Duy Trần, nhạc sĩ người Việt Nam trẻ tuổi thành công ở Hoa Kỳ

Âm nhạc là một môn học bổ ích, nhưng không phải ai cũng lấy âm nhạc làm nghề được. Trong các gia đình gốc Á Châu hay gốc Việt, các phụ huynh thường muốn con mình đi học các ngành như bác sĩ hay kỹ sư, ít ai cho con mình kiếm sống bằng âm nhạc được. Nhạc sĩ trẻ Trần Lê Duy là một trong số ít những thanh niên gốc Việt được theo đuổi giấc mơ nghệ thuật của mình.

12:30 14/01/2019

Trần Lê Duy, hay theo nghệ danh là Duy Trần, là một nhạc sĩ trẻ tuổi người Việt Nam, chỉ mới 26 tuổi. Anh sinh ra ở Sài Gòn, hiện đang sống ở Westminster, ngay tại Little Saigon, và đạt được nhiều thành tựu âm nhạc trong đời.

Duy tìm đến con đường âm nhạc ra sao? Anh cho phóng viên Người Việt biết anh sinh ra trong một gia đình thích âm nhạc vì có mẹ là giáo viên của trường Quốc Gia Âm Nhạc ở Sài Gòn và cha của anh là một kiến trúc sư, nhưng cũng biết chơi nhạc và từng một thời kiếm sống bằng âm nhạc. Vì vậy, Duy được cha mẹ dạy nhạc từ nhỏ.

“Bố mẹ dạy nhạc cho Duy từ lúc 5 đến 12 tuổi, mẹ thì dạy nhạc cổ điển (classical music), về sau thì bố dạy thêm cho duy về phần nhạc nhẹ. Tuy nhiên, lúc đầu bố mẹ không có ý định muốn Duy đi theo con đường chuyên nghiệp về âm nhạc,” anh kể.

Anh cho rằng cha mẹ hiểu được lợi ích của âm nhạc đối với sự phát triển của trẻ em ra sao và nhạc còn giúp gia đình gắn kết với nhau hơn, nên mới dạy nhạc cho con mình. Đối với anh, âm nhạc là một công cụ giúp gắn kết gia đình, cộng đồng.

“Khi có âm nhạc, gia đình bốn người của Duy gồm bố mẹ, Duy và em trai gắn kết với nhau hơn. Sau này nghĩ lại, Duy muốn âm nhạc là một thứ giúp mọi người gắn kết với nhau hơn,” anh nói.

Duy Trần và nữ đạo diễn Rebecca Campo thảo luận nhạc phim “Tyson!” (Hình: Duy Trần cung cấp)

Khi học nhạc, Duy chỉ được bố mẹ dạy, không đi học nhạc chính quy và không vào nhạc viện. Đến khoảng 16 tuổi, anh quyết định theo đuổi ngành âm nhạc và bàn bạc với cha, sau đó sang Mỹ học vào lúc 18 tuổi.

Anh học tại Học Viện Nhạc Sĩ (Musicians Institute) ở Hollywood, theo ngành sáng tác nhạc cho phim ảnh. Đến năm 2016, anh tốt nghiệp bằng cử nhân của đại học này và được đại diện toàn bộ sinh viên của niên khóa đó đọc diễn văn tốt nghiệp. Sau đó, anh quyết định lấy bằng cao học và vừa tốt nghiệp cao học ở đại học University of Southern California (USC).

Là một người được học nhạc ở Việt Nam và sau đó học ở Mỹ, Duy thấy được sự khác biệt rõ rệt của cách dạy nhạc giữa hai nước.

Anh cho biết: “Duy được học ở Hollywood, thủ đô của ngành giải trí của thế giới, tất nhiên là âm nhạc sẽ phát triển hơn Việt Nam nhiều. Điều này có nghĩa là giáo dục âm nhạc của Mỹ cũng tiến bộ hơn.”

Là một nhạc sĩ tuy chỉ mới 26 tuổi, nhưng Duy Trần đã đạt được nhiều thành công trong đời mình. Một trong những tác phẩm mà anh tự hào nhất là nhạc nền cho phim ngắn “Tyson!” của đạo diễn Rebecca Ocampo. Toàn bộ nhạc nền của phim này đều do Duy sáng tác.

Phim này được công chiếu vào năm 2016 ở 12 lễ hội phim ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Phi Châu. Trong số các lễ hội này, “Tyson!” được chiếu tại lễ hội phim ngắn Hollyshorts Film Festival tại rạp phim TCL Chinese Theater lừng danh ở Hollywood. Không chỉ vậy, nhạc của phim này còn được đề cử nhận giải “Nhạc phim hay nhất” tại lễ hội phim tự do Southern States Indie Film Festival.

Nhạc sĩ Duy Trần (trái) làm việc với nữ ca sĩ Hila Plitmann (giữa). (Hình: Duy Trần cung cấp)

Về cảm hứng sáng tác nhạc cho phim ngắn này, anh chia sẻ: “Đây là câu chuyện của một cậu bé người Kenya, bị mẹ bỏ rơi tại trạm y tế của làng vì không có tiền trả viện phí. Đây là một câu chuyện có thật rất thương tâm và làm Duy rung động vì đây là một chuyện hay thấy đối với trẻ em Việt Nam. Duy muốn dùng nhạc Phi Châu, kết hợp với cách hòa âm của Tây Âu để viết ra các bản nhạc cho ‘Tyson!’”

Một dự án thành công nữa của anh là buổi hòa nhạc ra mắt album “MIRRORS” của nữ ca sĩ opera người Mỹ gốc Việt Sangeeta Teresa Mai. Đây là một nữ ca sĩ thành công, có nhiều giải thưởng và buổi hòa nhạc ra mắt album của cô được tổ chức hồi Tháng Mười, 2018, tại nhà hát Segerstrom Center for the Arts ở Costa Mesa. Vé của buổi hòa nhạc này bán hết hai ngày trước khi trình diễn và Duy là nhạc trưởng.

Khi chuẩn bị cho buổi hòa nhạc này, Duy còn được làm việc với nhiều tên tuổi lớn trong giới âm nhạc như ông Nicolas Neidhardt, đạo diễn âm nhạc người Pháp gốc Đức, từng soạn nhạc cho nhiều phim “bom tấn” của Hollywood; nữ ca sĩ opera người Mỹ Hila Plitmann, từng thắng giải Grammy; nữ nghệ đàn cello lừng danh người Nhật Eru Matsumoto, từng được đề cử nhận giải Grammy.

Tuy làm việc với các nhân vật “tai to mặt lớn” như vậy, nhưng Duy cho biết môi trường làm việc rất tích cực, phần lớn là nhờ ca sĩ Sangeeta Teresa Mai. Duy cho rằng cô có thái độ rất thông cảm, rất tích cực, làm cho các buổi diễn tập rất thoải mái.

Về cảm xúc khi lên đến sân khấu làm nhạc trưởng, anh kể: “Duy từng làm công việc này nhiều lần nên không còn run nữa. Thêm một phần nữa là chuẩn bị rất kỹ nên không có gì để sợ và nhờ ca sĩ Sangeeta Teresa Mai nên mọi thứ rất trôi chảy.”

Duy Trần (phải) và các nhạc công tập diện cho buổi hòa nhạc “MIRRORS.” (Hình: Duy Trần cung cấp)

Không chỉ viết nhạc cho phim, làm việc cho các dàn nhạc ở Mỹ, Duy Trần còn viết nhạc cho các quảng cáo của các công ty nổi tiếng như Sony và Samsung.

Ngành nghề nào cũng có những khó khăn, những thử thách riêng của ngành đó và một người theo ngành âm nhạc như Duy không phải là ngoại lệ.

Anh chia sẻ: “Là một người viết nhạc chuyên nghiệp, cảm hứng để sáng tác không phải là thử thách lớn nhất, mà là phải làm kịp thời hạn. Dù có cảm hứng hay không, một người viết nhạc lúc nào cũng phải tìm cách hoàn thành trách nhiệm của mình đúng thời hạn. Nếu Duy không trễ hạn nộp nhạc, thì khả năng Duy mất công việc rất cao.”

Là một người Việt Nam trẻ tuổi, nhưng thành công trong nghề âm nhạc, Duy có vài lời khuyên cho các bạn trẻ muốn theo đuổi âm nhạc chuyên nghiệp: “Duy khuyên các bạn phải phân biệt được chuyện muốn học nhạc là sở thích hay đam mê. Nếu chỉ là sở thích, các bạn không nên học nhạc ở mức đại học và không nên theo ngành nhạc. Nếu là đam mê, các bạn phải theo đuổi đến cùng, bất kể khó khăn ra sao.”

Duy Trần làm nhạc trưởng và nữ ca sĩ Sangeeta Teresa Mai. (Hình: Duy Trần cung cấp)

Các tác phẩm đưa ra đều rất đẹp, đều truyền cảm hứng cho khán giả, nhưng ít ai biết đằng sau nó là bao nhiêu khó khăn. Như bố nói với Duy, đã theo thì phải làm hết sức mình và phải theo đuổi đến cùng vì đam mê là phải chịu bất kỳ khó khăn nào. Vì vậy, Duy muốn khuyên các bạn muốn theo ngành nhạc một lần nữa, nên phân biệt rõ sở thích và đam mê,” anh nói tiếp.

Về dự định cho tương lai, Duy cho biết anh sẽ tiếp tục viết nhạc phim cho các đạo diễn trẻ ở Los Angeles. Ngoài ra, anh cũng rất mừng vì giáo dục âm nhạc ở Việt Nam ngày càng tiến bộ vì có nhiều trường chính quy, nhất là trong lĩnh vực nhạc nhẹ. (Thiện Lê)

Tags:
Chỉ huy tàu ngầm Mỹ mất chức vì gọi 10 gái mại dâm

Chỉ huy tàu ngầm Mỹ mất chức vì gọi 10 gái mại dâm

Travis Zettel thừa nhận có hành vi không phù hợp khi làm nhiệm vụ tại Philippines và bị chuyển sang làm công việc bàn giấy.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất