Hàng trăm nhân viên y tế Mỹ nhiễm nCoV
Hàng trăm nhân viên Mỹ nhiễm nCoV vì thiếu đồ bảo hộ cùng trang thiết bị và họ tự mò mẫm chữa cho người bệnh vì chưa có hướng dẫn điều trị.
01:30 01/04/2020
Một số bệnh viện đã hết đồ bảo hộ dùng một lần, buộc các nhân viên y tế phải tái sử dụng đồ cũ.
"Chúng tôi đang rơi dần vào khủng hoảng", một bác sĩ chuyên khoa chấn thương tại bệnh viện Jackson Memorial ở Miami nói.
Bác sĩ này cho biết phải cùng các đồng nghiệp tự mò mẫm điều trị cho người nhiễm nCoV vì chưa có tài liệu hướng dẫn và phác đồ. Sau khi điều trị cho những người nhiễm nCoV bị chấn thương, các bác sĩ lại đến đơn vị điều trị tích cực để chăm sóc những bệnh nhân khác.
Một chuyên gia gây mê của một bệnh viện ở New York cho biết bệnh viện thiếu máy thở và phải tận dụng máy gây mê để hỗ trợ hô hấp cho các bệnh nhân nhiễm nCoV.
"Không thể đáp ứng đủ. Có rất nhiều bệnh nhân nặng và chúng tôi không thể theo kịp yêu cầu", chuyên gia gây mê nói.
Các ca nhiễm nCoV với triệu chứng nặng không chỉ giới hạn ở nhóm cao tuổi mà đã mở rộng sang nhóm trẻ tuổi hơn. Các ca phải can thiệp đặt nội khí quản nằm trong nhóm 20-90 tuổi, một y tá tại bệnh viện NYU-Langone Brooklyn cho biết.
"Nhiều bệnh nhân trẻ tuổi trong tình trạng nặng đang nằm tại phòng điều trị tích cực của chúng tôi. Xin hãy ở nhà khi chúng tôi yêu cầu, chúng tôi không biết bạn sẽ thế nào. Không có cách nào để dự đoán ai trong số những người trẻ tuổi sẽ bị bệnh nặng hơn", trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Massachusetts Rochelle Walensk nói.
Mỹ ghi nhận hơn 164.000 ca nhiễm nCoV, trong đó hơn 3.100 người chết và hơn 5.500 người đã hồi phục. Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Anthony Fauci cảnh báo 100.000 người Mỹ có thể chết vì nCoV.
Tổng thống Donald Trump cho rằng 30 ngày tới là thời kỳ quan trọng để khống chế Covid-19 và kêu gọi dân Mỹ góp sức giành chiến thắng trong cuộc chiến chống đại dịch. Ông sẽ kéo dài chính sách "cách biệt cộng đồng" đến ngày 30/4 do lo ngại đỉnh dịch tại Mỹ có thể không đến trong hai tuần tới. Hơn 250 triệu người, tương đương khoảng 78% dân số, tại 30 bang và thủ đô Washington D.C. đã được lệnh ở nhà để ngăn nCoV lây lan.
Một nghiên cứu của Sở y tế Cộng đồng Seattle và Hạt King, bang Washington cho biết biện pháp "cách biệt cộng đồng" dường như đang giúp làm chậm tốc độ lây lan của nCoV tại địa phương. Theo nghiên cứu, số ca nhiễm nCoV mới từ một người mắc tại hạt King giảm từ 2,7 hồi cuối tháng 2 xuống 1,4 vào ngày 18/3.
Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc vào tháng 12/2019. 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đã xuất hiện Covid-19 với hơn 785.000 ca nhiễm nCoV, hơn 37.000 người chết và hơn 165.000 người đã hồi phục. Mỹ, Italy và Tây Ban Nha là ba nước ghi nhận số ca nhiễm nCoV cao nhất thế giới.
Link nguồn: https://vnexpress.net/hang-tram-nhan-vien-y-te-my-nhiem-ncov-4077453.html
Bức ảnh của y tá cho thấy dịch bệnh đáng sợ thế nào ở New York
Một y tá 38 tuổi tại bệnh viện ở Manhattan gần kết thúc ca làm việc vào ngày 29/3 thì bước vào nơi đậu xe cứu thương của tòa nhà, nơi anh chứng kiến cảnh tượng kinh ngạc.