Hành trình cuốn nhật ký chiến trường từ Mỹ trở về với cựu binh Việt Nam

Cựu binh Nguyễn Văn Thiện mất cuốn nhật ký chiến trường trong trận càn của lính Mỹ năm 1967 và không ngờ rằng nó sẽ trở về sau 56 năm, trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới Việt Nam.

23:21 21/09/2023

Đối với cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiện, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam đầu tháng này không chỉ là sự kiện quan trọng đối với quan hệ hai nước, mà còn là một dấu mốc đáng nhớ với cuộc đời ông.

Tại Nhà Quốc hội ngày 11/9, trước sự chứng kiến của Tổng thống Biden và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ông Thiện đã nhận lại cuốn nhật ký chiến trường bị mất trong trận càn ở Tây Ninh năm 1967.

"Tôi không thể tưởng tượng được mình có thể cầm lại cuốn nhật ký bị mất trong chiến tranh gần 60 năm trước. Điều đó thực sự bất ngờ và xúc động. Với tôi, đó là kỷ vật vô giá", ông Thiện, 75 tuổi, nói với VnExpress.

Chủ tịch  Vương Đình Huệ và Tổng thống Biden chứng kiến lễ trao cuốn nhật ký cho cựu binh Nguyễn Văn Thiện tại Nhà  chiều 11/9. Ảnh:Ngọc Thành

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng thống Biden chứng kiến lễ trao cuốn nhật ký cho cựu binh Nguyễn Văn Thiện tại Nhà Quốc hội chiều 11/9. Ảnh:Ngọc Thành

Ông Thiện sinh tại Tiền Hải, Thái Bình vào tháng 8/1948. Là con trai duy nhất trong gia đình có cha là liệt sĩ, ông hiểu rất rõ sự ác liệt, mất mát của chiến tranh. Tuy nhiên, điều đó không thể cản trở ông quyết tâm nhập ngũ để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc khi chưa tròn 17 tuổi.

Sau nhiều lần bị từ chối đơn nhập ngũ vì hoàn cảnh gia đình neo đơn, vào tháng 4/1965, ông gia nhập tiểu đoàn 54 Thái Bình, hành quân vào mặt trận Đông Nam Bộ.

"Tôi hiểu rằng xin đi chiến trường khi đó là tính mạng sẽ nghìn cân treo sợi tóc, đối mặt nhiều khó khăn, gian khổ. Do đó, tôi mang theo cuốn nhật ký để ghi lại những gì trải qua trên đường hành quân và chiến đấu", ông Thiện kể. "Tôi muốn sau này con cháu mình biết được ông cha chúng từng đối mặt với những gian khổ như thế nào".

Cứ sau một hai ngày hành quân hoặc một trận đánh, hay khi cảm xúc dâng trào nhất, ông ngồi xuống và ghi vài dòng vào nhật ký.

Cuốn nhật ký của ông ghi lại tương đối chi tiết hành trình hành quân vào Nam, đi qua Hòa Bình, Hà Đông, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, nước Lào và cuối cùng tập kết ở Tây Ninh. Nó cũng mô tả những nguy hiểm, nhọc nhằn, hy sinh mà bộ đội Việt Nam gặp phải trên hành trình đó, nhưng cũng thể hiện quyết tâm chiến đấu của ông Thiện và đồng đội.

Tháng 3/1967, quân Mỹ tiến hành trận càn ác liệt quy mô lớn mang tên Junction City vào căn cứ tiểu đoàn phòng không 56 (hay còn gọi là d529) của ông Thiện ở Tây Ninh. Cũng trong trận càn đó, ông Thiện mất cuốn nhật ký.

"Khi trận càn qua đi, tôi trở lại căn cứ và phát hiện đồ đạc trong balo bị lục tung. Cuốn nhật ký biến mất. Tôi khi đó tin chắc nó đã rơi vào tay quân Mỹ và sẽ không bao giờ có thể tìm lại", ông kể.

Ông Thiện bắt đầu viết cuốn nhật ký thứ hai vào cuối năm 1967, nhưng nó cũng bị thất lạc ba năm sau, khi ông bị thương nặng trong một trận đánh ở Tây Ninh. Sau khi điều trị vết thương, ông trở lại đơn vị và nhận quyết định ra Bắc vào năm 1971. Trong quá trình hành quân ra Bắc, ông đã viết cuốn nhật ký thứ ba và giữ đến tận bây giờ.

Trở về hậu phương, ông Thiện an dưỡng tại Đoàn 581, rồi trở thành chính trị viên của đội an dưỡng. Tháng 2/1974, ông nhận yêu cầu tập trung đoàn công tác đặc biệt chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh và quay vào Biên Hòa.

Sau khi đất nước thống nhất, ông ra Bắc, quay lại cuộc sống thời bình. Ký ức về cuốn nhật ký cũng lùi dần cùng những hoài niệm chiến tranh.

Đầu năm 2022, ông bất ngờ nhận được điện thoại từ nhóm nghiên cứu Trường Harvard Kennedy ở Mỹ hỏi về cuốn nhật ký chiến trường bị mất. Ông có chút hoài nghi, vì cuốn nhật ký năm xưa không có bất kỳ thông tin nào về họ tên, quê quán hay đơn vị, ngoài bút danh "Lương Thiện" được ông viết ở những trang đầu.

Song trong những lần liên hệ sau đó và được nhóm nghiên cứu gửi ảnh chụp một số đoạn trong cuốn nhật ký, cựu chiến binh này mới dần tin câu chuyện cuốn nhật ký của ông đang được lưu trữ cách Việt Nam nửa vòng Trái Đất.

Trang nhật ký với bút danh Lương Thiện của cựu binh Nguyễn Văn Thiện. Ảnh: Thanh Tâm

Trang nhật ký với bút danh Lương Thiện của cựu binh Nguyễn Văn Thiện. Ảnh: Thanh Tâm

Sau khi Việt – Mỹ bình thường hóa quan hệ năm 1995, nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh và tìm kiếm hài cốt quân nhân mất tích của hai bên được hai chính phủ phối hợp và thúc đẩy mạnh mẽ. Tuy nhiên hai nước vẫn chưa có sự hợp tác chính thức nào trong hỗ trợ tìm kiếm hài cốt và xác định danh tính liệt sĩ Việt Nam, ngoài việc một số tổ chức và cựu chiến binh cung cấp những tài liệu thô chưa được thẩm định, xác minh.

Từ tháng 7/2021, thực hiện Bản ghi nhớ Sáng kiến tìm kiếm quân nhân Việt Nam mất tích trong chiến tranh giữa hai nước, trường cao học chính sách công Harvard Kennedy đã xây dựng dự án Những di sản Chiến tranh Việt Nam chưa được khám phá: Tìm kiếm, lưu trữ và chia sẻ những thông tin mất tích và kỷ vật lịch sử cá nhân của tử sĩ Việt Nam (gọi tắt là Di sản chiến tranh Việt Nam chưa được khám phá).

Dự án là nỗ lực nghiên cứu đầu tiên và có hệ thống nguồn tài liệu đa dạng từ các bên tham chiến nhằm hỗ trợ việc tìm kiếm hài cốt, xác định danh tính liệt sĩ Việt Nam. Nỗ lực này cũng mở ra kênh hợp tác chính thống của hai nước về cung cấp thông tin và tài liệu thực chứng có giá trị cao, đã được xác minh thông qua quy trình nghiên cứu nghiêm ngặt về hồ sơ liệt sĩ, quân nhân mất tích của Việt Nam.

Trong khi tìm hiểu bộ tài liệu chiến trường được lưu trữ tại Trung tâm Khai thác tài liệu hỗn hợp (CDEC) thuộc Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam trước năm 1975, nhóm nghiên cứu Harvard tìm thấy các bản chụp microfilm cuốn nhật ký do Sư đoàn 4 Lục quân Mỹ thu giữ tại Tây Ninh năm 1967.

"Chúng tôi tìm thấy cuốn nhật ký này giữa hàng triệu trang tài liệu microfim hỗn hợp không có danh mục, nhưng nó không có bất kỳ thông tin gì về tác giả hay đơn vị, ngoài bút danh Lương Thiện", tiến sĩ Nguyễn Hải, giám đốc dự án Di sản chiến tranh Việt Nam chưa được khám phá của Trường Hardvard Kennedy, cho hay.

"Với sự trân trọng lịch sử cá nhân của người lính, chúng tôi quyết tâm bằng mọi giá phải tìm được tác giả này, dù biết đây có thể là nhiệm vụ bất khả thi", ông Hải nói thêm.

Hành trình đó xuất phát từ một dòng ghi chép ngày 13/2/1966, thể hiện sự đau buồn của người viết. "Một ngày đau khổ nhất vì rằng một người anh, người đ/c của tôi hy sinh trên bước đường công tác. Anh Nguyễn Văn Xuân, thôn Đông Quách, xã Nam Hà, Tiền Hải, Thái Bình", tác giả viết trong nhật ký.

Từ manh mối này cùng sự giúp đỡ của nhiều người dân và giới chức địa phương, nhóm nghiên cứu Harvard liên hệ được với thân nhân gia đình liệt sĩ Xuân. Thông qua họ, thông tin về chủ nhân đích thực của cuốn nhật ký bắt đầu hé lộ, đó là cựu binh Nguyễn Văn Thiện, đồng đội cùng quê Tiền Hải với liệt sĩ Nguyễn Văn Xuân.

Trước khi trao trả cuốn nhật ký, ngoài việc thẩm định thông tin cá nhân, nhóm nghiên cứu Harvard đã lập báo cáo chi tiết, xác minh đơn vị, tuyến đường hành quân ở Tây Nguyên, trận đánh ở chiến trường Tây Ninh, đối chiếu bản đồ khu vực giao tranh với nguồn sử liệu lưu trữ ở Mỹ và Việt Nam để cung cấp thông tin thực chứng liên quan đến nội dung và chủ nhân đích thực của nhật ký.

Đây cũng chính là cơ sở để các chuyên gia Harvard nghiên cứu và hoàn thành bản báo cáo về hoàn cảnh hy sinh và nơi mai táng ban đầu của liệt sĩ Xuân.

Ông Thiện cho biết liệt sĩ Nguyễn Văn Xuân được nhắc tới trong cuốn nhật ký không chỉ là tiểu đoàn trưởng, mà còn là người anh kết nghĩa mà ông rất yêu quý. Sau khi ông Xuân hy sinh, ông Thiện đã luôn giữ bên mình chiếc đồng hồ của người anh kết nghĩa trong suốt những năm tham gia chiến đấu sau đó, trước khi trao lại cho gia đình liệt sĩ Xuân theo di nguyện của đồng đội.

"Tôi ghi rất rõ ngày tháng hy sinh của anh Xuân theo cả lịch âm và lịch dương, cùng quê quán để phòng trường hợp nếu tôi hy sinh trên chiến trường, đồng đội tôi sau này vẫn có thể báo cho người nhà anh ấy biết chính xác ngày mất để cúng giỗ", ông Thiện kể.

Ông Thiện không ngờ rằng chính dòng ghi chép đó đã giúp đưa cuốn sổ bị mất gần 60 năm trước trở về với ông, dù chỉ là bản sao bằng công nghệ microfilm.

"Giây phút cuốn nhật ký được trao lại cho cựu binh Nguyễn Văn Thiện trước sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ và Chủ tịch thật xúc động. Nỗ lực âm thầm của nhóm nghiên cứu Harvard đã giúp những cựu binh như ông Thiện tìm lại được kỷ vật quý giá", ông Hải cho hay.

Trang nhật ký viết về liệt sĩ Nguyễn Văn Xuân. Ảnh: Thanh Tâm
Trang nhật ký viết về liệt sĩ Nguyễn Văn Xuân. Ảnh: Thanh Tâm

Cùng với nhật ký cựu binh Nguyễn Văn Thiện, dự án của Harvard cũng đã cung cấp báo cáo về 563 liệt sĩ thuộc trung đoàn 273, sư đoàn 9. Báo cáo đã được Ngoại trưởng Mỹ trao cho Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam trong cuộc gặp của Tổng thống Biden với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Đây là đợt báo cáo thứ 7 mà nhóm nghiên cứu Harvard phối hợp với Phòng Tùy viên Quốc phòng (DAO), đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội chuyển giao cho Ban chỉ đạo quốc gia 515 về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.

Tiến sĩ Hải cho biết các tài liệu cần xác minh chủ yếu được viết bằng tay, không còn nguyên vẹn hoặc đã bị hư hại bởi thời tiết, khói lửa chiến tranh. Ngoài thách thức về kỹ thuật để khôi phục thông tin, tài liệu viết trên chiến trường còn sử dụng nhiều phương ngữ khắp ba miền , tạo rào cản cho nhóm chuyên gia. Để tránh sai sót hoặc bỏ sót, họ phải "dịch tiếng Việt ra tiếng Việt trước" với nhiều văn bản trong quá trình nghiên cứu.

Ông cho hay Dự án Di sản chiến tranh chưa được khám phá đã hỗ trợ nhiều cựu binh, thân nhân liệt sĩ, tử sĩ tìm được thông tin người thân, hoàn cảnh chiến đấu và hy sinh, nơi chôn cất hài cốt hoặc kỷ vật cá nhân và tập thể thất lạc trong cuộc chiến tranh hơn nửa thế kỷ trước. "Đây là cầu nối chính thức giúp chính quyền và nhân dân Việt - Mỹ khắc phục hậu quả chiến tranh", tiến sĩ Hải nói.

Tags:
Hà Thanh Xuân lộ khoảnh khắc 'tình tứ' cạnh trai trẻ hậu đổ vỡ, CĐM vui mừng ra mặt ủng hộ tới bến

Hà Thanh Xuân lộ khoảnh khắc "tình tứ" cạnh trai trẻ hậu đổ vỡ, CĐM vui mừng ra mặt ủng hộ tới bến

Hậu chia tay vua cá Koi, mọi động thái của Hà Thanh Xuân được công chúng chú ý nhiều hơn cả. Mới đây, nữ ca sĩ hải ngoại gây sốt mạng xã hội với loạt khoảnh khắc gần gũi với trai lạ trên sân khấu.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất