Hành trình tìm nguồn cội của nữ phóng viên Pháp gốc Việt
7 năm qua, Loanne đều về Việt Nam tìm mẹ nhưng không có kết quả, từ đầu 2023 cô quyết định ở lại với quyết tâm "biết nguồn cội của mình".
09:07 06/07/2023
Trong giấy khai sinh do trại trẻ mồ côi Gò Vấp cấp, Loanne Jeunet có tên gốc là Tào Thị Ngọc Thảo sinh ngày 5/1/1994 tại Bệnh viện Hùng Vương, TP HCM, bị bỏ rơi ngay từ lúc lọt lòng. Ba tháng tuổi, cô được một cặp vợ chồng người Pháp nhận nuôi và đưa sang Paris.
Bố mẹ nuôi cho cô tình yêu thương, tạo cơ hội học tập hay bất cứ điều gì mong muốn. Tuy nhiên, suốt thời thơ ấu, Loanne luôn cảm thấy cô đơn, không biết mình là ai và sống trong sự mặc cảm bởi sự kỳ thị của người bản xứ.
"Mỗi lần đi qua một nhóm người lạ, họ lấy tay kéo hai mắt xa nhau nhằm giễu cợt đôi mắt bé của tôi", Loanne nhớ lại. Cô bị gọi với biệt danh "Ching chong", từ người Pháp hay dùng để miệt thị người châu Á. Không ít lần, cô còn bị những kẻ lạ hét vào mặt câu nói: "Hãy cút về nước".
Bị miệt thị ngoài đường chưa phải là nỗi đau duy nhất, trong trường học Loanne cũng bị phân biệt đối xử. Cô bé gốc Việt bị trầm cảm từ năm 7 tuổi.
Loanne nhớ lại, có năm nhà trường tổ chức hoạt động yêu cầu học sinh lớp trên chọn rồi chăm sóc những học sinh nhỏ tuổi hơn. Khi tất cả đã được chọn, riêng Loanne đã bị loại vì không ai đồng ý nhận cô bé về đội mình do ngoại hình khác biệt.
"Tôi không hiểu vì sao không được chọn trong khi luôn là học sinh giỏi nhất lớp", Loanne nhớ lại. Cô thường khóc một mình vào ban đêm và nói với bố mẹ nuôi rằng ước gì mình da trắng, mắt xanh và tóc vàng giống các bạn.
Mỗi khi thấy con khóc, mẹ nuôi, bà Jeunet, lại vỗ về động viên. Nhưng người phụ nữ này cũng thú nhận với chồng không nghĩ việc nhận Loanne làm con nuôi lại đem đến sự đau khổ về mặt tinh thần cho cô bé đến vậy.
Dù đã đưa con điều trị tâm lý nhưng ông bà Jeunet nhận ra không thể lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn cô bé. Loanne luôn dằn vặt và đặt câu hỏi: "Ai đã sinh ra mình? Mẹ đẻ là người như thế nào? Tại sao bỏ rơi con?".
"Trong lòng con gái khi đó không có cảm giác an toàn. Tôi nghĩ phải tìm mẹ đẻ cho Loanne mới phần nào hàn gắn trái tim bị tổn thương của con bé", ông Jeunet chia sẻ.
Năm Loanne 10 tuổi, bố nuôi lần đầu cô đưa về Việt Nam thăm quê hương và bí mật tìm mẹ ruột cho cô nhưng không có kết quả.
Năm năm sau, Loanne một lần nữa trở lại Việt Nam với bố nuôi. Lần này họ đến bệnh viện và trại trẻ mồ côi, tìm được người phụ nữ có tên trong giấy khai sinh của Loanne. Tuy nhiên, người phụ nữ nói rằng giấy tờ đó đúng tên họ của cô nhưng đứa con đã mất ngay khi chào đời.
"Chắc do nhầm lẫn nên tôi lại mang giấy tờ của một trẻ sơ sinh khác", Loanne nói. Dù vậy, cô vẫn xin thử ADN với người phụ nữ. Kết quả họ không phải ruột thịt.
Dù chuyến đi không đạt kết quả, nhưng thứ mà cô bé 15 tuổi khi đó nhận được đã thay đổi tâm trí hoàn toàn.
Khi đến trại trẻ mồ côi, Loanne đã rất sốc với cuộc sống của những đứa trẻ bị bỏ rơi trong đó. "Sẽ ra sao nếu mình không được nhận nuôi", cô tự đặt câu hỏi. Sự nghèo đói của một số người gặp trên đường cũng khiến cô bé nhìn nhận lại khi bản thân có đầy đủ thức ăn, giường ngủ và tình yêu từ những người thân yêu nhất.
Những bài học gom góp trong chuyến đi đã khiến Loanne nhìn cuộc sống tích cực, tươi sáng hơn, thay vì chìm đắm trong mặc cảm. Trở về từ Việt Nam, Loanne không còn cảm thấy việc được nhận làm con nuôi là điều đáng xấu hổ. Nếu ai đó hỏi về mái tóc đen và nước da vàng, cô trả lời: "Bởi tôi là người gốc Á". Với cô gái này, mọi rắc rối của tuổi mới lớn đều dần được giải quyết trong hơi ấm của tình yêu thương.
Kết thúc chuyến đi tìm mẹ năm 15 tuổi, Loanne muốn quay lại Việt Nam khi đã trưởng thành, đủ đầy kinh tế thay vì dựa dẫm vào cha mẹ nuôi. Để làm được điều này, khi còn là sinh viên, cô đã làm song song hai công việc. Vừa đi học ngành báo chí, vừa làm thêm tại một công ty thực phẩm.
Sau khi tốt nghiệp và làm phóng viên cho một công ty truyền thông Pháp, Loanne trở lại Việt Nam vào các năm 2016, 2017, 2018. Cô liên hệ với những hội nhóm tìm người thất lạc trên các trang mạng xã hội, tổ chức hỗ trợ tìm người thân và đến bệnh viện và trại trẻ mồ côi xin thêm thông tin. Cô học lái xe máy, rong ruổi khắp đường phố Sài Gòn dán tờ rơi, dò hỏi thông tin về mẹ đẻ từ những dữ liệu có được.
Nhiều người thấy Loanne vất vả, khuyên cô nên hài lòng với những gì mình có và tiếp tục cuộc sống ở Pháp thay vì về nước tìm mẹ. "Nhưng tôi vẫn muốn tìm lại bà, để biết mình là ai và đến từ đâu", Loanne nói.
Cô cũng hiểu với một người mẹ, quyết định rời bỏ con không hề dễ dàng nên chưa bao giờ oán hận mà mong mỏi được gặp lại mẹ, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Trở lại Việt Nam năm 2019, việc tìm kiếm có thêm thông tin mới. Nhiều người nhận xét, Loanne và người từng giới thiệu cô hồi nhỏ cho bố mẹ nuôi Pháp rất giống nhau. Cô gái muốn thử ADN với người phụ nữ này nhưng bị từ chối. Biết con trai của người phụ nữ đó ở Pháp, cô đã gửi mẫu tóc của mình cho anh để làm xét nghiệm. Nhưng kết quả chứng minh họ không chung huyết thống.
Cuộc tìm kiếm mẹ ruột đối với Loanne khi đó cứ như kéo dài vô tận. Mỗi lần cô nghĩ sắp tìm thấy mẹ thì sau đó lại thất vọng vì thông tin đi vào ngõ cụt. Dù vậy, cô gái 29 tuổi khẳng định sẽ không bao giờ bỏ cuộc bởi coi việc tìm mẹ là một trong những mục đích sống trên đời.
Hai năm Covid-19, cô gái bị mắc kẹt ở Paris. Không sang được Việt Nam, cô thuê người tìm kiếm nhưng cũng không có kết quả. Tháng 1/2023, sau khi dịch bệnh ổn định, Loanne quay lại quê hương, tiếp tục hành trình còn dang dở.
Giống như những lần trước, cô đăng lên các hội nhóm, dán tờ rơi, đi đến những nơi có thể hỏi được để tiếp tục việc tìm kiếm. Loanne cũng đang cố gắng học tiếng Việt bởi nhận ra rào cản ngôn ngữ sẽ khiến việc tìm kiếm trở nên khó khăn hơn. "Tôi muốn học thật tốt tiếng Việt để có thể nói chuyện với mẹ nếu một ngày nào đó tìm thấy bà", cô khẳng định.
Hiện cô gái thuê nhà tại TP HCM và tiếp tục công việc của một phóng viên làm từ xa. Cô cũng đang tìm kiếm công việc liên quan để sinh sống tại Việt Nam, phục vụ cho việc tìm kiếm mẹ.
Dẫu biết hành trình tương lai sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng Loanne vẫn kiên trì, bởi hiểu chỉ khi tìm thấy mẹ mới có thể lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn.
"Tôi mong đến ngày được gặp lại mẹ và đó sẽ là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong đời", cô gái nói.
Hải Hiền
“Du hành xuyên thời gian” ở Châu Âu là có thật: Nếu đến hòn đảo này, bạn có thể đi bộ ngược về quá khứ
Liệu con người có thể du hành xuyên thời gian - đi ngược về quá khứ hoặc tiến đến tương lai - hay không là một câu hỏi mà các nhà khoa học đã tìm hiểu suốt nhiều năm nay. Và hóa ra, trên Trái Đất có một nơi như vậy: Tại đây, bạn có thể đi bộ trở về ngày hôm qua hoặc đến ngày mai.