'Hành động và cạnh tranh' là lẽ sống của ông Trump
Nhà báo Bill O'Reilly, tác giả cuốn "Nước Mỹ trong mắt Trump", cho rằng Donald Trump là con người ưa hành động và cạnh tranh.
22:30 03/11/2020
Trên Không lực Một, ngày 1/2/2019. 5h15 chiều.
Tổng thống Mỹ Donald J. Trump đang không vui. Ngồi sau chiếc bàn làm việc lớn bằng gỗ đặt trong văn phòng trên không đồ sộ của mình, ông yêu cầu gọi vợ ông, bà Melania, tới phòng ngay lập tức.
Chưa đầy một phút sau, bà Melania xuất hiện với vẻ ngoài chỉn chu không tì vết và nở một nụ cười rạng rỡ. “Em có tin được Bill không?” Ngài tổng thống nói với người vợ đang không hiểu chuyện gì xảy ra và hất hàm về phía tôi. “Ông ấy đang tra hỏi anh giống như cách ông ấy thường làm trên truyền hình. Anh cần được nghỉ ngơi! Anh đã nói suốt cả ngày rồi: Hết trả lời phòng vấn CBS rồi lại họp hành. Giọng anh khản đặc rồi!”
Đệ nhất phu nhân Mỹ không nói gì. Bà chỉ nhìn chúng tôi mỉm cười, rồi bỗng chốc biến mất.
Chúng tôi đã có hàng trăm cuộc đối thoại
Khi đó là bốn ngày trước Thông điệp Liên bang, gia đình nhà Trump đang bay đến tư dinh tại Palm Beach để nghỉ ngơi và thư giãn. Nhưng một kẻ phá bĩnh đang trì hoãn trạng thái ấy. Nhiều tháng qua, tôi đã cố gắng để có được cuộc phỏng vấn riêng với tổng thống.
Tôi muốn biết quan điểm của Donald Trump về nước Mỹ được hình thành như thế nào, và quan điểm ấy đã thay đổi ra sao kể từ khi ông trở thành người quyền lực nhất thế giới.
Với một người đàn ông thích cạnh tranh và thành tích, phải suy nghĩ nội tâm kiểu này thật khó chịu. Lý do duy nhất khiến Donald Trump chấp nhận cuộc phỏng vấn này là vì muốn để lại di sản. Ông tin tôi sẽ đối xử với ông một cách công bằng, điều mà tôi vẫn luôn làm. Nhưng có thể thấy rõ trong lúc đang bay qua vùng Duyên hải phía Đông nước Mỹ thì ngài tổng thống cũng chỉ muốn làm cho xong cuộc phỏng vấn này.
“Tôi có thể hỏi thêm vài câu được không?” Tôi nói khi thấy ông đã ăn xong đĩa sa-lát tôm. Vẫn khoác áo vest trên người, Trump nới lỏng chiếc cà vạt đỏ rực của mình. “Tôi chỉ làm điều này vì ông thôi đấy, Bill ạ. Nhưng ông cũng phải cho tôi thở một chút chứ. Mấy câu hỏi này căng quá; thôi nốt đi cho xong nào”. Và rồi chúng tôi cũng xong.
Phỏng vấn Donald Trump trên truyền hình dễ hơn nhiều so với phỏng vấn Donald Trump để in sách. Trên truyền hình, ông tập trung cao độ, sẵn sàng khẩu chiến hùng biện, dồn hết tâm trí cho khoảnh khắc ấy. Truyền hình đồng nghĩa với hành động, với sự thỏa mãn tức thời, với rủi ro cao.
Ngài tổng thống đặc biệt thích truyền hình. Và đó cũng là vấn đề của tôi trên Không lực Một, chiếc máy bay tối tân nhất thế giới. Bức tường đối diện ngài tổng thống là một màn hình lớn đang chiếu kênh Fox News ở chế độ tắt tiếng. Điều này làm Donald Trump phân tâm, đặc biệt là khi tiêu đề góc dưới màn hình cho thấy nội dung tin đang bàn luận về ông.
“Ông nghĩ sao về Bret Baier?”, ngài tổng thống vừa hỏi tôi vừa đưa đĩa thức ăn đã hết cho tiếp viên. “Anh ta có khăn cài túi ngực đẹp đấy”, tôi đáp, cố gắng chôn vùi chủ đề này và tìm cách xoáy vào chủ đề ngài tổng thống đã thay đổi quan điểm như thế nào về đất nước kể từ khi nắm quyền.
Tôi phải khiến ông tập trung trở lại. Tôi đã thành công. Ở một mức độ nhất định. Bạn sẽ được đọc những suy ngẫm của ông trong các chương tiếp theo.
Câu từ của ngài tổng thống rất chân thành. Chúng tôi đã có hàng trăm cuộc đối thoại, chưa khi nào tôi thấy ông giả tạo với tôi. Bạn có thể không thích những gì Trump nói ra, song đó là những lời thật lòng, kèm đó là cả một lịch sử hấp dẫn đằng sau cách tư duy của ông.
Sau khi tôi kết thúc phần đặt câu hỏi, ngài tổng thống bắt đầu thả lỏng và tra hỏi tôi về kẻ thù và những người có thể là đối thủ của ông trong kỳ bầu cử sắp tới. Tôi trả lời một cách thành thật, và ông ấy ghi chép lại.
Ông Donald Trump. Ảnh: NYPost
Ưa hành động, kể cả trong đối thoại
Trong suốt 45 năm sự nghiệp làm báo, tôi đã có những cuộc trò chuyện không chính thức bên lề với những người quyền lực nhất hành tinh, và tôi luôn trả lời thành thật, bởi cô giáo lớp một của tôi là Sơ Mary Lurana từng nói với tôi rằng: “Thành thật là đối sách tốt nhất”.
Tổng thống Trump thích những câu trả lời ngắn gọn, rõ nghĩa. Cứ nói dài hơn 30 giây là ông sẽ trở nên mất kiên nhẫn. Thứ ông ấy muốn là luận điểm chính, không phải tình hình. Ông là người đã quen với việc được chiều theo ý muốn, và cái ông muốn là hành động - thậm chí ngay trong đối thoại.
Khi tôi khiến ông hồi tưởng về tuổi thơ bằng câu hỏi: Quan điểm của ông về nước Mỹ được hình thành như thế nào. Ông nhìn tôi với ánh mắt hàm ý “Ai quan tâm chứ?”. Ông vẫn trả lời câu hỏi của tôi, nhưng tôi biết ông ghét việc phải hồi tưởng.
Mặc dù vậy, hồi tưởng rất quan trọng nếu bạn muốn hiểu những gì đã tạo động lực cho ngài tổng thống. Nếu bạn đơn giản chỉ muốn ghét ông, bạn sẽ chẳng quan tâm. Nhưng nếu bạn muốn có một cái nhìn sâu sắc về hiện tượng chính trị ít ai ngờ nhất trong cuộc đời mình, bạn sẽ có được điều đó trong cuốn sách này.
Sau khi Donald Trump đánh bại Hillary Clinton, tôi đã nói rằng hai sự kiện chính trị kinh ngạc nhất mà tôi từng được chứng kiến là vụ ám sát Tổng thống Kennedy và việc Tổng thống Trump đắc cử.
Thực tế là tôi đã đưa ra dự đoán trên truyền hình rằng Trump sẽ thắng vài ngày trước khi bầu cử diễn ra. Tôi đi đến kết luận như vậy sau khi phân tích thất bại của Ngoại trưởng Clinton trong việc kết nối với người lao động Mỹ trong suốt chiến dịch tranh cử. Xem cái cách bà vận động cử tri tại một chi nhánh của Nhà hàng Bánh quế (Waffle House) thật quá tệ. Khó tin ở chỗ, ông trùm tỷ phú Trump lại kết nối được với người dân, và tôi biết tại sao (điều này chúng ta sẽ bàn luận ở phần sau).
Nhưng vì muốn khám phá một chút lịch sử, nên tôi đã cố gắng tìm hiểu thời điểm và cách thức Tổng thống Trump định hình quan điểm về nước Mỹ, quan điểm đã thuyết phục hơn 60 triệu người Mỹ bỏ phiếu cho ông. Đó là điều tôi chưa biết. Do đó, tôi đã tra tấn ngài tổng thống bằng hàng loạt câu hỏi để tìm ra câu trả lời.
Rời khỏi văn phòng trên không, tôi cảm ơn Donald Trump vì cuộc phỏng vấn. Tôi không biết liệu ông sẽ chấp nhận một cuộc phỏng vấn tương tự sau này hay không, nhưng có vẻ ông không còn khó chịu nữa. Máy bay đang hạ cánh xuống thành phố West Palm Beach, và ngài tổng thống sẽ sớm được thư thái tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của mình; ngày mai, ông có lịch chơi golf với Tiger Woods và Jack Nicklaus. Trên sân sẽ có hành động, sẽ có cạnh tranh.
Và đó chính là lẽ sống của Donald J. Trump: Hành động và cạnh tranh. Chúng luôn tồn tại trong tâm trí ông. Bởi quyền lực to lớn mà ông sở hữu, tư duy này sẽ tác động trực tiếp đến cuộc sống của mỗi người dân Mỹ và tới phúc lợi của toàn thế giới. Thực tế là như vậy, dù ta có muốn hay không.
Cử tri Mỹ gốc Việt háo hức trước giờ G
Jimmy Lương sẽ đi bầu cho Tổng thống Trump vào ngày 3/11 và cùng nhóm bạn mở tiệc chờ kết quả kiểm phiếu tối đó.