Hãng dược Mỹ xác nhận không có vắc xin Covid-19 trước bầu cử tổng thống
Thông tin từ hãng dược Moderna sẽ bất lợi cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump khi trước đó ông vẫn hi vọng rằng Mỹ sẽ có vắc xin Covid-19 trước ngày bầu cử 3/11.
02:30 02/10/2020
Bưu điện Hoa nam Buổi sáng đưa tin, công ty công nghệ sinh học Mỹ Moderna sẽ không tìm kiếm việc phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vắc xin Covid-19 trước ngày 25/11, Giám đốc điều hành Stephane Bancel của Moderna xác nhận với hãng tin Financial Times ngày 30/9.
“Ngày 25/11 là thời điểm chúng tôi sẽ có đủ dữ liệu an toàn để có thể đưa vào hồ sơ cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) nhằm gửi tới Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) - nếu dữ liệu an toàn tốt, một vắc xin sẽ được xem là an toàn”, ông Bancel nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, người có tỷ lệ ủng hộ thấp vì cách xử lý với cuộc khủng hoảng Covid-19, trước đó thường xuyên nói rằng một vắc xin Covid-19 có thể sẵn sàng trước ngày bầu cử 3/11. Điều này đã khiến các chuyên gia lo ngại rằng chính quyền của ông có thể cố gắng can thiệp vào tiến trình cấp phép vì các lý do chính trị.
Ông Trump đã nhắc lại điều đó vào tối ngày 29/9 trong cuộc tranh luận tổng thống trực tiếp đầu tiên với đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden.
“Có một khả năng là chúng ta sẽ có câu trả lời trước ngày 1/11”, ông Trump nói.
Vắc xin của hãng Modera là một trong số 11 ứng viên vắc xin đang trong các giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Một vắc xin khác cũng đang được hãng Pfizer (Mỹ) phát triển và Giám đốc điều hành Albert Bourla cho biết công ty ông có thể có câu trả lời rõ ràng về việc vắc xin có khả quan hay không trong tháng 10.
Hầu hết các chuyên gia tỏ ra hoài nghi về tuyên bố của đại diện hãng Pfizer, cho rằng các cuộc thử nghiệm sẽ không có đủ dữ liệu thống kê để chứng minh tính an toàn và hiệu quả của thuốc đến thời điểm đó.
Trả lời hãng tin Washington Post ngày 29/9, ông Bourla phủ nhận chuyện ông đang cố gắng tạo lợi thế cho Tổng thống Trump khi đưa ra tuyên bố tháng 10.
“Với tôi, ngày bầu cử là một ngày giả định. Cuối tháng 10 cũng là ngày giả định. Đây là cách chúng tôi vận hành. Nếu chúng tôi có thể đưa nó ra sớm hơn, chúng tôi sẽ làm”, ông nói.
Trong khi đó, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã mở rộng một cuộc điều tra về một trường hợp mắc bệnh nặng trong cuộc nghiên cứu vắc xin Covid-19 của hãng AstraZeneca và sẽ xem xét dữ liệu từ các cuộc thử nghiệm trước đó đối với các vắc xin tương tự do các nhà khoa học phát triển.
Cuộc thử nghiệm ở giai đoạn cuối và trên quy mô lớn của AstraZeneca tại Mỹ đã bị tạm dừng kể từ ngày 6/9 sau khi một người tham gia tại Anh đổ bệnh liên quan tới chứng rối loạn viêm cột sống hiếm gặp.
Việc FDA mở rộng điều tra có thể càng làm trì hoãn một trong những ứng viên vắc xin Covid-19 triển vọng nhất thế giới đang được phát triển. Dữ liệu mà FDA yêu cầu dự kiến sẽ được chuyển đến trong tuần này, sau đó FDA cần thời gian để phân tích.
Các vắc xin hiệu quả được xem là tối quan trọng nhằm chấm dứt đại dịch Covid-19, mà cho tới nay đã khiến hơn 1 triệu người thiệt mạng trên khắp toàn cầu.
Anh, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi đã cho phép AstraZeneca nối lại các thử nghiệm lâm sàng tại các nước này.
Tuy nhiên, FDA muốn xác định liệu tác dụng phụ có xuất hiện trong cuộc thử nghiệm các vắc xin khác, do các nhà nghiên cứu vắc xin Covid-19 tại Đại học Oxford và đối tác vắc xin Covid-19 của AstraZeneca phát triển, hay không. Điều đó không có nghĩa là FDA tin rằng có vấn đề an toàn liên quan tới bất kỳ vắc xin nào trong số những vắc xin này.
“Điều đó chỉ cho thấy FDA đang rất thận trọng”, một nguồn tin cho biết.
Link nguồn: https://dantri.com.vn/the-gioi/hang-duoc-my-xac-nhan-khong-co-vac-xin-covid-19-truoc-bau-cu-tong-thong-20201001173842715.htm
Cần 8,000 máy bay để đưa vắc-xin Covid-19 đi khắp thế giới
Khi các công ty dược phẩm toàn cầu tham gia cuộc đua sản xuất vắc xin Covid-19, công tác hậu cần nhằm đưa vắc-xin đến mọi nơi trên thế giới đang được chú trọng và đó sẽ là một sứ mệnh đặc biệt chưa từng có.