Giấc mơ đoàn tụ dang dở của bé gái Ấn Độ chết khát trên sa mạc Mỹ
Ước mơ tới Mỹ để đoàn tụ với cha của cô bé Gurupreet Kaur đã nằm lại vĩnh viễn trên sa mạc Arizona, khi hai mẹ con bị bọn buôn người bỏ rơi.
01:00 15/07/2019
Di ảnh của bé Gurupreet Kaur trong phòng khách gia đình. Ảnh: CNN
Tại một cửa hàng tạp hoá nhỏ trên con đường dẫn đến ngôi làng miền bắc Ấn Độ, mọi người đều biết đến câu chuyện thương tâm của gia đình bé gái 6 tuổi thiệt mạng khi cùng mẹ tìm đường vượt biên vào Mỹ. Đó là Gurupreet, cô bé bỏ mạng trên sa mạc Arizona, Mỹ hôm 12/6.
Đã một tháng kể từ khi lực lượng biên phòng Mỹ tìm thấy thi thể Gurupreet Kaur ở phía bắc biên giới Mỹ - Mexico, hàng trăm người dân vẫn kéo đến cầu nguyện tại ngôi đền nhỏ Sikh, bày tỏ thương tiếc với cuộc đời ngắn ngủi của bé.
Tuy nhiên đối với gia đình Gurupreet, dù thời gian trôi qua lâu thế nào, nỗi đau vẫn nguyên vẹn như ngày hôm qua.
"Chúng tôi rất đau đớn", Gurmeet Singh, 70 tuổi, ông nội của bé Gurupreet, nói với phóng viên CNN trong phòng khách ngôi nhà nơi bé từng sống. "Mất một đứa trẻ không phải là điều dễ dàng với bất kỳ ai. Nhưng điều này thật quá đau lòng."
Bên cạnh là bà nội Surinder Kaur đang ôm chặt di ảnh Gurupreet vào lòng và thẫn thờ nhìn xuống đất. Surinder nói bà đã ngất đi khi nghe tin về cái chết của cháu gái. "Khi tỉnh lại, tôi liên tục gọi tên con bé", Surinder nói. "Tôi muốn gặp con bé lần cuối."
Bức ảnh bà Surinder cầm trên tay chụp Gurupreet hai năm trước tại chính căn phòng này, cô bé mặc đồ múa với chân váy hồng, đứng chống tay vào hông tạo dáng. Gurupreet là cô bé hiếu động, yêu thích các trò chơi trên điện thoại và đam mê múa.
Ông nội Gurmeet của bé Gurupreet. Ảnh: CNN.
"Con bé có thói quen đến lớp đầu tiên", ông Gurmeet nói. "Đó là một đứa trẻ rất thông minh, không biết sợ."
Cha của Gurupreet rời Hasanpur tới Mỹ vài tháng sau khi bé được sinh ra. Anh hiện sống ở New York trong thời gian chờ tòa án nhập cư Mỹ xem xét đơn xin tị nạn.
Trong suốt nhiều năm, đoàn tụ với cha luôn là ước mơ lớn nhất của Gurupreet. Cô bé luôn nói với gia đình ở Ấn Độ rằng muốn gặp lại cha nhiều như thế nào. Hai mẹ con Gurupreet sau đó lên kế hoạch tới New York để đoàn tụ gia đình.
Tuy nhiên, các quan chức di trú cho biết quyết định này đã dẫn tới bước ngoặt bi thảm, khi hai mẹ con bị những kẻ buôn người đưa tới Mexico và dẫn họ theo con đường hẻo lánh để vượt biên vào Mỹ trong một ngày nắng nóng, nhiệt độ lên đến đỉnh điểm.
Hai mẹ con Gurupreet cùng ba người Ấn Độ nữa trưa 11/6 bị những kẻ buôn người bỏ rơi ở giữa hoang mạc, cách khu dân cư Lukeville khoảng 27 km về phía tây. Giữa hoang mạc, người mẹ và một phụ nữ khác đi tìm nước, để con gái lại cho mẹ con một phụ nữ thứ ba trông nom.
Sáng 12/6, người mẹ gặp lực lượng biên phòng Mỹ và làm ký hiệu cho biết bà bị lạc con gái cùng hai người nữa. "Họ không thể nhìn thấy nhau thêm một lần nào nữa", đặc vụ Pete Bidegain thuộc lực lượng biên phòng Mỹ tại khu vực Tucson, nói.
4 tiếng sau, đội tuần tra biên phòng tìm thấy bé gái ở nơi cách biên giới 1,6 km. Cô bé lúc đó đã tử vong vì khát và sốc nhiệt.
Các quan chức Mỹ đổ lỗi cho những kẻ buôn người đã gây nên cái chết cho bé, trong khi những người ủng hộ quyền nhập cư cáo buộc chính sách của chính phủ Mỹ quá hà khắc, buộc người di cư phải chọn những con đường nguy hiểm.
Theo báo cáo năm 2017 từ Trung tâm nghiên cứu Pew, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington chuyên cung cấp thông tin về các vấn đề xã hội, dư luận và xu hướng nhân khẩu học, Ấn Độ là nơi có lượng người di cư lớn nhất thế giới. Báo cáo ghi nhận cứ 20 người di cư trên thế giới thì có một người đến từ Ấn Độ.
Một đoạn tường biên giới tại bang Arizona, gần nơi bé Gurupreet thiệt mạng. Ảnh: CNN.
Các chuyên gia nói rằng dòng người di cư từ Ấn Độ chủ yếu do vấn đề kinh tế. Một báo cáo từ Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm cho thấy những người di cư trẻ tuổi ở quốc gia này lo ngại về triển vọng việc làm trong nước nên có xu hướng tìm kiếm việc lương cao ở nước ngoài. Thống kê của Biên phòng Mỹ cũng cho thấy sự gia tăng trong dòng người di cư Ấn Độ không giấy tờ tại biên giới Mỹ - Mexico trong những năm gần đây.
Trong tuyên bố được Liên minh người Sikh có trụ sở tại New York đưa ra tháng trước, cha mẹ Gurupreet cho biết họ đến Mỹ để tìm kiếm sự an toàn.
"Chúng tôi muốn một cuộc sống an toàn hơn và tốt hơn cho con gái của mình. Xin tị nạn tại Mỹ là một quyết định khó khăn. Chúng tôi tin rằng mọi phụ huynh, bất kể nguồn gốc, màu da hay tín ngưỡng, đều hiểu rằng không có người cha người mẹ nào đặt con mình vào nguy hiểm trừ khi họ đã tuyệt vọng và đó là cách duy nhất", tuyên bố có đoạn.
Ông bà của Gurupreet cho biết họ không rõ hai mẹ con đã tìm đường tới Mỹ như thế nào và tại sao họ lại quyết định vượt biên qua ngả Mexico. Nhưng họ biết rõ con trai và con dâu mình đang tuyệt vọng, hy vọng rằng chính phủ Mỹ sẽ cho họ có cơ hội ở lại.
Gurmeet nói rằng gia đình ông đã sống ở đây hơn 70 năm, trong căn nhà gạch hai tầng nội thất đầy đủ được xây dựng và tu sửa qua nhiều thế hệ. Họ canh tác nông nghiệp trên khu đất của mình và thường thuê người thu hoạch khi đến vụ mùa.
Khi Gurmeet trò chuyện với phóng viên CNN, một thành viên khác trong gia đình bước vào phòng khách, bế theo em họ 6 tháng tuổi của Gurupreet.
"Chúng tôi đã nuôi nấng Gurupreet giống như đứa bé này, trên chính vòng tay mình," ông Gurmeet bật khóc. "Bây giờ con bé đã đi xa. Mọi thứ kết thúc thật rồi."
Ngọc Ánh - Vnexpress (Theo CNN)
Trump khởi động chiến dịch truy quét gia đình nhập cư
Tổng thống Mỹ tuyên bố chiến dịch truy bắt những người nhập cư đã có lệnh trục xuất sẽ bắt đầu vào ngày 14/7.