Fan Việt ở nước ngoài vỡ oà vì chiến thắng của U23 Việt Nam
Cổ động viên Việt tại Anh, Mỹ, trải qua khoảnh khắc nghẹt thở, đứng tim và vỡ oà cùng đội tuyển U23 quê nhà, trong trận bán kết châu Á.
23:45 23/01/2018
Nhân viên tiệm nail Việt ở Anh chăm chú xem đội tuyển U23 Việt Nam thi đấu với Qatar qua điện thoại di động. Ảnh: Nhân vận cung cấp.
Tiệm Five Star s của người Việt ở thị trấn Loughborough, thuộc thành phố Leicester, Anh sáng 23/1 đôi lúc rộ lên những tiếng hò hét khác ngày thường. Tranh thủ vắng khách, 6 nhân viên Việt chụm đầu vào chiếc điện thoại màn hình to bằng bàn tay, đang phát livestream trận bán kết giữa đội U23 Việt Nam - Qatar tại Trung Quốc qua một trang Facebook.
Hải Chung, 28 tuổi, một nữ nhân viên làm nail, thót tim mỗi khi đội bạn dồn bóng tấn công. Đây là trận bóng đầu tiên cô xem kể từ khi ở Anh hai năm nay. Đúng lúc trận đấu diễn ra gay cấn, một vài khách nữ người Anh bước vào.
Chung xin phép khách chờ ít phút và cho biết đây là trận bóng rất quan trọng. "Lần đầu tiên được vào bán kết châu Á, chúng tôi tự hào quá", cô nói. "Chắc hẳn các bạn rất hào hứng rồi. Không sao đâu, cứ xem và cổ vũ đi. Chúng tôi hiểu mà", một khách hàng thông cảm nói.
Vài phút sau, các nhân viên trở lại làm việc nhưng vẫn nghe ngóng diễn biến trận đấu. Khoảnh khắc vỡ oà khi giành chiến thắng sau cú đá luân lưu 11 mét. Chị An, một nhân viên khác, bật khóc, còn Chung và những bạn nhảy lên mừng rỡ. "Ôi tự hào run hết cả người", Chung kể, cho biết ai trong nhóm cũng thoả mãn vì được xem trọn vẹn cả trận. Cô thích nhất thủ môn Tiến Dũng "vừa đẹp trai, ăn mặc cũng đẹp".
Trải qua hai trận liên tiếp kéo dài 120 phút với những đối thủ vượt trội về thể lực, các cầu thủ Việt Nam vẫn giữ bình tĩnh để hạ Qatar ở loạt luân lưu nghẹt thở với tỷ số 4-3. Ở tứ kết, Việt Nam cũng giành vé đi tiếp sau khi hạ Iraq 5-4 trên chấm luân lưu. Đây là lần đầu tiên có một nước Đông Nam Á giành quyền vào chung kết giải bóng U23 châu Á.
Tại Mỹ, sáng 23/1, Khoa Trần, 24 tuổi, quản lý một tiệm spa và nail, nghỉ làm sau một đêm thức trắng cùng đội tuyển U23 Việt Nam. Anh đến một quán cafe Việt ở thành phố Houston, bang Texas để tụ tập, bình luận cùng các fan bóng đá. Dư âm trận bóng lịch sử tối 22/1 vẫn còn nguyên vẹn.
Cũng xem bóng đá bằng điện thoại, Khoa, mẹ và em anh "la banh nhà", "nhảy nhót vui hơn Tết" sau khi nín thở vào phút cuối cùng của trận đấu. "Hiệp hai chơi như lên đồng, có lẽ người hâm mộ đã truyền lửa cho U23", Khoa hào hứng nói.
Anh đánh giá chiến thuật của đội Việt Nam khá gắn kết, đập nhả chính xác, cầu thủ bình tĩnh xử lý tình huống, phòng ngự chắc chắn, nhưng Công Phượng cầm bóng và xử lý chậm.
Giống như Chung, Khoa yêu thích nhất thủ môn Tiến Dũng. "Hy vọng, trận chung kết, sẽ gặp Uzbekistan và làm nên lịch sử giống như Hy Lạp trong trận chung kết Euro 2004", Khoa nói.
Trong khi đó, Jay Trần, cảnh sát ở Houston, cho biết anh đã có một đêm trắng "đứng tim". "Đội bị gạt hai lần vẫn không chùn bước, càng đà càng sung, không bao giờ từ bỏ. Đá phạt đền cũng bị gạt mà bình tĩnh đi đến chiến thắng", nam cảnh sát gốc Việt cho hay.
Nguyễn Quang, 28 tuổi, bang Maine, Mỹ thức chờ từ hơn hai giờ sáng để xem bóng đá. "Trận đấu đáng giá từng phút, quá hồi hộp. Mỗi lần Quang Hải ghi bàn là tôi muốn chạy ra ngoài đường nhưng sợ lỡ những khoảnh khắc quý giá nên lại thôi", Quang cho biết. Anh xem không sót trận nào của Việt Nam từ đầu mùa giải. Ban đầu, anh nghĩ là Việt Nam ít có cơ hội trước Qatar, nhưng đến hiệp phụ, anh tin Việt Nam sẽ thắng.
Còn Lê Đình Bình, ở thành phố Orlando, bang Florida, úp mặt vào gối la hét khi đội tuyển thắng Qatar trong loạt đá luân lưu, giành quyền vào chung kết. Anh sợ hàng xóm tưởng xô xát xảy ra giữa đêm khuya. "Không thể tin nổi Việt Nam thắng Qatar, đội Việt Nam chơi rất lỳ, chấp tất cả, không sợ gì hết, chấp trọng tài, chấp khung thành, chấp bị dẫn trước, vẫn thắng", anh Bình nói.
Xem tham gia giải U23 châu Á từ đầu, anh Bình tin sẽ chiến thắng tiếp ở trận đấu cuối cùng. "Cúp Vàng sẽ về tay Việt Nam", Bình khẳng định.
Trận chung kết U23 châu Á sẽ diễn ra lúc 15h, thứ Bảy, 27/1, theo giờ Hà Nội. Đối thủ của Việt Nam là Uzbekistan.
Vì sao các doanh nghiệp ở Mỹ không dám làm hàng giả như Trung Quốc?
Hiện nay, tình trạng hàng giả tràn lan khắp nơi và trở nên đáng báo động, đến nỗi, chứng nhận hàng thật cũng không thể tin tưởng được. Chúng ta đang sống trong một xã hội mà niềm tin ngày càng mong manh và trở nên xa xỉ. Thế nhưng, điều này không hề xảy ra trên đất nước Mỹ.