọng đến mức không thể không tiến lên".

Đòn không kích vào Syria do Mỹ dẫn đầu đã khiến Nga mất hoàn toàn niềm tin vào cơ hội cải thiện quan hệ với Mỹ. Điện Kremlin trước đó đã tìm mọi cách để ngăn cản tiến hành không kích. Sau khi tên lửa trút xuống Syria, Putin tuyên bố cuộc tấn công "gây tác động tồi tệ đến toàn bộ hệ thống quan hệ quốc tế".

Dù cả Nga và Mỹ đều cố gắng tránh đối đầu trực tiếp trên chiến trường Syria, không có gì đảm bảo việc Nga không âm thầm khuyến khích các lực lượng đồng minh tấn công vào lính Mỹ đồn trú ở Syria, Lister nhận định. Ali Akbar Velayati, cố vấn cấp cao của chính quyền Iran, tuyên bố "Chúng tôi hy vọng có những bước đi lớn để giải phóng miền đông Syria và đánh đuổi lực lượng Mỹ chiếm đóng".

Trong tình huống hiện nay, Nga có thể không ngăn cản dân quân Iran ở miền nam Syria có hành vi khiêu khích Israel, đồng minh thân cận với Mỹ. Các tay súng đánh thuê người Nga cũng có thể gia tăng hoạt động nhắm vào vị trí đóng quân của đặc nhiệm Mỹ ở phía đông sông Euphrates.

Syria hoang tàn

Cái giá phải trả cho tuyên bố "nhiệm vụ hoàn thành" của ông Trump là một đất nước Syria ngày càng bị tàn phá bởi chiến tranh. Khoảng 6,5 triệu người dân Syria đã bị mất nhà cửa, trong khi các đô thị lớn bị bom đạn biến thành những bãi chiến trường khổng lồ.

Cơ sở nghiên cứu Syria bị tên lửa hành trình liên quân phá hủy hôm 14/4. Ảnh: AP.

Cơ sở nghiên cứu Syria bị tên lửa hành trình liên quân phá hủy hôm 14/4. Ảnh: AP.

Cuộc tấn công vào Syria ngốn của Mỹ khoảng 250 triệu USD, nhưng Washington không có ý định bỏ ra nhiều tỷ USD để tái thiết đất nước này sau chiến tranh. Chỉ vài tuần sau khi Tillerson cam kết chi 200 triệu USD để ổn định tình hình miền bắc Syria, lại tuyên bố đóng băng khoản chi này, với lý do muốn rút lực lượng Mỹ khỏi đây "rất sớm".

Nga nhiều khả năng cũng không đủ năng lực tài chính để khôi phục nền kinh tế Syria, dù đã nỗ lực hết mình để tìm giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này.

Trong bối cảnh đó, đòn tấn công tên lửa của Mỹ không làm thay đổi thế cân bằng chiến lược ở Syria, nhưng lại tạo ra tình thế đối đầu gay gắt hơn giữa các bên có liên qua, tác động tiêu cực đến triển vọng hòa bình cho đất nước này.

"Sự thực là hành động trừng phạt quân sự dù ở quy mô nào cũng không giúp kết thúc xung đột. Việc cả chính phủ Assad lẫn phe nổi dậy cùng tồn tại sau 7 năm nội chiến cho thấy không bên nào có thể thắng trong cuộc chiến này bằng vũ lực", bình luận viên Lina Khatib của Guardian nói.

Sau cuộc tấn công với mục tiêu duy nhất là răn đe, Mỹ không có thêm động thái nào khác nhằm thể hiện chiến lược lâu dài tại Syria. Quốc gia Trung Đông này sẽ tiếp tục chứng kiến những cạnh tranh gay gắt hơn, khi Nga tăng cường sự ủng hộ chính quyền Tổng thống Assad, Iran tìm kiếm cơ hội tấn công Israel, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tận dụng cơ hội để tăng sức ép lên người Kurd. Trong khi đó, người dân Syria vẫn chưa thể tìm thấy triển vọng tươi sáng nào cho nền hòa bình được chờ đợi từ lâu, Lister nhận định.

Bình An

Tags:
Cãi lời bác sĩ, chồng đưa vợ đi khắp thế giới thay vì vào viện

Cãi lời bác sĩ, chồng đưa vợ đi khắp thế giới thay vì vào viện

Vợ bị bệnh phải vĩnh viễn ngồi xe lăn, người chồng Mỹ nhất quyết không giao phó cho y bác sĩ chăm sóc mà đưa bà đi du lịch.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất