GS Mỹ: Thời Covid-19, cần duy trì điều trị đều đặn cho người nhiễm HIV
Giáo sư Todd Korthuis (Đại học Y tế và Khoa học Oregon, Mỹ) nhấn mạnh người nhiễm HIV cần được bảo đảm duy trì điều trị đều đặn dù đại dịch Covid-19 đặt ra nhiều thách thức.
10:00 01/12/2021
2021 là năm đầu tiên từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng chống HIV/AIDS giai đoạn tới, với mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Nói về mục tiêu này, cũng như những thành quả mà Việt Nam đạt được đến nay sau hơn 30 năm phòng chống HIV/AIDS, giáo sư Todd Korthuis (Đại học Y tế và Khoa học bang Oregon, OHSU), tỏ ra rất lạc quan.
Ông Korthuis đặc biệt quan tâm những tiến bộ của Việt Nam ở việc mở rộng và nâng cao năng lực điều trị cho người nhiễm HIV. “Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, vì những người nhiễm HIV được điều trị sớm và phác đồ phù hợp có thể duy trì cuộc sống khỏe mạnh lâu dài”, ông Korthuis, vị chuyên gia thường xuyên cộng tác với các nhà khoa học tại Đại học Y Hà Nội, nói với Zing.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn thế giới khiến việc tiếp cận điều trị của những người nhiễm HIV gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại những nơi áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong một thời gian dài.
“Đây là điều khiến tôi rất lo lắng. Người nhiễm HIV không được điều trị đều đặn sẽ có nguy cơ bị các biến chứng nếu mắc Covid-19. Do vậy, việc bảo đảm duy trì tiếp cận điều trị cho họ là điều quan trọng”, ông Korthuis nói.
Nghiên cứu mô hình điều trị HIV mới ở Việt Nam
Hồi tháng 2, tạp chí y học danh tiếng Lancet đăng bài giới thiệu kết quả nghiên cứu "BRAVO", về mô hình điều trị HIV mới ở Việt Nam, của giáo sư Korthuis và các tác giả tại Đại học Y Hà Nội. Đây là một trong số các công trình hợp tác tiêu biểu của giáo sư Korthuis và những nhà nghiên cứu trong nước.
Cơ duyên của ông Korthuis với Việt Nam nảy sinh từ 10 năm trước, khi ông gặp gỡ tiến sĩ Lê Minh Giang (hiện là trưởng Phòng Quản lý Đào tạo Sau đại học, Đại học Y Hà Nội) và các cộng sự trong một hội thảo quốc tế.
Giáo sư Todd Korthuis. Ảnh: KATU.
Khi đó, ông Korthuis ấn tượng trước sự trình bày của tiến sĩ Giang về những tiến bộ nhanh chóng của Việt Nam trong việc tăng cường khả năng tiếp cận điều trị HIV và thí điểm điều trị Methadone cho người sử dụng các dạng thuốc phiện tại Việt Nam.
Nhìn thấy sự quan tâm sâu sắc của ông Korthuis với tình hình ở Việt Nam, tiến sĩ Giang ngỏ lời mời ông hợp tác. Năm 2012, ông Korthuis đến Việt Nam nghiên cứu và giảng dạy với sự hỗ trợ của chương trình Fulbright bậc học giả. Dù thời gian ở Việt Nam của ông Korthuis chỉ một năm, nó mở ra quá trình cộng tác đến tận bây giờ giữa các nhà nghiên cứu hai nước.
Khi mới đến Việt Nam, ông Korthuis đi thăm các phòng khám HIV và trung tâm điều trị Methadone ở khắp miền Bắc, miền Trung, tìm hiểu về hệ thống điều trị của Việt Nam, trao đổi ý kiến về cách tiếp cận mới nhất để điều trị và phòng ngừa.
"Những bác sĩ, y tá và dược sĩ tại các phòng khám đó rất tận tâm. Họ đã làm việc chăm chỉ để cải thiện cuộc sống của những người nhiễm HIV và sử dụng ma túy", ông Korthuis nhớ lại.
Trong khoảng thời gian ở Việt Nam, ông Korthuis cùng các đồng nghiệp tại Đại học Y Hà Nội nghiên cứu, phát triển những ý tưởng về biện pháp can thiệp để cải thiện việc lồng ghép điều trị HIV và rối loạn sử dụng chất dạng thuốc phiện. Tại các nước thu nhập thấp và trung bình, nạn tiêm chích mà túy là một trong những nguyên nhân chính gây nhiễm HIV.
"Đây đều là những phương pháp điều trị có hiệu quả cao, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống người nhiễm HIV. Chúng đồng thời giúp giảm nguy cơ lây truyền HIV ở những người bị rối loạn sử dụng chất dạng thuốc phiện", ông Korthuis nói.
Khoảng 10 năm trước, thuốc Buprenorphine đã được sử dụng rộng rãi tại các phòng khám HIV ở Bắc Mỹ và châu Âu. Văn phòng Liên Hợp Quốc về Phòng chống AIDS cũng khuyến nghị nên kết hợp điều trị rối loạn sử dụng các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone hoặc Buprenorphine với chăm sóc người nhiễm HIV.
Cho đến tháng 5/2019, Bộ Y tế và Quỹ Toàn cầu Phòng chống HIV/AIDS khởi động thí điểm điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Buprenorphine ở 7 tỉnh, trên khoảng 1.000 người nghiện.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho biết bên cạnh những lợi ích tương tự Methadone (đang được sử dụng khoảng 54.000 người ở thời điểm đó), thuốc viên Buprenorphine có tác dụng kéo dài nên người bệnh 2-3 ngày mới phải đến cơ sở y tế thay vì hàng ngày, theo Báo Chính phủ.
Sau một năm tìm hiểu ở Việt Nam, ông Korthuis và các đối tác quyết tâm cùng thực hiện một nghiên cứu quan trọng. Khi trở về Mỹ năm 2013, ông Korthuis nộp hồ sơ xin tài trợ ngân sách từ Viện Quốc gia về Lạm dụng Ma túy (thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ) để tiến hành thử nghiệm khả năng tích hợp Buprenorphine tại các phòng khám HIV ở Việt Nam.
Hồ sơ được phê duyệt, mở ra nghiên cứu "BRAVO" giữa ông Korthuis và các cộng sự tại Đại học Y Hà Nội. Trong quá trình triển khai (2014-2020), ông Korthuis đi lại thường xuyên giữa Việt Nam và Mỹ để hỗ trợ các bác sĩ tại Đại học Y Hà Nội trong việc huấn luyện, giúp đỡ kỹ thuật về sử dụng Buprenorphine cho bác sĩ tại phòng khám nằm trong phạm vi nghiên cứu ở 6 tỉnh miền Bắc.
Bộ Y tế khởi động thí điểm điều trị bằng thuốc Buprenorphine tại Việt Nam từ năm 2019. Ảnh: iStock.
Các kết quả chính của nghiên cứu BRAVO được giới thiệu trên tạp chí Lancet hồi tháng 2. Trong đó, các tác giả kết luận rằng việc lồng ghép điều trị Buprenorphine tại phòng khám HIV là khả thi. Cả Buprenorphine và Methadone đều cải thiện tỷ lệ bắt đầu điều trị, tuân thủ điều trị, tái khám ARV và ức chế virus HIV; đều có tác dụng giảm sử dụng heroin.
Trong gần một thập niên gắn bó với các nghiên cứu về phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam, giáo sư Korthuis đánh giá Chính phủ Việt Nam thiết lập một hình mẫu hiệu quả trong việc mở rộng điều trị HIV nhanh chóng. Ông ghi nhận việc các cơ quan y tế luôn nhanh chóng phát triển bộ chỉ dẫn điều trị HIV phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Bên cạnh mở rộng các dịch vụ chăm sóc y tế, ông cho rằng đội ngũ các cấp rất quan tâm đến đáp ứng nhu cầu của những người nhiễm HIV.
“Việt Nam cũng rất chú trọng nâng cấp trang thiết bị, cải thiện nhanh chóng các cơ sở y tế công cộng, hơn cả một số nước phương Tây”, ông Korthuis nói, đồng thời đánh giá cao việc các lãnh đạo ở Bộ Y tế xem dữ liệu là trọng tâm của xây dựng và ban hành chính sách.
"Việt Nam thật sự là quốc gia cởi mở với những phát kiến trong lĩnh vực y tế cộng đồng, cam kết mạnh mẽ trong việc cải thiện cuộc sống của người nghiện ma túy và nhiễm HIV", giáo sư Korthuis nói.
Theo thời gian, ông Korthuis nói HIV không còn là bản án tử nữa. Với phác đồ điều trị phù hợp, người nhiễm HIV vẫn sống một cuộc sống bình thường, khỏe mạnh, hạnh phúc.
Ông Todd Korthuis trao đổi về các chất gây nghiện tổng hợp tại Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) năm 2013. Ảnh: SCDI.
Thách thức điều trị HIV trong bối cảnh đại dịch
Một trong những vấn đề khiến giáo sư Korthuis băn khoăn gần đây là việc tiếp cận điều trị của người nhiễm HIV trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra nhiều cản trở. Ông cho biết đây là tình trạng chung toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh việc bảo đảm duy trì nguồn thuốc đều đặn cho những người này.
Trên thế giới, những vấn đề như nhà cung cấp không vận chuyển thuốc ARV đúng thời hạn cùng tình hình vận chuyển bằng đường bộ và đường hàng không tắc nghẽn do dịch Covid-19 gây ra sự gián đoạn lớn đối với nguồn cung cấp thuốc, ảnh hưởng đến việc phân phối thuốc đúng lịch trình đến người nhiễm HIV, theo Reuters.
Trong khi đó, Global Funds cho biết số lượt xét nghiệm HIV giảm 41% trong giai đoạn tháng 4-9/2020 so với cùng kỳ năm trước.
Trong số những khó khăn mà người nhiễm HIV tại Việt Nam gặp phải giữa đại dịch, Đoàn Thanh Tùng, Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Hải Đăng (Hà Nội), cho biết phổ biến nhất là việc tiếp cận thuốc không ổn định (nguồn thuốc khan hiếm do nguồn cung từ nước ngoài, như từ Ấn Độ, bị gián đoạn vì tình hình dịch) và khó đi lấy thuốc do các quy định về giãn cách xã hội, hạn chế đi lại.
Bên cạnh đó là những quan ngại về các vấn đề sức khỏe khác, đặc biệt là sức khỏe tinh thần.
"Duy trì đúng phác đồ và sử dụng thuốc đều đặn là điều rất quan trọng với người nhiễm HIV. Chúng ta cần một kịch bản ứng phó trong tình huống đại dịch", Thanh Tùng, người được Forbes Việt Nam năm 2020 bầu chọn là một trong 30 gương mặt trẻ tiêu biểu dưới 30 tuổi, nói với Zing.
Dịch Covid-19 gây gián đoạn đến duy trì điều trị đều đặn ở người nhiễm HIV. Ảnh: AFP.
Để giải quyết một phần khó khăn, giáo sư Korthuis nói cần phát huy tiềm năng to lớn của lực lượng y tế ở mỗi cộng đồng. Mỗi địa phương đều có mạng lưới chuyên viên y tế và các phòng khám cơ sở. Một trong những cách để mở rộng và nâng cao năng lực đội ngũ này nhanh chóng chính là tăng cường tập huấn cho họ về điều trị và ngăn ngừa HIV.
"Trong những đợt phong tỏa vừa qua, chính các nhân viên y tế cộng đồng có thể giao phát thuốc điều trị ARV tới bệnh nhân tại nhà", giáo sư Korthuis nói; cho biết việc nâng cao năng lực đội ngũ y tế địa phương không còn là vấn đề chỉ ở Việt Nam, mà cả thế giới đều chú trọng.
Dịch Covid-19 khiến tổ chức tập huấn tại chỗ trở nên khó khăn hơn, nhưng các đơn vị nhanh chóng chuyển sang và thích ứng với các nền tảng trực tuyến.
Ông nêu việc Đại học Y Hà Nội đã có chương trình trợ giúp kỹ thuật trực tuyến tới những đơn vị y tế vùng núi và các nơi khác ở Việt Nam. Chương trình thực ra đã bắt đầu từ trước đại dịch. "Đó là một ví dụ về cách hỗ trợ nhân viên y tế địa phương trong bối cảnh dịch", ông Korthuis cho biết.
Theo ông Korthuis, trong ứng phó với Covid-19, nhiều bài học có thể rút ra từ kinh nghiệm phòng chống HIV/AIDS. Một trong số đó là phản ứng nhanh chóng của cộng đồng, rồi đến chiến dịch ngăn chặn, phòng chống.
Ông Korthuis cho rằng việc cả cộng đồng cùng chung tay để hỗ trợ những người xung quanh và ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm là giải pháp tốt nhất. Ngoài ra, đối với Covid-19, "biện pháp đơn giản chỉ gói gọn trong 3 từ khóa: Vaccine, khẩu trang và rửa tay", ông Korthuis nói.
Từ góc độ y tế cộng đồng, ông Korthuis cho biết một đại dịch sẽ dần suy giảm khi ngày càng nhiều người được tiêm chủng và một đất nước đạt được miễn dịch cộng đồng. Khi đó, virus vẫn có thể lây lan, nhưng bệnh sẽ không trở nặng hơn, và ít người phải ra đi vì virus hơn.
Một điểm tương đồng giữa các dịch bệnh truyền nhiễm không chỉ ở phương thức tiếp cận phòng chống, mà còn là nỗi đau, theo ông Korthuis. "Dịch HIV gây ra biết bao đau khổ trong một thời gian dài. Với Covid-19, nỗi đau xảy đến nhanh hơn, và nó nghiệt ngã không kém", ông nói.
50 tuổi sang Tây, ở nhà thuê, những người Việt không hiểu được tiếng anh, qua Canada để làm gì ?
Gia đình tôi đã trải ba mùa đông lạnh giá Canada. “Hi sinh đời bố, củng cố đời con” là lý do chúng tôi đến xứ tuyết trắng, nhưng thực tế mưu sinh xứ người không hoàn toàn như mơ...