Gom tiền hơn 10 năm dành dụm mở quán cơm từ thiện giúp người nghèo
Một ông ở xã Tân Thành, huyện Lai Vung đã không ngần ngại, thậm chí bị cho là “khùng” do dùng hết số tiền dành dụm trong hơn 10 năm lao động để mở quán cơm từ thiện giúp người nghèo có những bửa ăn no, ấm lòng.
10:30 03/02/2019
Đó là ông Võ Văn Tâm, 37 tuổi, ngụ ấp Tân Lộc, xã Tân Thành, huyện Lai Vung. Kể với báo Thanh Niên, ông Tâm cho biết, ban đầu mọi người xung quanh đều cho rằng ông bị “khùng” bởi tự nhiên bỏ ra hàng trăm triệu đồng mở quán cơm chay 1,000 đồng.
Song dần dà, những lời dị nghị ấy giờ đã không còn. Thay vào đó có rất nhiều người tình nguyện đến chia sẻ, giúp đỡ quán cơm hoạt động hiệu quả, phục vụ công nhân lao động và người nghèo.
Xuất thân trong gia đình luôn làm việc thiện ở quận Thốt Nốt (Cần Thơ), từ nhỏ ông Tâm thường theo gia đình đi giúp đỡ người nghèo, trẻ em bất hạnh, tìm cây làm thuốc Nam để tặng các tổ khám chữa bệnh miễn phí, hay làm cầu, sửa đường giao thông; cất nhà tình thương, chế biến món ăn phân phát cho người nghèo, mỗi lần phát từ 300-400 suất.
Lớn lên, ông Tâm sang huyện Lai Vung làm quản lý cho một công ty kinh doanh với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Tại đây, ông nhận thấy có rất nhiều công nhân, người lao động nghèo, học sinh xung quanh Khu công nghiệp Sông Hậu (xã Tân Thành, huyện Lai Vung) phải chật vật mới có được bữa ăn no và ngon.
Ý tưởng thành lập quán cơm chay Bồ Đề với giá 1,000 đồng/suất của ông Tâm được vợ và gia đình hoàn toàn ủng hộ.
Bà Nguyễn Thị Vẹn, vợ ông Tâm kể: “Nghe ảnh bàn tui đồng ý ngay. Hồi đó mình cũng đã từng sống trong cảnh đói nghèo. Giờ tuy không giàu có nhưng sống tạm ổn thì mình giúp người khác thôi. Thấy người ta bớt khổ là mình vui lây.”
Để có vốn mở quán, vợ chồng ông Tâm đã dùng hết số tiền dành dụm 10 năm lao động khoảng 200 triệu đồng để thuê mặt bằng cạnh Quốc Lộ 54, đồng thời ông Tâm xin nghỉ việc ở công ty để dành toàn bộ thời gian chăm lo quán với mong muốn phục vụ người nghèo tốt hơn.
Về cái tên “Quán cơm chay Bồ Đề 1,000 đồng,” ông Tâm giải thích: “Đáng lẽ tôi miễn phí 100% nhưng nhiều người góp ý nên thu tượng trưng 1,000 đồng/suất để họ đỡ ngại.”
Nói với báo Thanh Niên, anh Nguyễn Văn Thái, công nhân Khu công nghiệp Sông Hậu, cho biết: “Hai vợ chồng tôi làm ở đây mỗi tháng tổng cộng 9 triệu đồng. Lúc chưa có quán cơm, mỗi ngày phải mất gần 100,000 đồng cho việc ăn sáng, trưa, chiều. Nay thì khoản tiền ấy ít hơn rất nhiều, nên mừng lắm.”
Quán cơm hoạt động đã hơn 3 tháng, mở cửa từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Bình quân mỗi ngày quán phục vụ từ 300-400 khách. Riêng ngày cao điểm 15 và 30 âm lịch quán phục vụ xấp xỉ 1,000 khách. Thực đơn tại đây rất đa dạng: cơm, cháo, hủ tiếu, phở đi kèm với nước uống do ông Tâm tự pha chế như sữa bắp, sâm lạnh…
“Khách đến quán ngày càng tăng. Vui nhưng lo. Vui là mình đã góp phần giúp nhiều người khó khăn có bữa ăn ngon. Lo là phải chuẩn bị nguồn tiền duy trì hoạt động vì hiện nay mỗi tháng tôi tự bỏ tiền túi từ 5-7 triệu đồng để bù vào tiền chênh lệch thiếu thốn của quán. Nhưng tôi tin mình sẽ tự xoay xở được,” ông Tâm nói.
Thấy ông Tâm quá bận rộn vì việc thiện, nhiều người đã đến hỗ trợ phục vụ quán miễn phí, coi như góp chút tấm lòng cùng làm việc thiện. (Tr.N)
10 việc mà những người sống thọ ít bệnh tật thường làm hàng ngày
Sống thọ khỏe mạnh là điều ai cũng mong muốn, nhưng không phải ai cũng thực hiện tốt. Đây là 10 việc đơn giản bạn có thể làm hàng ngày để nâng cao tuổi thọ và sức khỏe, đừng bỏ lỡ.