Đường tới Oxford của hai cha con Quốc Minh đạt học bổng 5 tỷ đồng
Tự nhận mình “rất lười và học không nhiều lắm”, nhưng trò chuyện với Lê Quốc Minh càng lâu mới biết suất học bổng toàn phần trị giá 165.000 bảng Anh mà ĐH Oxford trao cho em là hoàn toàn có lý do.
16:54 04/04/2017
Lê Quốc Minh - người vừa giành suất học bổng trị giá gần 5 tỷ đồng của ĐH Oxford
“Em chơi nhiều hơn học”
Lê Quốc Minh sinh năm 1999, hiện đang là học sinh lớp 12 chuyên Tin, Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội. Suốt những năm học cấp 2, Minh đều nằm trong đội tuyển toán của lớp, của trường.
Lên cấp 3, Minh chọn chuyên Tin và nằm trong đội tuyển của trường tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Tin học.
Để chuẩn bị cho các bài thi chuẩn hóa và tiếng Anh vào cuối học kỳ 2 năm lớp 11, Minh ôn thi TOEFL và các bài SAT trong khoảng 2 tháng.
Nhưng kết quả mà cậu đạt được rất ấn tượng: TOEFL 106/120, SAT 1: 1500/1600, SAT 2: 2400/2400. Minh chọn thi các môn thi SAT 2: Toán 1, Toán 2 và Vật lý – đều là những môn thế mạnh của em.
Nói về điểm số tối đa SAT 2, Minh chia sẻ: “Chương trình học các môn tự nhiên trên lớp của em còn khó hơn đề SAT 2”.
“Em học không nhiều. Buổi chiều em chỉ học khoảng 1-2 tiếng, nhưng khi làm hay học cái gì đó em đều xác định làm bài này để sửa lỗi gì, chứ không phải cứ đọc và làm cho thật nhiều đề”.
Minh và các bạn cùng lớp
Ngoài ngành Khoa học máy tính của trường Somerville College, ĐH Oxford, Minh còn nộp đơn cho nhiều trường đại học khác của Mỹ và đã được nhiều trường nhận vào học với học bổng rất cao.
Minh cho rằng, Oxford là ngôi trường đề cao yếu tố học thuật đối với các thí sinh. Điều đó được thể hiện xuyên suốt quá trình nộp hồ sơ, các bài thi và các vòng phỏng vấn mà Minh phải vượt qua để thuyết phục ban tuyển sinh.
“Không như các trường Mỹ chỉ có vòng nộp hồ sơ và phỏng vấn, thì Oxford có vòng làm bài thi về kiến thức chuyên ngành. Trong vòng phỏng vấn, thầy cũng chủ yếu đặt ra các vấn đề cần phải giải quyết bằng tư duy logic để tìm ra các học sinh tiềm năng, phù hợp với mục tiêu đào tạo của trường. Em thấy rất ấn tượng với cách mà các thầy gợi ý để dẫn dắt em tìm ra hướng đi. Các thầy không quan tâm nhiều đến kết quả đúng sai mà quan tâm đến cách thức em giải quyết các vấn đề thầy đưa ra” – Minh kể.
Nam sinh này cũng cho rằng, khả năng học thuật, cách tư duy, xử lý vấn đề là điểm nổi bật của em, giúp thuyết phục được ban tuyển sinh của ĐH Oxford.
Ngoài học tập, Minh còn tham gia các hoạt động từ thiện cho trẻ em vùng cao cùng bố
Học để trải nghiệm những điều mới mẻ
Chia sẻ kinh nghiệm nộp hồ sơ, Minh nói: “Bài luận là bộ mặt của mình, nên viết thế nào để người ta tưởng tượng ra được con người, tính cách của mình, điểm nổi bật và sở trường của mình, từ đó ban tuyển sinh sẽ xác định được mình có phù hợp với trường hay không”. Tuy nhiên, chàng trai hóm hỉnh từ chối chia sẻ những câu chuyện mà mình đã đưa vào bài luận, bởi “đó là những câu chuyện riêng tư mà em không nói với ai, kể cả bố mẹ”.
Nói về sở thích cá nhân, nam sinh chuyên Tin chia sẻ: “Cái gì em cũng chơi. Thể thao thì em chơi bóng rổ, bóng đá. Ngoài ra em cũng chơi game, đọc truyện trinh thám và các thể loại sách truyện khác. Thời gian dành cho các sở thích của em có thể còn nhiều hơn thời gian học” – Minh cười khi chia sẻ điều này.
“Em cũng thích học Lịch sử thế giới nữa, vì game em chơi liên quan đến lịch sử chiến tranh thế giới nhiều lắm”.
“Khi học em không bao giờ nghĩ rằng học để sau này có công việc tốt, lương cao. Em học để được trải nghiệm những điều mới mẻ” – Minh nói.
Minh giao lưu, chia sẻ với các em học sinh vùng cao trong một chuyến đi
Khi được hỏi về những người có tác động tới việc học tập và cuộc sống của mình, Minh nhắc tới 2 người: bố và thầy Phương. Bố là người dạy em học từ nhỏ và truyền đam mê với môn Toán cho em, dạy em cách tư duy.
“Thầy Phương là thầy phụ trách Đội tuyển tin của trường, là người đã truyền cảm hứng cho em với môn Tin và giúp đỡ em rất nhiều trong cả học tập lẫn cuộc sống. Những lúc khó khăn em đều tìm đến thầy. Những tư vấn của thầy giúp em đi đúng hướng và trưởng thành hơn. Có những khi em gặp vấn đề khó khăn, thầy gọi đến nhà, cho mượn sách về đọc để em cảm thấy dễ chịu hơn. Thầy Phương là người mà em thực sự biết ơn”.
Ngồi nói chuyện 2 tiếng vẫn không tiếp cận được con
Chia sẻ với Vietnamnet về quá trình đồng hành cùng con, ông bố Lê Quốc Hùng cho biết, chọn trường và môi trường học tập là những yếu tố mà anh rất quan tâm từ những năm con học tiểu học. Nhà ở Gia Lâm nhưng hai vợ chồng anh vẫn quyết tâm cho con học Tiểu học Thực nghiệm và cấp 2 Marie Curie trong nội thành.
Những năm tiểu học, ngày nào cũng như ngày nào, anh đưa con đi học rồi về đi làm, chiều lại sang đón con. Lên cấp 2 thì con đã có xe buýt của trường đưa đón, còn hiện tại, sáng nào Minh cũng phải ra khỏi nhà từ 5h30 sáng để kịp vào học lúc 7h.
Minh và gia đình
Một trong những điều đầu tiên mà anh chia sẻ với VietNamNet là anh cảm thấy rất may mắn và biết ơn khi con được học tập trong các môi trường học tập rất tốt, bạn bè đều chăm học và có ước mơ, hoài bão lớn và đặc biệt, trong những năm cấp 2, Minh đã may mắn được học các thầy cô rất tâm huyết với nghề như cô Nguyệt, cô Quế – những người đã giúp Minh gắn bó và yêu thích môn toán, sẵn lòng giúp học trò đạt được mục tiêu của mình mà không hề tính toán thiệt hơn.
Từ năm con vào lớp 6, anh đã định hướng rõ ràng cho con thi vào những trường nào ở cấp 3 với mục tiêu cuối cùng là có thể đi du học.
“Mỗi ngày một ít, tôi tác động tới cháu bằng nhiều hình thức khác nhau và động viên, khích lệ cháu có ước mơ lớn. Tôi vẫn thường nói “con cứ mơ lớn đi, mơ ước viển vông cũng không sao, khi đã có ước mơ và có kiến thức thì con sẽ tự biết ước mơ nào là thực tế, ước mơ nào là viển vông đối với bản thân con. Thực tế cho thấy có nhiều người đã thành công từ những ước mơ được cho là viển vông như vậy”.
Tôi hiểu rằng không ai có thể phấn đấu hay học tập thay con. Vì vậy, khi con đã có ước mơ và mục tiêu rõ ràng rồi thì tự con sẽ biết phải làm thế nào để đạt được mục tiêu đó”.
Biết con đang ở độ tuổi ẩm ương, có xu hướng nổi loạn, lại là con trai, nên không thể tránh khỏi chuyện mải chơi, không tập trung học hành. Vì thế, anh nghiêm khắc với con từ nhỏ và cũng đề nghị các thầy cô thật nghiêm khắc với con.
Tuy nhiên, trước mỗi vấn đề của con, hai vợ chồng anh đều phải suy nghĩ rất nhiều để tìm ra cách tiếp cận phù hợp để trao đổi sao cho con dễ tiếp thu nhất.
“Có rất nhiều lần trước khi đi làm về, vì con đang ở nhà nên hai vợ chồng phải hẹn nhau ở quán cà phê đầu ngõ để ngồi nói chuyện về vấn đề của con và cùng nhau thống nhất nội dung và cách đặt vấn đề khi nói chuyện với con sao cho phù hợp nhất với tâm lý, lứa tuổi và cảm xúc của con, có những lần phải sau 2-3 giờ tranh luận giữa 2 vợ chồng mới tạm thống nhất được với nhau. Tuy có sự chuẩn bị cẩn thận như vậy nhưng nhưng đôi khi vợ chồng tôi vẫn thất bại vì lứa tuổi này phức tạp và khó đoán định quá” – anh cười nói.
“Trong quá trình nuôi dạy con cũng không tránh khỏi những lúc bực mình, mắng mỏ con, thậm chí là đánh đòn. Ở những thời điểm cần thiết tôi cũng phải gây áp lực cho con để con tập trung và đạt được những mục tiêu đã định. Tất nhiên là bố mẹ cần phải biết và nắm rõ được khả năng chịu áp lực của con mình đến đâu để tạo ra áp lực phù hợp nếu không sẽ phản tác dụng. Mỗi đứa trẻ có khả năng, cá tính khác nhau nên hoàn toàn không có công thức chung cho mọi đứa trẻ” – anh nói.
Minh trong một chuyến du lịch cùng gia đình
Phụ huynh cần đánh giá đúng khả năng của con
Khi quyết định nộp đơn vào trường Oxford, hai bố có đều có tâm lý khá thoải mái.
“Trước ngày thi, hai bố con cũng lên mạng tìm hiểu đề thi.
Bố hỏi “con có cần ôn không?”, bạn ấy nhìn qua đề, bảo “con cần 4 tiếng để ôn”.
Đến hôm thi, buổi sáng bạn ấy vẫn phải học ở trường, hết giờ học thì đi thẳng đến chỗ thi nên cũng chẳng kịp ôn, “cũng may bài thi vào Oxford là loại bài thi 'unfamiliar', hầu như không được dạy trong các trường phổ thông và chủ yếu dùng tư duy logic, suy luận để giải quyết”- anh Hùng nói.
Thi xong ra bạn ấy bảo “nát lắm”. Bạn ấy luôn nói câu đó với bố mẹ kể cả làm được hay không làm được” – anh Hùng vui vẻ kể lại câu chuyện ngày con thi Oxford.
Sau khi biết tin được trường chấp nhận, gia đình vừa mừng vừa lo không có tiền cho con đi học.
“Khi định hướng cho con du học, chúng tôi luôn nói rằng con chỉ nên đi du học nếu có năng lực thực sự, nếu không thì chỉ nên học ở Việt Nam. Bố mẹ không có nhiều tiền nên chỉ có thể hỗ trợ cho con một phần rất nhỏ chi phí du học mà thôi, nếu con muốn đi du học thì không còn con đường nào khác là con phải học thật giỏi để xin học bổng”.
Chia sẻ về khả năng tài chính của gia đình trong việc hỗ trợ con với tới ước mơ giành học bổng, ông bố này cho hay, gia đình không có điều kiện đưa con đi tham quan, học hỏi và trải nghiệm trong những chuyến đi đắt đỏ ở nước ngoài mặc dù biết là nó mang lại những giá trị vô hình.
“Thay vào đó mình cho con đi trải nghiệm trong nước, cùng nói chuyện với con về mục tiêu và ước mơ du học, cho con niềm tin rằng con có thể thực hiện được ước mơ đó”.
“Một yếu tố cũng rất quan trọng mà các bậc phụ huynh cần lưu ý là cần đánh giá đúng khả năng của con mình để chọn trường phù hợp khi apply. “Nếu con mình chỉ mạnh về học thuật nhưng không thực sự mạnh về hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội mà lại nộp đơn vào những trường quan tâm nhiều hơn đến hoạt động hơn thì sẽ không hiệu quả, thay vào đó nên nộp đơn vào những trường chú trọng hơn đến hoạt động học thuật, các trường nghiên cứu thì sẽ hiệu quả hơn” – anh chia sẻ.
- Nguyễn Thảo
Sinh năm 1993, cô gái Việt xinh đẹp “ẵm” học bổng tiến sĩ Mỹ trị giá 9,3 tỷ đồng
Vượt qua 5.500 ứng viên để trở thành sinh viên Việt Nam nhận học bổng “khủng” của ĐH Johns Hopkins, Sao Ly vô cùng vui sướng. Cô gái Việt 24 tuổi bắt đầu nghiên cứu tiến sĩ tại Mỹ vào tháng 8 tới đây.