Google bí mật thu thập dữ liệu y tế của hàng chục triệu bệnh nhân Mỹ
Google đã hợp tác với một trong những nhà cung cấp dịch vụ y tế lớn nhất của Mỹ để thu thập thông tin bệnh án của hàng triệu bệnh nhân mà không được sự đồng ý của họ. Tất cả đều nằm trong một dự án bí mật mà công ty này cố gắng che giấu.
05:00 13/11/2019
Có tên gọi "Project Nightingale" (Dự án Chim sơn ca), đây là chương trình bí mật hợp tác giữa Google và hệ thống chăm sóc sức khỏe Ascension nhằm thu thập dữ liệu y tế của bệnh nhân ở 21 bang của nước Mỹ - theo báo cáo của tờ Wall Street Journal. Hoạt động chia sẻ dữ liệu giữa hai bên đã bắt đầu từ năm ngoái, và tăng tốc trong vài tháng gần đây.
Ít nhất 150 nhân viên làm việc tại bộ phận điện toán đám mây (Cloud) của Google giờ đã truy cập vào được khối dữ liệu khổng lồ này, bao gồm thông tin của hàng chục triệu bệnh nhân. Chi tiết được chia sẻ bao gồm tên tuổi, ngày sinh, bệnh án, kết quả xét nghiệm và chẩn đoán của bác sĩ...tất cả đều hợp thành một bệnh án hoàn hảo của các bệnh nhân. Tuy nhiên, việc trích xuất dữ liệu này không được sự cho phép của họ.
Google cho hay, họ hy vọng sẽ tận dụng lượng dữ liệu này để phát triển một ứng dụng mà trong đó máy móc và trí tuệ nhân tạo (AI) theo dõi bệnh án và đề xuất các phương pháp điều trị cho bệnh nhân, và cuối cùng là chế tạo một cơ chế tìm kiếm có thể tập hợp được tất cả dữ liệu của bệnh nhân.
Một mặt rêu rao về những cuộc nghiên cứu mới với mục đích cao cả là phục vụ tốt hơn cho người dùng, nhưng tập đoàn có trị giá hàng tỷ USD này dường như không bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền từ một dịch vụ mà từng có thời các công ty chăm sóc sức khỏe trên khắp thế giới lao vào. Nhiều người đã lên tiếng chỉ trích Google vì vụ bê bối mới nhất này.
"Điều này thật đáng báo động. Liệu bạn có dám tin vào kết quả xét nghiệm máu, chẩn đoán hay các thông tin bệnh án nhạy cảm mà Google cung cấp không?" - luật sư và là thành viên của Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa, Harmeet K. Dhillon, viết trên Twitter - "Dự án bí mật của Google thu thập dữ liệu y tế của hàng triệu người dân Mỹ".
Google từng cho ra mắt dự án Google Health vào năm 2008 với mục tiêu lấn sân sang mảng y tế, nhưng phải đóng cửa chỉ sau 4 năm vì thất bại trong việc thuyết phục người dùng giao bệnh án một cách tự nguyện cho họ. Tập đoàn công nghệ này kể từ đó phớt lờ sự cho phép của người dùng để tiến hành thu thập dữ liệu y tế đồ sộ, quay sang hợp tác với các công ty chăm sóc y tế để thực hiện kế hoạch của họ.
Tháng 9 vừa qua, công ty này phối hợp với công ty Mayo Clinic, trụ sở tại bang Minnesota, để cung cấp các dịch vụ điện toán đám mây và phân tích dữ liệu, cho phép Google truy cập vào dữ liệu của 1 triệu bệnh nhân tới thăm khám mỗi năm tại cơ sở của Mayo Clinic.
Google thâu tóm Fitbit cũng nhằm mục đích thu về lượng dữ liệu của khoảng 28 triệu khách hàng (Ảnh: Getty)
Trong một vụ việc tương tự được công bố hồi đầu tháng này, Google mua lại nhà sản xuất thiết bị theo dõi luyện tập Fitbit với mục đích chính là thu về lượng dữ liệu của khoảng 28 triệu người dùng sản phẩm này. Lượng dữ liệu này bao gồm cả thông tin về số bước đi mà một người trong ngày, lựa chọn của người dùng trong việc kết nối thiết bị này với các thông tin y tế và bảo hiểm... Dù Google tuyên bố chưa từng trao thông tin mà họ thu được từ Fitbit cho bên thứ ba, nhưng nhiều khách hàng vẫn có đủ lý do để ngờ vực.
Mùa Hè năm nay, Google cùng với một đối tác khác là Trung tâm Y tế của Đại học Chicago cũng bị đâm đơn kiện, trong đó nguyên đơn cáo buộc phía bệnh viện đã chuyển cho Google thông tin y tế của hàng trăm nghìn bệnh nhân mà không được sự cho phép của họ.
Việc chia sẻ dữ liệu bí mật giữa Ascension và Google là hoàn toàn hợp pháp ở Mỹ - cả hai công ty trên nói, đồng thời khẳng định rằng tất cả các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin cá nhân của bệnh nhân đều được áp dụng.
Đáng chú ý, theo Đạo luật về tính linh hoạt và tính trách nhiệm về bảo hiểm sức khỏe (HIPA) năm 1996, hành vi của Google vẫn hợp pháp dù thu thập dữ liệu bệnh nhân mà chưa được phép.
Ascension - một mạng lưới gồm 2.600 bệnh viện cùng các cơ sở y tế khác - nói rằng họ chỉ đang tận dụng lượng dữ liệu của bệnh nhân nhằm mục đích cải thiện dịch vụ chăm sóc và thêm vào các xét nghiệm mới mà bệnh nhân có thể cần tới. Tuy nhiên, các tài liệu mà tờ Wall Street Journal thu được lại cho thấy công ty này, cũng giống như Google, có ý định kiếm chác thêm tiền từ mỏ dữ liệu khổng lồ của họ.
Quan chức Mỹ dùng Google Translate sàng lọc người tị nạn
Google Translate hay bất cứ công cụ dịch thuật trực tuyến nào khác hiện đều chưa thể cho ra kết quả hoàn toàn chính xác. Nhiều chuyên gia thậm chí ngay cả Google cũng khuyến cáo không nên dựa vào chúng cho các công việc phức tạp.