Giáo sư toán học Đức yêu say đắm nữ bác sĩ Việt một chân

Yêu chàng trai ngoại quốc từ lúc anh nhìn mình tháo chiếc chân giả bước xuống hồ bơi nhưng Băng giấu kín. Cô sợ, người khác khổ vì mình.

08:30 10/05/2019

Bế Thị Băng – nữ bác sĩ nha khoa một chân nhưng những nỗ lực phi thường của cô làm nhiều người phải ngưỡng mộ, thán phục.

Tối 19/4 vừa qua, cô là thí sinh giành quán quân ‘Vẻ đẹp vầng trăng khuyết’ cho người khuyết tật Việt Nam bằng điệu múa mềm mại, bốc lửa với một chân.

‘Giây phút nghe ban tổ chức đọc tên, tôi vui quá, suýt nữa quên mang giày, may có mọi người nhắc’, cô gái quê Hòa An, Cao Bằng nhớ lại.

Băng cho biết, nếu như trước đây cô luôn mặc cảm với cuộc sống, tự ti vì chỉ có một chân thì bây giờ, từng giây phút trôi qua với cô thật ý nghĩa. ‘Tôi được như hôm nay là nhờ nhiều người giúp đỡ. Nhất định, tôi sẽ dành riêng một buổi để gửi lời cảm ơn họ’, cô gái sinh năm 1987 nói.

7 năm trước, Băng là nữ bác sĩ nha khoa trẻ mới ra trường. Khi đang trên đường đi làm về, cô bị một chiếc xe tải tông và ngất đi.

Cô gái dân tộc Tày thể hiện điệu múa mềm mại, sôi động bằng một chân trong cuộc thi Vẻ đẹp vầng trăng khuyết tối 19/4 vừa qua.

Bốn ngày sau, Băng tỉnh dậy với chân phải cụt đến háng, chân trái hoại tử dần, khả năng sống chỉ còn… 5%. May mắn vết thương do tai nạn của Băng được chữa thành công, nhưng những ngày sau đó cô chán nản, tự ti.

Cô mang hồ sơ đi xin việc, chẳng nơi nào nhận. ‘Người ta e ngại cũng đúng. Tôi chỉ có một chân thôi’, giọng Băng chùng xuống khi nhớ về những kỷ niệm mình trải qua.

Sau thời gian làm việc không lương ở một phòng khám, cô được phòng khám của vợ chồng bác sĩ Hùng (Hà Hội) nhận làm việc lại. ‘Tôi được anh chị ấy trả lương rất cao. Tôi còn được học chuyên môn, kỹ năng sống và tập quên chuyện buồn. Bây giờ, tôi muốn nói cảm ơn anh chị ấy rất nhiều’, nữ bác sĩ nha khoa nói.

Băng đứng một chân.

Mùa hè năm 2014, Băng về thăm nhà. Buổi sáng, cô đang ngủ nướng thì bị mẹ gọi dậy lên sân thượng ngắm bình minh. Bực mình vì bị đánh thức, nhưng lần đầu được ngắm mặt trời mọc vào buổi sáng kể từ ngày bị tai nại, bất giác cô thích nhảy.

‘Tôi đứng thăng bằng với một chân rồi lắc qua lắc lại, thấy rất nhẹ nhàng. Nhưng vì mới tập, tôi ngã uỳnh uỵnh, người đau nhức, da thâm tím. Đau nhưng tôi không khuất phục’, cô gái dân tộc Tày quả quyết.

Băng cho biết, cô được như hôm nay là nhờ sự giúp đỡ của vợ chồng bác sĩ Hùng (Hà Nội). Cô muốn nói cảm ơn vợ chồng bác sĩ Hùng rất nhiều.

Mới đầu, Băng chỉ tập lắc hông, giữ thăng bằng với một chân. Sau đó, cô tập di chuyển một chân được, rồi nhảy, múa. ‘Khó vô cùng, nhưng tôi đã làm được’, Băng nói.

Cô lập một tài khoản trên kênh Youtube rồi quay các clip mình nhảy, múa đăng lên. Được nhiều người khen về nghị lực, quyết tâm, những điệu nhảy uyển chuyển, Băng cảm thấy yêu cuộc sống mình đang có.

Năm 2016, Băng ra sân bay Nội Bài tiễn bạn đi nước ngoài. Lúc đó, anh Oturak Be, giáo sư toán học người Đức qua Việt Nam du lịch một tháng. Lần đầu đến Hà Nội, không biết tiếng Việt, anh cứ lóng nga lóng ngóng.

Nhìn thấy Băng, Oturak nhờ chỉ đường giúp. Vốn tiếng Anh khá tốt, Băng chỉ tường tận về đường đi cho chàng trai ngoại quốc. Cô còn giới thiệu cho Oturak những địa danh nổi tiếng của Việt Nam, các món ăn nên thưởng thức khi đến Hà Hội.

Vợ chồng Băng vẫn thường đi bơi cùng nhau. Trong hình, họ cùng nhau có một buổi trải nghiệm dưới đại dương.

Quen nhau một tuần, Oturak mời Băng đi du lịch cùng. Đến hồ bơi, Băng mở chiếc chân giả ra bước xuống bơi. ‘Nhiều người nhìn tôi tháo chân ra là sợ, nhưng với anh thì không. Anh nhìn tôi chăm chú, không phản ứng gì cả’.

Hai ngày sau, Băng đến Hồ Tây tập thể dục thì gặp lại chàng trai ngoại quốc đang đi dạo. Họ nói chuyện, đi chơi với nhau nhiều hơn.

‘Tôi nói với anh: ‘Em không chỉ biết bơi một chân mà còn biết múa với một chân nữa’’.

Nói rồi cô mở những clip mình nhảy bằng một chân cho Oturak xem. Anh ồ lên thích thú: ‘Sao một chân có thể múa được như thế. Anh rất thích những điệu nhảy của Ả Rập, Ba Tư, những điệu Dance’.

Băng cho biết, Oturak rất thích ăn các món vợ nấu. Anh luôn nói với cô: ‘Chẳng nơi nào nấu ăn ngon bằng em nấu. Bây giờ, ở xa nhau, đi ăn ở đâu, anh cũng nghĩ, món đó là do em nấu’.

Sau chuyến du lịch, Băng dẫn Oturak về thăm quê mình vào một ngày trời mưa, đường trơn, lầy lội. ‘Nhà Băng nghèo, lụp xụp, mọi thứ không gọn gàng, nhưng anh chẳng ngại gì cả. Mẹ đưa ba quả trứng luộc ra, để trong chiếc bát mẻ, anh vẫn vui vẻ bóc trứng chấm với muối bột canh ăn’ Băng kể.

Cứ như thế, càng ngày, hai người họ càng xích lại gần nhau hơn. Dù lúc này đã phải lòng chàng trai ngoại quốc, nhưng khi anh thổ lộ tình cảm, bác sĩ Băng chỉ nói: ‘Anh cho em xin thời gian’.

Khi chỉ còn vài ngày nữa sẽ về nước, Oturak tỏ tình lần hai thì nhận được câu trả lời: ‘Em không xứng đáng nhận được tình yêu của anh’. Nghe vậy, Oturak giận dữ: ‘Em đừng bao giờ nói từ không xứng đáng đó. Em có biết, từ đó ở Đức có nghĩa không đẹp không. Em có sắc đẹp, tự tin thì phải có nhiều thứ hơn thế’.

Băng khi còn nhỏ.

Tiễn Oturak ra sân bay về nước, Băng muốn ôm anh và nói: ‘Em đồng ý’, nhưng cô chẳng dám. ‘Cuộc sống của tôi đã rất buồn và vất vả, tôi không muốn người nào khổ vì tôi, với Oturak thì càng không’ , Băng nói, quyết tâm để tình yêu sang một bên.

Cuối năm 2016, bố Băng đến Hà Nội khám bệnh. Ông hỏi con gái về chàng trai tây về nhà mình chơi. Băng dối bố: ‘Anh ấy chỉ thỉnh thoảng qua thôi. Con còn phải làm việc’.

Như hiểu chuyện gì đó, bố Băng làm cầu nối cho con gái: ‘Anh ta là người tốt. Hôm hai đứa đi, đường trơn, con đi bằng chân giả nên tý nữa bị ngã. Anh ta thấy vậy đã nhanh chóng đỡ con. Bố mẹ đã nhìn thấy hết. Con hãy cho anh ta một cơ hội. Anh này có tư cách bên trong rất đặc biệt’.

Băng cho biết, tới đây, học xong bằng tiếng Đức cô sẽ qua Đức đoàn tụ với chồng, rồi lên kế hoạch sinh em bé.

Với sự tác động của bố bạn gái và độ ‘chai lì’ của mình, Oturak đã được Băng chấp nhận tình yêu khi đến thăm Hà Nội lần nữa. ‘Tôi không muốn mất một người tốt như anh ấy’, Băng nói và cho biết, lúc này, cô chưa biết bạn trai là giáo sư toán học. Từ đó, cứ ba tháng một lần Oturak lại qua Hà Nội thăm bạn gái.

Cuối năm 2017, họ kết hôn. Lúc này, Băng mới biết chồng mình là giáo sư toán học. ‘Lúc quen, nghe anh ấy nói là giáo viên, tôi cứ nghĩ anh ấy dạy tiếng Anh hay dạy bộ môn nào đó. Tôi thật bất ngờ khi lấy được chồng giáo sư’, Băng nói.

Chuyện tình nữ bác sĩ một chân và chồng giáo sư toán học người Đức

Hơn hai năm qua, vì Băng muốn thực hiện những dự định còn dang dở nên vợ chồng họ sống mỗi người một nơi.

Anh Oturak hiện đang giảng dạy tại một trường đại học ở Đức. Còn Băng ở lại Việt Nam quản lý phòng khám và kinh doanh riêng. ‘Tôi đăng ký dự thi ‘Vẻ đẹp vầng trăng khuyết’ rồi mới cưới. Anh ấy ban đầu không ưng, nhưng để giúp tôi tự tin hơn, anh ấy chấp nhận, luôn động viên tôi. Cưới xong, tôi mới biết mình đã lọt vào top 20 ’, Băng nói.

Nữ bác sĩ nha khoa một chân cho biết, dù hai vợ chồng cứ 2-3 tháng mới gặp nhau một lần, nhưng như đang sống cùng, vì cả hai làm gì cũng thông báo cho nhau biết, khi rảnh lại gọi video nói chuyện.

‘Ban đầu, vợ chồng cứ ‘giám sát’ nhau rất bất tiện. Bây giờ, chúng mình quen rồi. Cứ một tý không nhìn thấy nhau lại nhớ’, người vợ sinh năm 1987 nói và cho biết, hiện cô đang ôn luyện để thi bằng tiếng Đức, tới đây sang đoàn tụ cùng chồng.

Theo Vietnamnet

Tags:
Di sản của Abraham Lincoln và “Chính quyền của dân, do dân, vì dân”

Di sản của Abraham Lincoln và “Chính quyền của dân, do dân, vì dân”

Abraham Lincoln sinh ngày 12 tháng 2 năm 1809 trong một ngôi nhà gỗ ở hạt Hardin, bang Kentucky, cha là một người đi khẩn hoang ở miền đất hoang vu đã tận lực làm việc để có được sự sung túc và sự kính trọng của mọi người trong cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất