Giấc mơ kỳ lạ của người lính Mỹ và câu chuyện cô gái lai tìm cha trong 20 năm
Tất cả những gì cô Jenny Hằng Nguyễn biết được từ ký ức của dì Hát là tên người mẹ ruột của mình. Cô trở về Mỹ với niềm tin là khi tìm được ba thì đương nhiên sẽ tìm được mẹ.
06:30 22/04/2019
Tìm cha
2007, Jenny Hằng Nguyễn lần đầu tiên tham dự Hội Con Lai tổ chức ở Chicago. Cô kể lại:
“Tôi hoàn toàn không có dấu tích gì của ba mình. Biển trời bao la. Lính Mỹ thì ngàn vạn người biết tìm từ đâu đây? Khi đó, một người bạn trong hội nói với tôi là Hằng ơi, máu trong người mày chính là nguồn gốc đi tìm ba, đâu cần hình ảnh gì…”
Thế nhưng lúc đó, cô không đủ niềm tin về cuộc tìm kiếm với hai bàn tay trắng. Thêm vào đó là cái kết buồn của những câu chuyện về con lai đi tìm cha hoặc mẹ ruột làm cho cô băn khoăn. Mãi cho đến năm 2016, qua nhiều lời khuyên từ bạn bè, cô quyết định chấm dứt sự lo sợ của mình, bắt đầu con đường đi tìm cha.
“Tôi bắt đầu tìm hiểu, dò hỏi rồi ghi danh với Family Tree để có một bộ thử máu. Tôi thực hiện đúng hướng dẫn cách lấy máu rồi gửi đi và chờ đợi.”
Sau khoảng 6, 7 tuần theo dõi đường đi của DNA (mỗi cá nhân khi ghi danh sẽ có một tài khoản riêng để theo dõi trên máy điện toán) một ngày kia, cô thấy DNA của mình dừng lại ở một dòng họ có tên Ashley.
“Sau này tôi biết đó là bà cô của tôi. Và có thêm hai người nữa là ông nội và bà nội, đã mất rồi.” Cô nói.
“Ngày 28 Tháng Bảy, 2016, tôi có gửi cho bà một lá thư, qua tin nhắn trên Facebook của bà. Bà tên là Jackie Ashley Pace, sống ở The Woodlands, Texas. Nhưng suốt một năm bà không hồi âm.
Năm 2017, tôi gửi một lá thư nữa cũng không thấy hồi âm.
Năm 2018, tôi gửi một lần nữa, cũng biệt tăm.”
Không thể bỏ cuộc khi cánh cửa bí mật đã hé mở một ít, qua những người bạn lai đã tìm được cha, cô được giới thiệu đến ông Paul Wickman, người từng đi lính ở Việt Nam và đã từng giúp nhiều người con lai tìm được nguồn gốc thật của họ.
Nghe xong câu chuyện, ông đồng ý giúp cô, và quá trình tìm cha của cô Jenny Hằng Nguyễn được bắt đầu lại từ đầu. Với kinh nghiệm từng giúp rất nhiều người con lai, lần này nơi mà ông Paul gửi DNA của cô đến, chính là ngân hàng DNA của lính.
Sau khoảng bốn tuần chờ đợi, hy vọng có, lo lắng cũng có, cô nhận được cuộc điện thoại của ông Paul. Ông nói:
“Tôi đã tìm được ba của cô rồi. Đó chính là dòng họ Ashley mà cô thấy trên máy điện toán. Ba cô còn sống.”
Ngay sau đó, một lá thư do ông Paul soạn thảo và do chính cô ký vào được gửi đến ngân hàng DNA của lính.
Bốn tuần sau, một thời gian dài nhất đối với cô cho đến lúc này, cô nhận được lá thư hồi âm. Nhớ lại đêm hôm đó, 25 Tháng Hai, 2019, cô kể:
“Đó là ngày Chủ Nhật, trời mưa, tôi ra thùng thư để lấy thư. Vì mưa, lá thư lấy ra bị ướt. Tôi rất sợ nó bị lem, mất chữ, tôi không đọc được. Lúc đó tôi cầu xin Chúa ơi đừng cho ướt bên trong, nếu ướt bên trong là con không nhìn thấy gì cả. Và tôi cũng cầu xin Chúa ơi con cầu xin dòng chữ đầu tiên con nhìn thấy là ba con còn sống.
Mở thư ra, tôi nhìn thấy tên, ngày tháng năm sinh nhưng không có ngày tử. Tôi biết ba tôi còn sống. Ông tên là Frederick Ray Ashley.
Tôi xem tiếp phần thông tin cá nhân, thấy ông còn gia đình, nhưng tên người vợ là một cái tên Mỹ, không phải người Việt Nam.
Tôi biết mình đã tìm ra ba. Nhưng cùng với niềm vui sướng, là sự chới với…
Khi ấy tôi thấy ngay một hành trình đầy khó khăn nữa trước mắt.”
Tương phùng
“Bây giờ không ai nói mình là không cha nữa??? Mình có cha rồi!”
Đó là ý nghĩ đầu tiên trong tâm trí của người phụ nữ 47 tuổi, tìm được cha sau 20 năm biết được thân phận thật của mình.
Nhớ lại những ngày thưở nhỏ, cô nói:
“Hồi xưa còn nhỏ, người ta cứ nói ui, mày không có cha. Mấy đứa bạn kỳ thị không chơi với mình khi đi học. Thậm chí đến bây giờ, ở Mỹ đây vẫn có nhiều người còn lối suy nghĩ những đứa lai là không có cha nên thất học…Bây giờ ai mà nói mình không cha mình sẵn sàng nói với họ là mình có cha rồi mà.”
Từ Illinois, Chicago, cô chạy xe đến gặp ba của mình ở North Carolina. Ngày cha con gặp lại, trời cũng mưa tầm tã.
“Tôi chạy xe vào cổng nhà của ông. Ông ở trong chạy ra. Tôi chưa thể nói được câu nào thì đã nghe ông thốt lên: ‘She is my daughter.’ Ông ôm chặt tôi, hôn lên tóc của tôi. Ông vừa nói vừa khóc: ‘Trời ơi con gái của tôi mà tôi đã không biết.’
Tôi hoàn toàn không nói được câu nào, tôi chỉ biết khóc.”
Vui có. Khóc cũng có. Cười cũng có. Cô như đứa con nít 5 tuổi được ba ôm trong lòng.
“Ông luôn miệng nói ba xin lỗi con. Ba không bỏ con, vì ba không biết…”
Câu chuyện giữa hai cha con cứ thế trải dài như không muốn dứt. Ông Buddy (tên gọi thân mật của ông) khi đó kể lại cho cô nghe một giấc mơ kỳ lạ ông đã thấy một lần sau khi ông cùng với đồng đội được lệnh rút về Mỹ.
“Ba tôi có một giấc mơ, thấy một người con gái mặc áo dài trắng, nhìn theo ông, tay của người đó xoa bụng. Ông thấy phần bụng của người phụ nữ đó nhú lên một chút, và ông thấy hành động lấy tay xoa bụng ấy như một người đang mang thai mà lấy tay xoa bụng của mình.”
Giấc mơ ấy đã theo đuổi ông Buddy suốt mấy mươi năm.
Gặp được cha của mình, cô cũng được biết thêm về người mẹ tên Hạnh của mình. Đúng như lời dì Hát kể, mẹ của cô năm đó là việc trong quán bar của bà Xuân, người mẹ nuôi của cô. Mẹ Hạnh của cô vừa đi học vừa đi làm. Ông Buddy khi đó nghiễm nhiên trở thành người thầy dạy tiếng Anh cho bà.
Khi được hỏi nếu bây giờ nhắc lại một chi tiết hay một kỷ niệm nào đó để mẹ Hạnh của cô có thể nhận ra cô và ông Buddy, thì sẽ là chi tiết nào? Ông Buddy nói:
“Lúc đó bà đi học. Bà hỏi tôi nước Ai Cập tiếng Anh là gì. Khi đó không có Google nên tôi không hiểu Ai Cập là gì, nên tôi không dạy cho bà được. Tôi không thể trả lời được. Cho nên lần đó bài làm của bà bị ‘failed’”
Với ông Buddy cũng như với Jenny Hằng Nguyễn, đây là chi tiết duy nhất họ mong sẽ tìm được mẹ Hạnh nếu bà đọc được những điều này.
Thật sự đối với cô, việc tìm được cha ruột giữa biển người bao la, trong tay không có một hiện vật gì trừ dòng máu trong người mình là một định mệnh kỳ diệu. Cô nói mình đã tin trái đất hình tròn, tin rằng máu thịt với nhau sẽ trở về với nhau.
“Đối với gia đình mẹ Xuân, tôi đã báo hiếu đầy đủ, đã trả hết tất cả đạo làm con. Giờ đây, tôi phải tìm và trả hiếu cho mẹ ruột của mình. Dù là bà còn sống một ngày, tôi cũng phải trả ơn một lần. Ai cản tôi, tôi cũng không nghe. Tôi phải tìm cho ra bà.
Ba tôi với mẹ (người vợ hiện tại của ông) luôn nói với tôi là không được bỏ cuộc. Không ‘give up’. Cứ phải đi tìm mẹ. Những ai muốn cản trở hay nói về nhiều những chuyện xấu ví dụ như mẹ tôi sẽ bỏ tôi, không nhìn tôi…thì không nghe những lời đó. Không nghe những người đó nói, đó là câu của Ba tôi luôn nói với tôi.”
Hơn nữa, cô có một niềm tin, đó là mẹ Hạnh của cô đang ở Mỹ. Lý giải cho điều này, cô nói:
“Tôi đoán bà đã đi Mỹ. Vì thời buổi đó, đa số những người làm ở quán bar đã đi Mỹ hết rồi. Không ai ở Việt Nam. Tôi không nghĩ bà còn sót ở Việt Nam.”
Cô tin rằng, điều màu nhiệm thứ nhất đã đến với, thì chắc chắn điều thứ hai cũng sẽ đến.
“Cho dù ngày tìm được mẹ là tìm thấy ngôi mộ đã xanh cỏ, tôi cũng phải tìm cho ra và đến thắp cho bà nén nhang.”
Điều kỳ diệu vẫn luôn xảy ra trong cuộc sống, nhất là với những người có niềm tin và không bao giờ bỏ cuộc. Câu chuyện của Jenny Hằng Nguyễn, cô gái Việt lai Mỹ đi tìm cha với hành trang chỉ có tình yêu và hy vọng là một ví dụ. Mong rằng một ngày nào đó, có thể cũng là một ngày mưa tầm tã, cô sẽ lại nhận được một cuộc điện thoại, hay một lá thư từ người phụ nữ có tên Hạnh.
Cô gái lai Việt - Mỹ bất ngờ nhận ra thân phận thật vào ngày mất mẹ
Ngày mẹ nhập viện vì tai biến, bác sĩ báo bà chưa từng sinh nở, chị Hằng ngất xỉu vì đau buồn, không biết mình là con ai nữa.