Ham rẻ, bận rộn và những lý do để phí phạm cả ngàn đô la thực phẩm
Một nghiên cứu gần đây cho biết trung bình mỗi gia đình ở California phí phạm khoảng $1,000 tiền thức ăn mỗi năm, và nhiều gia đình tại “tiểu bang vàng” này nằm trong số phí phạm thực phẩm bậc nhất trên toàn quốc.
05:00 08/05/2019
Dĩ nhiên, nhiều gia đình gốc Việt cũng không nằm ngoài thành phần phí phạm thức ăn này, mặc dù lý do có phần hơi khác biệt.
Bỏ thực phẩm vì không có thời gian nấu
Một trong những người “nhận lỗi” về việc phí phạm này là cô Chi Huỳnh, ở La Crescenta, gần Los Angeles.
“Mình không cố tình mua thực phẩm về để rồi mang đi bỏ. Chẳng qua là vì đi chợ mua nhưng rồi lại không có thời gian nấu, để qua vài ngày thì đâu còn tươi ngon để mà ăn nữa, đành phải mang đi bỏ thôi,” cô nói.
Cô giải thích, “Lúc cuối tuần đi chợ thì mình nghĩ trong đầu sẽ mua rau nấu canh, mua thịt này để nướng, mua cá để kho. Thực tâm là luôn muốn nấu nướng để có được những bữa ăn tươi ngon, bổ dưỡng cho cả nhà. Nhưng mà nhiều khi lực bất tòng tâm, đi làm về đến nhà mệt quá, không còn sức để nấu nữa, thế là lại kéo chồng con ra ngoài ăn, hay trên đường ghé mua gì về ăn luôn cho tiện.”
“Mà mình thì không thích ăn thịt đông lạnh, chỉ mua thịt tươi về để tủ lạnh, không để tủ đá, nên 2, 3 hôm không nấu thì chỉ còn cách đem bỏ thôi chứ sao ăn được nữa. Rau cỏ cũng vậy, đâu thể để lâu được, chỉ vài hôm là nó héo úa, cũng phải bỏ đi, chứ ăn vô bệnh thì sao,” cô Chi nói thêm.
Cô Thu-Hà Trần ở Garden Grove cũng rơi vào trường hợp tương tự.
“Khi đi chợ thì mình có ý định nấu món này, nhưng sau đó về nhà đổi ý nấu món khác, thế là nguyên liệu dự trù nấu món mình mới mua để qua một bên, rồi… quên, đến khi nhìn lại thấy hư phải bỏ. Chưa kể đến chuyện tính nay đi chợ để mai nấu, nhưng rồi ngày hôm sau mấy đứa nhỏ lại đòi ăn pizza, hay nhà ba mẹ, anh chị em nấu gì đó rủ qua ăn, thế là không nấu,” cô Thu-Hà “phân trần.”
Cô nói thêm, “Thực ra mình ở ngay Little Saigon có nhiều lựa chọn quá, thức ăn hàng quán cũng rẻ nên đôi khi cũng đưa đến việc đi chợ rồi nhưng lại không nấu là vì vậy.”
Cô Thu-Hà “đỡ” hơn cô Chi là thịt cá mua về chưa nấu liền thì cho vào tủ đá. Nhưng, “Nhiều lúc cho vô rồi quên. Đến 6-7 tháng sau mới nhớ, thì cũng mang bỏ, vì cũ quá rồi,” cô cười vẻ hối hận.
Ham rẻ, mua nhiều, nhưng xài không hết, cũng phải bỏ
“Mua về xài không hết phải mang bỏ là chuyện thường,” cô Kay Lê ở Santa Ana nói ngay lập tức kèm theo tiếng cười xua nỗi ăn năn.
Cô giải thích, “Mùa này hành rẻ,10 bó có $1, chẳng lẽ mình mua 1 bó thì kỳ. Mà thiệt là mua 10 bó nhưng xài chừng 2-3 bó là hết mức, số còn lại vài ngày bị úa phải mang bỏ. Hay rau thì là cũng vậy. Làm chả cá thì là cũng chỉ xài nửa bó là cùng, nhưng họ bán rẻ quá, mua 2 bó, thì coi như phần còn lại cũng bỏ.”
Cô Chi Huỳnh cũng cùng “tội lỗi” này, khi “mua vỉ yogurt trong Costco 24 hũ, ăn chừng 1/3 là hết ăn nổi rồi, cũng bỏ.”
“Mới hôm qua đi làm về thấy ông chồng đem thùng nước dừa mua trong Costco bỏ thùng rác, trong khi mình nhớ mới uống có một nửa, còn lại phải 8 hộp. Nhưng ổng nói ‘hết hạn rồi.’ Tiếc muốn chết nhưng phải đành chịu thôi,” cô Chi kể thêm.
Chị Ngọc Nguyễn, ở Westminster, cũng cùng “căn bệnh”, “Tôi mua đồ ăn về rồi không xài hết phải bỏ nhiều lắm, nhất là mỗi khi thấy bán giảm giá. Như đi chợ thấy mít bán chỉ có 45 cent một pound, lựa cho một trái gai nở to đùng, nặng gần 40 pounds. Đến khi xẻ ra thì ăn đâu có hết, vì nhiều quá, mà nhà chỉ có 1, 2 người ăn. Thế là cứ để tủ lạnh ngày này qua ngày khác, đến lúc cũng phải mượn thùng rác để chứa dùm.”
“Đó là chưa kể mua thịt trong Costco. Nhìn nguyên vỉ thịt ngon quá là ngon. Nhưng rồi mang về chỉ chiên hay ram chừng một nửa là thấy ngán rồi. Phần còn lại cứ để ngày này qua ngày kia, rồi cũng mang bỏ,” chị Ngọc cho biết thêm.
Mua nhiều hay mua dự phòng cũng là lý do để… mang bỏ.
“Nấu bún riêu thường chỉ mua một hộp tàu hủ, nhưng ông chồng nói ‘mua nhiều ăn cho đã’, thế là mua 2 hộp, nhưng thực sự liều lượng nấu ở nhà thì cũng chỉ cần 1 hộp là đủ. Hộp kia để mấy bữa trong tủ lạnh, khi nhìn lại đã mốc meo. Cà chua, dưa leo cũng vậy, nhiều khi mua mỗi thứ 4-5 trái nghĩ làm món này món kia, ăn sống, nhưng rồi không hết, hư thúi, cũng phải mang bỏ,” chị Ngọc kể lể.
“Đó là chưa kể khi đi chợ không biết thứ này thứ kia ở nhà còn không, sợ không mua thì về thiếu nấu không ra món, nhưng khi mua về rồi mới biết nhà cũng còn. Thế là dư,” chị nói thêm.
Với cô Kay Lê thì còn có thêm lý do nữa là “bị xúi mua” nhưng mua rồi không ăn vì “sợ lên cân” thành ra hoặc là để đến khi hết hạn mang bỏ, hoặc phải kiếm người cho.
Bỏ thực phẩm vì “hết đát” (date)
Nghiên cứu cho rằng phần đông sẽ không ăn thức ăn được ghi nhãn đã qua kỳ hạn “ngày bán,” và hầu hết mọi người cũng mang thức ăn “quá đát” này cho vào thùng rác.
Cô Chi Huỳnh, cô Thu-Hà, chị Ngọc hay cô Kay Lê cũng đều như thế.
Tuy nhiên, ở đây cũng có nhiều người hiểu sai về ngày tháng ghi trên bao bì. Nhiều người quên phân biệt giữa kỳ hạn “ngày bán” (sell by) và “ngày dùng” (use by).
Như đã nói, thăm dò cho thấy rằng gần một nửa chúng ta sẽ không ăn thức ăn được ghi nhãn đã qua kỳ hạn “ngày bán.” Trong khi thực ra nó chỉ là ngày sau cùng sản phẩm đó được bán tại tiệm, và vẫn an toàn để ăn.
Ngay cả với thực phẩm được ghi kỳ hạn “ngày tốt nhất để dùng” (best by) thì không có nghĩa là sau ngày đó nó phải bị bỏ đi, mà chỉ cần người tiêu dùng nên chú ý xem nó có hư chưa, nếu chưa, thì… cứ ăn.
Nghiên cứu cho rằng điều này có thể khiến mọi người lẫn lộn, nghi ngờ một chút, nhưng nếu chúng ta phân biệt rõ ràng thì có thể tiết kiệm được rất nhiều tiền.
Theo Business Insider thì trái cây, rau quả, khoai tây, cà rốt, củ cải là những thứ bị bỏ đi nhiều nhất, chiếm đến hơn 45% số thực phẩm bị bỏ. Cá tôm cũng bị bỏ gần 35%. Các loại thịt gà, thịt bò, thịt heo cũng bị bỏ đến 22%, và gần 1/3 các loại hạt, bánh mì, gạo cũng bị phí phạm bỏ đi.
Nên có kế hoạch ăn uống, thì cần bao nhiêu mua bấy nhiêu
Cô Chi Huỳnh cho biết, “Mỗi tuần, tôi nghĩ tôi phải bỏ khoảng $20-$30 tiền rau củ, thịt thà hay thức ăn không đụng đến. Ví dụ mua một vỉ bò Ribeye 3 miếng cũng khoảng $25, mà để 2-3 ngày không có thời gian nướng hay chế biến là cũng đem bỏ.”
Cô Kay Lê cũng cho rằng “không tuần nào là không dọn tủ lạnh để bỏ đồ ăn cũ hay rau cải bị héo úa. Mặc dù mỗi lần bỏ mỗi lần tiếc, ân hận vì đã mua nhiều, nhưng rồi khi ra chợ thì đâu cũng vào đó. Mà khi mua để hoài nó không tươi thì ăn vô đâu có bổ béo gì nữa, đành bỏ mua cái mới.”
Cô Ngọc cũng nhẩm tính tiền thực phẩm bỏ đi do không ăn, không nấu của nhà cô mỗi tháng không dưới $100.
Tuy nhiên, cũng có người biết tiết chế được sự phí phạm thực phẩm này, trong đó có cô Katie Kieudung Nguyễn ở Tustin.
Cô Katie cũng cho rằng mình “từng phí phạm thực phẩm nhiều lắm, vì đó là bệnh chung của nhiều người.”
Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, do môi trường làm việc liên quan đến các nhà hàng, quán ăn, ngồi tính toán thu chi với họ, cô mới hiểu ra rằng những khoản thực phẩm không dùng phải vứt đi đó thực ra ngốn một khoản tiền đáng kể trong ngân sách gia đình.
“Do tính chất công việc nên tôi nhận ra được sự phí phạm này, và bắt đầu từ đó mới để ý hơn đến việc đi chợ,” cô nói.
Để tiết kiệm, cô Katie luôn có kế hoạch sắp đặt thức ăn mỗi tuần, “không có hứng gì ăn đó.”
“Mình biết mình ăn gì mua đó thì sẽ hạn chế được việc bỏ thức ăn. Cần 1 bó hành thì mua 1 bó, chứ đừng ham sale mà mua 5 bó, 10 bó để rồi bỏ. Dự tính nấu bún riêu ăn hai ngày thì mua đồ nấu cho đủ như vậy và ăn như vậy, chứ đừng giữa chừng bỏ sang ăn món khác,” cô chia sẻ kinh nghiệm.
Quả thực, làm sao để không lãng phí thực phẩm, để không luôn mang “cảm giác tội lỗi” rằng thì là trong khi còn quá nhiều người bị đói mà mình lại phí phạm như thế này, quả là một thách thức không nhỏ cho những người nội trợ.
Các nhà khoa học nghiên cứu thực phẩm làm từ… côn trùng
Mới đây các nhà khoa học đã đưa ra nghiên cứu về việc chế biến một số loại thức ăn có nguồn gốc từ… côn trùng.