Hai tuần 'vạ miệng' làm đảo lộn chiến dịch tranh cử của Trump
Hơn hai tuần qua đã chứng kiến chiến dịch tranh cử của Donald Trump đi từ chỗ tràn đầy hy vọng tới chao đảo liên tục vì những lần ông "vạ miệng".
10:18 07/08/2024
Thời khắc Donald Trump phát biểu nhận đề cử vị trí ứng viên tổng thống tại đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa hôm 18/7 ở Wisconsin, gần như mọi thành viên đảng đều tập hợp xung quanh ông, khi cựu tổng thống thể hiện hình ảnh mạnh mẽ, kiên cường sau một vụ ám sát hụt.
Đối thủ của ông, Tổng thống Joe Biden, phải đối mặt với tỷ lệ ủng hộ sụt giảm nghiêm trọng, động lực gây quỹ suy yếu và những lo ngại trong nội bộ đảng Dân chủ về khả năng ông có thể tiếp tục cạnh tranh trên đường đua Nhà Trắng.
Số tiền gây quỹ của cựu tổng thống tăng vọt, kể cả sau khi ông bị kết tội ở New York. Và Tổng thống Biden, trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên với Trump, đã khiến nhiều người thất vọng.
Nhiều người Cộng hòa đã tràn đầy tự tin về chiến thắng "trong tầm tay" và nghĩ tới ngày Trump bước trở lại vào Nhà Trắng. Nhưng trong hai tuần tiếp theo, cuộc đua đã bị đảo lộn hoàn toàn với Trump.
Sau vụ ám sát hụt, Trump tuyên bố "có điều gì đó đã thay đổi trong tôi" và cam kết ông sẽ dẫn dắt đất nước vượt qua bất đồng, chia rẽ để trở nên đoàn kết hơn. Nhưng lời hứa đó bắt đầu phai nhạt ngay từ bài phát biểu dài kỷ lục của ông trong phiên bế mạc đại hội đảng Cộng hòa tối 22/7, khi ông bắt đầu "đi lạc" khỏi nội dung diễn văn đã được các trợ lý chuẩn bị sẵn.
Ông rời mắt khỏi máy nhắc chữ, chuyển sang chế độ công kích, đưa ra những nhận xét đảng phái gay gắt, nhấn chìm lời kêu gọi đoàn kết đất nước trước đó, khiến nhiều người bắt đầu nhận ra "Trump vẫn là Trump", dù ông có trải qua biến cố nào đi chăng nữa.
Ba ngày sau, Tổng thống Biden quyết định rời khỏi cuộc đua, nhường lại cơ hội cho Phó tổng thống Kamala Harris. Sau cú sốc ban đầu, đảng Dân chủ đã nhanh chóng tập hợp lực lượng, đứng về phía Harris, ủng hộ bà mạnh mẽ đến mức bà đã nắm chắc đề cử trong tay và đang trên đường phá vỡ kỷ lục gây quỹ.
Trong lúc đó, chiến dịch tranh cử của cựu tổng thống Trump phải vật lộn để tìm ra một chiến lược nhất quán nhằm công kích và chống lại bà Harris.
Họ đã dành hai năm qua để cẩn thận xây dựng một chiến lược nhằm đánh bại Tổng thống Biden, người đã 81 tuổi và không thực sự gây được thiện cảm trong công chúng Mỹ. Đa số người Mỹ đều cho rằng ông Biden đã quá già để đảm nhận nhiệm kỳ hai.
Các cố vấn của Trump nhiều lần tuyên bố đã sẵn sàng cho kịch bản thay đổi ứng viên ở phía đảng Dân chủ, song khi ông Biden rút lui và bà Harris trỗi dậy, họ đến nay vẫn chưa thể tìm ra một thông điệp nhất quán nhằm công kích Phó tổng thống Mỹ.
"Chúng tôi phải nỗ lực để định nghĩa bà ấy", Trump phát biểu hôm 31/7 tại một cuộc vận động tranh cử ở Atlanta. "Tôi thậm chí không muốn định nghĩa bà ấy. Tôi chỉ muốn nói bà ấy là ai, là một chương trình kinh dị. Bà ấy sẽ phá hủy đất nước chúng ta".
Các cố vấn của Trump đã thừa nhận ở hậu trường rằng họ đang trên đường xác định cách tốt nhất để chống lại đối thủ mới. Bản thân Trump đã thử nghiệm một loạt đòn công kích trong các bài phát biểu tranh cử và phỏng vấn.
Các cố vấn cấp cao của ông Trump tiếp tục ngụ ý rằng chiến dịch đối đầu với bà Harris phần lớn sẽ tập trung vào các vấn đề từng được dùng để gây sức ép lên Tổng thống Biden như tội phạm, nhập cư và lạm phát, với lập luận rằng Phó tổng thống đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các chính sách đó.
Khi các đòn công kích không phát huy hiệu quả, ngày càng có nhiều lời kêu gọi, cả công khai và riêng tư, từ những đồng minh bên ngoài về việc Trump cần cải tổ chiến dịch tranh cử nếu không muốn thất bại.
Trump đã gây ngạc nhiên cho các đồng minh và thậm chí một số nhân viên chiến dịch khi ông tuyên bố sẽ tham dự hội nghị của Hiệp hội Nhà báo Da màu Quốc gia (NABJ) ở Chicago ngày 31/7.
Chiến dịch của ông từ lâu đã tìm cách tiếp cận nhóm cử tri da màu và Latinh. Tuy nhiên, với việc bà Harris thay thế ông Biden chạy đua vào Nhà Trắng, nỗ lực này càng trở nên khó khăn hơn.
Với cựu tổng thống, hội nghị NABJ cũng là cơ hội để giành lại chú ý từ giới truyền thông sau một tuần bà Harris thống trị các mặt báo. Song đây vẫn là một động thái rủi ro lớn khiến các đồng minh lo âu.
"Sự kiện này, hơn bất kỳ điều gì ông ấy đã làm trong nhiều tháng qua, có nhiều khả năng sẽ đi chệch hướng", một nguồn tin thân cận với Trump nói trước khi ông bước lên sân khấu.
Và lời dự đoán đã ứng nghiệm ngay lập tức.
Trump công kích nhà báo Rachel Scott từ ABC News về câu hỏi đầu tiên cô đưa ra, trong đó đề cập đến những lần ông đưa ra phát ngôn mang tính phân biệt chủng tộc, đặc biệt là việc ông thúc đẩy thuyết âm mưu rằng cựu tổng thống Barack Obama không sinh ra ở Mỹ. Nữ nhà báo cũng đặt câu hỏi tại sao cử tri da màu nên tin tưởng ông.
Sự kiện bắt đầu trở nên vượt ngoài tầm kiểm soát kể từ đó. Trước các nhà báo da màu kỳ cựu, Trump đưa ra những thông tin sai lệch về sắc tộc của Harris, tuyên bố rằng Phó tổng thống, sinh ra trong gia đình nhập cư từ Ấn Độ và Jamaica, "bỗng nhiên trở thành người da đen".
"Bà ấy luôn là người gốc Ấn Độ và bà ấy chỉ quảng bá cho di sản Ấn Độ. Tôi không biết bà ấy là người da màu cho đến tận nhiều năm trước, khi bà ấy bỗng nhiên trở thành người da đen và giờ bà ấy muốn được biết đến là người da đen", Trump nói.
Phát biểu của Trump đã lập tức làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ những người da màu, thậm chí là cả các đảng viên Cộng hòa, những người cho rằng lời lẽ phân biệt chủng tộc không bao giờ là giá trị của họ. Không ít người Cộng hòa cho biết họ hy vọng nó sẽ không trở thành một phần lâu dài trong các chủ đề thảo luận của chiến dịch.
Nhưng đến chiều, Trump và chiến dịch tranh cử lại tăng cường hơn nữa đòn công kích nhằm vào yếu tố chủng tộc của bà Harris, dù Phó tổng thống Mỹ trong nhiều năm qua luôn tự hào về về dòng máu gốc Ấn Độ của mẹ và Jamaica gốc Phi của cha.
Tại một cuộc mít tinh ở Harrisburg, Pennsylvania, vài giờ sau hội nghị NABJ, nhóm của Trump đã cho trình chiếu những tiêu đề nhấn mạnh vào việc bà Harris trở thành thượng nghị sĩ người Mỹ gốc Ấn Độ đầu tiên. Ngày hôm sau, ông đăng một bức ảnh Phó tổng thống mặc sari, trang phục truyền thống Ấn Độ.
Sau những lời công kích chủng tộc mà Trump đưa ra, Harris bắt đầu suy nghĩ về cách phản ứng và đồng ý với các cố vấn rằng sẽ phát biểu chừng mực để không "mắc bẫy Trump thêm lần nữa".
Trước nhóm phụ nữ da màu tại hội nghị hội nữ sinh Sigma Gamma Rho, Phó tổng thống đã đưa ra một câu trả lời thẳng thắn nhưng cẩn trọng, chỉ trích phát biểu của cựu là "vẫn như cũ, gây chia rẽ và thiếu tôn trọng".
Theo mục sư Charles Williams từ Nhà thờ Baptist King Solomon ở Detroit, những bình luận chế giễu về chủng tộc của Phó tổng thống Harris sẽ phản tác dụng và giúp đoàn kết hơn nữa những người ủng hộ bà.
"Nếu họ bắt đầu nhắm vào bà ấy vì vấn đề chủng tộc, điều đó sẽ khiến một bộ phận người dân lên tiếng phản ứng", ông nói.
Nhiều đảng viên Cộng hòa đồng tình. Cố vấn thân cận với chiến dịch tranh cử của Trump cho biết ông đã sai lầm khi chuyển sang công kích vấn đề sắc tộc của bà Harris tại hội nghị NABJ. Người này nhận định Trump đã tức giận với câu hỏi của các nhà báo và cho thấy "ông ấy không ai khác, vẫn là Donald Trump".
Phó tổng thống Harris hiện đã xô đổ lợi thế thăm dò và gây quỹ của cựu tổng thống Trump so với Tổng thống Biden. Hy vọng bên trong đảng Cộng hòa về việc thu hẹp khoảng cách với đảng Dân chủ trong nhóm cử tri da màu và Mỹ Latin dần biến mất.
Phát biểu "vạ miệng" liên tiếp của Trump trong hai tuần qua đã thổi một luồng gió lạc quan mới cho những đảng viên Dân chủ vốn đang chán nản, trong khi những người Cộng hòa tự hỏi liệu mối đoàn kết từ nhiều tuần trước có quay trở lại trong chặng cuối cuộc đua Nhà Trắng hay không.
"Đang có sự thay đổi đáng chú ý trong cuộc đua ngay lúc này", John McLaughlin, nhà thăm dò dư luận cho chiến dịch tranh cử của Trump, nói hôm 29/7.
Câu chuyện của chàng trai đi lao động xuất khẩu khiến 2,5 triệu người thương cảm: 6 năm tằn tiện sống ở xứ người, ngày trở về nghe mẹ bảo “chẳng còn đồng nào” mà gục ngã
Tâm sự của chàng trai này hiện đang thu hút sự quan tâm của nhiều người trên nền tảng MXH TikTok.