Hậu duệ triều Nguyễn trên đất Mỹ: Doanh nghiệp đầu tiên nhập khẩu chính ngạch trái cây, mắm tôm, bánh bột lọc Việt Nam, chấp nhận chỉ là “người đứng sau”

"Bây giờ 90% thực phẩm Á Đông ở các chợ của Mỹ là sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng ước mơ của tôi chưa đạt" - Chị Chinh Nguyễn, CEO của CTWS Group nói.

09:02 27/08/2023

Bà Công Huyền Tôn Nữ Ngọc Bích là đời thứ 5 của gia đình hoàng tộc hệ nhị chánh vua Minh Mạng. Bà sinh được 8 người con gồm 4 trai, 4 gái. Khi người con gái út Chinh Nguyễn 19 tuổi, cả gia đình sang Mỹ sinh sống và lập nghiệp.

Ba mẹ là người Huế, sinh ra tại Sài Gòn và sang Mỹ đã 35 năm, chị Chinh Nguyễn tự tin nói rằng mình là một người “hoàn toàn Việt Nam”. CEO của CTWS Group – một trong những công ty phân phối thực phẩm Á Đông lớn nhất nước Mỹ - đến nay vẫn không ăn được Hamburger, hot dog hay các món ăn nước ngoài.

Với giọng nói pha trộn từ nhiều vùng đất, chị Chinh Nguyễn giữ một số âm điệu của xứ Huế. Trong cuộc nói chuyện, khi “bí” từ, chị lại cầu cứu trợ lý: “Chỗ này nói như thế nào cho đúng nè, Trung hè?”

Chị Chinh nói, chị là người đầu tiên đưa trái thanh long của Việt Nam nhập khẩu chính ngạch vào Mỹ. Sau đó là vú sữa, chôm chôm, nhãn, vải thiều… và gần đây là mắm tôm chua, bánh nậm, bánh bột lọc. Một vị khách hàng 60 tuổi đã bật khóc khi ăn món bánh nậm vì nhớ vị quê nhà.

Xuất thân từ dòng dõi Hoàng tộc, cuộc sống trên đất Mỹ của chị có thuận lợi hơn người khác hay không?

Tôi sang Mỹ khi 19 tuổi, đó là một lứa tuổi rất… dở, vì không học trung học được, mà cũng chưa học đại học được. Như bao gia đình xa xứ để lập nghiệp khác, chúng tôi đến với “giấc mơ Mỹ” và mang theo nhiều khát vọng lắm.

Dù xuất thân trong gia đình hoàng tộc, cuộc sống ở xứ người thực sự cực nhọc, không có thuận lợi hơn so với người khác. Do kinh tế khó khăn, các anh chị lớn chọn hy sinh, đều phải đi làm để các em nhỏ hơn được đi học.

Nhưng có vẻ ở gia đình chúng tôi, ba mẹ kỷ luật nghiêm khắc hơn một chút với con cái. Ông bà thường nói với các con rằng: “Dân giàu thì nước mới mạnh, với gia đình mình, giàu không phải là của cải vật chất mà là giàu về tri thức, nhân cách sống”. Khi một người có tri thức và nhân cách, những thứ khác sẽ đến và chúng ta có thể thành công.

Tôi đã lớn lên ở New York rồi trở thành một kế toán viên, thông dịch viên trong sự đùm bọc, dạy dỗ của người lớn trong nhà như thế.

Vậy tại sao chị chuyển hướng sang kinh doanh thực phẩm?

Năm 2004, khi 34 tuổi, do kinh tế khó khăn, tôi về Houston để khởi nghiệp. Với tư duy là trong cuộc sống, cái gì cũng bỏ qua được nhưng ăn uống thì không, tôi đã chọn ngành thực phẩm. Giàu hay nghèo cũng phải ăn mà, phải không?

Thực ra nó cũng xuất phát từ bản thân khi mà tôi không ăn được đồ ăn của Mỹ, tôi chỉ thích món ăn truyền thống Việt Nam. Nhiều người Việt bên Mỹ cùng gặp khó khăn với vấn đề ăn uống như vậy.

Tôi nhận thấy tiềm năng của thị trường món ăn Á tại Mỹ bởi vì nhìn chung, đồ ăn Việt Nam có bản sắc riêng, đa dạng và đặc biệt không nhiều calo như món ăn của các nước bạn. Xu hướng ăn món ít calo không chỉ của người Việt mà thậm chí người Mỹ khi đã ăn quen thì họ cũng thích hơn món nội địa.

Dù vậy, ngành này đối với tôi khi ấy rất mới, tôi không biết gì cả. Cứ học từng chút từng chút một.

Vào ngày đó, nếu ra chợ, các bạn sẽ thấy 90% sản phẩm thực phẩm Á Đông bị chiếm lĩnh bởi Thái Lan. Sản phẩm Việt Nam chưa đầy 10%. Tôi ấp ủ một ước mơ đem nông phẩm Việt Nam đến Mỹ và đem những món ăn Việt Nam đến với những người Việt xa xứ.

Thị trường Mỹ không thiếu các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối thực phẩm châu Á, chị đã cạnh tranh bằng cách nào?

Tôi đã xây dựng đội ngũ ở Việt Nam và Mỹ để tìm kiếm sản phẩm, xử lý thủ tục giấy tờ với hỗ trợ từ các luật sư. Họ chuyên nghiệp và đến nay đều là những người có kinh nghiệm lâu năm.

Tiêu chí tôi đưa ra cho các bạn ở Việt Nam là chọn lọc thật kỹ những món ăn ngon, đặc sản vùng miền đậm chất truyền thống của Việt Nam, được sản xuất bởi những đối tác có uy tín trong ngành ẩm thực Việt, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, bao bì đẹp. Những sản phẩm đưa đến Mỹ phải đúng hương vị và hình thức để đem đến cho khách hàng một món ăn không những ngon mà còn chứa đựng những thông điệp tốt đẹp của con người VIệt Nam.

Ăn các món ăn đó cũng là cách hướng về văn hoá quê hương để các bạn trẻ được sinh ra và lớn lên ở Mỹ không quên nguồn gốc người Việt Nam.

Yếu tố cạnh tranh của tôi chính là chất lượng bởi vì đồ ăn chính là thứ không thể lừa gạt người dùng. Người ta ăn phải thấy ngon thì mới mua lâu dài, còn nếu dở thì chỉ ăn một lần rồi không bao giờ quay lại nữa.

Vì thế, sau khi chọn lọc được sản phẩm tiềm năng, chúng tôi tham khảo tư vấn từ những nghệ nhân ẩm thực hàng đầu của Việt Nam để có hương vị chuẩn chỉnh nhất. Sau đó sản phẩm được chính tôi nếm thử. Nếm thấy ưng thì mới bắt đầu tiến hành sản xuất.

Phải tự hào rằng tôi là một người nấu ăn rất giỏi và khắt khe với chất lượng đồ ăn, cho nên tôi tự tin vào khả năng tiêu thụ của những món ăn mà tôi đã nếm và chọn lựa.

Nhớ lại, khi bắt đầu kinh doanh, ba mẹ đã căn dặn phải giữ gia quy, đó là phải đặt cái tâm vào mọi việc mình làm, đặc biệt là làm thực phẩm. Chính mình ăn món ăn, thấy an toàn và thấy thích thì khi đưa đến tay người tiêu dùng, họ cũng thấy an toàn, không phải lo lắng. Đó là làm ăn có tâm.

Thương trường luôn có sự cạnh tranh gay gắt, đặc biệt trong lĩnh vực ẩm thực. Nhưng CTWS có hướng đi riêng như vậy. Bên cạnh đó, CTWS có những “thuật toán” riêng biệt để nhận biết nhu cầu người dùng, nên các chiến thuật của chúng tôi thường đi trước đối thủ một vài bước. Đó là bí mật kinh doanh của CTWS.

Nhập khẩu chính ngạch và phân phối các sản phẩm thực phẩm Việt vào Mỹ có gì khó khăn?

Trong các ngành thì ngành thực phẩm là dạng khó. Phải thông qua rất nhiều thủ tục chứng từ kiểm duyệt của FDA vì thị trường Mỹ là một thị trường khó tính. Có những sản phẩm truyền thống như các loại mắm và những sản phẩm lên men tự nhiên, khâu hoàn thành chứng từ mất hơn 6 tháng mới được thông qua các quy định nghiêm ngặt. Tất cả các món ăn truyền thống đều phải qua quy trình kiểm duyệt, thử nghiệm tại phòng Lab để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cũng may mắn là trong thời gian qua CTWS đã gây dựng được hệ sinh thái với những công ty sản xuất thực phẩm có uy tín. Họ đã cùng cố gắng và hỗ trợ hết mình cho CTWS, dồn tâm sức vào nghiên cứu sản phẩm một cách bài bản để sản phẩm được thành công và có thể cạnh tranh với các sản phẩm của Trung Quốc và Thái Lan trên đất Mỹ.

Vào dịp Tết Nguyên đán năm trước, chị đã đưa bánh nậm, bánh bột lọc và mắm tôm chua vào Mỹ. Thương vụ có gì thú vị?

Như tôi vừa nói, tiêu chí chọn sản phẩm của CTWS là đặc sản vùng miền của Việt Nam. Khi tình cờ phát hiện ra các sản phẩm mắm tôm chua và bánh bột lọc của Sông Hương có tiềm năng và phù hợp tiêu chuẩn của mình, chúng tôi đã liên hệ và họ gửi sản phẩm mẫu để tôi thử.

Khi nếm bánh bột lọc, tôi đã phải thốt lên “Wow”. Mỹ không cho nhập khẩu chính ngạch các loại thịt nên bánh bột lọc này chỉ còn nhân tôm, dù vậy nó vẫn đủ ngon, đủ thơm và đủ độ béo không thua kém bánh nhân tôm thịt truyền thống của Việt Nam.

Nhưng mắm là món thực phẩm lên men, rất khó để Cục an toàn thực phẩm Mỹ chấp nhận. Dù vậy, kinh nghiệm nhiều năm cùng sự nỗ lực của cả CTWS và Sông Hương đã giúp chúng tôi đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn FDA và trở thành đơn vị đầu tiên mang tất cả các sản phẩm mắm truyền thống của 3 miền Bắc Trung Nam vào Hoa Kỳ.

Người tiêu dùng ở đây đón nhận ra sao?

Rất may mắn những sản phẩm đem tới nước Mỹ được Kiều bào đón nhận một cách nồng nhiệt. Có lần tôi chứng kiến tận mắt một vị khách hàng tầm 60 tuổi ăn món bánh nậm và bật khóc. Chú nói: “Lâu lắm rồi mới có lại vị cảm giác quê nhà như vậy. Bao nhiêu ký ức ùa về”.

Như vậy cho thấy món ăn Việt của mình không chỉ đơn thuần là món ăn cho no. Nó còn mang cả văn hóa dân tộc đặc trưng các vùng miền Bắc Trung Nam và cảm xúc cho người ăn nữa.

Còn người Mỹ, họ yêu thích nhất là món bánh mì Chả Cá của Việt Nam. Món này được người Mỹ ủng hộ rất nhiều vì tiện lợi trong những buổi ăn sáng để đi làm.

Mắm tôm chua hay bánh bột lọc có phải là thương vụ khó nhất mà CTWS từng thực hiện không?

Nhập khẩu các sản phẩm khô của Việt Nam vào Hoa Kỳ khó, nhưng trái cây tươi mới là gian nan và rủi ro. Chắc bạn không biết, tôi chính là người đầu tiên đưa thanh long Việt Nam nhập khẩu chính ngạch vào Mỹ.

Với loại trái cây này, trải qua nhiều khâu từ tìm kiếm vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn đến các thủ tục FDA, vào năm 2007, tôi nhập được 4 container đầu tiên bằng đường biển. Thế nhưng, khi kiểm tra tồn dư chất bảo quản thực phẩm, 3 container đã không đạt và phải đổ bỏ tại Mỹ. Thiệt hại rất lớn nhưng tôi vẫn kiên trì tìm cách mang trái cây Việt Nam nhập khẩu vào đây.

Để các chuyến sau không xảy ra chuyện như vậy, quá trình phối hợp với các doanh nghiệp phía Việt Nam và khâu kiểm soát ngay tại Việt Nam phải chặt chẽ hơn. Sau bài học với thanh long thì vú sữa cũng là loại trái cây khó khi chúng tôi phải mất 5 năm mới nhập khẩu được vào Mỹ.

Đến nay, tôi đã may mắn là người đầu tiên đem được 7 loại trái cây là thanh long, vú sữa, xoài, nhãn, chôm chôm, vải thiều Bắc Giang, gần đây nhất bưởi da xanh Bến Tre vào Mỹ.

Một doanh nghiệp ở Mỹ như CTWS khi làm việc với đối tác Việt Nam thường gặp vấn đề gì?

Chúng tôi có một yêu cầu tiên quyết về chất lượng và sự đồng đều về chất lượng. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp Việt Nam không giữ được uy tín. Lô hàng đầu tiên bao giờ cũng ngon nhất, nhưng chất lượng các lô hàng về sau giảm đi. Tôi đã từng gặp đối tác như vậy.

Sau nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn yêu cầu cam kết đảm bảo chất lượng đồng đều với mọi lô hàng, không chấp nhận cách làm việc như nói trên. May mắn là đến bây giờ, tôi vẫn luôn làm việc với các đối tác dễ chịu như anh Tuấn của Sông Hương, chị Thục của công ty Phúc An, các anh chị “làm tới làm lui” cho đến khi đạt chuẩn. Ai cũng muốn sản phẩm của mình đến và ở được với khách hàng chứ không phải là đến rồi đi.

Như chị nói, ai cũng muốn sản phẩm của mình đến và ở được với khách hàng. Nhưng khi xuất khẩu hàng sang Mỹ, doanh nghiệp Việt thường không được giữ thương hiệu của họ mà chỉ như đơn vị gia công cho nhà nhập khẩu. Đó đâu còn là sản phẩm “của mình” nữa?

Đó cũng là một vấn đề.

Ngày mới khởi nghiệp, tôi như ngựa non háu đá, cái gì tôi cũng muốn lấy tên thương hiệu của mình, cái gì cũng Thiên Ân và Patrick - tên 2 đứa con của tôi. Sau đó tôi nghiệm ra một điều: “Con mình thì mình mới chăm lo”. Cho nên sau này tôi không lấy thương hiệu của mình nữa mà lấy tên của công ty đó. Con ruột của họ thì họ mới chịu nuôi chứ, đúng không. Nếu dùng thương hiệu riêng của tôi thì chưa chắc họ đã dồn tâm sức để chăm chút chất lượng cho sản phẩm ấy.

Điều may mắn, tôi đều hợp tác được với các anh chị muốn sản phẩm của mình đi được xa hơn, đi vào lòng người hơn. Ai cũng tâm huyết cho đứa con của mình. Đó là điều mà tôi rất cởi mở.

Vậy chị chấp nhận chỉ là nhà phân phối đứng sau các thương hiệu Việt tại thị trường Mỹ?

Đúng vậy, như thế hàng hoá sẽ đi được dài hơn. Tôi cũng 54 tuổi tồi, biết cái nào nên buông, cái nào nên giữ.

Như sầu riêng Phương Ngọc Cái Bè, ông chủ nói nếu tôi muốn làm thương hiệu riêng thì chú ấy vẫn làm nhưng tôi nói: “Không, con bán với thương hiệu của chú để chú giữ chữ tín”.

Tôi chỉ là một cầu nối đưa họ đến với Mỹ, đó là tâm nguyện của tôi.

20 năm làm nghề, ký rất nhiều container sản phẩm Việt vào Mỹ, tôi cũng chưa bao giờ đưa tên mình hay thương hiệu của mình lên truyền thông. Bây giờ khi chấp nhận lùi về sau, đưa thương hiệu Việt đến với người tiêu dùng Mỹ thì tôi mới muốn lên tiếng. Đây cũng là lần đầu tiên tôi chính thức nói chuyện về doanh nghiệp của mình.

Gần 20 năm kinh doanh, chị đã làm được điều mình muốn?

Bây giờ 90% thực phẩm Á Đông ở các chợ của Mỹ là sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam. Nói đơn cử như trái sầu riêng, ngày xưa hàng Thái là áp đảo, nhưng giờ sầu riêng Việt Nam đứng số 1. Thương hiệu sầu riêng Phương Ngọc Cái Bè mà chúng tôi phân phối hiện giờ cực kỳ nổi tiếng ở Mỹ. Ai ăn sầu riêng cũng hỏi Phương Ngọc Cái Bè.

Chúng tôi đã có mặt tại 32 tiểu bang, đội ngũ kinh doanh và truyền thông của công ty đang tiến hành quảng bá và mở các chi nhánh tại Canada, Châu Âu, Úc Châu trong thời gian sắp tới. Ước mong của tôi là nơi nào có người Việt thì nơi đó có sản phẩm của CTWS. Xa hơn nữa là đưa được nông sản phẩm vào thị trường người Mỹ bản địa.

Tôi không phải là người quá tham vọng. Ông trời cho bao nhiêu thì mình hưởng bấy nhiêu. Tôi chỉ muốn làm đúng những gì mình cho là đúng.

Nhưng ước mơ của tôi chưa đạt. Tôi muốn tất cả các trái cây nổi tiếng của Việt Nam hay các sản phẩm nổi tiếng đặc trưng các vùng miền của Việt Nam đều được Mỹ chấp nhận.

Sắp tới đây tôi sẽ lại là người đầu tiên mang bưởi Diễn đến Mỹ, hy vọng là đúng vào dịp tết năm 2024. Tôi rất náo nức với kế hoạch này, mùi thơm của bưởi diễn tiến vua chắc chắn sẽ đem đến một cái tết đậm vị Việt ở bên này. Đồng thời việc xuất khẩu được bưởi diễn sang Mỹ cũng có thể giúp cho cuộc sống của những người nông dân trồng bưởi ở Hà Nội tốt lên.

Cảm ơn chị về những chia sẻ này

Tags:
Đàm Vĩnh Hưng bất ngờ 'đổi nghề' khi sang Mỹ, lấy nhà hàng của vợ cũ U70 làm nơi 'khởi nghiệp'

Đàm Vĩnh Hưng bất ngờ 'đổi nghề' khi sang Mỹ, lấy nhà hàng của vợ cũ U70 làm nơi 'khởi nghiệp'

Ngoài ca hát, hóa ra Đàm Vĩnh Hưng còn có 'nghề tay trái' cực xịn xò khiến ai nấy không khỏi trầm trồ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất