Đường sang Mỹ mua tinh trùng của các nữ đại gia độc thân

Nhiều phụ nữ Trung Quốc học cao, giàu có quyết định ra nước ngoài kiếm con khi chưa biết lúc nào mới gặp được bạn đời.

00:30 01/03/2019

Khi lựa chọn bố cho con mình, chị Zhang Wei lập một bảng Excel thông tin của hơn 10 người hiến tinh trùng, từ trình độ học vấn, vẻ ngoài, nghề nghiệp, tới sở thích, chủng tộc. 

Zhang Wei là giám đốc tài chính một công ty công nghệ. Chị còn độc thân và chuẩn bị tới Mỹ để chọn tinh trùng. Hou Kun, người đứng đầu văn phòng Trung Quốc của một bệnh viện sản phụ khoa tại Mỹ, cho biết Zhang Wei có yêu cầu rất khắt khe. "Cô ấy muốn có một đứa con đúc theo đúng khuôn đã định".

Tại Trung Quốc, phụ nữ độc thân không được hỗ trợ những dịch vụ hỗ trợ sinh sản như đông lạnh trứng, thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai hộ. Vì sự hạn chế này, một số chị em có điều kiện kinh tế tốt đã tìm dịch vụ ở nước ngoài như Mỹ, Nga...

Theo Hou Kun, vài năm nay, trong số khách hàng thực hiện hỗ trợ sinh sản tại đơn vị này, phụ nữ độc thân chiếm khoảng 10%. Những ai mua tinh trùng tại Mỹ rồi thụ tinh trong ống nghiệm để có con cần ít nhất 500.000 nhân dân tệ (hơn 1,7 tỷ đồng). Nếu nhờ người mang thai hộ, tổng chi phí ít nhất là một triệu nhân dân tệ (hơn 3,4 tỷ đồng). Vì chi phí cao như vậy nên chỉ những người giàu mới đủ khả năng.

"Những phụ nữ này thường độc lập về tài chính và có tư tưởng cởi mở, có thể từng đi du học, hầu hết đều hoạt động trong các ngành như tài chính và công nghệ", Hou Kun cho biết.

Một bà mẹ Trung Quốc sang Mỹ mua tinh trùng để có đứa con theo đúng các tiêu chuẩn đặt ra. Ảnh: Beijing News.

Một bà mẹ Trung Quốc sang Mỹ mua tinh trùng để có đứa con theo đúng các tiêu chuẩn đặt ra. Ảnh: Beijing News.

Lựa chọn nghiệt ngã

Khi lựa chọn hướng này, phụ nữ độc thân phải đối mặt với những ánh mắt tò mò, thậm chí ngờ vực của gia đình, xã hội. Việc làm sao để giải thích với con rằng bố chúng là ai cũng là vấn đề họ không thể né tránh.

Tian Xin, 34 tuổi, là nữ giám đốc điều hành một công ty có tên trong danh sách 500 công ty hàng đầu thế giới của Fortune. Ở độ tuổi 30, cô lo lắng cho khả năng làm mẹ sau này của mình.

Trước đây, cô thường thức dậy lúc 6 rưỡi mỗi sáng và đi ngủ lúc 24h, còn bây giờ, cô phải nghỉ ngơi đủ 10 tiếng mỗi đêm. Vài năm trước, cô thường xuyên đi công tác khắp thế giới, từ Mỹ, Canada tới các nước châu Âu và chẳng bao giờ phải nghỉ ngơi sau mỗi chuyến bay. Tuy nhiên, từ khi 30 tuổi, cô phải mất vài ngày mới thích nghi được với nơi mới.

Và mỗi lần khám sức khỏe, Tian Xin đều phát hiện các vấn đề nhỏ như u nang, polip, u xơ tử cung... Một người bạn tại Mỹ làm trong ngành sản phụ khoa nói với cô rằng nếu muốn có con, tốt nhất là sinh trước tuổi 35 vì sau tuổi đó, số lượng và chất lượng trứng đều giảm. 

Không biết đợi tới khi nào mới gặp được đúng người mình muốn kết hôn nhưng Tian Xin biết rõ cô muốn có một đứa con.  

Theo China New Weekly, tại Trung Quốc, ngày càng nhiều phụ nữ chọn sống độc thân và có con. Số liệu năm 2015 từ Bộ Nội vụ cho thấy, số nam giới và phụ nữ độc thân tại nước này là gần 200 triệu người. Deng Xuyang, người sáng lập Bệnh viện hỗ trợ sinh sản tại Mỹ, từng hỗ trợ một nữ thiết kế thành đạt hơn 40 tuổi muốn có con. Người phụ nữ này có một mối tình kéo dài 10 năm nhưng cả hai từng không muốn có con, chỉ tập trung vào sự nghiệp.

Sau khi chia tay bạn trai, chị bị trầm cảm 2 năm, có lúc phải dùng tới thuốc ngủ và việc có con trở thành "thuốc thần" lấp đầy cuộc đời cô đơn của chị. Chị kể với Deng Xuyang rằng so với thời trẻ, tinh thần mình đã xuống dốc rất nhiều và cần một đứa con để bắt đầu lại cuộc sống. 

"Với những phụ nữ này, việc nuôi dạy một đứa trẻ không phải để đảm bảo cho tuổi già mà chỉ là để cho đi tình yêu hay có người bầu bạn", giám đốc Deng Xuyang nói. 

Phá bỏ các rào cản

Để thuyết phục gia đình, Tian Xin đã mất 3 năm làm công tác tư tưởng. Cô đã mời một người bạn tên Nana - đang làm việc tại một cơ sở hỗ trợ sinh sản tại Los Angeles, tới nhà để giải thích cho bố mẹ hiểu về quá trình xin tinh trùng, thụ tinh trong ống nghiệm. 

Người mẹ dần ủng hộ con gái nhưng ông bố chưa yên tâm. Những lần cô tới Mỹ chọc trứng hay chuyển phôi, người mẹ sang cùng nhưng nói dối rằng hai mẹ con đi du lịch. Đầu năm 2019, trước khi sang lại Mỹ để thực hiện một số thủ tục cuối cùng, mẹ con cô cũng kể thật. Ông bố nói đã đoán ra sự tình và giờ đây cũng đang mong chờ cháu gái chào đời. 

"Phụ nữ độc thân trong số các khách hàng của chúng tôi, đặc biệt là những người dưới 40 tuổi, đều đi cùng bố mẹ. Hầu hết người già đều sợ con cái bị đơn vị môi giới lừa. Nói chung, cha mẹ họ là những người có trình độ giáo dục, tư tưởng cởi mở và tôn trọng sự lựa chọn của con cái", Hou Kun cho biết.

Hou Kun từng gặp một phụ nữ tên Gao Zhi, 40 tuổi, đã ly hôn, có bố mẹ đi cùng khi đến phòng khám. Cặp vợ chồng già biết rằng rất khó cho con gái họ kết hôn lần nữa và lo lắng sau này không có ai bầu bạn với con. 

Khi đã được sự chấp thuận của cha mẹ, phụ nữ độc thân thường không còn bận tâm tới ánh mắt của những người khác. "Hàng xóm, đồng nghiệp, mọi người xung quanh... có thể soi mói tôi mỗi ngày. Nhưng chỉ cần bố mẹ ủng hộ thì mọi thứ khác không đáng lo", chị Gao Zhi nói. 

Bé Doris bên mẹ. Ảnh: Beijing News.

Bé Doris bên mẹ. Ảnh: Beijing News.

Sự thay đổi khi làm mẹ

Cô bé Doris hơn một tuổi, có đôi mắt to, tóc nâu và da trắng. Mẹ bé, chị Ye Haiyang, là chủ tịch một công ty mỹ phẩm. Chị chưa kết hôn và bố em bé là một người hiến tinh trùng tại Mỹ.

Kể từ khi làm mẹ, chị Ye Haiyang thấy trái tim mình tràn ngập hình ảnh con gái Doris. Một lần, khi có việc phải xa nhà một tháng, lúc trở về, chị vô cùng xúc động khi thấy con gái đang đứng đợi, bàn tay bé xíu vẫy vẫy đón mẹ.

Ye Haiyang từng là một người dễ nổi nóng. Một lần, khi cô con gái nghịch, xóa sạch file máy tính của mẹ, chị đã vô cùng tức giận. Nhưng lúc cô bé sà vào lòng rồi hôn lên má mẹ, chị lập tức thấy trái tim mình mềm lại. 

Hầu hết những người độc thân đã có kế hoạch cụ thể khi lựa chọn việc nuôi dạy con. Một người mẹ kể với Hou Wei rằng chị có kế hoạch sẽ hạn chế công việc trong 3 năm để ở bên con bởi biết đó là thời gian trẻ cần mẹ nhất.

"Họ đều rất lo lắng tìm những biện pháp nuôi dạy con khoa học. Một số bà mẹ không an tâm về các vấn đề ăn uống của con nên còn mời cả chuyên gia nhi về nhà vài ngày để hỗ trợ", Hou nói.

Tuy nhiên, mô hình gia đình đặc biệt này cũng thể hiện một số vấn đề. Một người mẹ đơn thân thổ lộ, chị sợ con mình lớn lên sẽ bị kỳ thị tại trường học, cộng đồng.

Theo Beijing News, khi Tian Xin chọn tinh trùng, chị muốn sinh một đứa con lai. Nhưng người bạn thân là nhân viên y tế nhắc nhở chị rằng "Nếu tất cả trẻ khác ở trường đều tóc đen, mắt đen, còn con bạn tóc vàng, mắt xanh, nó có thể bị cô lập, dù đi học trường quốc tế". Sau khi cân nhắc việc này trong 2 tuần, Tian Xin quyết định chọn tinh trùng từ một nam giới châu Á.

Cuối hè rồi, chị Ye Haiyang đưa gia đình sang Thái Lan nghỉ dưỡng. Buổi sáng trời mưa, chị và con gái Doris ngồi bên cửa sổ nhìn ra ngoài. Ngắm gương mặt ngây thơ của con, chị đột nhiên cảm thấy thoáng buồn và tội nghiệp cho bé. Chị chia sẻ trên mạng xã hội: "Con gái, mẹ xin lỗi. Mẹ không cho con một người cha. Mẹ đã đưa con đến thế giới này khi chưa được sự đồng ý của con".

"Nếu trẻ lớn lên và hỏi bố là ai, bạn sẽ nói sao?", chị Xiao Zhu kể rằng nhiều người đã hỏi chị về vấn đề này. "Một số đứa trẻ được nhận nuôi từ nước ngoài đều sẽ được bố mẹ kể sự thật, rằng bé được tạo ra như thế nào. Tôi sẽ chọn cách này. Tôi sẽ kể với con gái rằng mẹ đã lựa chọn rất cẩn thận để có được con", chị nói. 

Theo: Vnexpress.net

Tags:
“ĐẠI GIA” Ở MỸ

“ĐẠI GIA” Ở MỸ

“Đại gia” ở Mỹ hơn hẳn đại gia ở Việt nam chúng tôi điều bình thường này nữa, hàng ngày được ăn những thực phẩm bảo đảm chất lượng.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất