Đường vào đại học của con nhà siêu giàu
Đối với tầng lớp siêu giàu Mỹ, giáo dục trước đại học của con cái họ chỉ có một mục đích: Đỗ vào một trong các trường Ivy League bằng bất kỳ giá nào.
01:00 16/08/2021
Nhà văn Blythe Grossberg, người đang làm gia sư cô học trò 14 tuổi Lily. Bà hài lòng với bài luận của cô bé về câu chuyện của "Romeo và Juliet" với lập luận rằng Juliet, 13 tuổi lẽ ra không phải kết hôn với chàng công tử đẹp trai và giàu có Romeo hay theo sắp đặt của cha mẹ.
Nhưng mẹ của Lily, một nhân viên ngân hàng, không hài lòng với bàn luận của con. "Giáo viên sẽ xé bài luận thành từng mảnh", người mẹ tên Lisa nói với Grossberg. Và chị đã viết lại bài luận cho con trong lúc phải hoàn thành các giao dịch trị giá hàng triệu USD. Kết quả là nó "dở tệ".
Grossberg nói đây chỉ là ví dụ về sự thúc ép vô cớ lên gia sư và con trẻ của những phụ huynh thuộc giới thượng lưu ở New York.
Trong cuốn sách mới phát hành của mình, Grossberg nhấn mạnh, đối với tầng lớp siêu giàu (chiếm khoảng 1% dân số toàn cầu), giáo dục phổ thông của con cái họ chỉ có một mục đích: vào trường Ivy League bằng bất kỳ giá nào.
"Quy trình của những đứa trẻ nhà giàu quyết liệt như giải bóng bầu dục Super Bowl. Chỉ có thắng hoặc thua", Grossberg, từng tốt nghiệp Harvard và có bằng tiến sĩ tại Đại học Rutgers, đã làm gia sư trong gần 20 năm, cho biết.
Thu nhập trung bình hàng năm của các gia đình tại các trường tư thục nơi cô dạy khoảng 750.000 USD. Áp lực học tập dồn dập lên những đứa trẻ thuộc nhóm 1% này thường bắt đầu khi chúng chưa biết đi.
"Khi tôi làm việc tại một trường tư thục ở Manhattan, các học sinh mầm non trong trang phục chỉnh tề xuất hiện cùng với cha mẹ ăn mặc cực kỳ sang trọng để phỏng vấn đầu vào. Trẻ có vẻ rất nhiều áp lực. Tôi đã chứng kiến nhiều phụ huynh la mắng con bên ngoài trường học, không chắc đó là trước hay sau buổi phỏng vấn", Grossberg nói.
Một trong các học sinh của Grossberg là Sophie. Cô bé được chẩn đoán mắc chứng khó đọc, nhưng đối với những bố mẹ giàu có thì "mọi đứa con đều được định sẵn cho sự vĩ đại, chỉ cần chúng có thể tìm được đội phù hợp. Nếu một đứa trẻ không đến Yale, đó là do đội không đúng".
Bố mẹ đã giấu tình trạng của bé với trường mẫu giáo danh tiếng, họ đã chi 20.000 USD thuê một gia sư kèm con. Cô bé làm trước các bài kiểm tra mà trường sẽ sử dụng để tuyển học sinh. Trong suốt các năm học tiếp theo, họ đã chi hàng trăm nghìn USD cho gia sư. Họ giữ vị trí cho con, giữ điểm đạo đức của con bằng cách đổ lỗi cho giáo viên.
Trước khi được thuê dạy Sophie năm lớp 9, Grossberg đã phải làm việc với nhóm tư vấn đại học của cô bé, như thể cuộc phỏng vấn vào một công việc áp lực cao.
"Chúng tôi luôn cố gắng cân bằng Sophie, để việc học với cô bé thoải mái mà vẫn thành công", Noelle, một thành viên trong tổ tư vấn của Sophie, nói. Họ đã đăng ký cho em tham gia các trại hè tại Columbia về STEM, lịch sử và viết kịch để "cô bé toàn diện".
Tuy nhiên, đối với những cậu ấm cô chiêu nhà giàu, đôi khi vào Ivy League không thực sự quan trọng miễn cha mẹ chúng ký séc. Một học sinh tên Trevor mắc chứng khó đọc và rối loạn tăng động/giảm chú ý nên thuê nhiều gia sư nhưng điểm vẫn kém. Dù vậy, vẫn không ngăn cản được cậu có một vị trí trong đại học danh giá, vì cha Trevor đã "chuyển hướng khác".
"Người cha chuyển hướng đến văn phòng phát triển của trường học. Càng nhiều số 0 trên tờ séc, con họ càng có khả năng. Sau cùng họ đi đến một con số mà tất cả đều hạnh phúc và Trevor thuận lợi vào", một gia sư của Trevor tiết lộ với Grossberg. Hiện tại Trevor, cậu học sinh trung học đôi lần trộm đồ trong cửa hàng văn phòng phẩm ở Đại lộ số 3, đã trở thành nhà phân tích cho một ngân hàng lớn ở Phố Wall.
Song song với áp lực học tập, Grossberg cũng nhìn thấy lối sống của những đứa trẻ "ngậm thìa bạc". Lily có những người bạn thậm chí không biết cha mẹ đi đâu vào ban đêm. Có những bậc cha mẹ gọi cho con lúc 10 tối để nói họ ở thành phố khác và không về nhà.
Ngược lại có những phụ huynh phàn nàn mọi lúc mỗi lúc con dưới điểm A.
Một bà mẹ đã nổi cơn thịnh nộ khi con được B+ điểm toán. Bà ấy ấy cáu lên với hiệu trưởng: "Chúng tôi đã hy sinh nhiều năm để gửi con trai đến trường của cô. Nó không ở đó lấy điểm B. Nó ở đó để vào Ivy League".
Trong suy nghĩ của Grossberg, những đứa trẻ nhà siêu giàu "giống như những con gấu bông hiệu Prada mềm mại, dễ thương nhưng rất dễ vỡ". "Hai đứa bạn của học trò tôi đang nợ nần vì chơi cờ bạc trực tuyến. Tất nhiên, không có vấn đề gì to tát, vì chúng đã bán đi đôi giày trị giá 800 USD với giá 400 USD để trả cho nhà cái".
Trong quá khứ, các nhà nghiên cứu đã xếp nghèo đói, phân biệt đối xử và chấn thương tâm lý vào nhóm những nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe tâm thần ở tuổi vị thành niên. Lần đầu tiên vào năm 2018, một yếu tố khác ghi nhận vào danh sách: các trường yêu cầu thành tích cao.
"Trẻ được nuôi dưỡng trong các trường áp lực cao có nguy cơ bị rối loạn tâm lý và lạm dụng chất kích thích. Và những đứa trẻ nhà siêu giàu phải đối mặt với rủi ro này ngay cả khi bối cảnh sống của chúng tưởng chừng an toàn", Grossberg nhận thấy.
Lối thoát cho vấn đề này rất đơn giản, nhưng khó có thể thay đổi được, đó là các bậc phụ huynh giàu có nên để con cái phát triển cuộc sống một cách tự nhiên.
"Tôi chưa bao giờ hiểu tại sao con cái của những người giàu có không được đặt bút tự vạch ra lộ trình cuộc đời mình. Về lý thuyết, nhiều người trong số họ sẽ có quyền tự do và tiền bạc để lựa chọn bất kỳ con đường nào họ muốn, nhưng thay vào đó, họ bị hướng tới một lựa chọn hạn chế. Trong cuộc sống của những đứa trẻ này, mọi khoảnh khắc đều mang tính giao dịch", vị gia sư lâu năm nói.
Bảo Nhiên (Theo Nypost)
Thanh Thảo lần đầu cùng Quang Dũng nói về chuyện yêu nhau và giờ là tri kỷ
Trở thành khách mời trong chương trình “60 Phút Rực Rỡ” tháng 7, phát sóng trên kênh VTV9; Thanh Thảo khiến nhiều người không khỏi bất ngờ khi lần đầu tiên cùng với tình cũ là ca sĩ Quang Dũng chia sẻ về mối tình đã qua của mình trên sóng truyền hình.