Giới nhà giàu ở California và New York sẽ bỏ đi vì luật thuế mới?
Theo tiên đoán của các kinh tế gia bảo thủ Arthur Laffer và Stephen Moore, sẽ có một vụ ra đi hàng loạt của những người giàu có ra khỏi New York và California bởi vì luật lệ mới về thuế. Tuy nhiên, các học giả đã nghiên cứu về mối liên hệ giữa thuế và di dân gọi lời tiên đoán đó là “hoàn toàn vô lý.”
05:00 05/05/2018
Trong một bài quan điểm trên tờ Wall Street Journal, hai ông Laffer và Moore (cả hai đều đã cố vấn cho Tổng Thống Donald Trump) nói rằng luật thuế mới sẽ khiến 800,000 người sẽ rời khỏi California và New York trong ba năm tới.
Luật thuế thay đổi giới hạn việc khấu trừ thuế tiểu bang và địa phương ở mức tối đa $10,000, do đó nhiều người đóng thuế có lợi tức cao trong các tiểu bang có thuế cao sẽ thực sự đứng trước sự tăng thuế theo luật thuế mới.
Laffer và Moore nói rằng thuế suất lợi tức thực sự (thuế suất mà người dân thực sự trả) đối với những người kiếm được lợi tức cao ở California sẽ tăng vọt từ 8.5% lên 13%. Theo sự phân tích của họ, những người giàu có tại Manhattan của New York sẽ đứng trước một sự gia tăng tương tự. Những người kiếm được $10 triệu trở lên sẽ thấy tiền thuế của họ có thể tăng 50% hay nhiều hơn.
Họ nói những gia tăng đó sẽ đưa tới một vụ ra đi hàng loạt của các cư dân tại đó để di chuyển tới những tiểu bang có thuế lợi tức thấp hơn hoặc không phải đóng thuế lợi tức.
Họ nói trong ba năm tới, khoảng 800,000 người sẽ rời khỏi California và New York. Các tiểu bang khác, Connecticut, New Jersey và Minnesota sẽ mất một con số tổng cộng 500,000 cư dân trong cùng thời kỳ đó.
Tuy nhiên, nhà xã hội học kiêm kinh tế gia Cristobal Young tại Đại Học Stanford, đồng tác giả trong cuộc nghiên cứu về sự giàu có, thuế và sự di dân, gọi lời tiên đoán trên là “thuần túy vô nghĩa.”
Ông nói rằng California, New York và New Jersey đã là những tiểu bang có mức thuế cao từ hàng thập niên nay và chúng vẫn có mức tập trung người giàu tính theo đầu người cao nhất trong nước.
Theo ông, không có mối liên hệ nào giữa thuế suất cao của tiểu bang và con số (hay tỉ lệ) các triệu phú trong một tiểu bang. Ông nói thêm rằng những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thuế suất là những người giầu đang làm việc vào cuối sự nghiệp và họ có thể ít di chuyển bởi vì họ bị gắn liền với nơi họ ở vì nhiều lý do xã hội và kinh tế, từ địa điểm của công ty và việc làm của họ tới đời sống xã hội, các hội đồng từ thiện và các khách hàng của họ.
Con số các triệu phú trong những tiểu bang thuế cao đó thực sự đang gia tăng, không phải là giảm bớt.
Kể từ năm 2010, New Jersey đã tăng một con số thuần 46,000 triệu phú mới vào con số tổng cộng hiện nay là 258,000 người, theo các dữ kiện mới nhất của Phoenix Marketing.
New York đã tăng thêm 84,000 nhà triệu phú mới, lên tới tổng cộng 465,000 người. Và California đã tăng thêm 169,000 triệu phú mới kể từ năm 2010, đưa tới con số tổng cộng hiện nay là 885,000. Tại tất cả những tiểu bang thuế cao này, dân số nói chung cũng gia tăng.
Điều đó không có nghĩa những người giàu đã không rời bỏ những tiểu bang này. Quả thật họ đã bỏ đi. Tuy nhiên những tiểu bang có mức thuế cao cũng tạo ra nhiều tài sản nhất – và nhiều triệu phú mới so với số người bỏ đi. Hơn nữa, không rõ là thuế có phải là lý do chính để người ta di chuyển hay không.
Và mặc dù hai ông Moore và Laffer cho rằng chính những người giàu đó, những người nhạy cảm về thuế nhiều nhất đang bỏ đi với những con số lớn lao, thực ra, những người kiếm được lợi tức thấp hơn đang dọn đi nhiều hơn – thường bởi vì việc làm hoặc các phí tổn về nhà ở.
Cuộc nghiên cứu của ông Young, được thực hiện cùng với ông Charles Varner của Đại Học Stanford, và Ithai Lurie và Richard Prisinzano của Bộ Ngân Khố, phân tích các dữ kiện trong 13 năm về lợi tức của mọi người Mỹ kiếm được $1 triệu trở lên và họ thấy rằng chỉ có 2.4% những người kiếm được bạc triệu di chuyển mỗi năm. Nhịp độ đó thấp hơn so với nhịp độ di chuyển 2.9% của dân số nói chung. Họ thấy rằng chỉ có 0.04% những người kiếm được bạc triệu mới dọn đi vì lý do thuế.
Tóm lại, quả thật có nhiều triệu phú di chuyển vì những thay đổi về thuế. Nhưng nếu căn cứ trên lịch sử, những tiểu bang thuế cao có thể sẽ tiếp tục tạo thêm người giàu có chứ không phải giảm bớt.
Luật thuế mới kéo theo thay đổi ở vài tiểu bang
Sau khi luật thuế mới của Cộng Hòa được TT Trump ký và có hiệu lực, ngay trong tuần lễ đầu tiên của năm 2018, nhiều Thống Đốc và các nhà lập pháp Quốc Hội của một số tiểu bang đang tính toán làm sao ‘đối phó’ với luật này một cách có lợi nhất cho họ.