Hạ viện Mỹ yêu cầu Facebook dừng phát triển tiền điện tử Libra
Trước lo ngại rủi ro với hệ thống tài chính toàn cầu, bảo mật thông tin cá nhân, các nhà lập pháp Mỹ muốn Facebook dừng dự án Libra.
03:30 05/07/2019
Hạ viện Mỹ lo ngại đồng Libra của Facebook có thể làm đồng đôla suy yếu. Do đó, họ đang yêu cầu hãng công nghệ này dừng dự án phát triển tiền điện tử. Nhóm các nhà lập pháp tại Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ vừa gửi thư đến Facebook, yêu cầu lập tức dừng phát triển Libra cho đến khi các nhà quản lý có thời gian kiểm tra kế hoạch. Lá thư mới cũng thể hiện áp lực gia tăng lên kế hoạch phát triển tiền điện tử của Facebook, vốn cũng được các nhà quản lý toàn cầu soi xét kĩ lưỡng.
Hơn 30 tổ chức cũng gửi yêu cầu tương tự tới Facebook đầu tuần này với lý do các hệ thống quản lý Mỹ và nước ngoài chưa chuẩn bị cho các câu hỏi về "chủ quyền quốc gia, quyền doanh nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng" và các vấn đề khác do dự án tiền ảo gây ra. Các nhà lập pháp cũng cho biết, họ muốn tổ chức phiên điều trần công khai về "rủi ro và lợi ích của tiền ảo và tìm các biện pháp quản lý".
Facebook dự kiến đưa tiền điện tử Libra vào giao dịch từ đầu năm 2020. |
Tháng trước, Facebook thông báo kế hoạch phát triển Libra với hy vọng nó sẽ trở thành một loại tiền tệ ổn định, được chấp nhận rộng rãi. Hãng cũng giới thiệu, Libra có thể tăng khả năng tiếp các dịch vụ tài chính khắp thế giới và chuyển tiền trực tuyến dễ dàng hơn, chí phí rẻ hơn.
Tuy nhiên, quy mô và tầm ảnh hưởng của Facebook đã khiến các cơ quan quản lý phải yêu cầu tạm dừng. Facebook có 2,4 tỷ người dùng trên toàn cầu. Đây có thể là lượng khách hàng khổng lồ sớm chấp nhận loại tiền tệ hầu như chưa được quản lý. Các nhà lập pháp cũng lo ngại, người dùng Facebook gặp các vấn đề về quyền riêng tư và bảo mật thông tin.
"Nếu các sản phẩm và dịch vụ tương tự được quản lý không đúng cách và đầy đủ, chúng có thể gây rủi cho hệ thống tài chính Mỹ và toàn cầu", lá thư của các nhà lập pháp viết.
Ủy ban Giám sát Ngân hàng của Thượng viện và Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Hạ viện Mỹ đã lên lịch điều trần cuối tháng này để kiểm tra những ảnh hưởng của Libra với hệ thống tài chính và quyền riêng tư của người dùng. David Marcus – người đứng điều dự án tiền ảo sẽ trả lời tại các phiên điều trần.
Hôm qua, Marcus cho biết, Facebook đã cố tình thông báo sớm kế hoạch cho Libra để trao đổi thông tin tốt với các nhà lập pháp, nhà quản lý, cũng như các doanh nghiệp. "Lý do của chúng tôi rất đơn giản – chúng tôi muốn khuyến khích thảo luận mở. Việc ra mắt một đồng tiền kỹ thuật số chất lượng cao và hạ tầng hỗ trợ của nó không thể diễn ra trong bóng tối", Marcus nói. Ông khẳng định, đây là cách duy nhất để Facebook có cơ hội tốt hơn phục vụ hàng tỷ người dùng, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Marcus cũng cho rằng, Libra có thể giúp chống lại nạn rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nói tại một cuộc họp báo cuối tuần trước rằng, Facebook đã liên lạc với Fed về kế hoạch ra mắt tiền ảo. Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đang lo ngại về Libra. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire kêu gọi lãnh đạo các ngân hàng trung ương G7 soạn thảo các quy định với đồng tiền này trước cuộc họp của nhóm vào tháng 8.
Tại hội nghị thượng đỉnh G20 cuối tuần trước, các nhà lãnh đạo cũng cho biết đang giám sát chặt chẽ việc phát triển tiền ảo và vẫn cảnh giác với các rủi ro. Tuy nhiên, họ chưa tin rằng, công nghệ là một mối đe dọa với an ninh tài chính toàn cầu hiện nay.
Nguồn: Vnexpress.net
Hạ Viện thông qua dự luật biên giới $4.6 tỷ của Thượng Viện
Hạ Viện Mỹ hôm Thứ Năm, 27 Tháng Sáu, thông qua một dự luật tài trợ khẩn cấp trị giá $4.6 tỷ để giúp đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo ở biên giới Mỹ và Mexico, sau khi thành phần lãnh đạo phía Dân Chủ quyết định hủy bỏ ý định sửa đổi dự luật, vốn đã được Thượng Viện thông qua ngày hôm trước, nhằm có thêm các bảo đảm cho quyền lợi của di dân.