Giới truyền thông vẫn 'khát tin' về Trump

Hơn hai tuần sau khi Trump rời Nhà Trắng, giới truyền thông dường như vẫn không thể ngừng đưa tin về cựu tổng thống.

23:30 05/02/2021

Điều này dường như khá bất thường, bởi các cựu tổng thống Mỹ thường đột ngột rời khỏi tầm chú ý sau lễ nhậm chức của người kế nhiệm. Thêm vào đó, Donald Trump đang bị các mạng xã hội "cấm cửa", bao gồm Twitter, nền tảng yêu thích của ông.

"Vẫn còn quá nhiều câu hỏi về những gì ông ấy đã làm khi còn giữ chức tổng thống", Kelly McBride, biên tập viên của NPR, giải thích. Một số người chỉ ra rằng nếu xét đến việc chưa từng có tổng thống Mỹ nào đối mặt với phiên tòa luận tội sau khi rời nhiệm sở, thì việc Trump vẫn xuất hiện trên mặt báo lại trở nên hợp lý.

Hôm 1/2, tờ New York Times đăng một bài viết hấp dẫn, gồm gần 10.000 từ, về cách Trump không ngừng nhấn mạnh tuyên bố sai lệch rằng ông đã tái đắc cử, dẫn đến cuộc vận động hôm 6/1, ngay trước khi đám đông ủng hộ ông gây bạo loạn tại Đồi Capitol trong lúc quốc hội họp để xác nhận chiến thắng cho Joe Biden. Sự việc này là nguyên nhân khiến Trump bị luận tội lần thứ hai, với phiên tòa tại Thượng viện dự kiến bắt đầu từ tuần sau.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump lên Không Lực Một tại sân bay không quân Andrews, bang Maryland, hồi tháng 7/2020. Ảnh: Reuters.
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump lên Không Lực Một tại sân bay không quân Andrews, bang Maryland, hồi tháng 7/2020. Ảnh: Reuters.

Hồi cuối tuần trước, các tiêu đề trong mục góc nhìn trên trang web của Washington Post đề cập đến "Trump" hoặc "Chủ nghĩa Trump" 14 lần, trong khi Biden thấp hơn với 11 lần. Bài viết được đưa lên cao nhất hôm 1/2 cũng là về nhóm pháp lý của Trump trong phiên tòa luận tội.

Theo công ty phân tích và quảng cáo Taboola, lượng truy cập những bài viết về Trump trên các trang web mà họ theo dõi hồi tháng 1 cao gấp gần 4 lần so với các bài về Biden. Ngoài ra, bài về Trump có lượng truy cập ít nhất gấp đôi trong hầu như mọi ngày của tháng.

Sự quan tâm của độc giả đối với Trump vẫn tiếp diễn ngay cả sau lễ nhậm chức của Biden. Công ty phân tích mạng xã hội NewsWhip cho biết các bài về Biden được tương tác 250 triệu lượt kể từ ngày 20/1, nhưng con số này đối với các bài về Trump cũng cao, với 192 triệu lượt.

Ban điều hành các kênh truyền thông được cho là đang lo lắng điều gì sẽ xảy ra nếu thiếu tin tức về Trump, sau khi nhận được lượng người xem cao chưa từng có 5 năm qua. "Ông ấy khiến nhịp tim của mọi người tăng lên và thu hút khán giả dán mắt vào màn hình TV", Mark Whitaker, cựu biên tập viên của Newsweek, hiện làm điều hành tại CNN và NBC News, nhận xét.

McBride của NPR không thể tìm ra bất cứ tin tức nào về Trump kể từ khi ông rời nhiệm sở được cho là thừa thãi. Nhiều bài trong số đó hé lộ những chi tiết quan trọng về chính quyền Trump và cách cựu tổng thống nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử.

Tuy nhiên, McBride từng lật ngược vấn đề trong một bài viết có tiêu đề: "Với một tổng thống mới đã tuyên thệ, liệu các nhà báo có nên phớt lờ Trump hay không?". Cô kết luận là không, nhưng đưa ra các khuyến nghị cụ thể cho giới truyền thông nhằm tránh đi quá xa.

Trong khi đó, một số người dường như đã sẵn sàng, thậm chí khao khát thoát khỏi "cái bóng" của Trump. Hôm 8/11/2020, một ngày sau khi hầu hết hãng truyền thông xướng tên Biden là người đắc cử tổng thống Mỹ, tạp chí Psychology Today đã đăng lên trang web lời kêu gọi những người làm truyền thông rằng: "Xin hãy ngừng nói về Donald Trump".

Hồi tháng 12, nhà báo Margaret Sullivan của Washington Post cũng khuyến nghị các tổ chức tin tức quay lưng với người đàn ông từng thống trị mặt báo và thời lượng phát sóng. Dù vẫn giữ quan điểm không đưa tin về Trump nếu không cần thiết, Sullivan thừa nhận bà đã không lường trước về cuộc bạo loạn và luận tội lần hai.

Blake Hounshell, biên tập viên của Politico, chỉ ra rằng dù thế nào đi nữa, phiên tòa luận tội một cựu tổng thống, những rắc rối pháp lý tiềm ẩn, cùng các câu hỏi về tầm ảnh hưởng của Trump đối với tương lai của đảng Cộng hòa luôn là những tin tức quan trọng. "Đó là điều khiến chúng tôi không thể phớt lờ ông ấy", Hounshell nói.

Bên cạnh đó, việc các tổ chức tin tức cố gắng gạt bài viết về Trump ra ngoài lề còn có nguy cơ "chọc giận" những cử tri trung thành với ông, bao gồm nhiều người nhanh chóng tin rằng cánh nhà báo có định kiến chống lại cựu tổng thống. Nhà báo Julie Pace của AP cho biết họ vẫn đưa tin về cuộc luận tội Trump lần hai và hệ quả của vụ bạo loạn hôm 6/1, nhưng đồng thời cũng đưa thật nhiều bài viết về Biden.

Trump vẫn vắng bóng trước công chúng và không trả lời phỏng vấn, trong khi Twitter khóa tài khoản của ông sau vụ bạo loạn. Chris Ruddy, CEO của kênh truyền hình cánh hữu Newsmax và là bạn của Trump, cho biết ông cũng chưa nói chuyện với cựu tổng thống từ sau ngày 20/1, nhưng dự định khuyên Trump bỏ qua vấn đề chính trị và lên tiếng về những thành tựu trong nhiệm kỳ.

"Tôi nghĩ chưa từng có cựu tổng thống nào quan tâm đến việc kiểm soát truyền thông sau khi họ rời nhiệm sở. Nhưng Trump quá khác biệt so với bất kỳ tổng thống nào khác và không tuân theo những quy tắc tương tự", Ruddy cho hay.

Sau cuộc bầu cử, Bill Grueskin, giáo sư báo chí tại Đại học Columbia, cảnh báo rằng chính quyền Biden sẽ gặp khó khăn nếu truyền thông vẫn chú ý đến Trump. Ông tin vào khả năng tầm ảnh hưởng của Trump sẽ giảm dần sau phiên tòa luận tội.

Tuy nhiên, hồi năm 2012, Grueskin từng nhận định rằng Trump có thể không bao giờ đắc cử tổng thống Mỹ. Vì vậy, giáo sư này giờ đây tự nhận thức được rằng dự đoán của ông có thể khác xa hiện thực.

Ánh Ngọc (Theo AP)

Tags:
Chuyên Gia Nhận Định Mỹ Sẽ Là Quốc Gia Đầu Tiên Kiểm Soát Hoàn Toàn COVID-19 Nhờ Miễn Dịch Cộng Đồng

Chuyên Gia Nhận Định Mỹ Sẽ Là Quốc Gia Đầu Tiên Kiểm Soát Hoàn Toàn COVID-19 Nhờ Miễn Dịch Cộng Đồng

Nhờ việc tiêm Vắc-Xin đang diễn biến cực nhanh và các ca bệnh trước đây tự tạo ra kháng thể chống lại COVID-19, các chuyên gia nhận định Mỹ sẽ là quốc gia đầu tiên hình thành miễn dịch cộng đồng và kiểm soát hoàn toàn được đại dịch.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất