Hai lần trở về từ cõi chết của người lính trung đội cảm tử: Người duy nhất còn sống của trung đội 22 người bị địch phục kích

Một ngày giữa năm 2023, nhóm liên lạc của Sư đoàn 341 bỗng xuất hiện một dòng tin: "Tôi là Trần Đăng Kha, người duy nhất còn sống của trung đội 22 người bị địch phục kích năm 1977".

06:52 27/07/2023

Vài chữ vỏn vẹn của ông Kha đã khiến những người lính của trung đoàn 270, Sư sư đoàn 341 bất ngờ. Câu chuyện ly kỳ về những lần thoát chết của ông từng được đồng đội kể lại trong cuốn Ký ức Sư đoàn Sông Lam một lần nữa được lật lại.

Ông Trần Đăng Kha quê ở Hiến Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An, nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi. Người lính trẻ năm ấy được biên chế vào trung đội 3, đại đội 7, tiểu đoàn 5, trung đoàn 270, sư đoàn 341, nhận lệnh vào chiến đấu ở Xuân Lộc, Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa và góp mặt trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

Đất nước thống nhất nhưng ông Kha và các đồng đội vẫn chưa được về quê. Tháng 8/1977, đơn vị ông nhận lệnh hành quân về Hà Tiên bảo vệ biên giới Tây Nam chống quân Pol Pot.

Đêm 31/12/1977, một phái đoàn Liên Hợp Quốc tới kiểm tra nên tiểu đoàn 5 chốt xung quanh khu vực núi Lục Sơn. Đến 23h, quân Pol Pot bất ngờ cho hai tiểu đoàn tập kích khi tiểu đoàn vừa được lệnh rút quân. Trung đội 3 của Trần Đăng Khoa được chỉ huy giao nhiệm vụ cảm tử, ở lại chiến đấu cầm chân địch cho tiểu đoàn rút quân an toàn.

Cựu chiến binh Trần Đăng Kha với tấm ảnh chụp trước ngày tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tấm ảnh luôn được giữ trên người, phòng trường hợp xấu để gia đình tìm lại và... có ảnh thờ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tấm ảnh ông Trần Đăng Kha chụp trước ngày tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, luôn được giữ trên người, phòng trường hợp xấu để gia đình tìm lại và có ảnh thờ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ông Kha kể trong màn đêm tối om, địch trút đạn pháo sáng rực cả vùng trời. Trung đội 3 có 22 người gồm ba tiểu đội, chốt chặn ba hướng khác nhau. Sau ba giờ chiến đấu, 21 chiến sĩ trung đội cảm tử hy sinh, riêng ông bị thương nặng, ngất đi. Khi quân Pol Pot tràn qua, toàn thân ông Kha be bét máu, nằm lẫn trong xác đồng đội nên thoát chết. "Không biết qua bao lâu tôi tỉnh lại, vẫn hy vọng còn đồng đội nhưng gọi mãi không nghe tiếng ai đáp lại", người cựu chiến binh hồi tưởng.

Chờ đêm xuống ông bò ra rừng tràm, hướng về cửa khẩu Xà Xía (nay là cửa khẩu quốc tế Hà Tiên) tìm đường về đơn vị. "Tôi lượm lúa trên ruộng rạ cầm hơi. Mùa khô không có nước, đành phải nhai cây thốt nốt địch đã dùng vứt lại dọc đường", ông kể.

Đến vành đai biên giới quân địch có chốt đóng, ông Kha nấp sau tổ mối chờ đến nửa đêm lặn qua mương tìm ra bờ biển. Sau 7 đêm như thế ông tìm về được gần chốt trung đội cối 82 ly rồi ngất lịm. Khi được phát hiện, anh lính trẻ nằm trong bụi cây, vết thương ở chân hoại tử, côn trùng bò đầy người.

Đồng đội lập tức đưa ông Kha đi cấp cứu và chuyển lên tuyến trên điều trị. Câu chuyện thoát chết sau 7 ngày đêm của Trần Đăng Kha được hầu hết những người lính đại đội 7, tiểu đoàn 5, trung đoàn 270 thời đó biết và xem như kỳ tích.

Mùa xuân năm sau, quân Pol Pot đổ bộ tấn công thị xã Hà Tiên. Tại đây đã diễn ra trận đánh vô cùng khốc liệt, ông Kha cùng đồng đội ở đại đội 7 được giao giữ hang Thạch Động bằng mọi giá.

Ông Kha và vợ, cùng bốn cháu nội tại quê nhà Hiến Sơn, Đô Lương, Nghệ An mùa hè năm 2023. Ảnh: Gia đình cung cấp
Ông Kha và vợ, cùng bốn cháu nội tại quê nhà Hiến Sơn, Đô Lương, Nghệ An mùa hè năm 2023. Ảnh: Gia đình cung cấp

Cuối tháng 4/1978, trung đoàn 270 được giao nhiệm vụ bảo vệ tuyến biên giới Tây Ninh. Tại đây có đường 24 là huyết mạch vận chuyển lương thực và thương binh về tuyến sau nên ta cố giữ, địch cố chiếm.

Đêm 8/8, địch huy động một trung đoàn có xe thiết giáp M113 yểm trợ, tổ chức đánh toàn tuyến phòng ngự của tiểu đoàn 5. Chốt của đại đội 7 phản công quyết liệt, buộc quân Pol Pot phải lùi ra xa để cũng cố lực lượng.

Hôm sau địch tăng cường chi viện, cùng với hai xe bọc thép liên tục tấn công. Đến lúc này đại đội 7 hết đạn. Sẩm tối, sở chỉ huy tiểu đoàn 5 nhận được một bức điện ngắn từ đại đội 7: "Quân Pol Pot đã tràn vào chốt, chào vĩnh biệt các thủ trưởng".

Đại đội 7 hy sinh gần hết. Chỉ còn 5 đồng chí bị thương lặn dưới ao bèo, lợi dụng địch sơ hở về được đơn vị. Ông Kha lần thứ hai thoát chết nhưng bị thương nặng nhiều chỗ, vùng kín cũng trúng đạn.

Do vết thương quá nặng, ông được đưa ra Bắc điều trị tại Bệnh viện 108 gần hai năm, sau đó về trung tâm nuôi dưỡng thương binh nặng. Tại đây, ông bén duyên với cô gái cùng làng tên Đặng Thị Kim.

Bà Kim (63 tuổi) chia sẻ tình yêu của bà với chồng nảy sinh từ tình thương một người lính vào sinh ra tử bảo vệ biên cương Tổ quốc. Song gần đến ngày cưới, gia đình bà biết tin ông Kha từng bị thương vùng kín, sợ không thể có con nên đổi ý nhất quyết không cho gả.

Trùng hợp, bác ruột của ông Kha có cô con gái cũng có ý định gả cho con trai của gia đình người yêu Kha. "Thuyết phục gả bà Kim cho tôi không được, bác tôi tuyên bố cũng sẽ không gả con gái mình", ông Kha cho hay.

Đến lúc này, hai gia đình ngồi lại và đi đến thống nhất sẽ không "chia loan rẽ thúy" nữa. Ông Kha, bà Kim thành vợ chồng trong một đám cưới đơn sơ tại trung tâm thương binh nặng. Sau một thời gian, hai vợ chồng dắt díu nhau về quê. Họ sinh được bốn người con, một người bị di chứng chất độc da cam ảnh hưởng thần kinh, mất khi 18 tuổi.

Cuộc sống không dễ dàng với gia đình có chồng là thương binh 71%, chỉ có mình vợ cày cấy, chợ búa nuôi gia đình. Mỗi khi trái gió trở trời, người cựu binh lại bị cơn đau hành hạ, sốt li bì. Chị Trần Thị Bình, con gái cả ông Kha kể thuở nhỏ, các con chưa hiểu chuyện nên rất sợ bố. Tính bố nghiêm khắc, chân phải chằng chịt vết sẹo đạn pháo như dị dạng. Mỗi khi bố ốm sẽ càng khó tính hơn.

"Có lần tức con không nghe lời, cha bảo 'Các con sướng không biết hưởng. Bố hứng bom hứng đạn, nhịn đói bao ngày. Đồng đội còn phải bỏ xác nơi biên cương'. Rồi mắt cha hoen đỏ. Lúc đó chúng tôi nghĩ là ông giận, nhưng sau này mới biết lúc đó ông đang nhớ đồng đội mình", chị Bình kể thêm.

Những khi khỏe mạnh, ông Kha là một con người chăm chỉ, ngăn nắp, luôn làm gương cho các con. Một bên chân khó đi lại, ông vẫn dọn dẹp, nuôi gà vịt và trồng rau trái. Anh Trần Đăng Ngà, con trai ông Kha chia sẻ được bố dạy từng nết ăn nét chữ. Gia đình nghèo nhưng ông động viên vợ cho các con ăn học nên cả ba người con là những đứa trẻ hiếm hoi trong làng thời đó được học hành đầy đủ.

Đến nay ba con của ông Kha đều trưởng thành. Người làm ở chính quyền xã, người làm trong quân đội và con út người đang xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Vợ chồng ông cũng bắt đầu được an nhàn bên con cháu.

Dạo này ông Kha đang học cách sử dụng điện thoại thông minh để kết nối lại với đồng đội. Ông khoe, từ sau bài đăng trên mạng đã có nhiều đồng đội từ hơn 40 năm trước liên lạc ôn chuyện xưa. Nghe giọng nhau vẫn hào sảng, con cháu khỏe mạnh, thành đạt là ai nấy đều mừng.

"Trong thời chiến, tôi là người lính một khi nhận lệnh là quyết chiến đấu không màng tính mạng. May mắn sống sót trở về, tôi tâm niệm làm một công dân tốt và cũng dạy các con, các cháu như vậy", người chiến sĩ trung đội cảm tử năm xưa chia sẻ.

Phan Dương

Tags:
Từ một gia đình giàu có ảo tưởng đi Mỹ kiếm tiền đô, bán nhà, bán đất, 10 năm trở về Việt Nam với 2 bàn tay trắng.

Từ một gia đình giàu có ảo tưởng đi Mỹ kiếm tiền đô, bán nhà, bán đất, 10 năm trở về Việt Nam với 2 bàn tay trắng.

Từ một gia đình giàu có ảo tưởng đi Mỹ kiếm tiền đô, bán nhà, bán đất, 10 năm trở về Việt Nam với 2 bàn tay trắng.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất