Gã lữ hành cô độc của nước Mỹ và cái kết bi thảm

Những người thợ săn đã tìm thấy xác Christopher McCandless trong túi ngủ trên xe bus bỏ hoang, sau hành trình khám phá trong rừng mà không có la bàn.

11:30 09/05/2017

Trong hơn 2 thập kỷ qua, Christopher McCandless (hay Alexander Supertramp) là cái tên gợi cảm hứng du lịch và khám phá thiên nhiên cho nhiều người trẻ - những người muốn khám phá thiên nhiên hoang dã và ẩn mình trong đó như một trải nghiệm của cuộc sống.

ga-lu-hanh-co-doc-cua-nuoc-my-va-cai-ket-bi-tham

Trong nhiều năm tuổi trẻ, Christopher thường mơ về một Alaska Odyssey cho riêng mình, nơi anh có thể sống và tránh xa nền văn minh nhân loại. Ảnh: Homoturisticus.

Năm 1986, Christopher bắt đầu cho chuyến du lịch lớn đầu tiên trong đời. Anh đi khắp đất nước và tới Đại học Emory chỉ 2 ngày trước khi kỳ học mùa thu bắt đầu. Các thầy cô từng nhận xét rằng Christopher là một người có ý chí rất mạnh. Thời điểm đó, anh đã có ý muốn cách ly khỏi xã hội một thời gian để sống cô độc. Christopher cũng bị ảnh hưởng mạnh bởi Jack London, Lev Tolstoy hay Henry David Thoreau.

Năm 1990, sau khi tốt nghiệp, Christopher quyên 24.000 USD trong số 47.000 USD tiền được gia đình cung cấp khi học đại học cho tổ chức Oxfarm, và bắt đầu đi lang thang dưới cái tên Alexander Supertramp.

Anh đã đi du lịch tới Arizona, California, South Dakota. Phần lớn thời gian, anh sống như kẻ không nhà, không tiền, không tiếp xúc với mọi người. Anh tự tìm thức ăn và không có quá nhiều vật dụng. Alex cũng đã chèo thuyền qua những khu vực xa xôi của sông Colorado. Anh cảm thấy kiêu hãnh khi sống với những trang thiết bị tối thiểu, ít có sự chuẩn bị trước.

Tháng 4/1992, anh đi nhờ xe tới Fairbanks, Alaska. Jim Gallien, người đã cho anh đi nhờ xe từ Fairbanks tới Stampede Trail, nhớ lại mình từng lo lắng về chàng trai trẻ, vì anh không có những vật dụng tối thiểu như la bàn. Thậm chí Alex cũng không có kinh nghiệm để sống trong rừng cây. Nhưng khi được người khác thuyết phục trở về với thế giới văn minh, chàng trai 24 tuổi năm ấy vẫn kiên quyết từ chối.

Hơn 4 tháng sau đó, người ta đã tìm thấy Alex bỏ mạng trong một chiếc xe bus cũ nát, tồi tàn mang số hiệu 142 trong rừng quốc gia Denali, bang Alaska.

 Tháng 3/2011, bố của Alex đã tới chỗ chiếc xe bus 142, nơi con trai ông qua đời.

Có nhiều giả thuyết về cái chết của anh. Có người cho rằng anh đã chết vì đói, số khác nghi Alex bị trúng độc do ăn phải khoai tây dại. Nhưng nguyên nhân được nhiều người đồng tình nhất đó là: anh đã chết vì sự thiếu hiểu biết, trang bị cho mình kiến thức sinh tồn ở những nơi hoang dã. Nếu như năm đó, Alex có la bàn hay được trang bị đầy đủ kiến thức, anh sẽ biết rằng ở cách nơi ở của mình 400 m có một đường xe điện hoạt động bằng tay vượt qua sông. Nếu đi bằng con đường này, Alex đã không bị mắc kẹt ở đây quá lâu, dẫn đến cạn kiệt thức ăn và chết.

Lấy cảm hứng từ câu chuyện của Alex, tác giả Jon Krakauer đã viết một cuốn sách về cuộc phiêu lưu này, xuất bản năm 1996 với tựa đề Into the Wild (Vào chốn hoang dã). Năm 2007, Sean Penn chuyển thể quyển sách thành phim, tài tử Emile Hirsch đóng vai chính.

ga-lu-hanh-co-doc-cua-nuoc-my-va-cai-ket-bi-tham-1

Chiếc xe bus nơi Alex từng sinh sống và viết nhật ký. Ảnh: Homoturisticus.

Cuốn sách của Krakauer đã biến Alex thành một nhân vật anh hùng của nhiều người. Alex nhanh chóng trở thành nguồn cảm hứng đi du lịch, khám phá thiên nhiên hoang dã của nhiều người trẻ. Chiếc xe bus bị bỏ hoang trên Stampede Trail, nơi Alex sống 113 ngày trước khi chết trở thành địa điểm du lịch.

Tuy Alex nổi tiếng khắp thế giới sau cái chết nhưng không nhiều người ủng hộ anh hay đồng ý với quan điểm lãng mạn hóa số mệnh của anh. Họ chỉ ra rằng, Alex là một người thiếu những tri giác thông thường, đi vào vùng hoang dã mà không có kế hoạch, không chuẩn bị đồ đạc cần thiết... Với tất cả những lý do trên, nhiều người nhận xét Alex đã tự dẫn mình vào kết thúc thảm họa.

Alex sinh năm 1968, là con trai cả trong một gia đình giàu có, bố là kỹ sư làm việc cho NASA và có công ty tư vấn riêng. Mẹ làm thư ký tại nơi bố anh làm việc và sau này giúp chồng điều hành công ty gia đình. Năm 1976, cả gia đình chuyển đến khu ngoại ô giàu có của thủ đô Washington. Tuy nhiên, cha mẹ Alex thường xuyên cãi cọ dù điều này ít được anh nhắc đến.

Rất nhiều năm sau đó, em gái Alex mới vén bức màn bí mật của gia đình trên ABCnews. Bố mẹ cô thường xuyên cãi vã, và người cha sau khi đánh mẹ đã trút giận lên những đứa con. Alex khi đó luôn mạnh mẽ, bảo vệ em gái Carine của mình. Nhiều người cho rằng, chính những tác động xấu thời thơ ấu đã phần nào khiến Alex muốn sống cô độc, tìm thú vui trong thiên nhiên hoang dã và dẫn đến cái kết bi thảm cho cuộc đời.

Tags:
Tin nhắn Facebook giúp ông bố đoàn tụ với cô con gái chưa từng biết

Tin nhắn Facebook giúp ông bố đoàn tụ với cô con gái chưa từng biết

Người đàn ông Mỹ vỡ òa trong hạnh phúc và bất ngờ khi được đoàn tụ với cô con gái ông tưởng đã mất đi khi chưa kịp chào đời.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất