"Gậy ông đập lưng ông": Cái giá quá đắt mà Mỹ phải trả vì ông Trump trút giận lên WHO

Một ổ dịch ở bất cứ đâu đều có thể gây đại dịch - các chuyên gia về dịch bệnh chỉ ra sau khi ông Trump hành động nhắm vào cơ quan y tế của Liên hợp quốc.

09:00 19/04/2020

Theo các chuyên gia, những hành động nhắm vào Tổ chức Y tế thế giới (WHO) của tổng thống Mỹ Donald Trump và quyết định đình chỉ tài trợ ngân sách cho cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc này có thể kiến tình trạng y tế toàn cầu và lợi ích của chính nước Mỹ bị ảnh hưởng trong bối cảnh đại dịch.

Kinh tế Mỹ có thể trả giá đắt vì WHO bị hạn chế

Ông Trump hồi tuần qua cáo buộc WHO mắc "sai lầm nghiêm trọng trong quá trình quản lý và che đậy sự lây lan của virus corona (SARS-Cov-2)", dẫn đến sự bùng phát của dịch Covid-19, và tuyên truyền những "thông tin chưa chính xác" của chính phủ Trung Quốc trong giai đoạn đầu của dịch.

Ông phát biểu tại Washington rằng Mỹ sẽ ngưng tài trợ WHO trong thời gian đánh giá lên tới 90 ngày, nhằm xem xét những phản ứng của WHO đối với đại dịch. Những thay đổi trong phân bổ ngân sách cần sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ.

Các chuyên gia y tế công cộng ở Mỹ và các quan chức ở một số quốc gia đã nhanh chóng lên án động thái này. Họ nói rằng hành động này sẽ gây nguy hiểm cho an ninh y tế của Mỹ và gây những bất lợi cho cuộc chiến chống đại dịch của toàn cầu khi chưa có vắc xin cho chủng virus này.

Ông Thomas Bollyky, giám đốc chương trình y tế toàn cầu tại Hội đồng phi lợi nhuận về Quan hệ Quốc tế ở New York cho biết: "Chiến đấu với một đại dịch toàn cầu đòi hỏi sự hợp tác quốc tế. Sars-CoV-2 có thể lây lan cho bất cứ ai, bất cứ quốc gia nào, hệ thống an ninh y tế toàn cầu bị đe dọa."

Mỹ là nguồn đóng góp tài chính lớn nhất cho WHO với các khoản thanh toán chiếm khoảng 15% trong tổng ngân sách 6.2 tỷ USD của tổ chức trong hai năm qua. Mỹ đóng góp tài chính thông qua các khoản đóng góp được định mức và những đóng góp tự nguyện, tổng cộng đạt 893 triệu USD cho ngân sách trong hai năm 2018 và 2019 của WHO.

Ông Bollyky và các chuyên gia khác đã chỉ ra tầm quan trọng của WHO trong vai trò là một nền tảng trung tâm để theo dõi và chia sẻ dữ liệu về Covid-19 và sự lây lan của nó. Họ cũng cho biết tổ chức còn là nguồn chính cho những hướng dẫn kỹ thuật, những hỗ trợ đối với các nước còn kém phát triển trong công cuộc chống lại đại dịch đã lây nhiễm cho hơn 2 triệu người trên thế giới này.

Hạn chế khả năng của WHO có thể ảnh hưởng đến không chỉ y tế của toàn cầu mà còn cả tới kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế của Mỹ - bà Olga Jonas - thành viên cấp cao tại Viện Sức khỏe toàn cầu Harvard và là cựu cố vấn kinh tế của Ngân hàng Thế giới (World Bank) - nhận định.

"Một ổ dịch ở bất cứ đâu đều có thể gây ra đại dịch ở khắp mọi nơi. Nước Mỹ có hoạt động kinh doanh trên toàn thế giới, người Mỹ (những doanh nhân) bay tới khắp mọi nơi, vậy nên, nếu việc di chuyển này không thể tiếp tục bởi vì quyết định của ông Trump thì thực sự đây là một cái giá quá đắt về mặt kinh tế," bà Jonas nói.

Tái mở cửa nền kinh tế Mỹ đang là ưu tiền hàng đầu của chính quyền Trump. Ngày 16/4 (giờ miền Đông), ông Trump đã công bố kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ gồm 3 giai đoạn. Nhà Trắng ngày 17/4 tuyên bố các bang ở Mỹ có đủ các bộ thử SARS-CoV-2 để tiến hành giai đoạn 1 của quá trình mở cửa này.

Nếu hiệu quả công việc của WHO bị ảnh hưởng bởi chính sách mới của Mỹ, điều này có thể tác động trực tiếp đến công cuộc chống dịch trên toàn cầu, cũng như chính kế hoạch 3 giai đoạn của ông Trump.

Gậy ông đập lưng ông: Cái giá quá đắt mà Mỹ phải trả vì  trút giận lên WHO - Ảnh 2.

Việc Mỹ "đánh giá lại" công việc của WHO và ngân sách tài trợ gây lo ngại ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chống dịch Covid-19 (Ảnh: EPA-EFE)

Thế giới cần WHO hơn lúc nào hết

Bà Olga Jonas, người điều phối các kế hoạch ứng phó với đại dịch tại WB cho biết việc Mỹ kỳ vọng WHO sẽ điều tra thông tin được báo cáo bởi các nước thành viên là không thực tế.

"Tổ chức này không có khả năng, không có tiền và cũng không có sự ủy quyền để làm như thế. Đây là một tổ chức liên chính phủ, và ở nơi mà nó hoạt động, đều phải có sự cho phép và lời mời của chính phủ. WHO không phải là CIA," bà cho biết.

Tỷ phú công nghệ Mỹ Bill Gates bày tỏ quan điểm rằng quyết định của Trump là "nguy hiểm".

"Công việc [của WHO] là giảm sự lây lan của Covid-19 và nếu như công việc này dừng lại thì không một tổ chức nào có thể thay thế để làm điều đó. Thế giới cần WHO lúc này hơn bao giờ hết."

Quỹ Bill & Melinda Fates của vợ chồng Gates là một trong số các tổ chức từ thiện y tế hợp tác với Ủy ban châu Âu để tổ chức một hội nghị tài trợ nhằm gây quỹ cho việc tạo ra vắc-xin chống Covid-19.

Hé lộ những kế hoạch cho hội nghị trực tuyến vào ngày 4/5, chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen cam kết sẽ tiếp tục làm việc với WHO.

WHO có quy trình đánh giá phản ứng

Sự mất mát tài trợ của Hoa Kỳ có thể ảnh hưởng tới các hoạt động của WHO theo nhiều cách khác nhau trong đại dịch.

Giáo sư Sara Davies, người chuyên về quản trị y tế toàn cầu và ngoại giao y tế tại Đại học Griffith, Australia, cho biết WHO có thể phải cắt giảm các chương trình và tìm kiếm thêm viện trợ từ các nhà tài trợ.

"Đây là lúc mà chúng ta có thể thấy ảnh hưởng của tài trợ từ Mỹ ở những chương trình mà WHO phải cắt giảm," bà chia sẻ, cũng lưu ý rằng tổ chức này đã phải đối mặt với việc cắt giảm ngân sách đáng kể trong quá khứ.

Theo bà Davies, "hành động chính trị cố ý sắp đặt" này là kết quả tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ-Trung tại Liên hợp quốc, và sẽ gây tổn hại cho WHO nếu được Quốc hội Mỹ thông qua.

Joseph Lewnard, trợ lý giáo sư dịch tễ học tại Đại học California Berkeley, cho biết ông sợ rằng những thất bại của phản ứng từ Mỹ, cùng với những hành động này, sẽ gây ra "tổn hại không thể khắc phục được đối với vị thế của Mỹ với tư cách là đối tác đáng tin cậy của thế giới và sẽ bỏ lại chúng ta trên một con tàu không người lái".

Josep Borrell Fontelles, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại, cho biết "không có lý do để đánh giá tính đúng sai của những hành động vào lúc này khi ta cần những nỗ lực của WHO hơn bao giờ hết".

Theo các chuyên gia, sẽ có quy trình chuẩn đánh giá về phản ứng của WHO sau mỗi cuộc khủng hoảng. Tổ chức này đã thực hiện cải cách sau đánh giá của hội đồng độc lập cho thấy những phản ứng chậm chạp và sự thất bại của lãnh đạo về việc xử lý ổ dịch Ebola 2014-2016.

Amesh Adalja, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại trung tâm an ninh y tế của Đại học Johns Hopkins cho biết những cải cách như vậy nên để sau.

"Đây không phải là điều ta nên làm trong tâm dịch," ông chia sẻ.

Link nguồn: https://soha.vn/gay-ong-dap-lung-ong-cai-gia-qua-dat-ma-my-phai-tra-vi-ong-trump-trut-gian-len-who-20200416161819284.htm

Tags:
Biểu tình đòi tái mở cửa ở Mỹ

Biểu tình đòi tái mở cửa ở Mỹ

Hàng trăm người tập trung trước cơ quan lập pháp ở bang Michigan, Kentucky và Bắc Carolina, phản đối kéo dài lệnh phong toả, yêu cầu chính quyền tái mở cửa.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất