Florence, Mangkhut: Siêu bão liệu có tiếp diễn?

Hai cơn siêu bão xuất hiện cùng một lúc tại hai bán cầu gây hoảng sợ cho người dân ở khu vực này. Nhưng mùa bão còn chưa kết thúc và việc nhiệt độ toàn cầu đang ấm lên, đặt ra một câu hỏi: “Liệu các cơn siêu bão còn xuất hiện với cường độ ngày càng khủng khiếp hơn thế này nữa hay không?”

10:30 23/09/2018

Hình ảnh bão Mangkhut nhìn từ vệ tinh. 

Hai siêu bão quét qua hai nửa địa cầu đã để lại nhiều hậu quả khôn lường, bão Florence hoành hành ở Bờ Đông nước Mỹ còn Mangkhut càn quét Philippines và bờ biển Tây Nam Trung Quốc.

Hai cơn bão, hai câu chuyện

Bão Florence được miêu tả là một trong 10 cơn bão tàn phá nặng nề nhất lịch sử nước Mỹ. Cơn bão hoành hành các bang Đông Nam dọc Bờ Đông nước Mỹ bằng những cơn mưa như trút nước, gây ngập lụt tại nhiều nơi. Số người thiệt mạng lên tới 32 người. Ngoài ra, các tác hại khác như ô nhiễm nguồn nước, nhiễm trùng, bùng phát dịch bệnh cũng gây nhiều lo sợ. Siêu bão Florence thực sự là một thảm họa với người dân nước Mỹ.

Ở phía bên kia địa cầu, một siêu bão mang tên Mangkhut càn quét qua Philippines, Hongkong (Trung Quốc) và phía Nam Trung Quốc để lại thiệt hại lớn về tài sản cũng như con người. Ước tính bão Mangkhut có thể gây thiệt hại lên tới 120 tỷ USD tại châu Á. Tính tới ngày 19/9, ít nhất 86 trường hợp thương vong đã được xác định do bão Mangkhut, trong đó có 81 trường hợp ở Philippines, 4 ở Trung Quốc đại lục, và 1 ở Đài Loan (Trung Quốc).

Theo kênh dự báo khí tượng toàn cầu Weather Channel, bão Mangkhut có sức gió 265km/h so với bão Florence chỉ có sức gió 145 km/h khi đổ bộ vào vùng ven biển bang Bắc Carolina. Tuy nhiên, bão Florence vẫn vô cùng nguy hiểm do lượng mưa nó gây ra. Bão Mangkhut hình thành tại vùng biển ấm phía Tây Nam Thái Bình Dương, một môi trường hoàn hảo để cơn bão phát triển mạnh hơn. Trong khi đó, bão Florence hình thành gần châu Phi và ở ngoài vùng biển nhiệt đới khi đổ bộ vào đất liền, điều đó khiến cơn bão yếu đi do không khí khô trong vùng.

“Mangkhut và Florence là hai con thú khác nhau” – Phil Klotzbach, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Bang Colorado (Mỹ) cho biết. Florence di chuyển chậm hơn nên sẽ gây mưa nhiều hơn bão Mangkhut, nhưng sự tàn phá của siêu bão tại châu Á sẽ tàn bạo hơn rất nhiều.

Kinh tế cũng đóng một vai trò trong tác động của bão. Là một nước đang phát triển, Philippines nghèo hơn nhiều so với Mỹ, có nghĩa là các ngôi nhà có xu hướng kém bền vững hơn và người dân khó được sự chuẩn bị kỹ càng. Đó là lý do năm 2013, bão Hải Yến – một trong những cơn bão mạnh nhất được ghi nhận, khiến 7.300 người thiệt mạng và 5 triệu người phải di dời khi nó quét qua các đảo miền Trung Philippines.

Nguy cơ tiềm tàng từ sự ấm lên toàn cầu

Trong khi hai cơn bão này đang hoành hành tại đất liền thì ngoài vùng biển ở Bán cầu Tây, ba cơn lốc xoáy nhiệt đới đang dần hình thành thành bão và một cơn bão khác cũng đang đe dọa khu vực Đông Nam Á.

Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như hiện nay. Khí nhà kính do con người gây ra tạo sự mất cân bằng năng lượng, với hơn 90% nhiệt còn lại bị mắc kẹt dưới biển, theo Hiệp hội Khí quyển và Hải dương học Mỹ. Có nghĩa là, Trái Đất ấm lên sẽ khiến biển ấm lên. Và biển ấm hơn có nghĩa bầu không khí ấm hơn và độ ẩm ngày càng cao.

Không khí nóng ẩm bốc lên từ bề mặt đại dương, tạo ra một vùng áp suất không khí thấp (áp thấp nhiệt đới). Cơ chế này khiến không khí liên tục di chuyển xoay tròn, từ vùng áp suất cao hơn vào vùng áp suất thấp. Chỉ khoảng 10% các cơn lốc xoáy phát triển thành bão nhiệt đới, tức có sức gió đạt tốc độ 118 km/h. Với việc nhiệt độ bề mặt đại dương ngày càng ấm hơn, những cơn lốc xoáy sẽ được tiếp thêm nhiều năng lượng, từ đó hình thành nên mây và gió mạnh, và khi đủ sức mạnh, trở thành bão nhiệt đới.

“Nhiệt độ ấm lên của mặt nước biển khiến các cơn bão nhiệt đới trở nên tàn khốc hơn. Trong mùa hè này, nhiệt độ bề mặt nước biển ấm bất thường ở nhiều nơi trên thế giới và đây là một phần của xu hướng nóng lên trên toàn cầu” – ông Xie Shang-ping, nhà khoa học môi trường tại ĐH California (Mỹ), cho biết.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu làm mực nước biển dâng cao cũng khiến cho những cơn bão như Florence trở nên khắc nghiệt hơn. Cơn bão này đã yếu dần và trở thành bão cấp một khi đánh vào Bắc Carolina, nhưng vẫn khiến thủy triều dâng lên đạt mức kỷ lục (cao hơn 1,2m so với bình thường – theo số liệu của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Mỹ).

Chung quy lại, sự ấm lên toàn cầu khiến nước biển ngày càng có nhiệt độ cao hơn, đẩy nhanh sự hình thành các cơn bão cũng như làm gia tăng cường độ của chúng. Đó là lý do vì sao Florence, một cơn bão cấp một lại khiến mực nước biển tại Bắc Calorina tăng lên bất thường và gây ra nhiều thiệt hại so với những gì mà bão cấp ba Hazel để lại ở cùng một khu vực vào năm 1954.

Trong một cuộc phỏng vấn với climateprogress.org, Tiến sĩ Michael Wehner, một trong những nhà nghiên cứu bão Florence, cho biết: “Thông điệp quan trọng nhất từ việc phân tích cơn bão này (và những cơn bão trước đó) là” Biến đổi khí hậu nguy hiểm hiện đã và đang hoành hành! “Nó không phải là một mối đe dọa xa xôi trong tương lai mà là thực tế ngày nay.”

Trong bối cảnh khí hậu ấm lên, nhiều khu vực và quốc gia ven biển sẽ chịu những ảnh hưởng nặng nề, thậm chí một số đứng trước nguy cơ bị xóa sổ khỏi bản đồ thế giới. Tuy vậy, việc xây dựng cơ sở hạ tầng ven biển và phòng chống lũ lụt tốt hơn cùng với giảm phát thải khí nhà kính ngay lập tức có thể giúp giảm thiểu các mối đe dọa trong tương lai.

Theo Báo Quốc tế

Tags:
Trump khẳng định không vội vàng ký thỏa thuận với Triều Tiên

Trump khẳng định không vội vàng ký thỏa thuận với Triều Tiên

Trump ngày 21/9 nhấn mạnh mối quan hệ Mỹ - Triều đã có những "tiến bộ vượt bậc", song ông sẽ không vội vàng ký bất kỳ thỏa thuận nào.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất