Hãy cẩn thận khi cho trẻ ăn thạch: Châu Âu, Mỹ, Canada đã cấm
Bài viết từ 2016, nay nhân có ca hóc thạch được bác sĩ ở Nghệ An cứu thành công, chúng tôi xin giới thiệu lại cùng các bạn!
21:00 25/06/2019
Từ khi học bác sĩ, mình đã dần sợ một món: đó là thạch rau câu. Chính xác là loại thạch hũ nhỏ, mà tiếng Anh gọi là Jelly Mini-cups. Đây là một món rất dễ hóc ở trẻ nhỏ, mà đã hóc thì khó cứu. Mình viết bài này với mong muốn là để các bố mẹ KHÔNG cho các cháu ăn, hoặc nếu cho ăn, thì cho ăn theo cách AN TOÀN.
TẠI SAO THẠCH LẠI NGUY HIỂM ĐẾN VẬY?
Đây là một món khoái khẩu ở Việt Nam. Dù chả bổ béo gì. Thạch rau câu có đặc điểm mềm, dễ nát, có thể dai, thường có màu trắng, hồng, đỏ trong suốt. Thơm ngon vậy, tại sao Mỹ, châu Âu và Canada lại CẤM bán loại thạch mini-cup này ngay từ năm 2004?
Thiết kế của thạch mini-cup là người ăn sẽ bóc vỏ và bóp đẩy thạch vào miệng để ăn. Tai họa là ở chỗ đó! Nếu trẻ đang hít vào, cười, trêu đùa khi ăn… thạch sẽ chui tọt luôn vào đường thở, gây bít tắc. Đường thở tắc nghẽn, cơ thể thiếu oxy, đặc biệt là oxy cho não, nếu không cấp cứu kịp thời, trẻ sẽ mất não, tỉ lệ hồi sức thành công là không cao hoặc nếu trẻ qua khỏi, sẽ để lại di chứng suốt đời. Không ai muốn điều đó xảy ra cả! Vấn đề này ai cũng hình dung ra được và đúng với mọi loại dị vật đường thở khác. Ở bài này, mình sẽ nói thêm về khía cạnh của một bác sĩ cấp cứu nhi trước một ca “hóc thạch”. Sẽ kinh khủng hơn rất nhiều!
Cấp cứu trẻ hóc thạch rất khó! Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương nội soi gắp dị vật đường thở cho hàng nghìn ca, đủ loại dị vật, nhưng số ca hóc thạch thì rất ít. Vì sao vậy? Vì các nạn nhân đã không kịp đến viện, hoặc một số ít may mắn tự qua khỏi.
Vậy khi nhận một đứa bé hóc thạch, bác sĩ chúng mình nghĩ đến cái gì để tiên lượng, đó là:
Thạch hũ – khi trẻ nuốt tọt vào họng và hóc, chui sâu, lập tức gây bít tắc đường dẫn khí đến phổi. Oái oăm ở chỗ, đây là một món có độ đàn hồi cao, nên khi bít tắc, sẽ như nút chai rượu vang vậy. Miếng thạch chui vào, hít sâu, rồi nở ra như cái nút chai, bít chặt lấy đường thở của cháu. Thủ thuật sơ cứu Heimlich hay vỗ lưng trở nên kém hiệu quả. Bạn hình dung ra không? Rất khó để đẩy một cái “nút chai” như thế ra ngoài!
Nếu trẻ may mắn được sơ cứu và được đưa đến viện thật nhanh, thì các bác sĩ cũng rất khó khăn và mất thời gian lâu hơn để gắp bỏ thạch, vì miếng thạch vụn, dễ vỡ nát, thậm chí màu trong suốt, hồng hồng, quan sát sẽ rất khó khăn. Thực tế nội soi hô hấp cho thấy, miếng thạch lại còn dính rất chắc vào bề mặt đường thở, lấy được hết là cả một vấn đề nan giải!
Nếu trẻ ở xa viện, hoặc bít tắc quá nặng, thời gian thiếu oxy não quá lâu thì hậu quả sẽ rất đau lòng, là tử vong, là bại não,... Ở Cấp cứu Nhi, mình đã vài lần chứng kiến cảnh bố mẹ chỉ còn biết khóc vì thương con, vì hối hận, nhìn con cứ xa mãi, xa mãi. Rất thương!
Cơ chế tai họa là vậy, tóm lại: Thạch, đặc biệt là thạch hũ nhỏ, là RẤT NGUY HIỂM. Châu Âu (2004) đã CẤM, Canada đã CẤM, Nhật Bản (quê hương của món này, 2010) đã CẢNH BÁO, FDA Mỹ (2002) đã CẤM NHẬP KHẨU. Và loại thạch này vẫn là món được nhiều bà mẹ, nhà trẻ, trường tiểu học, liên hoan… mua dùng?!
CÁCH ĂN THẠCH AN TOÀN
Sau đây, có vài hướng dẫn cho trẻ ăn thạch “an toàn hơn”:
- Không mua, tặng, cho trẻ ăn thạch mini-cup (hũ nhỏ).
- Nên mua thạch mềm, cốc lớn (có thìa đi kèm).
- Khi ăn, bắt buộc phải đổ thạch ra cốc, bát, hướng dẫn trẻ xúc ăn từng miếng nhỏ.
- Không trêu đùa trẻ khi ăn, không cho trẻ ăn khi đang cười, khóc, quấy, đùa nghịch.
Khuyến cáo này cũng áp dụng đối với người cao tuổi khi ăn thạch.
CÁCH SƠ CỨU KHI TRẺ HÓC
Đây là cách sơ cứu trẻ khi nghi ngờ bị hóc, dị vật đường thở nói chung và hóc thạch nói riêng.
Ngay lập tức kêu gọi hỗ trợ xung quanh và đồng thời:
- Vỗ lưng và ấn ngực với trẻ nhỏ.
- Thủ thuật Heimlich ở trẻ lớn.
- Ép tim thổi ngạt khi có ngừng tim ngừng thở.
- Không cố lấy, móc lấy dị vật.
- Sau khi sơ cứu, đưa ngay đến bệnh viện gần nhất, nói rõ với nhân viên y tế là cháu bị hóc thạch, mô tả loại thạch và màu thạch.
MỘT SỐ GỢI Ý CẤP CỨU ĐỐI VỚI NHÂN VIÊN Y TẾ
Theo một số ca lâm sàng được báo cáo trên JAMA và kinh nghiệm của các bác sĩ nội soi hô hấp, thì sau khi sơ cứu, song song với hồi sức nâng cao, cách lấy dị vật hiệu quả là đặt ống nội khí quản, thông khí hỗ trợ, rồi dùng sonde hút và máy hút để hút thạch đã được chọc nát (bằng sonde hút, bằng chính ống NKQ). Không cố hút hết, mà phải luân chuyển giữa hút thạch và thông khí.
TÓM LẠI:
- Không ăn thạch rau câu kiểu hũ nhỏ.
- Nếu ăn, đổ ra bát, xúc từng miếng.
- Cần phải học và thành thạo sơ cứu.
- Nếu không may xảy ra, bình tĩnh, khẩn trương sơ cứu và chuyển cấp cứu thật nhanh.
BS. Đỗ Tiến Sơn
1. Report Choking Accidents Caused by Foods. Available at https://www.fsc.go.jp/english/topics/choking_accidents_caused_by_foods.pdf
2. Food and Drug Administration, FDA warns consumers about imported jelly cup type candy that poses a potential choking hazard. August 17 2001; FDA Talk Paper TO1-38. Available athttp://www.fda.gov/bbs/topics/answers/2001/ans01099.html
3. FDA issues a second warning and an import alert about konjac mini-cup candies that pose a choking risk. October 5 2001;FDA Press Release PO-17. Available at http://www.fda.gov/bbs/topics/news/2001/new00770.html
4. FDA announces a recall by Walong Marketing Inc of mini jelly snack cups candies due to choking hazard. January 15 2002; FDA Press Release PO2-01. Available at http://www.fda.gov/bbs/topics/news/2002/new00789.html
Giá Bitcoin tiếp tục tăng vọt, vượt 11.000 USD
Hai ngày sau khi vượt qua 10.000 USD, tiền kỹ thuật số này tiếp tục lập đỉnh mới.