Giấc mơ đại học Mỹ nhạt phai ở Trung Quốc
Nhiều du học sinh Trung Quốc giờ đây không còn mặn mà với các trường đại học Mỹ do ảnh hưởng từ Covid-19 và căng thẳng quan hệ đôi bên.
12:00 15/08/2021
Sharon Feng đã mơ ước được theo học tại một ngôi trường nghệ thuật tự do của Mỹ từ năm 15 tuổi. Feng đã nộp đơn vào ngôi trường cô khao khát, Đại học Colgate ở New York, vào năm ngoái và được chấp nhận.
Nhưng tới tháng một năm nay, từ nhà của mình ở thành phố cảng Ninh Ba, Trung Quốc, Feng quyết định bỏ qua thư mời nhập học từ ngôi trường Mỹ.
Khi Covid-19 diễn biến phức tạp và quan hệ Washington - Bắc Kinh ngày càng xấu đi, ánh hào quang về nền giáo dục Mỹ đang mờ dần ở Trung Quốc. Feng, 19 tuổi, không đơn độc. Rất nhiều học sinh Trung Quốc giờ đây từ bỏ ý định du học Mỹ dù đã chuẩn bị suốt quãng thời gian dài cho mục tiêu này.
Theo Bộ An ninh Nội địa Mỹ, số lượng học sinh, sinh viên Trung Quốc trong cơ sở dữ liệu của chính phủ nước này đã giảm 20% từ năm 2019 đến 2020. Đơn xin nhập học từ học sinh, sinh viên quốc tế tới Mỹ giảm mạnh trên diện rộng cho năm học 2019-2020, song đã tăng trở lại vào năm nay, ngoại trừ Trung Quốc. Chỉ có khoảng 19.000 học sinh, sinh viên Trung Quốc đăng ký vào các trường đại học của Mỹ trong mùa đông này, giảm 16% so với kỳ trước. Ngược lại, đơn đăng ký từ Ấn Độ tăng 35%.
Theo một số chuyên gia, xu hướng trên chỉ là tạm thời do đại dịch. Nhưng số khác cho rằng đà sụt giảm này là lâu dài và có thể ngày càng gia tăng ngay cả khi đại dịch đi qua.
Nhiều gia đình Trung Quốc đã chuyển định hướng giáo dục cho con cái, từ chuẩn bị cho các kỳ thi tại Mỹ sang ôn luyện cho kỳ thi Cao khảo gắt gao ở trong nước, các công ty dạy thêm cho biết.
Nhiều công ty giáo dục đã chấm dứt các lớp ôn luyện do giáo viên nước ngoài giảng dạy vì những quy định mới chính phủ ban hành. Tuần trước, Thượng Hải đã ra lệnh cấm kiểm tra tiếng Anh đối với học sinh tiểu học, khiến không ít phụ huynh hoang mang liệu các kỹ năng tiếng Anh có bị xem nhẹ trong tương lai hay không.
"Chỉ hai, ba năm trước, việc những gia đình Trung Quốc gửi con đến các trường học Mỹ rất thịnh hành. Nhưng thật không may, xu hướng này đang suy giảm", Joseph Ingam, quản lý công ty tư vấn đại học SOS Admissions, trụ sở tại Los Angeles, cho hay.
Lượng khách hàng Trung Quốc của công ty đã giảm khoảng 1/3 so với trước dịch. "Nhiều người vẫn kỳ vọng sau dịch mọi thứ sẽ trở lại bình thường, nhưng tôi không chắc về điều đó", ông nói thêm.
Giới trẻ Trung Quốc bắt đầu tìm đến Mỹ du học từ những năm 1970, nhưng phải đến thập niên 2000, xu hướng này mới thực sự bùng nổ. Các phụ huynh Trung Quốc thường cho con cái theo học những ngành mà họ nghĩ Mỹ có ưu thế vượt trội, như công nghệ thông tin hay tài chính. Họ cũng muốn con cái mình có cơ hội việc làm ở một nền kinh tế mà họ cho rằng tiên tiến hơn.
Với các gia đình trung lưu Trung Quốc đang tìm cách vươn lên trong thứ bậc xã hội, việc con cái du học ở Mỹ được coi là một biểu tượng của địa vị.
"Mọi người bắt đầu quan sát xung quanh, thấy bạn bè gửi con ra nước ngoài học và cảm thấy mình cũng phải làm theo", Andy Xiao, giám đốc điều hành trung tâm dạy thêm Tiandao Education, Trung Quốc, nói. "Đây là một nhóm quan trọng. Về cơ bản, họ cạnh tranh với nhau".
Căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc cùng với đại dịch Covid-19 đã phá vỡ bong bóng này. Nhưng theo Xiao, ngay cả khi không có hai yếu tố trên, xu hướng này chắc chắn sẽ xảy ra ở một thời điểm nào đó, bởi nền kinh tế và giáo dục của Trung Quốc cũng đang phát triển rất mạnh mẽ.
"Mọi người không còn nói về việc thi SAT hay TOEFL nữa", Xiao cho hay. "Một số trường như các trường trong Ivy League vẫn giữ nguyên sức hấp dẫn, nhưng mọi thứ xảy ra năm qua đã nhắc nhở các gia đình Trung Quốc rằng đến Mỹ không hoàn toàn mang lại lợi thế mà còn đi kèm cả rủi ro".
Ngay cả trước dịch, Tiandao đã bổ sung các chuyên gia tư vấn có chuyên môn về tuyển sinh tại Singapore, Canada hay Anh, những nơi mà theo các nghiên cứu gần đây đang vượt Mỹ trở thành lựa chọn hàng đầu của học sinh Trung Quốc.
Tiandao trước đây đưa khoảng 5.000 học sinh sang Mỹ mỗi năm nhưng con số đang sụt giảm, đặc biệt ở cấp đại học, do các bậc phụ huynh ngày càng lo ngại về làn sóng bài châu Á hay bài Trung Quốc tại Mỹ.
"Dưới thời Tổng thống Trump, có một số sự vụ nghiêm trọng xảy ra và dù khá hiếm trong thực tế, chúng vẫn ảnh hưởng đến suy nghĩ của các bậc phụ huynh", Xiao lưu ý.
Tháng 5/2020, Trump ký lệnh cấm các trường của Mỹ tiếp nhận những học sinh được cho là có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc, đồng thời thu hồi thị thực của một số học sinh đã được nhận từ trước. Quyết định trên chỉ ảnh hưởng đến khoảng vài nghìn người xin thị thực, nhưng vẫn góp phần không nhỏ tạo ra "hiệu ứng ớn lạnh" tổng thể.
"Mỹ có thể tốt nhưng ngày nay họ không thực sự thân thiện với chúng tôi", Jeff Ren, nghiên cứu sinh thạc sĩ đến từ Hàng Châu, nói. Anh đã dành ba năm và chi gần 10.000 USD để chuẩn bị hồ sơ xin nhập học vào các trường ở Mỹ nhưng mới đây đã khước từ lời mời từ Đại học New York để tới Đại học Vrije ở Amsterdam, Hà Lan.
"Vì Mỹ không hoan nghênh chúng tôi tới học nên chúng tôi không cần quá cố gắng tới đó làm gì", Ren nói.
Feng trong khi đó tỏ ra tiếc nuối hơn. "Tôi khá thất vọng vì sau cùng, trường ở Mỹ là ngôi trường mà tôi mong muốn nhất", cô cho hay.
Giống như những học sinh trung học khác xác định đi du học từ đầu, đã quá muộn để Feng cân nhắc nộp đơn vào các trường ở Trung Quốc khi đại dịch ập đến. Cô không được chuẩn bị cho kỳ thi Cao khảo nên cơ hội đỗ vào các trường đại học trong nước là rất nhỏ.
Khi cha mẹ thúc ép Feng chọn một trường ở châu Á vì nghĩ rằng Mỹ đã phản ứng quá tệ trước đại dịch, cô chọn Đại học Hong Kong, nơi cũng có chương trình nghiên cứu giới tính, chuyên ngành mà Feng thích.
"Miễn là được học những lớp mà tôi muốn thì tôi coi đó như lựa chọn tốt thứ hai", Feng nói.
Chen Hongyan, 51 tuổi, đã khuyên con trai bà, Tony Lian, nộp đơn vào các trường ở Canada hay Anh hồi năm ngoái nhưng cuối cùng buộc phải đồng ý khi Lian nói muốn chấp nhận lời đề nghị từ Đại học Brown, ngôi trường thuộc Ivy League nằm ở bang Rhode Island, Mỹ.
Chen, chủ một doanh nghiệp gia đình và không học đại học, cho biết bà rất ngạc nhiên trước những gì diễn ra ở Mỹ, từ cảnh tích trữ hàng hóa điên cuồng khi Covid-19 mới bùng phát cho đến cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol.
"Đó không phải nước Mỹ mà tôi tưởng tượng", Chen nói, thêm rằng nhiều bạn bè của bà đã chuyển hướng cho con cái đến nước khác học.
Vài ngày trước khi Lian khởi hành, Chen vẫn lo lắng. Bà bắt con trai thu thập những dữ liệu mới nhất về Covid-19 ở Rhode Island cho mình. Bà băn khoăn về mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Trung Quốc và Mỹ, chỉ cầu mong rằng cậu con trai 19 tuổi của mình bằng cách nào đó không bị cuốn vào.
"Chúng tôi chỉ là những người bình thường. Tôi không phải tỷ phú hay người được thừa kế", bà nói. "Thằng bé chỉ đến đó để học mà thôi".
Phận con cái, đừng mải cung phụng người ngoài mà quên đi chữ “hiếu” với mẹ cha
Đừng đợi kiếp sau mới quan tâm bố mẹ, đừng đợi bố mẹ mất đi mới bày mâm cᴀo cỗ đầy để làm giỗ, bởi νì lúc đó bố mẹ cũng không thể ăn được nữa, không thể nhìn thấy sự quan tâm của bố mẹ nữa.