Hai cách để giới thiệu bản thân gây chú ý hơn
Giới thiệu bản thân là một việc khó khăn với nhiều người đi xin việc, khi bạn phải nói về bản thân một cách vắn tắt, đủ ý, nhưng vẫn nổi bật hơn những ứng viên khác, đồng thời giúp bạn gây ấn tượng mạnh trước nhà tuyển dụng.
07:16 08/05/2017
Theo trang The Muse, khi tự giới thiệu, bạn đang giới thiệu một “thương hiệu” bản thân đến mọi người. Thế nên, nếu như lời giới thiệu của bạn giống với những ứng viên khác thì bạn dễ bị nhà tuyển dụng “quên lãng” vì thiếu tính “đặc trưng” của riêng mình.
Nhiều người gặp trở ngại khi phải dùng one-line pitch (một câu giới thiệu bản thân) để tạo ấn tượng trước nhà tuyển dụng và phải trả lời hết các câu hỏi – Làm cách nào nói về bản thân thật vắn tắt, nhưng khiến người nghe ấn tượng về mình? Làm sao tôi có thể nổi trội hơn tại sự kiện này hoặc tại buổi phỏng vấn này?
Nếu bạn lo ngại chỉ trong vài câu nói để nhà tuyển dụng thấy được kỹ năng của mình là chuyện khó thực hiện, thì bạn cần nhớ, nhà tuyển dụng có thể tự đọc trên tờ đơn xin việc, thay vào đó, mục tiêu của bạn là phải “kích thích” sự tò mò của họ.
Sau đây là hai phương thức mà bạn có thể dùng để tạo điểm nhấn trước nhà tuyển dụng, theo trang The Muse.
1-Trả lời câu hỏi “Vì sao?”
Nhiều người khi giới thiệu bản thân thường nói về công việc hiện tại của họ: “Công việc hiện tại của tôi là [chức vụ].”
Tuy rằng đây là một cách giới thiệu an toàn, nhưng câu nói này cũng làm mất đi sự “thú vị” của bản thân. Thay vào đó bạn nên chú trọng vào lý do vì sao bạn lại làm việc đó.
Vì sao bạn chọn ngành thiết kế đồ họa?
Vì sao bạn đến với lĩnh vực tài chính?
Vì sao trở thành kỹ sư phần mềm là niềm đam mê của bạn?
Khi bạn thêm “vì sao,” những câu nói của bạn trở nên đáng nhớ hơn.
Tôi trở thành một nhà thiết kế đồ họa vì khi còn nhỏ, tôi luôn mang theo một cuốn vở nháp bên mình để thuận tiện phác họa khi có ý tưởng mới.
Tôi làm trong lĩnh vực tài chính vì tôi thích cảm giác giúp mọi người tiết kiệm tiền để họ đạt được điều họ muốn, như việc tôi giúp một khách hàng mở nhà hàng.
Tôi chọn ngành kỹ sư phần mềm vì tôi có thể tham gia những đề án lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau và có tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội.
Qua phương thức này, bạn không những trông thú vị và gần gũi hơn, mà bạn còn nổi bật hơn trước nhà tuyển dụng.
2-Nói về “những đóng góp”
Bạn đóng góp được gì cho công ty mình làm trước đây? Bạn có thể nhìn vào bảng đánh giá nhân viên hoặc những “đề nghị” trên LinkedIn để có khái niệm bao quát về điểm mạnh của bản thân. Ngoài ra, bạn có thể hỏi những cộng sự và người quản lý trước của mình để họ giúp bạn tìm ra điểm mạnh của mình.
Một ví dụ điển hình là nếu bạn là một biên tập viên hay soạn thảo nội dung cho một công ty, đừng chỉ nói rằng “Tôi là người viết và soạn nội dung.” Câu nói ấy khiến nhà tuyển dụng cảm thấy nhàm chán. Thay vào đó, bạn nên nói rằng: “Tôi giúp những công ty mới thành lập bày tỏ quan điểm của họ rõ ràng và mạch lạc để nhiều người nhận biết về công ty.” Câu nói này vừa dễ hiểu và khiến nhà tuyển dụng tò mò hơn về bạn.
Thế nên khi bắt đầu cuộc nói chuyện bằng điểm mạnh của mình, bạn sẽ khiến nhà tuyển dụng phấn khởi hơn về ý định nhận bạn vào làm.
Với vai trò là nhà tư vấn doanh nghiệp, tôi giúp các công ty mới mở với những chiến lược trong tương lai, phát triển và mở rộng thị trường, và giúp công ty thu được nhiều lợi nhuận.
Tôi là một nhà tuyển dụng và giúp những công ty hàng đầu tìm được những tài năng và nguồn nhân lực phù hợp để giúp công ty đi đầu trong lĩnh vực nhân sự hơn những đối thủ trong cùng lĩnh vực.
Sau khi tìm được thế mạnh của mình, bạn có thể nhờ những người thân hoặc bạn bè cho thêm ý kiến về cách phản hồi của mình để nhận tư vấn thêm từ họ. Bạn có thể hỏi họ rằng, nếu họ là người lần đầu gặp bạn, những câu nói trên có khiến họ tò mò và muốn tiếp tục nói chuyện với bạn hay không và bạn có làm tốt việc chia sẻ thế mạnh của bản thân chưa.
Bằng cách kết hợp hai phương thức trên, bạn sẽ tự tin vào bản thân hơn khi lần tới có người hỏi bạn, “Vậy, công việc hiện tại của bạn là gì?”
Thủ tục xin visa đi Mỹ thăm người thân như thế nào?
Ngày nay, dù cách xa cả nửa vòng Trái Đất, bạn vẫn có thể đi thăm gia đình, họ hàng hay bạn bè tại Mỹ. Để tránh những vướng mắc không cần thiết, bạn cần nắm rõ thủ tục xin visa đi Mỹ thăm người thân như thế nào theo yêu cầu của Đại Sứ Quán Hoa Kỳ.