Hành trình muôn nẻo của người Việt trẻ tại Mỹ: ‘Gai‘ và ‘hoa hồng‘!

Khi đến Mỹ, mỗi bạn trẻ Việt Nam đều có những giai đoạn khó khăn của riêng mình, nhưng phần lớn họ đều tìm được người đồng hành để cùng vượt qua trở ngại ấy giống như các chú chim nhỏ bé tìm bay theo đàn về phương Nam tránh rét...

21:42 15/12/2023

Được tổ chức giữa mùa dịch bệnh Covid-19, cuộc thi Hành trình nước Mỹ năm nay với chủ đề “Sát cánh bay cao - cùng nhau tỏa sáng” do Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Mỹ (AVSPUS) tổ chức đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các bạn thanh niên sinh viên Việt Nam đã và đang sinh sống, học tập và làm việc tại Mỹ. Sự kiện tạo cơ hội cũng như một nhịp cầu để họ chia sẻ những trải nghiệm của bản thân khi cùng với người đồng hành của mình chinh phục những thử thách tại nước Mỹ...

Không lẻ loi ở Virginia

Ba tháng trước, khi bắt đầu chuyến bay 10.000 dặm từ Hà Nội đến Mỹ là những ngày đầy lo lắng, hoang mang của cô gái Lê Hải Vân. Cô chưa từng đi máy bay, cũng chưa từng nghĩ sẽ sống xa nhà trong một khoảng thời gian dài như vậy và không phải muốn về lúc nào cũng được. Thế rồi, đến hiện tại đang ở nhà tránh dịch bệnh, nhìn lại những ngày tháng vừa qua, cô lại thầm biết ơn vì bố mẹ đã trao cho cô cơ hội được gặp những người bạn và đồng bào Việt Nam trên đất Mỹ. Cô gái ấy chỉ mong đại dịch chóng qua để cuộc sống quay lại bình thường, được gặp gỡ mọi người và tiếp tục hành trình của mình. Giờ đây, mỗi người bạn cô gặp trong một năm qua thực sự là nguồn cảm hứng và động lực giúp cô đi tiếp. Mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mỗi cách nhìn đã giúp cô phải thay đổi lại cách nhìn nhận về cuộc sống của mình. “Trước khi sang Mỹ, tôi từng rất hoang mang về tương lai, luôn suy nghĩ quá nhiều và hay nghĩ tiêu cực. Nhưng rồi, tôi cảm thấy được là chính mình khi ở trường và không còn bận tâm người khác nghĩ mình như thế nào. Ở đây, mỗi người đều có những nét đặc biệt riêng và khi chúng hòa quyện vào với nhau, một cộng đồng đầy sắc màu xuất hiện. Mỗi người tôi gặp gỡ đều trở thành một phần tuổi trẻ. Con đường phía trước sẽ còn nhiều khó khăn nhưng tôi tin, thế giới này luôn có chỗ cho sự sẻ chia và giúp đỡ lẫn nhau”, cô nói.

Cuộc sống không chỉ có hoa hồng

Với Phạm Tô Nữ Vân Anh, khoảnh khắc bốn mẹ con cô được đoàn viên ở Mỹ sau nhiều năm xa cách là món quà được thượng đế ưu đãi. Sau sự nhớ nhung và chờ đợi, cả nhà cô được đoàn tụ tại một đất nước mà theo cô “nó không phải là thiên đường” mà là “chiến trường” của sự cố gắng, cần cù cùng với sự hy sinh và tâm huyết của cô. Suốt năm học trung học, mỗi ngày tan học, cô đều chạy thật nhanh ra trạm xe buýt, cho kịp về nhà hàng sớm hơn để phụ mẹ bưng bê, nấu phở, dọn dẹp những công việc lặt vặt. Cuộc sống đôi lúc khó khăn nhưng gia đình luôn ấm áp... Tuy nhiên, mọi thứ không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng khi việc làm ăn kinh tế của gia đình cô lâm vào trình trạng khủng hoảng. Vân Anh đã quyết định học trễ lại và theo đuổi ước mơ với những kế hoạch và làm việc cụ thể trong tương lai. Và khi khoá học mới bắt đầu, cô gái nhỏ lại nỗ lực học thêm cùng với công việc làm thêm buổi tối có khi tới 2,3 giờ sáng. Dù mệt nhưng cô thấy vui vì thấy bản thân giúp được phần nào cho gia đình. Mỗi khi thất vọng, cô luôn nhớ đến lý do ban đầu vì sao mẹ cho ba chị em sang Mỹ ăn học để tiếp tục tiến về phía trước. Cô chia sẻ: “Đây chỉ mới là sự khởi đầu, con đường vẫn còn thêng thang đang chờ đón nó. Tài sản vô giá tôi đang sở hữu là gia đình và bạn bè”.

Khi cô đơn là bạn

Sinh sống ở Chicago, chàng trai Lương Quân Diệu là một con người năng động, thích trò chuyện nhưng cảm giác cô đơn lại đến mỗi khi anh đối diện với chính mình và muốn tránh xa những phiền muộn hay lo âu giữa dòng đời tấp nập. Đó là sau mỗi buổi làm việc mệt mỏi, anh tự thưởng cho mình những món ăn mới lạ, là một ngày mưa buồn tới một quán cà phê đặc biệt ngay tại trung tâm thành phố Chicago, hay nhiều khi vì tò mò tìm đến một lễ hội độc lạ... Lương Quân Diệu chia sẻ, năm 2020 là năm những khát khao, những ước nguyện của anh trở thành hiện thực. Sau hai năm miệt mài đèn sách, anh đã cầm trên tay tấm bằng Thạc sĩ và bài báo khoa học của anh cũng được chấp nhận để trình bày trước một hội thảo nghiên cứu khoa học. Trong buổi lễ tốt nghiệp trực tuyến mới đây, anh may mắn khi được mời làm đại diện sinh viên Việt Nam chia sẻ về trải nghiệm học tập tại Mỹ. Năm 2020 còn là một năm đầy những sự mất mát khi anh chứng kiến có người đã ra đi vì dịch bệnh, có người ra đi sau bao năm đấu tranh chống lại căn bệnh hiểm nghèo như người ông ngoại mà anh không có cơ hội gặp lần cuối.

Với anh, cô đơn cũng là khoảng khắc nhìn lại những thử thách đã vượt qua cũng như chuẩn bị hành trang cho một hành trình mới. “Những giây phút cô đơn cũng sẽ trở nên ý nghĩa và đáng nhớ khi bạn biết dành những khoảnh thời gian ấy để làm đẹp cho cuộc sống của bản thân cũng như phát triển tình cảm của mình”, anh tâm sự.

Năng lượng yêu thương

Nguyên Nguyễn tâm sự cô đến Mỹ vào những tháng lạnh nhất của Pennsylvania năm 2011. Sau khi chuyển sang California, cô gái trẻ quyết định học và theo nghề nail dù đôi khi bị khách chê vì chưa giỏi tiếng Anh hay bị chủ trừ tiền lương. Trải qua nhiều tháng với nghề nail để kiếm tiền phụ đỡ gia đình, cô đăng ký đi học và quyết định này đã làm thay đổi cuộc đời của cô. Năm trung học đầu tiên, cô may mắn gặp Rich và Alice, cặp vợ chồng người Mỹ đã dần xem cô như một thành viên trong gia đình họ. Rich là thầy giáo dạy tiếng Anh, đã hỗ trợ và động viên cô nhận việc và cố gắng học thêm ngoài giờ lên lớp để nâng cao khả năng giao tiếp.

Năm 2018, khi Nguyên Nguyễn được chọn làm sinh viên phát biểu ở lễ tốt nghiệp đại học, cặp vợ chồng người Mỹ đã đến dự và thậm chí còn khóc khi thấy cô đứng trên khán đài, tự nói trước hàng nghìn người. Có thể nói, Rich và Alice như người cha, người mẹ thứ hai của cô. Thứ năng lượng mà cô có được để tỏa sáng trong buổi lễ tốt nghiệp năm ấy là năng lượng tích cực mà cô nhận được từ những tấm lòng nhân hậu như họ, sẵn sàng đưa tay đón nhận và yêu thương một người khác màu da, ngôn ngữ và văn hóa.

Nguồn năng lượng ấy cũng truyền cảm hứng cho cô cùng Hội sinh viên Việt Nam ở Sacramento tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ gây quỹ để làm lễ phát thưởng cho các bạn học sinh, sinh viên, giúp đỡ nạn nhân các vụ cháy rừng hay lũ lụt. Tại Mỹ, Nguyên Nguyễn đã đi nhiều nơi và làm khá nhiều công việc như nail, trông trẻ, bán bảo hiểm xe, dọn văn phòng cho giáo viên, hát đám cưới và hiện tại đang làm kế toán cho một văn phòng chính phủ của tiểu bang.

“Từ một con bé nhút nhát, đầy nỗi sợ, tự cô lập bản thân vì rào cản ngôn ngữ năm nào, tôi giờ đây đã tự tin và can đảm hơn để làm những điều mình yêu thích và truyền năng lượng tích cực đến cho nhiều người. Cuộc sống luôn có những điều bất ngờ chờ đợi ta phía trước nên thay vì chờ đợi mong nỗi sợ qua đi mình chọn cách đối mặt và vượt qua những nỗi sợ hãi không tên ấy”, Nguyên Nguyễn chia sẻ.

Tags:
Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc

Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc

Việt Nam - Trung Quốc ra Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược Toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất