Hàng loạt trung tâm Anh ngữ 'muối mặt' vì bị anh chàng người Mỹ tố phát âm sai
Đoạn video 'Khi người Mỹ nghe tiếng Anh của người Việt Nam' của thầy giáo ngoại quốc Dan Hauer còn khiến cộng đồng mạng tranh cãi nảy lửa.
01:43 20/08/2017
Những ngày gần đây, cộng đồng mạng vẫn đang chia sẻ rần rần về clip 'Khi người Mỹ nghe tiếng Anh của người Việt Nam'. Được đăng tải trên kênh Youtube của một thầy giáo ngoại quốc, đến hiện tại, clip dài 15 phút này đã thu hút hơn 1,5 triệu lượt xem và tạo nên một làn sóng trái chiều trong dư luận.
Được biết, chủ nhân của clip này là Dan Hauer – 1 thầy giáo tiếng Anh người Mỹ đang sinh sống tại Việt Nam, sở hữu kênh Youtube có trên 600.000 người theo dõi với thời gian hoạt động hơn 2 năm.
Cộng đồng mạng Việt biết đến Dan Hauer bởi nhiều clip ngắn dạy tiếng Anh theo phong cách hài hước. Chính bởi vậy, ngày 15/8 vừa qua, sau khi thầy giáo ngoại quốc đăng tải clip: 'Khi người Mỹ nghe tiếng Anh của người Việt Nam', nó đã nhanh chóng 'gây bão' cộng đồng mạng.
Đoạn clip 'Khi người Mỹ nghe tiếng Anh của người Việt Nam' khiến cộng đồng mạng tranh cãi.
Nội dung đoạn clip xoay quanh việc thầy giáo này mời bố mẹ mình làm khách mời, cùng xem những đoạn video của các giáo viên trẻ Việt Nam dạy nói tiếng Anh và đoán xem họ đang nói gì.
Cũng giống như đa số những clip dạng 'review' hài hước khác, 'Khi người Mỹ nghe tiếng Anh của người Việt Nam' cũng là một video bóc tách những lỗi sai về phát âm và được những người bản địa như thầy Dan chỉnh sửa lại cho đúng.
Điều đó sẽ chẳng gây ra tranh cãi nếu như những người bị 'bóc mẽ' không phải là những giáo viên tiếng Anh người Việt – người vốn dĩ phải nói chuẩn để dạy lại cho nhiều học sinh khác, cũng như đủ tư cách chuyên môn để mở trung tâm.
Biểu cảm 'nghe không hiểu gì, nhắc lại đi' của bố mẹ Dan khi nghe một số bạn giáo viên nói tiếng Anh.
Một trong số những đoạn trích giảng dạy của các giáo viên tiếng Anh được lấy làm ví dụ minh họa.
Chính những lỗi sai thường gặp được chỉ ra như: quên nối âm, bỏ qua âm đuôi, phát âm sai, nuốt âm, nhấn trọng âm sai… đã khiến nhiều người kinh ngạc vì giảng viên dạy tiếng Anh cũng phát âm sai như thường, khiến người Mỹ cũng chẳng thể hiểu nổi tiếng mẹ đẻ của họ.
Đoạn clip nhanh chóng trở thành tâm điểm gây tranh cãi đối với cộng đồng mạng cũng như đả kích lớn với những trung tâm ngoại ngữ.
Clip làm nổ ra một cuộc tranh cãi lớn, nhiều ý kiến trái chiều giữa cư dân mạng khi nhanh chóng leo lên top 16 thịnh hành với hơn 9.000 bình luận.
Nhiều người chỉ trích rằng, clip của thầy Dan chính là một chiêu trò Marketing thay vì đơn thuần là chỉnh sửa lỗi phát âm cho người Việt, bởi lẽ thầy giáo ngoại quốc đã cố ý chọn video của các giáo viên chứ không phải học viên, và không hề làm mờ mặt, mờ tên trung tâm, dẫn đến việc 'dìm hàng', 'cạnh tranh không lành mạnh'.
Bạn trẻ có nickname Tung Nguyen cho rằng: 'Đến cả tiếng mẹ đẻ còn học chẳng hết đây. Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam thì sao mà học ngoại ngữ có thể đỉnh được như người bản địa… Quá quắt thế này là cố ý dìm hàng để đẩy thương hiệu của mình một cách không lành mạnh rồi, nói gì đến chuyện sửa lỗi với chẳng bắt lỗi. Có mà bắt bẻ, trục lợi thì có'.
Tuy nhiên, cũng có không ít người bênh thầy Dan, cho rằng nếu muốn 'dìm hàng' thì thầy giáo ngoại quốc này nên sử dụng chiêu trò ngay từ 2 năm trước, chứ chẳng việc gì phải đợi lúc có đến hơn 600.000 fan Youtube mới tự đi đánh bóng tên tuổi.
Những người theo dõi thầy Dan lâu năm và khá hiểu lối diễn đạt clip của thầy giáo ngoại quốc thì lên tiếng bênh vực: 'Mình nói thật này, mình mới theo kênh của thầy nhưng mình thấy thầy rất nhiệt tình, học tiếng Việt, nói tiếng Việt khá rõ ràng như vậy để truyền đạt kiến thức Tiếng Anh cho các bạn, các bạn còn đòi hỏi gì nữa?
Các bạn thử nghĩ xem nếu mình học hay thậm chí dạy tiếng Anh cho người khác mà chính những người dùng tiếng Anh hằng ngày còn không hiểu thì bạn đã thất bại rồi đấy, mình nói thẳng luôn là những người đó đã hoàn toàn thất bại và phải thay đổi ngay lập tức.
Dưới hàng nghìn bình luận của clip này, không khó để thấy những bức tâm thư dài vài trăm chữ, trách cứ thầy Dan làm xấu mặt 'đồng nghiệp cùng nghề'.
Một giáo viên Tiếng Anh đã gửi lời tới thầy Dan: 'Với cương vị là một giáo viên Tiếng Anh (dù không phải là một trong những giáo viên Tiếng Anh có mặt trong Video của bạn) mình cảm thấy thật không vui với video này của bạn…
Hãy đặt mình vào vị trí của các giáo viên trong video của bạn. nếu bạn là giáo viên dạy Tiếng Việt tại đất nước của bạn và vô tình một ngày bạn bị xuất hiện trong Video như thế này cho hàng trăm hàng nghìn học trò của mình nhìn thấy cái thiếu sót của mình. Liệu bạn có vui'
Phản bác lại ý kiến này, cũng có rất nhiều bình luận cùng nêu cao khẩu hiệu: 'Cái gì cũng có thể sai, nhưng nghề y và nghề giáo thì không bao giờ được phép sai sót'.
Trước sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận, ngay sau đó 3 ngày, thầy Dan đã đăng tải clip 'Cạnh tranh không lành mạnh à?' để thể hiện sự bức xúc của mình cũng như lên tiếng trần tình về video gây bão trước đó.
Thầy Dan tiếp tục lên tiếng bằng clip mới và dùng ẩn ý mặc áo mưa vì hứng 'bão' vài ngày qua.
Dan thậm chí còn mặc áo mưa để minh họa hài hước cho việc 'hứng bão' của mình.
Thầy giáo ngoại quốc phân tích từng từ 'cạnh tranh' và 'không lành mạnh' để cho thấy bản thân không hề cố ý 'dìm hàng đồng nghiệp' như một bộ phận đang nghĩ.
Quan điểm của thầy Dan, đó là thầy không hề cạnh tranh với trung tâm được đưa làm ví dụ trong clip 15 phút kia. Bởi dù trung tâm đó có sập, thì thầy cũng không nhận được học sinh từ nơi đó.
Và cái thầy giáo hướng đến, là một kênh ứng dụng về phát âm. Còn trung tâm ngoại ngữ kia lại là quy mô trường học. Chúng hoàn toàn khác nhau.
Còn về cụm từ 'không lành mạnh', rất nhiều người cho rằng Dan sử dụng clip 15 phút này như một chiêu trò quảng bá cho chính mình và ứng dụng. Tuy nhiên, thầy giáo ngoại quốc lại nhấn mạnh, không có một quảng cáo nào dài tận 15 phút, mà người ta chỉ nhắc đến thương hiệu ấy chỉ vẻn vẹn vài giây cuối cùng.
Việc bắt lỗi của Dan, đơn thuần là phát hiện lỗi sai và sửa lỗi, bởi dù là bất cứ ai, cứ coi bài giao tiếp đó như một bài kiểm tra, nếu bạn làm người khác không thể hiểu được, vậy là bạn đã thất bại và cần phải sửa rồi.
Đoạn clip này nhanh chóng nhận được hơn 360.000 lượt xem và rất nhiều bình luận đồng tình. Bỏ qua những lùm xùm xung quanh clip 15 phút đó, chúng ta có thể khách quan khẳng định rằng, những lỗi Dan chỉ ra đều là lỗi chung và việc phát hiện, sửa chúng như trong clip là điều rất hữu ích với người Việt.
Bất ngờ câu chuyện đằng sau 10 thành ngữ tiếng Anh quen thuộc
Đằng sau mỗi cụm từ, thành ngữ của bất kỳ dân tộc nào cũng là cả một câu chuyện và được tóm lược lại trong vài từ ngắn ngủi. Chúng ta thử tìm hiểu câu chuyện thú vị của mười câu thành ngữ nổi tiếng trong tiếng Anh nhé.