Giá thuê đất tăng chóng mặt, cư dân khu Bali Hi Mobile Homes ở Santa Ana phản đối

Hàng trăm cư dân ở khu Bali Hi Mobile Homes Lodge tại số 432 S. Harbor Blvd., Santa Ana, CA 92704, đã tổ chức một buổi hội họp vào tối Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, để phản đối việc tăng giá thuê đất một cách đột ngột của chủ đất. Đồng thời các cư dân cũng bàn thảo một phương cách bài bản, hợp pháp để chống lại việc này.

06:00 02/04/2019

Bali Hi Mobile Homes Lodge là một khu bao gồm 154 căn nhà mobile home, được thành lập từ năm 1958, chỉ dành cho những cư dân tuổi từ 55 trở lên. Khu này vốn không có trẻ em và người trẻ tuổi, vì thế rất yên tĩnh, sạch sẽ. Hơn nữa, khu này lại gần nhà thờ La Vang, nên được nhiều người cao niên gốc Việt chọn làm nơi ở để tiện cho việc sinh hoạt Công Giáo tại nhà thờ này.

Một “Hội Nghị Diên Hồng”

Từ 7 giờ tối, hàng trăm người dân đã có mặt đầy đủ ở hội trường ngay cổng vào của khu mobile home. Họ mang theo thẻ căn cước, hóa đơn thuê đất… đến cuộc họp để ghi danh vào bản thỉnh nguyện giúp đỡ từ phía chính quyền và cộng đồng. Cuộc họp được tổ chức khá bài bản, có ban hướng dẫn ghi danh, có người sắp xếp chỗ ngồi, có cả người chủ trì phát biểu bằng tiếng Anh, tiếng Việt và tiếng Tây Ban Nha, để bảo đảm tất cả cư dân đều có thể hiểu được nội dung bàn thảo.

Ông Quý Vương, người đại diện cho các cư dân gốc Việt tại đây, đồng thời cũng là người chủ trì cuộc họp, cho biết: “Trong thời gian qua, có nhiều người ở đây đã chứng kiến giá thuê đất tăng một cách vô lý, có những nhà ở đây mấy chục năm, giá thuê đất của họ đang từ $650, giờ đồng loạt lên $800. Đối với những người mới vào mua căn nhà ở đây, giá thuê đất lên tới $1,100. Mà không phải chỉ giá thuê đất tăng mà tiền điện, tiền nước, đến cả tiền rác đều tăng. Điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của cư dân ở đây. Bởi vì ở đây hầu hết là người già, đã nghỉ hưu, sống bằng lương hưu và trợ cấp tiền già, họ đều là người có thu nhập thấp. Điều chúng tôi lo ngại là không biết năm sau họ sẽ tăng lên bao nhiêu nữa, chúng tôi sẽ cầm cự được bao lâu nữa.”

Trước toàn thể cư dân Bali Hi, ông Quý cho biết lý do cuộc họp là: “Chúng ta có mặt ở đây là để chia sẻ với nhau, đoàn kết với nhau, để cùng nhau tìm cách chống lại việc này. Chúng ta phải cùng nhau khiếu nại, lên tiếng cho Hội Đồng Thành Phố và người chủ đất ở đây biết về sự việc này. Để coi thái độ của chủ đất ra sao, có chịu thương lượng hay không? Bởi vì những người hiện đang quản lý khu này chỉ là một công ty quản trị trung gian. Những người này họ không muốn thương lượng gì hết, họ chỉ muốn tăng giá để thu được càng nhiều tiền càng tốt.”

Các cư dân đều ghi danh vào bản thỉnh nguyện cần giúp đỡ từ phía cộng đồng và chính quyền. (Hình: Tâm An/)

Bản thân ông Quý cũng là người đã nghỉ hưu. Vợ ông hiện phải nghỉ làm vì đang trong quá trình điều trị bệnh ung thư, hoàn cảnh gia đình ông cũng khó khăn như bao cư dân cao niên khác. Từng là một trong những sinh viên gốc Việt đầu tiên tốt nghiệp trường đại học hàng đầu Princeton ở New Jersey, ông rất am hiểu luật và nói tiếng Anh tốt. Ông dành nhiều thời gian để tìm hiểu luật pháp, vận động cư dân và liên lạc với các tổ chức để kêu gọi sự giúp đỡ, trong đó có tổ chức Golden State Manufactured-home Owners League (GSMOL).

GSMOL là một tổ chức bất vụ lợi, chuyên bảo vệ những người sở hữu nhà mobile home ở tiểu bang California. Năm 2018, GSMOL đã thành công trong việc vận động hành lang để ra đời đạo luật AB3066, nhằm thiết lập điều luật về chương trình bảo vệ cư dân mobile home (Mobilehome Residency Law Protection Program) trong đó yêu cầu Cơ Quan Phát Triển Nhà Ở và Cộng Đồng (Department of Housing and Community Development) phải can thiệp, hỗ trợ giải quyết khiếu nại của chủ nhà liên quan đến luật cư trú của mobile home (Mobilehome Residency Law, viết tắt là MRL). Theo tài liệu của GSMOL, trong nửa thế kỷ qua, hơn 800,000 cư dân sở hữu mobile home đã được hưởng lợi từ sự đấu tranh bảo vệ của họ. Tuy nhiên, muốn được tổ chức này can thiệp để bảo vệ, các cư dân phải tự nguyện ghi danh làm thành viên của họ, với mức phí là $25/người/năm.

“Chúng ta không có cách nào khác là phải cùng nhau lên tiếng, để cho họ (chủ đất) biết rằng không phải họ muốn tăng giá bao nhiêu cũng được, không phải họ muốn làm gì cũng được. Quý vị có đồng ý không? Quý vị muốn im lặng chịu để người ta tăng giá hay là muốn đấu tranh để đòi sự công bằng?” ông nói.

“Đấu tranh!” tất cả mọi cư dân trong hội trường đồng thanh hô vang. Ai nấy đều tự nguyện ký vào bản yêu cầu giúp đỡ để chuẩn bị trình lên Hội Đồng Thành Phố Santa An vào Tháng Tư này.

Bà Bobbie Magnusson, đại diện cho tổ chức GSMOL tại Orange County, cho biết: “Trong nhiều năm làm việc ở GSMOL, tôi đã chứng kiến rất nhiều sự khó khăn của các chủ nhà mobile home, khi họ bị chủ đất tăng giá một cách bóc lột, có những người đã tự tử vì không có lối thoát.”

Bà động viên các cư dân hãy đoàn kết để cùng nhau tới Hội Đồng Thành Phố Santa Ana vào ngày 4 Tháng Tư, để bước đầu phản ảnh những bực tức của họ lên Hội Đồng Thành Phố. Sau đó GSMOL sẽ hướng dẫn họ thực hiện các bước tiếp theo để tranh đấu tới cùng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các cư dân Bali Hi.

Theo website của GSMOL, các cư dân mobile home Bali Hi cần tiến hành một số bước hợp pháp, để đi tới kết quả là Hội Đồng Thành Phố Santa An phải áp dụng Sắc Lệnh Về Ổn Định Tiền Thuê Đất (SRSO – Space Rent Stabilization Ordinance) mà trong đó, chủ đất chỉ được tăng giá từ 2% đến 3% mỗi năm. Hiện ở California, có 110 quận hạt và thành phố đã thực thi sắc lệnh SRSO này.

Tuổi già bị lâm vào cảnh “ở không được, đi cũng không xong”

Trong 154 gia đình ở khu Bali Hi có khoảng 80% là người gốc Việt, còn lại là người Hispanic và một số ít người da trắng. Hầu hết họ là những người cao niên, mái tóc đã ngả màu muối tiêu, một số cụ tóc đã bạc phơ. Có người đã phải ngồi trên xe lăn, có người phải chống gậy. Một phần ba trong số họ, vợ hoặc chồng đã qua đời, họ chỉ còn một mình, không có khoản thu nhập nào ngoài tiền lương hưu hoặc khoản tiền già ít ỏi do chính phủ trợ cấp.

Ông Alphonso Hoàng, 74 tuổi, ở đây từ năm 2013, tâm sự: “Đây là lần thứ năm tôi mua nhà mobile home. Sở dĩ tôi chọn khu này là vì khi đó tiền thuê đất rẻ, chỉ có $615/tháng, mỗi năm lên có $15. Nhưng tôi không ngờ rằng sau này chủ đất họ đổi công ty quản lý mới, từ đó giá thuê đất liên tục tăng. Năm trước giá thuê tăng $29/tháng, năm nay tăng tới $52/tháng. Từ năm 2013 tới nay, giá thuê đất tăng hơn $200.  ăng giá như thế này là quá sức chịu đựng của chúng tôi rồi.”

Toàn cảnh “Hội Nghị Diên Hồng” của các bô lão là cư dân ở Bali Hi Mobile Homes Lodge tại Santa Ana tối Thứ Sáu, 29 Tháng Ba. Hầu hết cư dân ở Bali Hi đều là các bậc lão niên, tóc đã bạc phơ, vẫn phải canh cánh nỗi lo tiền thuê đất tăng giá chóng mặt, vượt mức chi trả của họ. (Hình: Tâm An/)

“Gần đây nhất là năm 2013 tôi có bán căn mobile home rồi dọn về khu Bali Hi này. Ngày hôm qua tôi quay lại hỏi lại khu mobile home đó thì được biết là ở khu đó chỉ tăng có 2%, người mới vô thì giá thuê là $900,” ông kể tiếp.

Và điều này khiến ông Alphonso và các cư dân ở đây bất bình nhất: “Tôi biết được rằng đây là khu đất của thành phố Santa Ana, chủ đất họ thuê lại để lập khu mobile home giúp đỡ cho những người già, thu nhập thấp. Nhưng sự thực ra là họ đang ‘bóp cổ’ chúng tôi chứ giúp đỡ gì đâu. Lương hưu của tôi có $1,100 mà bây giờ tôi phải trả tiền đất là $800 rồi, chưa kể tiền điện nước rác, nên tôi chỉ còn có mấy chục đồng để xài mà thôi.”

“Hồi trước tôi có lên than phiền với người quản trị về việc này, nhưng họ nói rằng nếu ở không được thì kiếm chỗ khác. Như vậy là họ không cần biết mình có ở được hay không. Họ chỉ quan tâm tới việc thu được nhiều tiền để đưa về cho chủ và họ cũng được hưởng % trên khoản tiền đó,” ông Alphonso cho biết thêm.

Ông Bích Lê, 74 tuổi, cho biết: “Chúng tôi di chuyển từ tiểu bang Minnesota về đây để tránh rét lúc tuổi già. Dành dụm cả đời được chút ít, chỉ đủ mua một cái mobile home, lúc đó tiền đất chỉ có $660. Từ ngày thay đổi người quản trị mới, họ tận thu chúng tôi đủ thứ, từ tiền thuê đất, điện, nước, rác tới cả những cái nhỏ nhặt như cái remote cổng vào. Ở bên ngoài bán cái remote có $20, họ bán cho chúng tôi $32. Họ cố tình ép cho chúng tôi không sống nổi để chuyển đi, rồi họ nhận người khác vô, để thu giá $1,100. Mà chúng tôi biết chuyển đi đâu bây giờ.”

Bà Tammy Trần, 68 tuổi, hiện đã nghỉ hưu với mức lương eo hẹp, tâm sự: “Tôi ở đây tám năm rồi, lúc đầu tiền thuê đất chỉ có $600, bây giờ lên là $800. Những người có vợ có chồng ở với nhau thì còn đỡ. Còn tôi ở có một mình, chồng tôi đã mất. Lương hưu của tôi chỉ đủ trả tiền đất, thì chúng tôi lấy gì để sống đây.”

“Phải tranh đấu làm sao để có một giới hạn về tiền thuê đất, mỗi năm chỉ lên một chút ít và chỉ lên tối đa là bao nhiêu thôi, phải có giới hạn. Chứ cứ lên hoài như vậy thì chúng tôi không có tiền trả. Mà cái khó là có muốn dọn ra cũng không được, bởi vì cái nhà cũ quá rồi, không có ai mang đi đâu được. Mà bán đi thì không dễ vì người mới vô lại bị đòi tiền thuê đất lên tới $1,100 thì ai họ chịu mua nhà,” bà nói.

Cầm trên tay tờ hóa đơn thuê đất và tiền điện nước, ông Joseph Thanh Nguyễn, 72 tuổi, tính toán: “Bảy năm trước tôi tới đây, tiền thuê đất khoảng $380/năm nhưng nay đã lên tới $747 rồi, cộng cả điện nước là $845, ngoài ra tôi còn phải trả khoảng $500 tiền vay trả góp mua nhà nữa. Trong khi tiền già của tôi chỉ có hơn $900. Cũng may tôi còn có bà xã phụ giúp. Nếu hai chúng tôi còn sống vui sống khỏe được như thế này thì cũng còn cầm cự được, nếu một trong hai người nằm xuống rồi thì chắc chắn sẽ không chịu nổi.”

“Hiện tại chúng tôi còn đỡ, như hàng xóm gốc Mỹ của tôi họ đã phải chuyển đi nơi khác rồi. Họ nói họ phải sang tiểu bang khác để ở nhờ nhà con cháu họ vì không có tiền để trả,” ông ngậm ngùi nói.

Còn gia đình ông Lê Trí cũng không là một ngoại lệ, mặc dù ông đã 81 tuổi, vợ ông cũng đã ngoài 70 tuổi, nhưng hai ông bà không được thảnh thơi an hưởng tuổi già, mà đang canh cánh nỗi lo tiền thuê đất. Ông Lê Trí nói: “Nếu như họ cứ tăng thế này, mà chúng tôi không đủ tiền trả, thì hoặc là phải xin con cháu phụ vào, hai là phải đi ở cùng con cháu. Mà có đi ở với con, thì phải bán nhà. Mà bán thì cũng không dễ, vì tiền đất tăng tới $1,100 như vậy, thì nhà sẽ rất khó bán.”

“Tất cả chúng tôi ở đây, đang bị ép trong thế bế tắc, ở không được, chuyển đi cũng không xong, trong khi khoản tiền hưu trí hay tiền già thì chỉ có nhiêu đó, không tăng,” ông Bích Lê tâm sự. “Chính vì vậy chúng tôi kêu gọi sự giúp đỡ từ báo đài, các tổ chức và cộng đồng cùng chung tay giúp đỡ, không chỉ cho cư dân ở khu mobile home này mà còn ở nhiều khu mobile home khác đang gặp hoàn cảnh tương tự.”

Tags:
Ấu d.â.m trẻ em trong gia đình, bị cảnh sát Santa Ana truy lùng

Ấu d.â.m trẻ em trong gia đình, bị cảnh sát Santa Ana truy lùng

Cảnh sát đang kêu gọi công chúng giúp tìm nghi can ấu d.â.m hai trẻ em trong gia đình hồi Tháng Mười Một năm ngoái.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất