Forbes: Việt Nam có thêm 2 tỷ phú đô la

Danh sách tỷ phú của thế giới năm 2018 của Forbes vừa công bố có thêm hai tỷ phú mới người Việt Nam. Như vậy, Việt Nam hiện có 4 tỷ phú trong danh sách này.

05:00 09/03/2018

Ngày 6 Tháng Ba, trong bảng xếp hạng tỷ phú Mỹ kim thế giới năm 2018 được Forbes công bố định kỳ hàng năm đã có thêm 2 tỷ phú mới đến từ Việt Nam, có ngành nghề kinh doanh được Forbes ghi nhận là sản xuất xe hơi và sắt thép, công nghiệp nặng.

Theo báo VNExpress, ngoài ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, danh sách tỷ phú Mỹ kim của Forbes lần này còn có tên 2 tỷ phú Việt Nam khác là ông Trần Bá Dương, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Ô Tô Trường Hải (Thaco) và ông Trần Đình Long, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Tập Đoàn Hoà Phát (Hòa Phát Group).

Trong danh sách của Forbes, ông Trần Bá Dương có tài sản $1.76 tỷ, xếp vị trí 1,339 và ông Trần Đình Long có $1.33 tỷ, xếp vị trí 1,756. Trong khi đó, ông Phạm Nhật Vượng, chủ Tập Đoàn Vingroup, với tài sản $4.3 tỷ xếp vị trí 449 và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, người  sáng lập, kiêm tổng giám đốc hãng hàng không Vietjet Air, với $3.9 tỷ đứng ở vị trí 766.

Theo Forbes, ông Trần Bá Dương, 57 tuổi, cư dân thành phố Sài Gòn, có vợ và 2 con. Ông Trần Bá Dương cùng gia đình làm chủ hơn 70% vốn là doanh nghiệp đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam dù chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán. Khác với những vị tỷ phú còn lại, tài sản của ông Dương không thể xác định biến động hàng ngày như giá cổ phiếu trên thị trường.

Ông Trần Đình Long (trái) và ông Trần Bá Dương mới góp mặt năm 2018. (Hình: Báo VNExpress)

Ông Trần Đình Long từng được ví như “vua” thép ở Việt Nam. Khởi đầu với một công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng từ Tháng Tám, 1992, rồi lần lượt lấn sân sang nhiều lĩnh vực, từ nội thất, ống thép, thép, điện lạnh và gần nhất là bất động sản rồi mới đây là cả nông nghiệp. Dù trở thành công ty đa ngành, phần lớn kết quả kinh doanh của Hòa Phát vẫn đến từ sản phẩm cốt lõi là thép xây dựng và ống thép.

Trong khi đó, ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch Tập Đoàn FLC, người giàu thứ hai sàn chứng khoán Việt Nam, với tài sản trên sàn chứng khoán trị giá 44,590 tỷ đồng tại thời điểm ngày 6 Tháng Ba, tương đương khoảng $1.96 tỷ, vẫn không có tên trong danh sách.

Một cái tên khác cũng chưa được Forbes gọi tên là ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch Masan. Vào đầu năm, ông Quang được tạp chí Bloomberg xếp hạng là tỷ phú Mỹ kim  thứ 3 của Việt Nam, sau ông Vượng và bà Thảo. Khi đó, theo Bloomberg, khối tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang ở mức $1.2 tỷ.

Việc ngày càng xuất hiện tỷ phú ở nhiều lĩnh vực góp phần đa dạng hơn bức tranh kinh tế Việt Nam, vốn từng được World Bank đánh giá là “biến đổi ấn tượng” trong những năm qua.

Trong khu vực Đông Nam Á, có nhiều tỷ phú nhất vẫn là Thái Lan với 30 tỷ phú. Việt Nam là nước có nhiều tỷ phú Mỹ kim thứ 6, xếp trên Lào, Cambodia, Brunei và Timor Leste, do 4 nước này không có người nào.

Người giàu nhất thế giới năm 2018 theo danh sách của Forbes là ông chủ Amazon, Jeff Bezos, có tài sản được định giá là $112 tỷ và là tỷ phú có tài sản lớn nhất trong lịch sử xếp hạng của tạp chí này, chưa tính trượt giá do lạm phát.

Tỷ phú nổi tiếng Bill Gates xếp thứ 2 với khối tài sản $90 tỷ, trong khi nhà đầu tư Warren Buffet xếp thứ 3 với tài sản $84 tỷ.

Tại Trung Quốc, danh hiệu tỷ phú giàu nhất nước này đã thuộc về ông Ma Huateng, ông chủ của Tencent. Xếp sau ông Hui là tỷ phú Jack Ma, chủ Tập Đoàn Alibaba.

Tags:
'Trung Quốc nhiều tỷ phú gấp rưỡi Mỹ'

'Trung Quốc nhiều tỷ phú gấp rưỡi Mỹ'

Danh sách của hãng nghiên cứu tài sản Hurun Report đang cho thấy Trung Quốc có hơn 800 tỷ phú.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất