Hai mặt của New York trong đại dịch
Covid-19 đã khoét sâu thêm sự bất bình đẳng giữa người giàu - người nghèo, người da trắng - da đen ở New York.
12:00 20/04/2020
Khi Sean Petty bước vào phòng cấp cứu ở Trung tâm y tế Jacobi, Bronx, anh bị sốc bởi một cảnh tượng thảm khốc: Khoảng 60 người, hầu hết là người Mỹ gốc Phi hoặc người Mỹ Latin sống ở khu vực ven thành phố New York đang có các biểu hiện điển hình của Covid-19. Họ thở hổn hển trên những chiếc cáng.
"Mọi ngóc ngách của Khoa cấp cứu đều có bệnh nhân gắn liền với bình oxy di động, họ ốm nặng và cần giường bệnh. Những chiếc cáng đã lấp đầy phòng và tràn cả xuống các hành lang, 10 bệnh nhân chỉ trong một góc hành lang", anh nói. Những âm thanh chết chóc của bệnh tật tràn ngập trong căn phòng: "Nó giống một điệp khúc, một âm hưởng của những tiếng ho".
Petty là một y tá cấp cứu nhi khoa, nhưng phần lớn thời gian của anh trong giai đoạn này là chăm sóc những người lớn nhiễm nCoV. "Tôi cảm thấy mình như đang bước vào một đám mây độc", anh nói và tưởng tượng ra hàng ngàn giọt nước siêu nhỏ mang virus lan trong không khí.
Petty làm việc ở tuyến đầu của tuyến đầu: thành phố New York. Đại đô thị này đã trở thành tâm điểm của Covid-19 trên toàn thế giới, giống như năm 2001, nơi đây từng trở thành tâm điểm của mối đe dọa khủng bố Al-Qaeda, vào ngày 11/9.
Ngày qua ngày, các số liệu thống kê kể câu chuyện nghiệt ngã của thành phố. Hôm 7/4, số ca chết vì nCoV ở New York đã nhiều hơn số người chết trong vụ khủng bố 11/9. Ngày 8/4, New York phải chịu số tử vong cao nhất trong khoảng thời gian 24 giờ, khi 806 mạng người bị cướp đi, chỉ trong một ngày... Các cuộc tấn công đang diễn ra theo từng đợt, không phải chỉ vào một buổi sáng đầy nắng trong những ngày tháng 9, như khi tòa tháp đôi sụp đổ, mà qua nhiều ngày, không ngưng nghỉ trong nhiều tuần. Jacobi, một trong 11 bệnh viện công lớn của New York hiện đang quá tải.
Khi cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng lên, một bức tranh về cách thức virus tàn phá thành phố đã xuất hiện. Covid-19, bản thân nó không phân biệt đối xử, nhưng kết quả của nó chắc chắn là có.
Jumaane Williams, một nhân viên của OPA (Office of the Public Advocate - cơ quan bảo vệ quyền lợi của người dân New York), nói: "nCoV đã làm bộc lộ hai xã hội của New York. Một xã hội có thể trốn chạy tới Hamptons hoặc làm việc từ xa và nhận thực phẩm giao tận nhà. Một xã hội khác được coi là những nhân viên thiết yếu và buộc phải ra ngoài làm việc mà không có bất cứ sự bảo hộ nào".
Tại các quận khác nhau, hoặc ngay cả trong các vùng trong mỗi quận đều đang trải nghiệm sự tồn tại của Covid-19 theo các cách khác nhau. Tại các khu vực giàu có, đường phố vắng tanh, các điểm đỗ xe từng phải giành giật nhau chỗ giờ bị bỏ trống, sau cuộc di cư tới những căn nhà nghỉ dưỡng cuối tuần. Ngược lại, ở những nơi như Bronx, nơi có tới 84% người da đen, người Latin hoặc chủng tộc hỗn hợp, vỉa hè vẫn nhộn nhịp người đi làm. Nơi đó vẫn tồn tại "giờ cao điểm". "Chúng tôi thường gọi họ là những nhân viên dịch vụ. Bây giờ họ là những người lao động thiết yếu, chúng tôi buộc phải để họ tự bảo vệ mình", Williams nói.
OPA chỉ ra rằng, 79% công nhân tiền tuyến của New York bao gồm các y tá, nhân viên tàu điện, nhân viên vệ sinh, tài xế lái xe tải, nhân viên thu ngân, đều là người Mỹ gốc Phi hoặc Latin. Trong khi những người dân thành phố có những thú xa xỉ để tiêu khiển ở nhà trong những ngày phong tỏa, thì cộng đồng này lại không có lựa chọn nào khác ngoài việc tự chuốc nguy cơ cho bản thân họ, khi ra ngoài.
Nếu nhìn vào bản đồ nơi những người vẫn phải ra đường ở New York, người ta cũng nhận ra đó là nơi tập trung phần lớn các ca nhiễm Covid-19 của thành phố. Tại Queens, nơi tập trung cao nhất các ca nhiễm bệnh, đây cũng đồng thời là nơi có lượng người làm việc thiết yếu lớn nhất. Một chi tiết "biết nói" khác: ít nhất 41 nhân viên tàu điện ngầm và xe bus đã qua đời vì nCoV.
Một bản đánh giá của Cơ quan Giao thông Vận tải đô thị năm 2016 cũng chỉ ra, 55% trong số 72.000 nhân viên của họ là những người da đen, người Latin, và 82% là nam giới, điều này tương đồng với thống kê nam giới chết nhiều hơn phụ nữ trong dịch nCoV.
"Chúng ta đẩy họ ra ngoài và nói rằng họ phải đi làm, nhưng chúng ta không cung cấp đồ bảo hộ và các xét nghiệm bổ sung để giữ an toàn cho họ. Gần như là các nhóm này được đưa ra làm vật hy sinh nhằm giữ cho thành phố hoạt động", Mitch Williams nói.
Ít ngày trước, một con hổ đã được xét nghiệm dương tính với nCoV tại sở thú Bronx. Thông tin tạo ra rất nhiều mối quan tâm, nhưng ít bài báo nào chú tâm đến quan điểm mà Williams nhấn mạnh: "Một con hổ dương tính. Nhưng nếu chúng ta có đủ bộ xét nghiệm cho những con hổ, không phải chúng ta nên có đủ các bộ xét nghiệm cho những người làm việc ở tuyến đầu hay sao?".
Cách sở thú Bronx hai dặm, phòng cấp cứu của Trung tâm Y tế Jacobi, mỗi ngày, Sean Petty thấy rõ rác động của dịch bệnh tới "hai xã hội" của New York. "100% người bệnh là da màu trong phòng cấp cứu của chúng tôi", anh nói. Hầu hết các bệnh nhân trưởng thành mà anh chăm sóc cũng đang vât lộn với tình trạng sức khỏe tiềm ẩn, khiến họ càng dễ suy yếu khi mắc nCoV.
"Các bệnh nhân của chúng tôi đến viện với tất cả các bệnh nền đi kèm, liên quan đến nghèo đói, phân biệt chủng tộc: tiểu đường, hen suyễn, tăng huyết áp... Chúng tôi có những bệnh nhân đau ốm, khả năng tử vong cao hơn, do điều kiện sức khỏe vốn có đã kém vì bệnh tật".
Chính quyền thành phố và chính quyền tiểu bang đều lưỡng lự trong việc công bố số liệu chính thức với quan điểm rằng việc giữ cho bệnh viện hoạt động là quan trọng nhất. Trong khi đó, các nhà báo tự phân tích dữ liệu y tế và đi đến nhận định rằng, ở khu vực Bronx, tỷ lệ người chết cao gấp đôi so với toàn thể New York nói chung.
Hôm 8/4, thị trưởng Mayor Bill de Blasio đã gây áp lực và đăng tải những phát hiện ban đầu, nhấn mạnh đến sự phân biệt chủng tộc của nCoV: Người da đen và người Latin ở New York đang chết với tỷ lệ gấp đôi so với người New York da trắng và châu Á. "Có những bất bình đẳng rõ ràng, sự chênh lệch rõ ràng về việc dịch bệnh ảnh hưởng đến người dân trong thành phố", De Blasio nói.
Andrew Cuomo, thống đốc bang New York nhận định rằng cuộc khủng hoảng có thể đã đến đỉnh điểm, những đường cong dịch bệnh dần được làm phẳng. Tuy nhiên, Sean Petty không tin điều đó lắm, nhất là khi anh nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy những xe tải đông lạnh xếp thành hàng dài để nhận thi thể nạn nhân Covid-19. Tính tới 8/4, bệnh viện Jacobi đã mất hai nhân viên y tế tuyến đầu, một chuyên viên khoa tâm thần và một y tá phụ tá.
Petty nói anh chưa bao giờ cảm thấy tức giận với hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ và với chính phủ đến vậy, bởi họ đã không bảo vệ các công dân trong tuyến đầu của thành phố. Thông qua liên minh của mình - Hiệp hội Y tá bang New York, anh đã phải chiến đấu từng bước để có thể đảm bảo các thiết bị bảo vệ cá nhân cơ bản (PPE) để giữ an toàn cho bản thân và đồng nghiệp.
Một bác sĩ tại viện Elmhurst - nơi cũng giống như Jacobi, đang ở trong tình trạng quá tải do phải điều trị cho những người dân nhập cư có thu nhập thấp, cho biết anh buộc phải nói chuyện với gia đình họ về EoLC (chăm sóc sức khỏe cho những người đã vô phương cứu chữa) 6-7 lần một ngày, thay vì 2 tuần một lần như trước.
"Những cuộc thảo luận này mang tính cá nhân và rất xúc động", anh nói. Giờ đây, anh cũng không thể mời gia đình vào phòng bệnh nhân, cho phép họ nắm tay người bệnh như trước. Những cuộc trò chuyện đau lòng như vậy đang diễn ra trong khắp thành phố, và sự phân biệt chủng tộc tiếp tục làm méo mó mọi thứ.
Uché Blackstock, một bác sĩ hồi sức cấp cứu đã chứng kiến những lỗ hổng trong trải nghiệm về dịch bệnh ở trung tâm Brooklyn, nơi cô làm việc trong một số phòng khám. Khi cô đi làm tại một khu phố người Mỹ gốc Phi hoặc Latin, cô bị "ngập chìm" trong các bệnh nhân có triệu chứng giống Covid-19.
Tuy nhiên, ở các khu phố thu nhập cao hơn, nhu cầu về các dịch vụ y tế giảm ngay từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu. Thậm chí, một số phòng khám đã đóng cửa.
"Đại dịch đang khoét sâu sự bất bình đẳng luôn ở thành phố New York", cô nói. "Chúng tôi không đầu tư vào con người và đây là những gì mà chúng tôi nhận được".
Link nguồn: https://vnexpress.net/hai-mat-cua-new-york-trong-dai-dich-4087045.html
Bằng Kiều, Thúy Nga "nước mắt lưng tròng" vì nhận được tiền trợ cấp của Mỹ
Thúy Nga, Bằng Kiều vui mừng khi nhận được một khoản tiền trợ cấp của Chính phủ Mỹ trong mùa dịch Covid-19.