GS HARVARD NÓI VỀ 'CON ĐƯỜNG PHẢI ĐI' ĐỂ ÔNG TRUMP Ở LẠI NHÀ TRẮNG
Bang Pennsylvania cực kỳ quan trọng với ông Trump, trong khi Nevada là bang ông Biden cần phải thắng. Dù vậy, ứng viên Dân chủ có nhiều con đường hơn để đạt 270 phiếu đại cử tri.
11:00 04/11/2020
Zing trao đổi với giáo sư Stephen Ansolabehere của Đại học Harvard về nhiều vấn đề quan trọng trên đường đua năm nay. Là một trong những chuyên gia hàng đầu nước Mỹ về chính phủ, bầu cử và dư luận, ông Ansolabehere chia sẻ góc nhìn và thông tin mà ông có được về những vấn đề trên.
Bài học từ sai lầm thăm dò năm 2016
- Đến lúc này, kết quả các cuộc thăm dò trước bầu cử năm nay cho thấy điều gì?
- Ông Biden dẫn trước ông Trump trung bình khoảng 8 điểm. Và tỷ lệ cử tri chưa quyết định hoặc có thể đổi ý đã thấp hơn nhiều so với năm 2016. Vì vậy, có vẻ sự dẫn trước này của ông Biden vững chắc hơn.
Tất nhiên, điều quan trọng đối với kết quả cuộc bầu cử không chỉ là thắng phiếu phổ thông, mà là thắng ở các bang nào. Và ông Biden thực sự cần phải thể hiện tốt ở các bang mà ông Trump từng thắng một cách sít sao năm 2016, chẳng hạn Pennsylvania và Arizona.
- Năm 2016, kết quả đêm bầu cử trái ngược với gần như mọi dự đoán trước đó. Các hãng thăm dò đã rút ra những bài học gì và liệu kịch bản 4 năm trước có thể lặp lại trong năm nay?
- Một số hãng đã thay đổi cách thực hiện thăm dò trong năm nay. Năm 2016, cử tri nông thôn không chiếm tỷ lệ đủ lớn trong các thăm dò, và họ đa phần bầu cho đảng Cộng hòa. Do đó, các hãng lần này đã nỗ lực lớn để cân bằng thăm dò bằng cách tăng tỷ lệ cử tri nông thôn được hỏi.
Ngoài ra, 4 năm trước, nhiều thăm dò không có sự đồng đều về tỷ lệ các nhóm cử tri dựa theo trình độ học vấn. Những người tốt nghiệp đại học chiếm tỷ lệ lớn trong khi những người chỉ có bằng trung học không được đại diện đầy đủ. Vì vậy, các thăm dò đã tìm cách sửa lại sai lầm này.
Một thay đổi lớn khác là nhiều hãng thăm dò đã bắt đầu chọn người để khảo sát từ danh sách cử tri đã đăng ký. Và cuối cùng, họ cũng đã bắt đầu làm những gì người Anh làm, đó là cố gắng theo dõi cử tri theo thời gian.
Trong khi ngành thăm dò ở Mỹ chú trọng đến khoảnh khắc hiện tại, thì tại Anh, họ phỏng vấn một người trong một kỳ bầu cử và sau đó phỏng vấn lại trong kỳ bầu cử tiếp theo. Đó là cách chính xác hơn nhiều vì bạn có thể đo lường tỷ lệ trung thành của cử tri.
Một số thăm dò được thực hiện theo cách đó cho thấy tỷ lệ cử tri từng bầu cho bà Clinton nay lại bầu cho ông Biden cao hơn nhiều so với tỷ lệ cử tri từng bầu cho ông Trump năm 2016 nay tiếp tục bầu cho ông.
Khoảng 6% cử tri bầu cho ông Trump năm 2016 sẽ chuyển sang bỏ phiếu cho ông Biden, trong khi chỉ khoảng 1 hoặc 2% cử tri bầu cho bà Clinton nay chuyển sang chọn ông Trump.
Đây là một sự thay đổi đáng kể, đặc biệt là ở những bang mà hai ứng viên bám đuổi sát nút. Ngoài ra, ông Biden có khả năng giành được 60 đến 70% phiếu từ những cử tri mới, những người không bỏ phiếu lần trước hoặc những người đã bỏ phiếu cho một đảng thứ ba.
Thay đổi trong hành vi cử tri
- Theo quan sát của ông, bản đồ các bang "chiến trường" năm nay có gì đáng chú ý?
- Rất nhiều bang có khả năng dịch chuyển từ đảng này sang đảng kia. Nước Mỹ được chia thành các khu vực khác nhau và các bang dao động cũng phân bố theo cách đó. Vùng Tây Nam, miền Bắc, vùng Thượng Trung Tây đang có xu hướng đi ngược năm 2016.
Ở Tây Nam, các bang Colorado, Nevada, Arizona và Texas, tất cả đều là bang dao động trong những năm gần đây. Và họ đang có xu hướng ngả về đảng Dân chủ nhiều hơn, bởi vì ngày càng có nhiều người nhập cư hơn, bao gồm người gốc Việt, đặc biệt là ở khu vực Houston. Những nhóm này thường bầu cho đảng Dân chủ, khiến các bang chuyển thành bang "xanh".
Ở các bang thuộc vùng Thượng Trung Tây hay miền Bắc như Minnesota, Wisconsin, Michigan, Pennsylvania, Ohio, Iowa, truyền thống là bầu cho đảng Dân chủ, vì đây là những khu vực công nghiệp cũ, có đông công nhân. Khi những người này già đi, họ trở nên bảo thủ hơn. Họ cũng có xu hướng sùng đạo hơn. Vì vậy, những khu vực đó dần ngả về đảng Cộng hòa.
Tức là chúng ta thấy có hai xu hướng trái ngược và đây là lý do dẫn đến nhiều bang dao động hơn.
Ngoài ra, ở vùng Đông Nam, Florida từ lâu đã là một bang dao động, cán cân giữa hai đảng rất cân bằng và sẽ tiếp tục như vậy. Song năm nay, chúng ta sẽ thấy bang Georgia cạnh đó trở thành một bang dao động, cũng như North Carolina, và có thể là South Carolina. Những bang này có truyền thống ủng hộ phe Cộng hòa, nhưng đã trở nên rất cạnh tranh trong cuộc bầu cử năm nay.
- Cho đến trước khi đại dịch diễn ra, nhiều người cho rằng ông Trump chắc chắn sẽ tái đắc cử. Song Covid-19 dường như đã tác động rất lớn đến nhận thức của cử tri và cả cục diện cuộc đua?
- Covid-19 đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc bầu cử lần này. Vào tháng 1, hầu hết giới phân tích, cả giới học thuật lẫn khu vực tư nhân, chẳng hạn người làm việc cho các công ty đầu tư ở Phố Wall, đều dự đoán ông Trump sẽ thắng. Các mô hình dự đoán cho thấy ông Trump có đến 99,95% cơ hội tái đắc cử. Và việc đảng Cộng hòa để mất thượng viện là điều không tưởng. Nền kinh tế rất mạnh, dự kiến tăng trưởng ở mức 2%. Tỷ lệ thất nghiệp chỉ trong khoảng 3%.
Sau đó, Covid-19 tấn công vào tháng 2 và tháng 3. Đến tháng 4, cuộc bầu cử đã hoàn toàn thay đổi. Khi quá trình bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ hoàn tất, ông Biden đã dẫn trước ông Trump với cách biệt lớn, và dẫn trước một cách khá ổn định. Nhiều sự kiện lớn đã xảy ra trong suốt cả năm, như việc thay ghế thẩm phán Tòa án Tối cao, hay cáo buộc đối với con trai ông Biden, nhưng không điều gì làm thay đổi kết quả thăm dò một cách đáng kể.
Mọi người đều bị tác động bởi Covid. Đầu tiên là những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng và tác động kinh tế. Họ cảm thấy rằng tình hình của họ tồi tệ hơn trước đây.
Hai là những người đánh giá liệu chính phủ có xử lý cuộc khủng hoảng đúng cách hay không, hay liệu có cần thay đổi người ở Nhà Trắng hay không.
Và đó là sự thay đổi mà chúng ta chứng kiến. Một lượng lớn cử tri mất niềm tin vào chính phủ và họ chuyển sang ủng hộ phe Dân chủ.
Giờ đây, có vẻ như đảng Dân chủ có nhiều khả năng giành lại thượng viện hơn. Trong khi đó, kịch bản đảng này tiếp tục kiểm soát hạ viện, vốn từng là ngờ vực hồi tháng 1, nay trở nên chắc chắn.
- Năm nay, số người đi bỏ phiếu sớm cũng đạt kỷ lục. Phải chăng đã có những thay đổi trong hành vi của cử tri kể từ cuộc bầu cử lần trước, năm mà tỷ lệ cử tri đi bầu thấp đã góp phần dẫn đến thất bại của bà Clinton?
- Số cử tri bỏ phiếu sớm và bỏ phiếu vắng mặt sẽ chiếm khoảng 60% cử tri đi bầu năm nay, ngược lại so với lần trước. Lần trước, tỷ lệ cử tri bỏ phiếu trực tiếp trong ngày bầu cử là 60%, trong khi tỷ lệ cử tri bỏ phiếu sớm và vắng mặt là 40%. Đó là sự tiếp nối của một xu hướng bắt đầu vào khoảng năm 2000 và phát triển rất ổn định. Một bước nhảy vọt.
Rất nhiều lo ngại về năng lực của các văn phòng bầu cử địa phương trong việc xử lý những lá phiếu đó. Thực ra, bất cứ lúc nào có sự thay đổi lớn trong chính quyền địa phương, người dân đều bối rối, sai lầm xảy ra... Vì vậy, hầu như ở toàn bộ các bang, việc bỏ phiếu sớm đều diễn ra quá sớm.
Thông thường, đồ thị về số lượng cử tri bỏ phiếu sớm và bỏ phiếu vắng đi theo hình chữ U. Cho đến khoảng hai tuần trước cuộc bầu cử, đồ thị sẽ có sự gia tăng đột biến. Biểu đồ sau đó đi xuống, và đến những ngày ngay sát ngày bầu cử chính thức lại có sự gia tăng đột biến khác.
Lần này thì khác, sự gia tăng đột biến xảy ra ngay từ đầu, và sau đó đồ thị đi ngang. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng phần lớn cử tri đã bỏ phiếu vắng mặt hoặc bỏ phiếu sớm.
Khả năng tái diễn kịch bản năm 2000
- Trong bối cảnh đại dịch, việc bỏ phiếu qua đường bưu điện đã trở thành lựa chọn của nhiều cử tri. Song ông Trump đã nhiều lần nói về nguy cơ gian lận phiếu bầu xuất phát từ việc này và ông có thể yêu cầu kiểm phiếu lại. Ông có chung lo lắng hay không?
- Tôi nghĩ nhiều điều mà ông ấy nói đang định vị chiến lược cho giới lãnh đạo đảng Cộng hòa đối với các thách thức pháp lý, để chất vấn và cố can thiệp vào việc kiểm phiếu. Song luật của các bang quy định khá rõ ràng về thời điểm bạn có thể và không thể kiểm phiếu và khi nào bạn có thể và không thể kiện tụng về số phiếu. Và các tòa án liên bang cũng hoàn toàn để cho các bang làm theo ý mình vì đó là quy định trong hiến pháp.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng việc yêu cầu tái kiểm phiếu sẽ rất khó khăn đối với ông Trump. Chỉ khi cuộc bầu cử có kết quả rất sít sao - ở hầu hết bang là chỉ khi hai ứng viên hàng đầu cách biệt chưa đến 0,5% số phiếu phổ thông - thì mới có thể thực hiện việc kiểm phiếu lại, hoặc hủy bỏ phiếu.
Các bang khác nhau sẽ có thời hạn khác nhau để đếm phiếu sớm và phiếu vắng mặt theo luật của bang đó. Các bang quan trọng nhất, dao động nhất, đều thực hiện việc này vào ngày bầu cử chính thức.
Vì vậy, những câu hỏi về việc kết quả kiểm đếm có trễ, hoặc điều gì đó tương tự, không thực sự quan trọng ở những bang mà ông Trump quan tâm nhất. Một bang đông dân như California đếm rất chậm.
- Kiểm phiếu lại chính là câu chuyện tốn giấy mực trong cuộc bầu cử năm 2000, khi chênh lệch phiếu phổ thông giữa hai ứng viên là rất nhỏ, dẫn đến tranh chấp. Liệu năm nay tranh chấp có thể xảy ra?
- Đó là một khả năng nếu bốn hoặc năm bang có kết quả rất sít sao. Đó là trường hợp năm 2000, không chỉ có mỗi bang Florida, mà cả Wisconsin, New Mexico... cũng rất sít sao. Vì vậy, nếu có bốn hoặc năm bang rất sít sao, tôi nghĩ chúng ta có thể đi đến tình huống đó.
Sít sao ở đây có nghĩa là cách biệt chưa đến 0,5% số phiếu bầu. Ở một bang có 6 triệu phiếu bầu như Florida, cách biệt chỉ khoảng 500 phiếu là rất sít sao. Tình huống như vậy là rất khó tin.
Ngoài ra, sít sao nhưng phải là ở các bang quan trọng về số lượng phiếu đại cử tri đoàn. Tức là, nếu kết quả tại bang đó ngả về bất cứ phe nào, kết quả chung cuộc đều sẽ thay đổi.
- Theo ông, bang nào là bang quan trọng nhất khi hai ứng viên bám đuổi sát nút?
- Pennsylvania có lẽ là bang quan trọng nhất, mặc dù ông Biden có nhiều con đường hơn so với ông Trump để giành được 270 phiếu đại cử tri. Hay nói cách khác, Pennsylvania sẽ là bang cực kỳ quan trọng đối với ông Trump.
Nevada quan trọng đối với ông Biden và ông ấy phải thắng ở bang này. Hai kịch bản rất có thể xảy ra đối với ông Biden là thông qua Arizona hoặc Pennsylvania. Ông ấy có thể thắng ở Arizona, không thắng ở Pennsylvania, và vẫn đắc cử. Ông ấy có thể thắng ở Pennsylvania, không thắng ở Arizona, và vẫn đắc cử. Ông Trump sẽ cần phải thắng cả hai.
Nguy cơ bạo loạn hậu bầu cử
- Hệ thống siêu thị Walmart mới đây đã quyết định không trưng bày súng đạn, dù vẫn bán. Họ sau đó rút lại quyết định này. Song liệu điều này có gợi cho ông suy nghĩ nào về nguy cơ bạo loạn hậu bầu cử hay không?
- Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu có ồn ào, chẳng hạn những người không vui hoặc những người đang phấn khích đổ ra đường và gây rối, nhưng tôi không nghĩ đó là sẽ kiểu bạo lực như trong các cuộc biểu tình vào mùa xuân.
Tôi nghĩ bạo lực mà chúng ta đã thấy vào mùa xuân và mùa hè là một phần của đại dịch hoặc được thúc đẩy bởi đại dịch. Nguyên nhân trực tiếp là vấn đề chủng tộc, nhưng hãy nhìn kỹ, một tỷ lệ rất lớn dân số đã mất việc làm trong một khoảng thời gian rất ngắn. Mọi người rất sợ hãi, rất thất vọng, và họ đang tìm kiếm câu trả lời. Họ chỉ đơn giản là bùng nổ.
Những người ủng hộ ông Trump hầu hết ở khu vực nông thôn, còn ở khu vực thành thị, nơi bạo loạn dễ bùng phát hơn, đó là những khu vực của đảng Dân chủ. Tôi nghĩ nếu ông Biden thắng phiếu phổ thông với cách biệt lớn mà vẫn thua về phiếu đại cử tri, thì bạo loạn sẽ lại nổ ra ở các thành phố.
- Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, liệu ông có thể đưa ra dự đoán của mình về người chiến thắng năm nay?
- Hiện tại, tình hình có vẻ khá tốt cho ông Biden. Ý tôi là, xu hướng được thể hiện qua các cuộc thăm dò, tình hình cử tri bỏ phiếu sớm đều có vẻ rất ủng hộ ông ấy. Có vẻ ông ấy có một năm tốt hơn so với bà Clinton.
Vì vậy tôi nghĩ rằng ông Biden sẽ thắng. Nếu phải cho xác suất, tôi nghĩ là hai phần ba cho Biden và một phần ba cho Trump.
Thượng viện sẽ là cuộc đua sít sao hơn. Thật khó để thấy chính xác xu hướng như thế nào ở các bang. Tôi nghĩ kết quả có thể xảy ra nhất là đảng Dân chủ giành được 51 ghế, tức có được đa số tối thiếu. Song cuộc đua cũng có thể kết thúc với cục diện 50 - 50, và trong trường hợp này, phó tổng thống sẽ là lá phiếu quyết định tại thượng viện. Vì vậy, nếu kết quả sít sao, việc ai ngồi ở Nhà Trắng sẽ trở nên rất quan trọng đối với việc kiểm soát thượng viện.
Nước Mỹ bắt đầu mở cửa các điểm bỏ phiếu, người mắc COVID-19 cũng đi bầu
Sáng 3/11, nhiều bang trên khắp nước Mỹ đã bắt đầu mở cửa các điểm bỏ phiếu bầu vị Tổng thống thứ 46 của nước này.